Vũ khúc ‘khải hoàn’ của người Da đỏ trong đêm lịch sử

CÁT LINH

Người thanh niên trẻ, mặc T-shirt kẻ sọc màu đỏ, bước nhanh khỏi chiếc xe truck để thực hiện điệu vũ truyền thống của người Mỹ bản địa trên đường phố Albuquerque, New Mexico. Toàn bộ đoàn xe hai chiều khi ấy đều dừng lại, thích thú nhìn chàng trai đến khi anh kết thúc điệu nhảy và trở vào xe của mình.

Lúc đó là đêm 7 tháng 11, giây phút nước Mỹ công bố ứng cử viên đảng Dân Chủ, cựu Phó Tổng Thống Joe Biden là Tổng Thống đắc cử (President-elect) với 270 phiếu phổ thông. Video clip vỏn vẹn 21 giây được cô sinh viên nhiếp ảnh báo chí Sharon Chischilly ghi vào ống kính đã nhanh chóng lan toả khắp mạng xã hội Twitter với 5 triệu lượt xem và chừng 40 ngàn lượt chuyển tiếp.

Video clip vỏn vẹn 21 giây được cô sinh viên nhiếp ảnh báo chí Sharon Chischilly ghi vào ống kính đã nhanh chóng lan toả khắp mạng xã hội Twitter với 5 triệu lượt xem và chừng 40 ngàn lượt chuyển tiếp.

Ashkia Randy Trujillo, tên của “nghệ sĩ đường phố bất đắc dĩ”, là quản lý một nhà hàng ở New Mexico, cha của hai đứa trẻ, và là thành viên bộ lạc Navajo (Navajo Nation) chia sẻ cảm xúc trong cuộc phỏng vấn ABC News.

“Lá cờ của bang New Mexico thực sự là một biểu tượng của người Mỹ bản địa. Nó tượng trưng cho Mặt trời. Với tôi, nhìn lá cờ tung bay, tôi nghĩ đến một ngày mới, một mặt trời mới, một ánh sáng mới.”

“Xuyên suốt lịch sử, chúng tôi luôn luôn đấu tranh để được cất lên tiếng nói. Và, tất cả đều là những âm thanh tuyệt vọng. Chúng tôi đang tạo nên những thay đổi mà chúng tôi muốn thấy,” Trujillo nói.

Navajo là bộ lạc người Mỹ bản địa được Hoa Kỳ công nhận độc lập và tự trị. Đối với Trujillo, cộng đồng Navajo của anh đã chịu đựng bốn năm đầy biến động dưới chính quyền Trump. Do đó, anh rất biết ơn sự “thay đổi người đứng đầu nước Mỹ.”

Navajo trải dài từ Arizona, New Mexico và Utah. Đây là nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, thậm chí còn là điểm nóng của dịch bệnh vào đầu năm nay.

Theo tài liệu của Trung tâm liêm chính công (Center for Public Intergrity) – tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, nơi thường có những bài viết về hệ quả của bất bình đẳng xã hội – đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh vào cộng đồng người Mỹ bản địa và cuối cùng ảnh hưởng đến sự chọn lựa trong lá phiếu của họ. Có quá nhiều khó khăn bủa vây họ, từ những hạn chế trong giao thông công cộng; đói nghèo; dịch vụ chuyển phát Bưu điện Hoa Kỳ bị trì hoãn; đến việc luật đăng ký cử tri không công nhận các địa chỉ phi truyền thống trên những vùng địa lý mà bộ lạc của họ sinh sống… Dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ (Cencus) cho biết thêm, hơn ¼ công dân trong hơn 150 cộng đồng bản địa không có quyền sử dụng xe hơi.

Ashkia Randy Trujillo, tên của “nghệ sĩ đường phố bất đắc dĩ,” là quản lý của một nhà hàng ở New Mexico, là cha của hai đứa trẻ, và là cư dân của quốc gia Navajo (Navajo Nation) chia sẻ cảm xúc khi đài ABC News phỏng vấn anh.

“Lá cờ của bang New Mexico thực sự là một biểu tượng của người Mỹ bản địa. Biểu tượng đó tượng trưng cho mặt trời. Với tôi, nhìn lá cờ đó tung bay, tôi nghĩ đến một ngày mới, một mặt trời mới, một ánh sáng mới.”

Họ bị ‘quên lãng’?

Năm 1924, Đạo luật quyền công dân Da đỏ (Indian Citizenship Act) được Quốc hội Mỹ thông qua, cấp quyền công dân cho tất cả người Mỹ bản địa sinh ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quyền bầu cử của người Mỹ bản địa không được chấp thuận bởi luật tiểu bang cho đến năm 1957, khi một số tiểu bang vẫn cấm họ đi bỏ phiếu. Người Mỹ bản địa đối mặt với những trở ngại tương tự như người Mỹ da đen, cho đến khi Đạo luật Dân quyền năm 1965 (Civil Righst Act 1965) ra đời.

Nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm trước khi Christopher Columbus khám phá ra Châu Mỹ (1492), nơi này đã là nơi sinh sống của người Da đỏ. Họ gồm nhiều bộ tộc với văn hoá, phong tục tập quán và ngôn ngữ khác nhau. Họ thờ linh hồn các động vật như những vị thần. Tựu trung, họ có một đặc điểm là gần gũi với thiên nhiên. “Mảnh đất này là bà mẹ của người Da đỏ. Tiếng thì thầm của dòng nước là tiếng nói của cha ông chúng tôi. Những bông hoa thơm ngát là chị em của chúng tôi…” – đó là nội dung lá thư của tộc trưởng Seattle thuộc bộ lạc Duwamish trả lời Tổng thống Franklin Pierce năm 1854, khi vị tổng thống này muốn người Da đỏ nhượng đất cho người da trắng.

Bức hoạ những bộ tộc người Da đỏ được vẽ vào khoảng năm 1800.

Cuộc sống yên bình của họ sau đó bị khuấy động bởi loạt “thám hiểm”, bắt đầu từ hành trình tìm Châu Mỹ của Christopher Columbus; sau đó đến lượt các nhà thám hiểm Châu Âu khác. Người Mỹ bản địa bắt đầu đối mặt nhiều cuộc chiến đẫm máu để giữ đất. Kết quả, họ bị đuổi khỏi nơi ở. Buôn làng, đất đai của họ bị chiếm. Diện tích sống của các bộ tộc Da đỏ bị thu hẹp dần. Nhiều bộ tộc thậm chí biến mất. Tuy nhiên, không phải suốt bao nhiêu năm dài lịch sử, cuộc đấu tranh người Mỹ bản địa đều hoàn toàn “rơi vào thinh không” như cách nói của Trujillo.

Ngày 2 tháng Sáu, 1924, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật quyền công dân Da đỏ. Trước đó, quyền công dân được xét dựa trên các yếu tố chẳng hạn họ là cựu chiến binh hoặc là phụ nữ kết hôn với công dân Hoa Kỳ.

Một bước tiến khác, ngày 4 tháng Ba, 1929, Charles Curtis là người Mỹ bản địa đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Herbert Hoover.

Ngày 11 tháng Tư, 1968, Tổng Thống Lyndon B. Johnson ký đạo luật Dân quyền của người Da đỏ – The Indian Civil Rights Act – trao cho các bộ lạc người Mỹ bản địa nhiều quyền lợi hơn.

Từ đó, nhiều bảo tàng được thiết lập. Lịch sử người Mỹ bản địa cũng được đưa vào hệ thống giáo dục như một cách bày tỏ sự tôn trọng họ.

Chữa lành và hàn gắn vết thương

Dù vậy, những bảo tàng lẫn hệ thống giáo dục dường như chưa đủ để chữa lành vết thương quá sâu theo thời gian đối với người Mỹ bản địa. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 cho thấy rõ điều đó. Tại một số nơi, người Da đỏ phải đi gần 100 dặm để đến nơi bỏ phiếu, theo Chánh Văn Phòng VoteAmerica, Jordan James Harvill, nói với ABC News. Phương tiện họ sử dụng để đến địa điểm bỏ phiếu là… ngựa.

“Chúng tôi cưỡi ngựa để vinh danh tổ tiên, những người đã đấu tranh cho quyền bầu cử của bộ tộc này. Chúng tôi cưỡi để vinh danh tổ tiên chúng tôi, những người đã đi ngựa hàng ngàn dặm để thực hiện quyền bầu cử cho con cháu mình,” Allie Young, 30 tuổi, một nhà đấu tranh, đồng sáng lập Protect the Sacred nói.

Ngày 7 tháng 11, 2020, khi ông Joe Biden trở thành Tổng Thống Đắc cử của Hoa Kỳ, vũ điệu truyền thống của người Mỹ bản địa đã toả sáng trên đường phố.

Hơn nữa, ngày 17 tháng 12, bà Deb Haaland, đại diện đảng Dân Chủ của New Mexico, một người Mỹ bản địa, đã được ông Biden chọn làm lãnh đạo Bộ Nội vụ. Giới sử học và nhiều tộc trưởng bộ lạc nói rằng việc bổ nhiệm này là cột mốc quan trọng trong lịch sử “hằn nhiều sẹo” người Da đỏ.

Bà Haaland, 60 tuổi, là công dân của Laguna Pueblo, một trong 574 bộ lạc được liên bang Hoa Kỳ công nhận. Bà từng làm nên lịch sử khi trở thành một trong hai phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên được bầu vào Quốc hội năm 2018. Việc làm việc trong Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên đã biến bà Haaland trở thành hình ảnh tượng trưng cho việc hàn gắn vết thương từ lịch sử cuộc chiến bảo vệ tài nguyên và đất đai của người Da đỏ.

Trujillo cùng những người Mỹ bản địa khác từ nay đã có thể nói: “Âm thanh và vũ điệu của người Da đỏ không còn bị rơi vào hư không”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: