Vượt $1 tỷ doanh thu, đạo diễn nữ của ‘Barbie’ có ‘chạm cửa’ Oscar?

Một bảng quảng cáo kỹ thuật số hiển thị áp phích phim Barbie ở New York, hôm 24 Tháng Bảy 2023. Phim Barbie đạt kỷ lục phòng vé khi ra rạp ở Hoa Kỳ. (ảnh: Selcuk Acar/Cơ quan Anadolu qua Getty Images)

“Barbie” đã trở thành phim bom tấn duy nhất do một phụ nữ đạo diễn vượt qua doanh thu tỷ đôla. Bộ phim hài tôn vinh màu hồng do Warner Bros Pictures và Mattel Films đồng sản xuất với sự tham gia của hai ngôi sao Margot Robbie và Ryan Gosling, đã đứng đầu doanh thu phòng vé toàn cầu với hơn $1 tỷ,  tính đến cuối tuần này (theo hãng nghiên cứu Comscore).

Một cú huých khác cho nữ quyền ở Hollywood

Tính đến Chủ Nhật, 6 Tháng Tám, bộ phim đã thu về tổng cộng khoảng $1.03 tỷ ở Mỹ và thế giới, lọt vào danh sách 6 bộ phim chiếu sau đại dịch thu về hơn một tỷ đôla tiền vé (gồm “The Super Mario Bros. Movie”, “Avatar: The Way of Water”, “Spider-Man: No Way Home”, “Top Gun: Maverick” và “Jurassic World Dominion”).

Bộ phim chính kịch về Đại chiến Thế giới lần thứ II “Oppenheimer” của Christopher Nolan thu được $552.9 triệu trên toàn cầu. Thành công này đã biến đạo diễn Greta Gerwig thành người phụ nữ duy nhất tham gia câu lạc bộ đạo diễn có phim vượt qua tỷ đôla doanh thu (bà cũng là đồng biên kịch của phim).

Cho đến nay, phụ nữ chỉ mới chia sẻ cùng nam giới danh hiệu trên với những bộ phim như “Frozen” và “Frozen II” do Jennifer Lee (nữ) và Chris Buck (nam) là đồng đạo diễn; và Captain Marvel do Ryan Fleck (nam) và Anna Boden (nữ) là đồng đạo diễn. Bộ phim “Wonder Woman” của nữ đạo diễn Patty Jenkins nằm trong top 60 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại (chưa điều chỉnh lạm phát) nhưng doanh thu chỉ đạt $823.7 triệu. “Frozen” mang về $1.3 tỷ, “Frozen 2” $1.5 tỷ và “Captain Marvel” kiếm được $1.1 tỷ.

Hầu hết các bộ phim trong câu lạc bộ tỷ đôla có đạo diễn là nam. Tính đến nay câu lạc bộ tỷ đôla đã có 53 phim. “Barbie” là một trong số chín nhân vật nữ chính có trong các phim tỷ đôla. Đó là phim hoạt hình cá “Finding Dory” (2016) cùng với các công chúa hoạt hình trong “Frozen” (2013), “Frozen II” (2019) và “Beauty and the Beast” (2017). Hai bộ phim tỷ đôla lấy phụ nữ làm trung tâm là “Star Wars: The Last Jedi” (2017) và “Captain Marvel” (2019).  Trước đó có “Titanic” (1997) và “Alice in Wonderland” (2010).

Tóm lại, những bộ phim tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái hiện chiếm 18% số phim tỷ đôla và gần một nửa trong 18% này là phim hoạt hình dành cho trẻ em. Những bộ phim bom tấn có các nhân vật nữ mạnh mẽ là rất đáng biểu dương, nhưng sự thiếu vắng phụ nữ đóng vai chính hay đạo diễn trong những bộ phim tỷ đô cho thấy sự ù lỳ của Hollywood khi nói đến bình đẳng giới.

“Nó phản ánh việc Hollywood xem lợi nhuận là trên hết. Hollywood trao những bộ phim kinh phí lớn nhất và chi tiêu tiếp thị lớn nhất cho nam giới, từ đạo diễn đến viết kịch bản và vai chính,” Rebecca Keegan của trang tin The Hollywood Reporter nhấn mạnh trên podcast The Town. Vì vậy, hơi khó để nói thị trường hay bình đẳng là ưu tiên của Hollywood trong nhiều thập niên qua!”.

Hãy đợi đấy!

Matthew Bellon, phụ trách The Town lưu ý: “Phụ nữ chiếm 69% số người mua vé xem “Barbie” tuần đầu công chiếu ở Mỹ và tuần thứ hai tăng lên 71%. Có vẻ nhiều phụ nữ xem xong lại đưa người thân và bạn bè đến xem lần nữa. Sức hấp dẫn chéo của “Barbie” đối với nam giới là không thể phủ nhận”.

Stacey L. Smith chuyên nghiên cứu về sự hòa nhập trong văn hóa đại chúng tại Đại học South California cho biết tỷ lệ nữ giới tham gia truyền hình và điện ảnh đã được cải thiện đều đặn. Nghiên cứu 1,600 bộ phim hàng đầu theo từng năm, bà phát hiện năm 2007, tỷ lệ nhân vật nữ chính chỉ là 20% nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 44%.

“Chưa hoàn hảo lắm nhưng đã tốt hơn nhiều, nếu nhìn lại những bộ phim thành công nhất và tốn kém nhất thế giới thường do nam giới khống chế,” bà nói. Nhưng nếu hy vọng với “Barbie”, số phụ nữ được đề cử giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất có thể cải thiện, thì hãy nhìn lại quá khứ. Chỉ có bảy người! Và có thể vẫn thế trong năm 2024.

Mặc áo hồng đi xem Barbie. (ảnh: Selcuk Acar/ Anadolu Agency via Getty Images)

Cần nhớ, đạo diễn “Barbie” Greta Gerwig đã được đề cử Oscar đạo diễn cho bộ phim “Ladybird” (2017) của bà. “Barbie” trở thành một hiện tượng văn hóa (kéo theo là tiền bạc) thông qua điều mà các nhà phân tích mô tả là “sự kết hợp khôn ngoan giữa hoạt động tiếp thị và một câu chuyện thu hút được khán giả”.

Khán giả xem phim (một số mặc trang phục màu hồng) ngồi chật kín các rạp chiếu phim trên khắp nước Mỹ trong những tuần gần đây để xem bộ phim tập trung vào con búp bê Mattel và cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của nó. Paul Dergarabedian, nhà phân tích truyền thông cao cấp tại Comscore nhận định: “Có vẻ mọi người trên thế giới đang nói về ‘Barbie’. Bạn không thể kiếm được một tỷ đôla nếu phim không trở thành hiện tượng”.

Ynon Kreiz, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của Mattel, cho biết kết quả của những nỗ lực tiếp thị “khiến bộ phim khó bị bỏ qua”. Ông nói: “Barbie đã biến thành một sự kiện văn hóa”. “Barbie” là hy vọng lớn cho các rạp chiếu phim Hollywood nhưng các hãng phim và chuỗi rạp chiếu phim vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trước mắt. Cả Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ (Writers Guild of America) và Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh (Screen Actors Guild), đại diện cho các nhà văn và diễn viên Hollywood, vẫn đình công, làm gián đoạn hoạt động sản xuất các bộ phim và chương trình truyền hình cho tương lai.

Dergarabedian cảnh báo: “Đình công càng kéo dài, tác động càng sâu sắc”.

(theo NPR, WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: