Khi đội tuyển Iran từ chối hát quốc ca

Đội tuyển Iran đã từ chối hát quốc ca khi ra sân đấu với đội Anh trong khuôn khổ bảng B tại sân vận động Khalifa International Stadium hôm 21 tháng Mười Một ở Qatar. Ảnh Amin Mohammad Jamali/Getty Images

Đội tuyển quốc gia Iran đã không hát quốc ca trước trận gặp Anh tại Cúp Thế giới (World Cup) – một hành động được cho là can đảm của các tuyển thủ nhằm ủng hộ phụ nữ Iran trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết, không trùm khăn Hijab tại quê nhà.

Cuộc phản kháng của phụ nữ Iran bùng nổ khắp nơi, kéo theo hàng triệu người dân xuống đường biểu tình, đối đầu với chế độ Hồi giáo từ trung tuần tháng Chín đến nay. Máu đã đổ, nhiều người bị giết chết, trong đó có cả trẻ em. Nhưng tất cả vẫn không làm chùn bước người dân Iran trong cuộc cách mạng giành quyền tự do và tự quyết.

Hôm nay trò chuyện với một cô đồng nghiệp gốc Iran, tôi tỏ ý ngưỡng mộ tinh thần của các tuyển thủ Iran khi họ từ chối hát quốc ca. Họ cũng không vui mừng khi ghi hai bàn vào lưới đội tuyển Anh. Một sự kiềm chế cảm xúc dẫu đó là những thời khắc khó quên trong cuộc đời thể thao của một tuyển thủ. Họ thừa hiểu, bóng đá không thể nào xoá được những thảm cảnh đang diễn ra tại quê hương.

Thế nhưng cô đồng nghiệp lại có cái nhìn khác. Cô bảo đó là điều tối thiểu mà các cầu thủ Iran có thể làm được cho quê hương, cho những người phụ nữ Iran đang can đảm, không sợ chết để đối đầu với cảnh sát và quân đội tại quê nhà.

Đối với cô và xã hội Iran, đội tuyển quốc gia đã tự đánh mất chính mình trong lòng người dân khi chấp nhận sự đón tiếp của Tổng thống Ebrahim Raïssi trước khi lên đường sang Qatar. Đối với người dân Iran, lẽ ra đội tuyển quốc gia phải từ chối sự tiếp đón có chủ đích và mang tính tuyên truyền của chế độ. Một thái độ dứt khoát của đội tuyển sẽ là sự động viên và tiếp lửa cho cuộc tranh đấu của phụ nữ Iran. Đội tuyển bóng đá quốc gia Iran phải đứng về phía dân tộc chứ không là “tài sản” của chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tiếc thay, các tuyển thủ đã chọn chế độ và ngoảnh mặt lại với những nỗi đau của dân tộc.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (thứ 3 từ bên trái) chụp ảnh chung với đội tuyển quốc gia Iran tham dự World Cup hôm 14-11-2022 trước khi đội tuyển lên đường sang Qatar. Ảnh Phủ tổng thống Iran phát/ AFP

Đó chính là lý do, theo cô, đội tuyển Iran đã bị người dân Iran chối từ, không nhìn nhận trong giải đấu này.

Đội tuyển bóng đá đã bỏ một cơ hội lớn và một sứ mệnh lịch sử để đứng về người dân chống bạo quyền, nhất là trên phương diện truyền thông quốc tế.

Cho nên, theo cô kể, tại Teheran, mỗi khi đội Anh ghi bàn, người dân lại vui mừng, ca hát. Một hình thức phản đối một đội bóng đã trở thành công cụ tuyên truyền của chế độ Hồi giáo cực đoan.

Cộng đồng người Iran tại thành phố Geneva cũng chán nản trước thái độ của đội tuyển quốc gia. Dẫu hôm nay họ không hát quốc ca, nhưng tất cả đã quá muộn. Nhiều người Iran đã từ chối, không xem trận bóng, một hình thức “tẩy chay” dành cho sự thiếu can đảm của các tuyển thủ.

Cô nhìn tôi và bảo rằng, anh biết không, chúng tôi mê bóng đá lắm. Người Iran chơi bóng đá từ nhỏ, họ không bỏ sót một trận đấu nào của đội tuyển quốc gia. Nhưng có những thời điểm, bóng đá chẳng là gì so với sự thống khổ, đàn áp, chết chóc mà người dân gánh chịu trong xã hội. Tự do và dân chủ mới chính là khát vọng của chúng tôi, của cả dân tộc Iran.

Tôi tự nhủ, cứ tưởng rằng chối từ hát quốc ca là sự can đảm và đáng trân trọng. Nhưng đối với dân tộc Iran, đó là chỉ là việc tối thiểu, thậm chí đã quá muộn màng khi họ đã không đủ dũng khí để đứng về phía nhân dân, những người đang bị tàn sát.

Khái niệm dân tộc và chế độ rất rõ ràng nơi cô bạn đồng nghiệp người Iran. Chế độ chính trị chỉ là tạm bợ, phút chốc. Chỉ có dân tộc mới là vĩnh cửu và trường tồn!

Theo cô, chế độ chính trị Hồi giáo tại Iran dứt khoát phải bị xoá bỏ bởi sức mạnh vũ bão của khát vọng tự do và dân chủ.

Một trận bóng mang nhiều ý nghĩa và cảm xúc. Ai dám bảo thể thao và chính trị không có sự liên quan mật thiết?

Chợt hỏi, có bao nhiêu dân tộc, vốn đang bị chà đạp bởi một chế độ độc tài toàn trị, dám thức tỉnh và anh dũng xuống đường phản kháng chống lại bạo quyền như dân tộc Iran?

Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến người viết tin rằng cuộc cách mạng khởi xướng bởi những người phụ nữ Iran anh hùng sẽ thành công, bất chấp bao mạng người sẽ phải hy sinh.

Tôi nói với cô đồng nghiệp rằng, ước gì một ngày nào đó, chúng tôi, những người Việt, cũng cùng số phận như đồng bào của cô, sẽ thức tỉnh để can đảm giành quyền tự quyết cho tương lai của dân tộc!

Vì chỉ có dân tộc mới là trường tồn và vĩnh cửu…

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: