Khi toàn cầu hóa xâm nhập World Cup

Timothy Weah của đội tuyển quốc gia Mỹ là người gốc Liberia (ảnh: Ryan Pierse/Getty Images)

Trong 59 cầu thủ sinh ở Pháp dự World Cup lần này, hơn một nửa nằm trong các đội bóng châu Phi! Ở trận đấu thứ 13 của Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 tại Qatar, tiền đạo người Thụy Sĩ Breel Embolo chỉ nhẹ nhàng giơ tay chào sau khi ghi bàn quyết định vào lưới Cameroon.

Việc không ăn mừng quá đáng là một dấu hiệu của sự tôn trọng: Embolo vừa ghi bàn thắng đầu tiên tại World Cup vào lưới Cameroon, nơi anh sinh ra và cha anh đang sống!

Embolo là một trong 136 cầu thủ bóng đá tại Qatar đại diện cho các quốc gia không phải quốc gia họ chào đời. Tờ Quartz cho biết, hầu hết cầu thủ này chơi cho năm đội của châu Phi tại World Cup. Maroc là đội tuyển có “ngoại binh” nhiều nhất và là đội duy nhất tại World Cup 2022 có hơn một nửa trong 26 cầu thủ sinh ra ở các quốc gia khác! Đây không phải là một xu hướng mới.

Breel Embolo (ảnh: Lukas Schulze/Getty Images)

Trước đó, nhiều cầu thủ đã tham dự World Cup cho các quốc gia không phải nơi sinh của họ. Ví dụ, Eusebio, cầu thủ vĩ đại người Bồ Đào Nha và là vua phá lưới World Cup năm 1966, sinh ra ở Mozambique. Hoặc Miroslav Klose, tiền đạo người Đức hiện giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất tại các kỳ World Cup (16 bàn), là người sinh ở Ba Lan.

Danh thủ Eusébio da Silva Ferreira của Bồ Đào Nha và là vua phá lưới World Cup năm 1966, sinh ra ở Mozambique (ảnh: Alessandro Sabattini/Getty Images)

Tại World Cup Qatar, con số đáng kinh ngạc là có đến 16% cầu thủ tham gia giải đấu là những người rời đất nước mình để hy vọng mang lại vinh quang cho… nước khác! Xu hướng này ngày càng trở thành “động lực di cư” trong thể thao quốc tế. Vậy điều gì quyết định quốc tịch của một cầu thủ bóng đá?

Năm 2020, FIFA, cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu, đã sửa đổi các điều kiện liên quan việc một cầu thủ phải đáp ứng để có thể được tham dự World Cup, trong đó nhấn mạnh: Phải có “mối liên hệ thực sự” với đội tuyển quốc gia mà họ muốn thi đấu. Các tiêu chí cơ bản bắt buộc là: Nơi sinh, nhập tịch theo nơi cư trú hoặc nơi sinh của ông nội hay bà nội. Nhưng cũng có ngoại lệ đối với các trường hợp phức tạp như người không quốc tịch.

Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi điều lệ là ngăn chặn các hành vi “mua quốc tịch” trong tình hình các liên đoàn bóng đá quốc gia tìm mua những cầu thủ bị lãng quên trên quê hương họ.

Một ví dụ nổi tiếng cho chiến thuật này là nỗ lực của Qatar để mua ba cầu thủ Brazil vào năm 2005 bằng tiền mặt nghe nói lên đến $1 triệu. Bị FIFA ngăn cản, Qatar chọn con đường khác để xây dựng đội tuyển quốc gia: Tuyển mộ cầu thủ từ lúc còn nhỏ ở những nước khác, cho nhập tịch và đào tạo tại Học viện Aspire rộng lớn ở thủ đô Doha. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đội hình của Qatar tại World Cup lần này có tới 10 cầu thủ sinh ở nước ngoài đến từ tám quốc gia khác nhau!

Kylian Mbappe của tuyển Pháp có cha là người Cameroon (ảnh: Chris Brunskill/Fantasista/Getty Images)

Các đội châu Phi tìm cầu thủ tại châu Âu

Senegal, Tunisia, Cameroon có nhiều cầu thủ sinh ra ở nước ngoài trong đội tuyển quốc gia dự World Cup. Nhưng có một sự khác biệt. Cả ba là thuộc địa cũ của Pháp với người dân nói tiếng Pháp và có mối quan hệ văn hóa và thương mại mạnh mẽ với Pháp. Nhiều người từ ba quốc gia này di cư đến Pháp và lập gia đình ở đó. Pháp và các quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Hà Lan có các học viện bóng đá và câu lạc bộ chuyên nghiệp được tổ chức tốt (hầu như không có ở châu Phi).

Con cái của những người di cư châu Phi ở đó đã tìm cách vượt qua những trở ngại để trở thành cầu thủ bóng đá giỏi. Nhưng sự cạnh tranh ở đỉnh cao rất khốc liệt. Trong khi một số cầu thủ gốc Phi như Bukayo Saka và Antonio Rüdiger tiếp tục chơi cho các quốc gia châu Âu nơi họ sinh ra, thì nhiều người khác sẵn sàng thi đấu cho các đội châu Phi ngay cả sau khi đã chơi cho đội trẻ ở quê hương châu Âu của họ. Các đội bóng châu Phi không ngần ngại khi tận dụng nguồn tài năng có sẵn bên ngoài này.

Một động thái đáng chú ý trước thềm World Cup 2022 là việc Ghana thuyết phục cầu thủ 28 tuổi gốc Tây Ban Nha Iñaki Williams đầu quân cho đội “Black Stars” (Những ngôi sao đen) bất chấp việc em trai Nico của Williams được chọn vào đội tuyển Tây Ban Nha (Ghana đã làm điều tương tự với hai anh em Boateng vào năm 2010).

Thống kê cho thấy có 42% trong 130 cầu thủ châu Phi tại World Cup Qatar sinh ra bên ngoài lục địa đen, chủ yếu ở Pháp. Trong 59 cầu thủ gốc Pháp (sinh ở Pháp) dự World Cup lần này, hơn một nửa là đại diện cho các đội bóng châu Phi. Vào thời điểm mà các chính phủ châu Phi thuộc địa cũ của Pháp muốn nới lỏng sự ràng buộc của họ với nước Pháp (như hệ thống tiền tệ CFA và triển khai quân sự chẳng hạn), việc nhập khẩu tài năng bóng đá Pháp đến châu Phi vẫn sẽ tiếp tục.

Alphonso Davies (áo đỏ) của đội tuyển Canada có cha mẹ là người Liberia sống trong một trại tị nạn ở Ghana (ảnh: Richard Heathcote/Getty Images)

Người di cư châu Phi để lại dấu ấn tại Qatar

Có phải châu Phi là nguồn cung cấp phần lớn các cầu thủ sinh ở nước ngoài cho các đội tuyển châu Âu? Câu trả lời, vừa có vừa không! Có không quá hai cầu thủ trong đội tuyển Pháp sinh ra ở châu Phi. Giới hạn tương tự cũng áp dụng cho các đội châu Âu khác và Canada. Anh và Mỹ không có cầu thủ gốc châu Phi. Timothy Weah, tiền đạo người Mỹ, con trai của vua sân cỏ một thời George Weah (nay là tổng thống Liberia), sinh ở New York City.

Nhìn các đội tuyển trên sân tại Qatar 2022 sẽ thấy đậm dấu ấn người châu Phi di cư. Kylian Mbappe của tuyển Pháp (một trong những cầu thủ ghi bàn tốt nhất Vòng chung kết năm nay và là ứng cử viên cho danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất) có cha là người Cameroon. Đồng đội của anh là Aurélien Tchouaméni cũng thế. Cody Gakpo, một cầu thủ ghi bàn hàng đầu khác của Hà Lan, có cha là người Togo. Cầu thủ trẻ nhất World Cup năm nay Youssoufa Moukoko, 18 tuổi, chơi cho tuyển Đức nhưng sinh ở Cameroon.

Aurelien Tchouameni sinh ở Rouen, Seine-Maritime; trưởng thành ở Bordeaux, Gironde (Pháp), là người gốc Cameroon (ảnh: Liu Lu/VCG via Getty Images)

World Cup thời hiện đại không chỉ giới thiệu mô hình “toàn cầu hóa” trong bóng đá mà còn đưa ra những minh chứng mạnh mẽ cho thấy “tư tưởng bài ngoại là không có lợi”. Chẳng hạn, người Canada sẽ mãi nhớ bàn thắng đầu tiên tại World Cup của họ được ghi bởi Alphonso Davies, 22 tuổi có cha mẹ là người Liberia sống trong một trại tị nạn ở Ghana. Bốn năm nữa, khi Canada đăng cai tổ chức World Cup cùng với Mỹ và Mexico, ai biết được Davies sẽ lập thêm kỷ lục nào khác và sẽ có thêm đồng đội nào của anh sinh bên ngoài Canada?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: