Vì sao bàn thắng của đội Nhật Bản vào lưới Tây Ban Nha trong trận đấu ngày 1 Tháng Mười Hai vẫn được công nhận dù có vẻ bóng đã ra ngoài vạch cuối sân trước khi được tạt lại vào sân và ghi bàn?
Bàn thắng khiến đội Đức bị loại khỏi World Cup 2022 thoạt đầu không được tính. Trận đấu mở màn bằng chiến thắng của Tây Ban Nha và sau đó Nhật gỡ hòa. Sang đầu hiệp hai, Nhật ghi thêm một trái. Chính bàn thắng này là điều đang gây tranh cãi quyết liệt và nó gián tiếp tiễn đội Đức lên đường về nước (sau khi tính điểm vòng đấu bảng). Thoạt đầu, các trọng tài không công nhận vì bóng dường như đã hơi qua vạch vôi cuối sân cạnh khung thành, trước khi được một cầu thủ Nhật móc ngược vào sân để một cầu thủ khác ghi bàn trước sự bất lực của thủ môn.
Tuy nhiên, các trợ lý trọng tài video (video assistant referee-VAR), sau khi xem lại toàn bộ góc quay, đã đảo ngược quyết định của trọng tài. Lý do, dù các bản phát lại và ảnh tĩnh đều cho thấy bóng có vẻ đã hơi quá vạch vôi đường biên, nhưng lại không hẳn như thế, ít nhất là không được chứng minh đầy đủ và không rõ ràng nếu nhìn từ phía trên xuống theo phương thẳng đứng. Từ một số góc quay của VAR, có cỏ xanh giữa quả bóng và vạch cuối sân màu trắng. Chính một chút màu xanh lá cây đó đã khiến hàng triệu người hâm mộ, thậm chí cả các trọng tài, cho rằng bàn thắng sẽ không được tính.
“Như chúng ta thấy trong cảnh phát lại này, trái bóng quả thực đã ra ngoài sân – cựu trọng tài Ngoại hạng Anh Mark Clattenbirg nói trên chương trình truyền hình Fox – Do đó nó sẽ không được tính. Bàn thắng nên bị bác bỏ!”. Nhưng Clattenburg đã nhầm. Một chút màu xanh lá cây giữa bóng và đường vạch cuối sân không kết luận được bóng đã ra ngoài sân.
Theo luật, bóng chỉ ngoài sân khi toàn bộ quả bóng đã đi qua hoàn toàn mặt phẳng của vạch vôi. Nói cách khác, nếu bạn đặt một chiếc hộp chữ nhật trong suốt có mặt dưới phủ hết đường biên và đặt thẳng đứng với mặt đất thì khi quả bóng chạm vào chiếc hộp này ở bất kỳ phần nào trước khi bị tạt lại vào sân, nó vẫn được xem là còn nằm trên đường biên. Và dĩ nhiên bóng vẫn trong cuộc chứ chưa ngoài cuộc.
Các góc máy quay VAR cung cấp góc nhìn toàn cảnh dường như cho thấy một phần nhỏ của quả bóng chạm vào phía trên của chiếc hộp nhìn theo chiều thẳng đứng (nhìn nghiêng sẽ không thấy). Vì vậy sau khi xem lại video ở góc độ chính xác nhất từ trên xuống dưới, bàn thắng của tuyển Nhật Bản đã được công nhận. Dĩ nhiên, môt quyết định như thế không phải luôn luôn đúng.
Trong khi các bàn thắng có thể được kiểm tra thông qua công nghệ đường kẻ trước khung thành (goal-line technology), tương tự như hệ thống “Hawk-Eye” (mắt diều hâu) phổ biến trong môn quần vợt, thì công nghệ này chỉ áp dụng giữa hai cột khung thành. Nay, VAR có thể truy cập vào nhiều góc độ từ các camera được đặt dọc theo vạch vôi cuối sân. FIFA không công bố video hoặc ảnh tĩnh được sử dụng để đảo ngược quyết định ban đầu của trọng tài trên sân, nhưng các trợ lý video kết luận chắc chắn những góc nhìn đó là chính xác. Và bàn thắng được công nhận.
Cũng cần nhắc lại hai bàn thắng bất ngờ của đội tuyển Nhật Bản trong một bảng đấu “tử thần”. Như từng áp dụng trong trận thắng trước Đức, huấn luyện viên Nhật Bản Hajime Moriyasu đã sử dụng chiến thuật thay người trong hiệp 2 một cách tuyệt hảo, đưa Doan vào sân và cú sút chân trái của cầu thủ này đã gỡ hoà cho đội Nhật. Một lúc sau, cầu thủ Tanaka đưa đội “Samurai Blue” vượt lên 2-1 trong một pha tranh chấp “khó tin” làm cho cầu trường gần như tê liệt. Trọng tài không công nhận bàn thắng nhưng khi VAR “sửa sai”, cầu trường gần như vỡ oà với niềm vui trong nước mắt của các cổ động viên Nhật Bản. Phần mình, Tây Ban Nha vẫn vào vòng 1/8 vì chiến thắng 4-2 của đội Đức trước Costa Rica không đủ để đội Đức thoát khỏi số phận lặp lại như World Cup 2018.
Với Nhật, bất luận bàn thắng thứ hai trước Tây Ban Nha có gây tranh cãi hay không, tuyển Nhật đã đấu một trận cực kỳ xuất sắc. Cần biết, trong lịch sử World Cup, Tây Ban Nha chưa từng thua bất kỳ đội châu Á nào.