Năm Tỵ là năm cầm tinh con Rắn. Nói về rắn, tôi không sao quên được câu chuyện truyền kỳ mà cũng thật ly kỳ…
Hồi nhỏ, cứ mỗi lần đi ngang qua nhà ông Quan Ba, tôi sợ nổi da gà, mắt len lén nhìn lên cây đa ở góc vườn rồi nín thở cắm đầu, cắm cổ chạy qua… Lớn lên, tôi nghe kể:
Lúc đó, là đại úy trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa nên người ta gọi ông là Quan Ba, từ Vĩnh Long lên Sài Gòn nhậm chức ở dinh tổng thống. Ông mua miếng đất lớn lắm ở cuối dãy phố còn đầy cỏ hoang, bụi rậm và dự định xây nhà. Khi khởi công xây dựng thì phải đốn cây đa vì nó khá to chiếm nhiều đất, nhưng cưa mãi không được vì cây cứng như đá. Sau đó thợ tìm cách đào gốc, nhổ rễ… thì khám phá ra hai bia mộ nằm khuất trong đám cỏ. Ông bà Quan Ba theo đạo Phật nên muốn mời thầy về cúng rồi bốc mộ đem xương cốt vào chôn ở đất gần chùa, để hương hồn người chết được nghe kinh kệ mà an vui về nơi tiên cảnh, không quấy phá người trần gian. Nhưng đêm hôm đó, ông Quan Ba nằm mơ bị một cặp rắn xanh lè, mắt đỏ au lăm le cắn mổ làm ông bàng hoàng, kinh hãi khi tỉnh giấc.
Ông bà Quan Ba càng lo sợ khi những người thợ xây khám phá sâu dưới gốc cây đa có cặp rắn xanh đầu ngo ngoe, nhe nanh khè lưỡi đe dọa khi có người đến gần. Ông bà sợ hãi nhớ đến câu chuyện truyền kỳ về rắn đã hại công thần Nguyễn Trãi, khiến ông bị án oan phải “tru di tam tộc.” Truyền thuyết kể rằng bà Nguyễn Thị Lộ, hầu thiếp bé nhỏ, xinh đẹp của Nguyễn Trãi vốn là xà tinh hóa thành người để trả thù. Nguyễn Trãi là một thầy đồ nho, dọn đất để làm nhà dạy học, ông đã cho phá ổ rắn. Khi lấy Thị Lộ, thấy dưới bụng bà có ba cái vảy. Đến lúc Nguyễn Trãi gặp họa thì người ta cho rằng bị rắn báo oán.
“Kính lão đắc thọ,” ông Quan Ba sai người quét dọn, rửa sạch hai bia mộ, dù đã sờn mòn vì mưa nắng thời gian không còn đọc rõ chữ. Ông lại cho nhổ sạch cỏ dại quanh cây đa, rồi trồng hoa. Ông còn cho rằng “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì rắn là một sinh vật huyền bí, thầm lặng, có trực giác nhạy bén đáng sợ cho nên người ta luôn e dè, cảnh giác bởi cái bí ẩn siêu phàm ấy.
Căn nhà được xây lùi về phía sau, sân trước xây một cổng rào bằng gạch lỗ rất đẹp và nghệ thuật; ở ngoài nhìn vào không thấy rõ khu vườn và nhất là hai tấm bia mộ. Nhưng cái cây đa to xù xì, xấu xí làm nhiều người cảm thấy sợ hãi và thắc mắc tại sao không đốn đi? Người trong xóm xầm xì gọi đó là cây Đa có con ma da lại chứa một ổ rắn ma. Tối đến bà Quan Ba thường đốt nhang, mùi hương thoang thoảng khiến cho khung cảnh trở nên huyền bí đầy ma mị…!
Bóng cây về đêm vươn ra như bàn tay người khổng lồ bao trùm khu vườn và mùi hương nhang làm tăng nỗi sợ hãi không phải chỉ riêng tôi mà rất nhiều người mỗi khi đi ngang qua. Mẹ tôi thân với bà Quan Ba lắm, tôi thường đi theo mẹ qua chơi đùa với chị Hồng và nhỏ Huệ, nhưng chỉ chơi ở sân sau chứ không dám bén mảng đến gần cây đa hay khóm hoa. Dù sao cũng nể sợ con rắn hơn là con ma.
Có người Hoa trong xóm nói với bà Quan Ba:
-Người Hoa tụi tui tin vào thần Nữ Oa có thân rắn đầu người, rất linh thiêng. Thấy rắn trong sân nhà là mang tới sự may mắn, tốt lành cho nên cái nị đừng có sợ.
Có người lại khuyên ông Quan Ba là ở phía sau cây đa, ẩn trong những bồn bông, cây cảnh nên trồng những loại cây lá và bông hoa trừ rắn để bảo vệ ngôi nhà, nhưng ông đã không nghe theo.
Ông bà Quan Ba sống yên vui với con cháu và gia đình cô em út trong ngôi biệt thự đó cho đến khi miền Nam bị thất thủ vào năm 1975. Ông Quan Ba làm việc trong quân đội cho đến chức quan Sáu (đại tá) rồi về hưu. Trước ngày 30 tháng Tư, vào lúc hỗn quân hỗn quan, ông chiêm bao thấy rắn báo mộng, đôi rắn quấn quanh và kéo nhẹ chân ông rồi chĩa đầu mổ ra cửa như thúc dục ông mau chạy đi. Ông vội quyết định cùng gia đình rời Việt Nam trong lúc dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền Nam – Bắc.
Hồi kết thúc trong đau khổ của những người thất trận để lại nỗi đau thương trong lòng không bao giờ nguôi. Ông Quan Ba đưa cả gia đình qua Mỹ, trở thành người lưu vong, mất nước, sống an vui nơi xứ người nhưng lòng vẫn không nguôi thương nhớ quê hương và ngôi nhà đầy kỷ niệm.
Ông bà Quan Ba thường hay giúp đỡ, bảo bọc những người thân ở dưới quê, như gia đình cô em vẫn được sống trong căn nhà của ông để lại và họ có tên trong hộ khẩu thường trú. Có người lăm le muốn chiếm ngôi nhà vừa lớn vừa đẹp nhưng cũng không dám làm mạnh vì nghe câu chuyện “thần thoại” của đôi rắn xanh trong hốc cây đa, linh thiêng và truyền kỳ như những câu chuyện “liêu trai chí dị” duyên nợ giữa xà tinh và người trần gian để đền ơn đáp nghĩa hay báo oán trả thù. Đôi rắn có thể đã trở thành thần hộ mạng hay thần giữ của. Qua bao đời những người thân của ông bà Quan Ba vẫn sống yên ấm ở ngôi nhà có cây đa già và cặp rắn.
Ông bà Quan Ba xa quê, sống đơn sơ, đạm bạc nơi xứ người nhưng vẫn có lòng nhân từ giúp đỡ những người thân quen còn ở lại. Hằng năm vào dịp lễ Tết, thường gởi quà cho mọi người, nhất là những người ở dưới quê như chú Tư Liêm, người tài xế thân tín, bà vú Sáu nay đã già yếu và những gia đình nghèo khổ neo đơn, thiếu thốn…
Một đêm khuya thanh vắng, cả xóm đang yên lành, chợt nghe tiếng kêu cầu cứu:
-Rắn…. rắn… cắn chết anh tui rồi… bà con ơi… cứu mạng! Cứu mạng! Bớ bà con cô bác ơi…! Rắn…rắn…!
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn gần, bọn trộm cắp nghe tin nhà này giàu lòng bác ái, thương người, thường có quà từ Mỹ gởi về nên rình rập. Hai anh em kẻ trộm, đêm đó đã lẻn vào nhà, khi người anh leo lên bệ rào để thoát thân thì thấy lù lù con rắn to lớn xanh lè, khè lưỡi ra mổ vào hai cái tay, hắn đau đớn lạnh cứng người, mặt tím tái, lăn ra đất dãy dụa. Đứa em ôm mớ đồ vừa trộm cắp đứng ngoài rào chứng kiến, quá sợ hãi vội vàng kêu cứu.
Cô Hạnh, em gái của ông Quan Ba, cột chặt hai tay tên trộm ngăn máu độc khỏi chạy khắp người rồi gọi xe cấp cứu. Cô tận tình giúp đỡ, tìm mua huyết thanh để kháng nọc rắn, một phương thuốc “lấy độc trị độc.” Huyết thanh có chứa globulin, được sản xuất bằng cách chích vào ngựa một loại nọc rắn đặc biệt, sau đó chiết xuất huyết thanh từ ngựa chích vào người sẽ giải được các độc tố của nọc rắn. Nếu chất độc đã vào phá lục phủ ngũ tạng, làm suy tim, tê liệt hệ thần kinh thì coi như bó tay, bệnh nhân về chầu trời trong nháy mắt.
Sau khi được chữa lành, anh em tên trộm đến tạ lỗi và xin chừa trộm cắp. “Bần cùng sinh đạo tặc,” cô Hạnh thông cảm và thương tình giúp đỡ cho hai anh em đó một ít tiền và khuyên nên tu tỉnh làm ăn kiếm sống, đừng hành nghề “đạo chích” mà bị rắn “chích” nữa.
Qua Mỹ tôi có dịp gặp Huệ, con gái út của ông bà Quan Ba. Hỏi ra thì ngôi nhà có sửa sang lại khang trang hơn, nhưng cây đa và vườn hoa vẫn như xưa không thay đổi, đôi rắn có thể đã sinh con đẻ cái, hay tu luyện thành “tinh” rồi mà không ai biết được. Sự linh thiêng thần bí của cặp rắn cư ngụ dưới hốc cây đa được coi như một “quyền lực siêu phàm” hơn là một “ma xó” khiến trộm cắp, kẻ xấu, kẻ ác đều ngại ngần không dám xúc phạm hay xâm chiếm.
Người có quyền thế dòm ngó mong chiếm đoạt ngôi nhà, vì chủ nhân thực sự là ông bà Quan Ba và các con đã rời xa quê hương. Đêm đến người ấy nằm mơ thấy bị rắn cắn chết thảm nên sợ hãi đến hỏi sư cụ ở chùa. Sư cụ bảo: “Vì nghe quá nhiều huyền thoại nên bị nhập tâm mà lo âu, sợ hãi tạo nên cơn ác mộng, nếu không có tâm địa xấu xa thì không phải lo sợ cho dù là có rắn, có ma hay xà tinh.”
Trong văn hóa dân gian của người Việt, rắn là một sinh vật thầm lặng đầy bí ẩn, thường gây những cảm giác sợ hãi và hình thù, đặc tính của rắn đã khắc sâu trong trí tưởng tượng cũng như trong những giấc mơ. Cho dù rất mơ hồ, không thật nhưng những giấc mơ khiến người ta tin và suy đoán điềm báo lành hay dữ. Rắn xuất hiện trong những giấc mơ có thể gợi lên sự lo sợ và lo lắng hoặc những cảm xúc mà người mơ đã và đang hoặc sắp trải qua trong cuộc sống. Đó là đời sống tâm linh, một cuộc hành trình đầy bí ẩn, linh thiêng và mê hoặc với rắn.
“Siêu quyền lực” của rắn hay xà tinh làm cho người ta sợ hãi, biết làm lành, tránh ác! Có người sợ bị “ma rắn” báo thù hơn sợ “ma người,” vì người e ngại không phá ổ rắn nhưng đã không ngần ngại lấn đất bãi tha ma để xây nhà.