Chiều mùng 1 Tết Mậu Thìn, 1988, tôi đi bách bộ lang thang trên bãi biển Pulau Bidong mà lòng ngổn ngang trăm mối. Trời trong, nước xanh. Nắng vàng hiu hắt. Gió dìu dịu êm êm. Sóng vỗ rì rào tạo thành một bản nhạc du dương trầm buồn.
Xa xa đảo Cá Mập hiện lên giữa minh mông trời nước. Hôm nay biển lặng sóng êm trái hẳn những lúc phong ba, biển điên cuồng gào thét, từng đợt sóng dữ cao ngất sẵn sàng nhấn chìm mọi vật, gieo bao nỗi sợ hãi, chết chóc. Trong lòng tôi dấy lên một nỗi buồn sâu lắng, một nỗi nhớ miên man. Buồn vì từ đây phải sống đời viễn xứ với thân phận kẻ lưu đày nơi đất khách. Nhớ quê hương, nhớ tới những người thân yêu ruột thịt, nhớ cha mẹ già đêm ngày mòn mỏi đợi tin con. Rồi những cái Tết đậm đà vị ngọt quê hương cùng những kỷ niệm êm đềm mà ngày về thì vô định, tương lai thì mờ mịt. Những khúc phim, những mảnh vụn ký ức đời tị nạn lần lượt hiện ra, được chắp vá không theo thứ tự lớp lang, từ việc xảy ra gần nhứt cho tới cái xa lắc xa lơ.
Hôm qua 30 Tết, theo truyền thống, tại nơi tạm cư Long House khu F, gia đình chúng tôi rước ông bà bằng một lễ cúng thật đơn giản: mì xào gà, một dĩa trái cây không đủ “ngũ quả” và một gói bánh kẹo. Chúng tôi đón giao thừa lần đầu tiên từ lúc rời bỏ quê hương trên đảo vắng, trong buồn lặng. Tết nay thiếu hẳn một cành mai, không “thịt mỡ dưa hành,” không “cây nêu tràng pháo” để mừng Xuân. Cũng không có thịt kho riệu nước dừa, lại càng thiếu nồi khổ qua dồn thịt bởi lẽ thịt heo là điều cấm kỵ trên đất Mã.
Thỉnh thoảng âm thanh hỗn độn chát chúa phát ra từ mấy miếng tôn, miếng thiếc, từ nồi niêu xoong chảo do mấy cậu thanh niên vỗ đập liên hồi thay cho tiếng pháo. Rồi cuộc rượt đuổi của cảnh sát Mã Lai để giữ gìn an ninh trật tự. Cậu nào không may bị bắt, được “chào sân” bằng mấy cú đánh đập của cảnh sát Mã, bị cạo trọc đầu và ăn Tết trong “chuồng khỉ” (monkey house) để “gặm khối căm hờn!”
Ngày đầu năm mới, chúng tôi đến chúc Tết một số đông đồng bào tị nạn, đặc biệt các thuyền nhân cùng Long House cũng như cùng chuyến tàu MB897. Mỗi người đều mang một tâm trạng, một nỗi niềm. Ngày Xuân sao cảnh chẳng Xuân?
Để có mặt tại trại tị nạn Pulau Bidong nầy, chúng tôi phải thực hiện hai cuộc vượt biển vào những đêm tối không trăng ngày 30 âm lịch.
Tìm sự sống trong cái chết
Chuyến vượt biển lần đầu: Sáng 25 Tháng Sáu, 1987 (nhằm 30/5 âm lịch), từ Cần Thơ, gia đình 6 người chúng tôi thực hiện chuyến đi đầu tiên. Vì quá tin người, chúng tôi đã vay mượn 5 lượng vàng để “mua vé.” Chủ tàu “tốt bụng” cho mang xuống tàu trước một số vật dụng cần thiết, trong có bản thảo quyển sách về Ca Dao Miền Nam đã chỉnh sửa kỹ. Từ đó chúng tôi yên tâm chờ đợi ngày ra đi. Thế rồi gia đình tôi bị họ gạt. Giờ G đã điểm, “taxi” có đến hướng dẫn gia đình tôi đến điểm “tập kết,” nhưng con “cá lớn” đã ra khơi. Tiền mất tật mang, chúng tôi trở về nhà với thể xác rã rời, tâm trạng sầu não. Nỗi dằn vặt, tiếc nuối cứ kéo dài triền miên, âm ỷ. Nhưng chúng tôi vẫn nung nấu ý chí rời Việt Nam bằng mọi giá ngõ hầu con cháu có được một tươi lai tươi sáng. Mấy tháng sau mới hay chuyến tàu ấy đã bị công an Bến Tre bắt giữ, tài sản mang theo bị tịch thâu (trong đó có bản thảo quyển sách của tôi), người bị giam cầm. Tôi thầm nghĩ “trong họa có phước” và tin tưởng vào tâm linh…
Chuyến vượt biển lần hai: Xuất phát tại rạch Đầu Sấu, Cần Thơ vào đêm 20 Tháng Mười Hai, 1987 (nhằm 30/10 âm lịch, năm Đinh Mão). Nghe thiên hạ đồn “vượt biên có số,” tôi càng tin tưởng ở số mạng, tin tưởng vào khoa học huyền bí (nếu gặp thầy giỏi, luận đoán đúng). Trước khi xuất phát, tôi có đến xin một vị lương y am hiểu lý số bói cho một quẻ. Quẻ bói ấy có nội dung “Đình Là Thắng” và phải thực hiện vào tối 30 Tháng Mười âm lịch. Thật ra chuyến đi nầy phải đình (hoãn) ba lần vì thời tiết xấu, vì tổ chức chưa “mua” được bến bãi. Tới lần thứ ba mới thực hiện. Quẻ xăm “Thượng Thượng” quá tốt, cộng thêm câu nói của Mai – vợ tôi: “Dầu có chết gia đình chúng ta cũng phải đi” nên chúng tôi càng cương quyết ra đi với niềm tin tất thắng.
Cuộc hành trình của tôi cũng không hoàn toàn suôn sẻ. Ngay đêm xuất phát, tàu chúng tôi chạy tới 3 giờ sáng nhưng vẫn chưa đi đúng hướng. Bị mắc cạn, phải nằm chờ con nước lớn. Đến 2 giờ chiều hôm sau (21 Tháng Mười Hai), tàu gặp bão và chạy lạc tới… Cà Mau. Có người tự trách tại sao không đi vào “Tháng Ba bà già đi biển” thay vì Tháng Mười Hai, thường có giông bão. Có ai đó đề nghị chờ công an tới bắt bỏ tù hơn là liều mạng đi vào cõi chết. Nhưng đa số quyết chí ra đi – dĩ nhiên có cả vợ chồng tôi, mặc dầu phải “tìm sự sống trong cái chết.”
Thình lình một tàu tuần duyên chạy tới cặp sát tàu chúng tôi khiến 75 thuyền nhân (trong số có 22 phụ nữ và trẻ em) phải một phen hú vía. Rất may họ không khám xét. Vì vậy tàu chúng tôi hai lần thoát nạn rồi nhắm hướng biển Đông trực chỉ. Ngày thứ ba (22 Tháng Mười Hai), sau khi ra tới hải phận quốc tế, lại gặp bão. Ban đầu chỉ gió dập sóng dồi nhẹ. Rồi cuồng phong dữ dội, từng đợt sóng lớn cao ngất cỡ mấy tầng nhà như muốn nuốt trọn con tàu bé bỏng. Nước tràn vào khoang tàu ngày càng nhiều. Nhiều người chắp tay khấn nguyện, cầu mong Chúa, Phật, đức Quán Thế Âm bồ tát rộng đức háo sanh ra tay cứu khổ cứu nạn. Mạng người lúc ấy như chỉ mành treo chuông, hy vọng sống còn rất mỏng manh, nếu không muốn nói mười phần chết hết chín.
Dưới hầm tàu, người người chen chúc như cá hộp. Phần đông không ngớt nôn mửa vì say sóng. Người nầy phun “mật xanh mật vàng” vào mặt mày, vào quần áo người kia. Rồi có tiếng cãi vả, chửi bới ồn ào. Có kẻ sợ té đái, phóng uế bừa bãi. Mùi hôi thúi xông lên nồng nặc, khó thở. Tôi và hai đứa con trai lớn (Tín và Triết) bị “ém” dưới hầm tàu cũng muốn ngộp thở bởi cái mùi xú uế ấy. Vợ tôi ngồi gần buồng máy với hai đứa con trai nhỏ (Trí và Trực) cũng hít mùi dầu cặn khét lẹt đến nghẹt thở; nhưng tay vẫn nắm chặt tượng Phật, miệng không ngớt cầu nguyện. Sau đó tôi chui ra khỏi hầm tàu phụ giúp một số thanh niên khỏe mạnh thay phiên nhau tát nước.
Em Lược – người “móc nối” gia đình tôi chuyến đi nầy – rất năng nổ cáng đáng một số việc trên tàu, thất vọng nói với tôi: “Không xong rồi anh Ba ơi, chắc chúng ta phải chết hết!” Tôi an ủi với giọng cả quyết: “Không sao đâu em, anh tin rằng chúng ta sẽ thắng.” Rồi tôi đem chuyện Tử vi, bói toán ra kể cho Lược nghe để em vững niềm tin. Anh tài công giàu kinh nghiệm – Trung Úy Thọ vốn là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa, khéo lái tàu chẻ sóng đương cự với từng đợt sóng thần. Anh thợ máy Vĩnh tận tụy với công việc, bảo đảm máy chạy tốt và không bị trục trặc kỹ thuật. Sau hai tiếng đồng hồ chống chọi với phong ba, trong cơn thập tử nhứt sanh, gió bỗng đổi chiều và giảm dần tốc độ khiến ai nấy đều mừng rỡ.
Ngày thứ tư (23 Tháng Mười Hai) biển lặng. Nắng vàng rực rỡ. Đêm tối không trăng, sao sáng lung linh. Từng cơn gió nhẹ thoảng qua làm mát dịu lòng người đang ngập tràn hy vọng, háo hức tới đích. Tàu chúng tôi giương cờ trắng làm ám hiệu S.O.S. với hy vọng được tàu ngoại quốc cứu vớt. Bỗng thấy hai con cá bự… quá cỡ thợ mộc, bơi nhanh “hộ tống” tàu chúng tôi suốt mấy cây số. Rồi biến mất. Đó đây mấy miếng ván trôi bập bềnh theo sóng nước, tôi đoán là gỗ của tàu vượt biển bị đắm vỡ ra. Rồi mấy cái xác người với mái tóc dài hiện rõ trong tầm mắt. Bất giác tôi rùng mình liên tưởng tới thảm cảnh những phụ nữ xấu số bị hải tặc Thái hãm hiếp tập thể, rồi vứt xuống biển.
Sang ngày thứ năm (24 Tháng Mười Hai), sóng êm ả, biển hiền hòa. Mọi người thay phiên nhau lên “boong” tàu hóng mát, hít thở thật sâu không khí biển trong lành hầu xua đi mùi hôi hám khó chịu. Thình lình một chiếc tàu thật lớn rẽ sóng lướt tới thật nhanh như ngựa phi nước đại. Nó to lớn kình càng như một tòa nhà, còn tàu chúng tôi nhỏ xíu như một chiếc xuồng ba lá. Năm bảy thủy thủ mình trần trùng trục, bắp thịt cuồn cuộn, da đen thui thủi đứng lố nhố trên boong tàu “giương oai diệu võ” chỉ về phía chúng tôi. Mọi người nghi là tàu hải tặc Thái Lan nên thất kinh hồn vía, tìm mọi cách ứng phó, cất giấu của cải, tư trang. Người nuốt vàng vào bụng, kẻ giấu vật quý giá vào “chỗ kín.” Phe phụ nữ lấy lọ nồi, dầu máy bôi khắp mặt mày, mình mẩy cho đen đúa, xấu xí khiến bọn hải tặc ghê tởm. Có người lấy thuốc đỏ bôi vào “chỗ kín” như… có tháng.
Tiếng đọc kinh cầu nguyện liên tục. Ai theo đạo nào cứ đem kinh kệ đạo mình mà cầu nguyện. Rất may đó là tàu đánh cá Mã Lai. Họ giảm tốc độ và tắt máy trước khi đến gần tàu chúng tôi. Một ngư phủ Mã hỏi chúng tôi cần gì họ sẽ giúp. Vị đại diện tàu chúng tôi, anh Đức, đáp: “Chúng tôi cần chỉ hướng tới đảo Bidong và xin cung cấp nước uống.”
Đoạn, một ngư phủ Mã đưa ra một cái nón và xin chúng tôi một số vật dụng tùy lòng hảo tâm. Họ nhận được khá nhiều quà như đồng hồ, chút ít vàng bạc, tư trang… với tấm lòng biết ơn của thuyền nhân chúng tôi. Sau khi chỉ hướng tới đất liền (trong 6 tiếng đồng hồ nữa), họ không quên tặng chúng tôi mấy thùng nước uống và hai con cá biển bự tổ chảng để ăn mừng Giáng Sinh. Mọi người thở phào nhẹ nhõm như trút được cả khối gánh nặng lo âu và sợ hãi. Tôi và mấy cậu thanh niên đã thôi tát nước. Mấy chị em phụ nữ và mấy cậu thanh niên khỏe mạnh chia nhau làm cá và nấu hai nồi cháo lớn để chuẩn bị “ăn Réveillon.” Con tàu may mắn vẫn từ từ lướt sóng nhắm hướng đảo Bidong trực chỉ.
![](https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/02/Tet-ti-nan-2.jpg)
Giáng Sinh ở chuồng dê trên đất Mã
Giáng Sinh đầu tiên đời tị nạn (đêm 24 rạng 25 Tháng Mười Hai, 1987), chúng tôi ngủ trong chuồng dê trên đất Mã. Không có ăn Réveillon vì hai nồi cháo cá đã bị hất xuống biển, chỉ thưởng thức mùi nước tiểu và phân dê, nhưng không ai thấy đói. Suốt cuộc hải hành, chủ tàu chỉ cho mọi người uống chút nước cầm chừng vì phải để dành phòng khi “chết khát.” Bé Trực và mấy đứa con nít liên tục đòi uống nước. Vì ăn không đủ, phần vì quá lo sợ nên mọi người cố nón, không buồn nghĩ đến cái “đệ tứ khoái”- nói đúng hơn là “đệ tứ khổ.” Gió biển lồng lộng thổi vào chuồng dê mang theo cái lạnh lẽo của đêm Đông. Mọi người đều lăn đùng ra ngủ vùi vì quá mệt mỏi sau chuyến hải hành đầy căng thẳng.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi kỷ niệm không quên của đêm Giáng Sinh tại chuồng dê trên đất Mã. Đó cũng là kỷ niệm 15 năm ngày lễ đính hôn của vợ chồng tôi. Sáng hôm sau mọi người được chở tới trại Marang thuộc bang Terengganu, Mã Lai Á. Lưu trú nơi đây được bốn ngày, chúng tôi được tàu đưa tới trại tị nạn trên đảo Pulau Bidong. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, gia đình tôi được sắp xếp đến tạm cư tại Long House khu F, đánh dấu ngày đầu tiên đời tị nạn (29 Tháng Mười Hai, 1987).
Những câu chuyện kỳ tích như cổ tích
Những ai đã từng sống ở trại tị nạn Pulau Bidong chắc không lạ gì những cái tên quen thuộc, như: cầu Jetty, bịnh viện Sick Bay, Task Force, Ban Điều Hành Trại, 7 khu Long House (A, B, C, D, E, F và G), rồi đồi Tôn Giáo, nhà thờ Công Giáo, chùa Từ Bi, thánh thất Cao Đài, trường dạy tiếng Anh và tiếng Pháp, Thư viện công cộng, Gia đình Âu Cơ,… Đặc biệt chuyện “Ông già Bidong” ly kỳ như cổ tích.
Người ta lập miếu để thờ cũng như tạc tượng “Ông già Bidong và đứa cháu gái” để ghi lại chứng tích. Không biết dựa vào nguồn tư liệu nào mà nhà văn Duyên Anh (tới đảo Tháng Mười Một, 1981) “đếm” tới 1,000 người trên con tàu nầy (!).
Lại có một chuyện khó tin kể về một thuyền nhân đã tới đảo Bidong, vì quá thương nhớ vợ con đã dùng thuyền đánh cắp chạy trở về Việt Nam. Cuối cùng bị mất tích. Nhà văn Duyên Anh kể có ba chiến sĩ phục quốc cướp tàu vượt biên chạy trở về Việt Nam bị bão nhấn chìm (?).
Ngoài ra có chuyện khó tin nhưng có thật 100%, nội dung như sau: Gia đình bà Nguyễn vượt biển bằng bè kết bằng những cái thùng phuy. Chiếc bè ấy dài 14 thước, rộng ba thước được điều khiển bởi một người vừa là thuyền trưởng, vừa là chủ bè, vừa là tài công – tức chồng bà, không có chút xíu kinh nghiệm đi biển, xuất phát tại Vũng Tàu vào đêm 23 Tháng Chín, 1975. Sau bốn ngày ba đêm lênh đênh trên biển cả không gặp bất cứ hiểm nguy nào, tất cả 14 “bè nhân” (trong có vợ chồng bà Nguyễn và 5 đứa con, đứa nhỏ nhứt mới sanh mấy ngày) được tàu buôn Nhựt cứu rồi đưa vào đất liền. Hơn chín tháng sau, 14 bè nhân may mắn ấy đều được định cư ở Hoa Kỳ.
Đó là chưa kể chuyện bốn người liều mạng vượt biển bằng xuồng nhỏ cũng tới bến bờ tự do. Như vậy trong “Tự điển tị nạn,” ngoài thuyền nhân (boat people), bộ nhân (land people) còn có bè nhân (raft people) và xuồng nhân (sampan people).
Theo lời kể của ban Văn nghệ, khối Thông tin Văn hóa Giáo dục thì Pulau Bidong vào năm 1980 đã tiếp nhận nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trước 1975 như Hùng Cường, Lệ Thu, Ngọc Minh, Hoàng Thi Thao, Thanh Tuyền, Băng Châu… Nghệ sĩ Hùng Cường tới đảo Bidong ngày 31 Tháng Năm, 1980 được dân tị nạn sắp hàng dàn chào. Anh đã sáng tác bản tân nhạc Cuộc tình buồn cùng bài thơ Sẽ còn và trình diễn phục vụ đồng bào tị nạn. Anh cho biết bài thơ nầy được sáng tác trong trại giam ở Việt Nam vì quá đói. Có thể nói nghệ sĩ Hùng Cường lập kỷ lục về số lần vượt biên, vì cứ bị bắt rồi thả, thả lại bắt “năm lần bảy lượt.” Ca sĩ Ngọc Minh ca bài Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh của nhạc sĩ Nhật Ngân, còn ca-nhạc sĩ Hoàng Thi Thao – vừa là con nuôi, vừa là cháu gọi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bằng chú ruột, cũng giúp vui với bản Hát cho người vượt biển Đông.
Về sau, tôi có dịp gặp các nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, rồi Ngọc Đan Thanh. Cô Hà Mỹ Xuân cùng chồng và 17 thuyền nhân vượt biển trên chiếc ghe cà-vom nhỏ. Chiếc ghe bị chết máy phải “chạy” bằng buồm. Vậy mà họ cũng tới nơi an toàn. Một trong hai nghệ sĩ đã dàn dựng vở tuồng “Người Đẹp Trong Tranh” để phục vụ đồng bào. Vở tuồng nầy kể chuyện tình diễm tuyệt liêu trai giữa chàng nho sinh Tú Uyên và “người đẹp trong tranh” Giáng Kiều trong Bích Câu Kỳ Ngộ, được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.
Những ngày tháng lưu đày vô vị, tôi còn nghe thấy những chuyện chướng tai gai mắt về những hình ảnh không mấy đẹp đẽ và hành động thiếu suy nghĩ của một số thuyền nhân. Đó là đàn em của các băng đảng “Sa Tăng,” “Thiết Giáp” – đặc biệt tay anh chị có cái tên “Định Mệnh,” tiếp tục quậy phá. Các tay “giang hồ thứ thiệt” nầy chiếm cứ địa bàn hoạt động ở các khu Long House để trục lợi. Từ giành đất trồng rau đem bán, chiếm giếng nước để sử dụng riêng (có khóa hẳn hoi) đến cắt xén hàng tiếp liệu (supply) do Cao Ủy phân phối, như cá, gà, rau cải,… rồi ngang nhiên đem bán lại với giá cắt cổ!
Thỉnh thoảng những thành phần du đãng nầy mang giáo mác, dao búa từ các khu C, D, G tới khu F “hỗn chiến” làm náo động cả trại. Nguyên do không ngoài việc tranh giành quyền lợi (buôn lậu), thế lực, kể cả tình yêu. Có cả chục thanh niên đáng thương bị lính Mã Lai bắt cạo trọc đầu và nhốt vào chuồng khỉ (monkey house) – gọi là “bồ tạt” (?) vẫn không tởn. Nhiều phụ nữ vô phước bị hải tặc hãm hiếp tập thể, bị ném xuống biển, sống sót đến đảo, sống vật vờ vô định, tâm thần bấn loạn. Họ đến bịnh viện Sick Bay để khám thai và sẵn sàng “trục xuất” những đứa con tương lai của hải tặc. Một số chị em sống buông thả, cặp bồ với lính Mã hoặc lén “đi khách” miễn có chút đỉnh tiền chi dụng. Có những cuộc tình Bidong vội đến vội đi.
Những ai có dịp lên đồi khu F sẽ thấy cả trăm ngôi mộ thuyền nhân xấu số được vùi lấp vội, mấy chục đống phân giòi bọ lúc nhúc. Rải rác đó đây trong những bụi cây, hốc đá là những “áo mưa” (condom) của những cặp “tình Bidong có list thì dong.” Thì ra đây là nơi lý tưởng để giải quyết cái “đệ tam” và “đệ tứ khoái” của thuyền nhân. Thuở ấy trong Tự điển tị nạn lại có thêm từ “cưa gái” (tán gái), rồi “lái xe” có nghĩa dẫn/đưa đàn bà con gái lên đồi để hành lạc (xe: con gái).
Ngoài chuyện Ông già Bidong, có thể nói 121 người tới đảo ngày 8 Tháng 8, 1988, là những thuyền nhân đầu tiên. Nơi đây khoảng 1,000 thuyền nhân đã yên giấc ngàn thu, mộ chôn tập thể hoặc cá nhân rải rác trên đồi núi – nhiều nhứt ở đồi khu F.
Nơi bến bờ tự do…
Gia đình chúng tôi đã đến bến bờ tự do. So với trên ba trăm ngàn người đã vĩnh viễn ra đi cùng những thảm cảnh vượt biển dẫn trên, chúng tôi có phước hơn rất nhiều lần – nếu không nói là “đại phước.” Phải chăng “cộng nghiệp lành” đã đem lại may mắn cho 75 thuyền nhân chúng tôi – những người có “biệt nghiệp lành.” Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho hương hồn người chết trong kinh hoàng, tức tưởi sớm được siêu thoát. Cầu mong những người còn sống sót và thân nhân của họ hãy quên đi quá khứ đau buồn mà yên lòng xây dựng cuộc đời mới.
Phong trào vượt biên vượt biển có thành công và thất bại, có hạnh phúc và đau khổ, có ngọt bùi và đắng cay tủi nhục, có cả phép lạ của thế giới tâm linh chuyển họa thành phước, đem lại sự sống trong cái chết. Đó là bản “anh hùng ca” bất tận, đồng thời là bản “trường hận ca” của người vượt biển. Và chỉ có người trong cuộc – chứng nhân đích thực, mới nếm trải trọn vẹn những cung bậc của “mùi vị” vượt biển.
Bây giờ trong lòng tôi còn lắng đọng nỗi nhớ với muôn vàn kỷ niệm buồn vui không tài nào kể ra hết. Nhớ cái thư viện nhỏ nơi tôi công tác thiện nguyện với nhiều sách học tiếng Anh, tiếng Pháp cùng một số tạp chí Việt Chiến, Dân Chúa, Văn Nghệ Tiền Phong. Nhưng nỗi nhớ sâu lắng là âm thanh phát ra từ chiếc loa của Khối Thông tin Văn hóa trên đảo Bidong: “Thông báo rời đảo. Thông báo rời đảo. MB897, MB897…”, tiếp nối bởi giọng ca Khánh Ly qua điệu nhạc chia lìa, tha thiết Biển Nhớ: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya… Ngày mai em đi, biển có bâng khuâng gọi thầm. Ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang…”
Chúng tôi mãi khắc ghi vào tâm khảm số căn cước thuyền nhân 144172 và số tàu MB897 của mình. Bất giác tôi thầm nghĩ, nếu các con tôi còn ở lại Việt Nam, có thể chúng học hành đỗ đạt, nhưng chưa chắc được trọng dụng, chưa chắc được đối xử công bằng, nhứt là phải bị cuốn hút vào cái vòng xoáy của “văn hóa chạy chức,” “văn hóa phong bì,” “cao lễ dễ thương.” Đó cũng là lời giải đáp câu hỏi của các con tôi: “Tại sao chúng ta phải vượt biên?”
***
Giờ đây, ngồi nhớ lại cái Tết ở trại tị nạn Pulau Bidong, tôi mong muốn được liên lạc với các thuyền nhân trên tàu MB897 (chủ tàu, tài công, Trung Úy Thọ, Ba Phi, thợ máy Vĩnh, em Đặng Thao Lược…), và những người quen biết ở đảo Bidong như: Bùi Minh Trọng, Trần Hà Phổ, Thái Kim Hòa, Bùi Ngọc Long, Trần Văn Xia, Đặng Văn Lời, “Hùng Anh,” “Hùng Em,”…