Món ăn của ký ức

Bún riêu của bà Tám. (Hình: Tuyết Mai)

Khi mưa tạnh, trời trong, gió mát, nắng hanh hanh là đã thấy xuân.

Đối với tôi, chữ “xuân” bao giờ cũng đem lại cảm xúc khó tả, vừa rộn ràng, lại vừa nhẹ nhàng, yên lành. Có lẽ giống như mọi người, tôi yêu thời tiết khi xuân về, yêu mùi của hoa cỏ xanh tươi, của làn khói từ đám lá đốt ven đường hay từ nồi bánh chưng thơm mùi lá dong. Tôi yêu con người vào mùa xuân, dường như đằm thắm và dịu dàng hơn.

Người Việt nào không yêu xuân, không thích Tết? Chỉ có những chuyện đôi khi làm cho nhiều người “sợ Tết” vì những hủ tục, lễ nghĩa rườm rà đi kèm, và vì giá cả cứ tăng từ cả tháng trước Tết, và đứng yên ở đó mà không chịu quay đầu.

Nhưng xuân hẳn là cảm xúc chung của mọi người. Không thế, sao nhạc Việt hay đưa xuân vào bài hát, ngay cả khi đó không phải là nhạc xuân? Hay vì các ông nhạc sĩ cũng yêu xuân, mê Tết… như tôi?

“Thần tiên gãy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần” (Tình khúc thứ nhất – Vũ Thành An và Nguyễn Đình Toàn)

Tại sao là “gãy cánh đêm xuân” chứ không phải đêm hè?

Tôi chưa từng phải sống xa nhà vào dịp Tết, chưa có những cảm xúc mà nhiều người diễn tả là cô đơn và nhớ đến quay quắt khi xa nhà vào những ngày đầu năm âm lịch. Tết Nguyên Đán là thời điểm mà từ xưa đã xem là dịp cả nhà sum vầy bên nhau trong ngôi nhà của mình. Khi các con của tôi, người đi học, người đi làm, không thể về nhà ăn Tết, tôi cũng cảm nhận được nỗi buồn của con và cũng là của vợ chồng tôi. Ở nhà vào ngày Tết đã thành truyền thống của gia đình và cả họ.

Để ngày mùng Một đến chúc Tết bà ngoại, để tối mùng Một qua nội chơi bài, để cùng nhau đi mua cây cảnh trang hoàng nhà cửa đón Tết. Chỉ khi Tết qua đi, cậu con út mới “thú nhận” trong một lần nhắn tin cho nhà, đêm giao thừa con khóc.

Từ chuyện thèm món này, món kia mẹ hay làm, vì “đồ ăn chỗ con nhạt nhẽo lắm” của hai người con, tôi biết người xa quê hương có một nỗi nhớ chung nữa là nhớ món ăn Việt Nam. Mà đúng là vị của người Việt “đậm đà” thật! Nhiều món ăn đặc trưng đến nỗi chỉ có thể tìm thấy, hoặc đúng hương vị khi ăn ở Việt Nam. Có những món chỉ bán ở những vùng miền nhất định như canh điên điển nấu cá rô đồng của miền Tây, chè heo quay ở Huế hay cốm xanh ở Hà Nội. Có những món gắn liền với thời tuổi thơ của mỗi người, tạo nên ký ức khó mà quên được.

Sống ở Sài Gòn từ lúc chào đời, tôi cũng có những món ăn gắn với hình ảnh quen thuộc của người bán hàng từ nhỏ đến lớn, rồi  đến… già, và thấy họ như những mảnh ghép ký ức của cuộc đời mình vậy. Có lẽ những người từng sống ở khu nhà tôi, sẽ nhận ra, sẽ nhớ, và cũng dâng trào cảm xúc như tôi, nhất là khi nhiều trong số những người bán hàng ấy đã không còn.

“Bà cháo sườn” là tên mọi người gọi bà. Hình ảnh bà, nhỏ bé với chiếc xe đạp cũ kỹ, nồi cháo sườn to vật vã trên yên sau được gia cố cho chắc chắn, thật quen thuộc với bất cứ ai sống trong khu vực nhà thờ Thánh Mẫu, Chí Hòa. Cách đây hơn chục năm bà đã 70 tuổi, mà vẫn rất khỏe mạnh, giọng rao “Ai cháo sườn” sang sảng vang lên khắp các ngõ ngách nhỏ. Bà đi rất nhanh! Nếu không nhanh nhẹn, bạn có thể vuột mất món cháo sườn nóng, sánh, với mùi vị thơm ngon của miếng sườn non và cả hành phi.

Bún riêu của bà Tám. (Hình: Tuyết Mai)

Mới vừa nghe “Ai cháo sườn”, từ trên lầu phóng xuống là đã thấy thấp thoáng bóng bà ở tít tận cuối đường. Tô cháo sườn của bà “nuôi sống” biết bao em bé và cả người lớn. Hôm nào cảm, người khó ở không nuốt nổi cơm, “làm” một tô cháo nóng hổi của bà, mồ hôi toát ra là thấy người khỏe lại liền. Nồi cháo sườn nặng chịch trên yên xe của bà di chuyển khắp các con hẻm từ nhà thờ An Tôn, Nghĩa Phát, đến chợ Nghĩa Hòa, có hôm còn thấy bà dắt xe đạp với nồi cháo sườn ở tận công viên Lê Thị Riêng. Thật buồn vì cho đến khi nghe nói bà không còn sống sau đại dịch, tôi vẫn chưa biết tên thật của bà.

Bà Lai với gương mặt hiền lành, lúc nào cũng vui vẻ và niềm nở, bán xôi ở Ngã Ba Ông Tạ hơn 30 năm từ đầu những năm 90. Xôi đậu xanh, đậu phộng bà nấu bằng nếp dẻo, thật ngon. Muối vừng thơm béo, đậm đà. Ngày ấy chưa có nhiều hàng quán như bây giờ, xôi bà Lai là món điểm tâm ngon lành mà tiện lợi cho không biết bao nhiêu người, từ sinh viên học sinh, các chú xe ôm, đến nhân viên văn phòng (trong đó có tôi),… Nghe nói bà Lai vừa mất hồi tháng Tám, bà thọ hơn 80 tuổi.

Bún riêu là món ăn thanh cảnh, nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn với các loại rau sống, rau thơm mà hợp nhất là kinh giới, ngoài tía tô, húng cây, húng quế. Không thể thiếu một chút mắm tôm cho dậy mùi. Ăn sáng, ăn trưa, ăn xế đều hợp. Bún riêu được thèm nhất vào những ngày nắng nóng ở Sài Gòn, nhưng thật ra, với nhiều người thì ăn bún riêu lúc nào cũng thấy ngon!

Trong một con hẻm yên ả ở quận 10, quán bún riêu của bà Tâm lúc nào cũng đông khách, hàng ngày phục vụ không biết bao nhiêu người và thường đóng cửa sớm vì… hết sớm. Dân Sài Gòn đặc biệt dân quận 10 chắc ai cũng biết quán bún riêu nấu theo cách đơn giản nhưng rất ngon này. Mặc dù chỉ có tôm khô và cà chua là chính vẫn thấy ngon và thích hợp cho người muốn giảm cân! Nghe kể quán do mẹ bà Tâm mở ra từ hơn 50 năm nay. Khi bắt đầu bán phụ mẹ, bà chỉ mới 11,12 tuổi và giữ nghề cho đến bây giờ.

Bánh tráng gạo nướng là món kèm không thể thiếu cho tô mì Quảng, món hến xúc bánh tráng hay nhâm nhi như thức ăn vặt lành mạnh. Hồi ấy tôi hay mua bánh tráng gạo nướng ở trước cửa nhà cô Kim Chi, gần ngã tư dẫn vào chợ Nghĩa Hòa. “Điểm bán” gồm một cái bếp than, túi bánh tráng và ghế gỗ thấp cho bà cụ ngồi bán. Bà cụ bán bánh tráng gạo ngon nhưng cũng rất là… “chảnh”, bà chỉ bán một lúc vào buổi sáng, giờ giấc cũng không cố định. Có khi chưa 10 giờ sáng, ghé ra mua là chẳng thấy bà đâu, vì bà đã dọn hàng về rồi. Mọi người trong vùng quen thuộc với hình ảnh bà quần áo chỉnh trang, tóc vấn gọn gàng ngồi quạt bếp nướng bánh tráng. Bà cụ nói giọng Bắc 54 lịch sự.

Bánh tráng của bà đắt hàng cũng có lý do: Dày dặn, đậm đà, nhiều vừng, đặc biệt là nướng bằng bếp than nên rất thơm, rất giòn. Sau đại dịch cũng không ai trông thấy bà nữa.

Ai đã sống ở Sài Gòn không thể bỏ qua món gỏi đu đủ khô bò.

Quầy gỏi khô bò của dì Sáu ở vỉa hè đường Hai Bà Trưng là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, người đi làm, họ xếp hàng dài chờ mua về hay ngồi tại chỗ thưởng thức trước cửa công viên những chiều mát mẻ. Xe gỏi khô bò này đã ở đó gần nửa thế kỷ.

Quầy gỏi khô bò dì Sáu chỉ là một tủ kính đặt trên chiếc bàn nhỏ nằm trước tòa nhà đường Hai Bà Trưng, quận Nhất. Món gỏi này ngoài những sợi đu đủ xanh tươi dòn, miếng khô bò thơm ngon, còn đặc biệt ở nước sốt nâu, ngọt tuyệt, không nơi nào sánh bằng, và tương ớt thì cay và thơm nồng, cay mà không “cay hỗn” nên có thể cho nhiều để đĩa gỏi trông hấp dẫn mà ăn vẫn không sao. Chính nước sốt và tương ớt làm nên hương vị ngon lành và đặc sắc của gỏi khô bò dì Sáu. Đây quả là món ăn xế… tuyệt cú mèo. Nhiều người xa xứ mỗi khi về thăm nhà cứ muốn ăn lại món ăn vặt hấp dẫn đã theo họ từ thời đi học này.

Món ăn Việt là ký ức gắn bó với bao người xa nhà. Hình ảnh quen thuộc của những người bà, người mẹ Việt Nam hiền lành, tần tảo buôn bán chắc sẽ còn đi theo nhiều người suốt chặng đường còn lại, dù họ có đi đâu.

Nhưng dù đang ở đâu, Xuân vẫn trước ngõ rồi kìa!

“Mong xuân, xuân đến không hay
Hạt mưa lất phất từng mây im lìm.” (Nguyễn Khuyến)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: