Mùa Xuân, hoài niệm với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

(Hình: Quang Nguyen Vinh/Pexels)

Sau nhiều năm tháng rời bục giảng sống kiếp lưu đày nơi đất khách, nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học trò mãi canh cánh trong tôi.

Thời gian trôi qua… Cuộc sống tất bật nơi xứ “đất lạnh tình nồng” này đã khiến tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ triền miên ấy. Cho đến khi nhận lời mời của Cơ Sở Khuyến Học và Phát Huy Văn Hóa Montréal để giảng về Văn học Việt Nam, niềm mơ ước của tôi giờ đây đã thành sự thật. Tôi nhận dạy hai chuyên đề: một là Ca dao miền Nam; hai là Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Đây là các đề tài tôi vô cùng tâm đắc bởi đã từng giảng dạy ở Đại học Cần Thơ trước kia.

Vì những chuyên đề tôi nhận dạy thường rơi vào những tháng mùa Xuân, nên cứ mỗi độ Xuân về, lòng tôi lại nao nao nhớ lại những kỷ niệm đẹp khó phai mờ trên bục giảng. Đó cũng là nguồn gợi hứng để tôi có thể phóng bút tản mạn về những kỷ niệm đẹp không quên khi giảng dạy về thơ văn của nhà thơ yêu nước miền Nam Nguyễn Đình Chiểu.

Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng chủ nhựt đầu năm 1994, trời nắng đẹp – cái nắng ấm áp đầu xuân đã xua tan cái giá buốt của mùa đông lạnh lẽo vừa qua, tôi ăn mặc chỉnh tề tới lớp đặt tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal. Sự đón tiếp nồng nhiệt của ban lãnh đạo lớp Quê Hương Mến Yêu, sự tham dự cổ võ của các bạn đồng nghiệp cùng sự có mặt khoảng mười bốn sinh viên hôm ấy khiến tôi thêm ấm lòng và bồi hồi cảm xúc. Còn đang suy nghĩ miên man, Bác Sĩ Lâm Thu Vân bật đèn xanh cho tôi bắt đầu bài giảng của mình.

Sau khi điểm qua về bối cảnh lịch sử Việt Nam vào hậu bán thế kỷ XIX, cũng như giới thiệu thân thế và sự nghiệp văn chương của nhà thơ lớn miền Nam Nguyễn Đình Chiểu, tôi nêu bật hai nội dung chánh trong thơ văn ông qua hai câu thơ:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

*Nội dung “Chở đạo”: đề cao Trung Hiếu Tiết Nghĩa

Trước hết, nội dung “Chở đạo” được thể hiện qua các tác phẩm Lục Vân TiênDương Từ – Hà Mậu. Tôi tập trung phân tích Lục Vân Tiên, một tác phẩm đề cao trung hiếu tiết nghĩa:

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình (cc 5-6).

Dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Đình Chiểu, quan niệm “trung hiếu tiết nghĩa” được vận dụng và mô tả thật sinh động qua các nhân vật chánh diện.

Lục Vân Tiên là một nhân vật lý tưởng, mang đầy đủ phẩm chất đạo đức cao quý mà nhà thơ mơ ước. Chàng là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, một bề tôi tận trung, một người con chí hiếu, trọn tình với vợ, trọn nghĩa với bạn. Lòng hiếu của chàng được khai thác rất nhiều bằng những câu thơ rất đẹp và cảm động:

Hai hàng lụy ngọc ròng ròng

Tưởng bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu

Cánh buồm bao quản gió xiêu

Ngàn trùng biển rộng chín chiều ruột đau

Thương thay chín chữ cù lao

Ba năm nhũ bộ biết bao thâm tình (cc 581-586).

Vì hiếu mà nghe tin mẹ mất phải bỏ thi về lo việc cư tang. Vì hiếu mà khóc mẹ đến mù mắt mặc cho “nước trôi sự nghiệp hoa tàn công danh.” Lòng hiếu của Lục Vân Tiên thật là hiếm có và vô cùng đáng quý.

Đối với thầy học, vốn là một môn sinh từng “dựa kề” “cửa Thánh,” thấm nhuần đạo lý ngàn đời của dân tộc, chàng hết lòng tôn sư trọng đạo:

Bấy lâu cửa thánh dựa kề

Đã tươi khí tượng lai xuê tinh thần (cc 17-18).

Vân Tiên hứa với thầy ít nhưng làm rất nhiều:

Chí lăm bắn nhạn ven mây

Danh tôi đặng rạng tiếng thầy bay xa (cc 21-22).

Chàng hứa sẽ thi đậu. Và chàng đã đậu Trạng nguyên, làm quan lớn trong triều, rạng rỡ tông môn, làm rạng danh tiếng thầy học. Cao hơn nữa chàng còn là một anh hùng cứu nước.

Kiều Nguyệt Nga là người con gái điển hình cho lòng chung thủy, trung trinh tiết liệt. Mối tình của nàng đối với Vân Tiên là một mối tình vừa cao quý vừa đẹp đẽ. Một bên thì hào hiệp quên mình cứu người vì thấy việc nghĩa không thể không làm (Nhớ câu kiến nghĩa bất vi); một bên cũng quên mình để trả ơn người. Do vậy “ngộ biến phải tòng quyền,” nàng vâng mệnh vua đi cống Phiên để giữ tròn trung hiếu, nhưng đã nhảy xuống sông trầm mình để giữ tròn tiết nghĩa thủy chung với Vân Tiên:

Sao cho một thác thời xong

Lấy mình báo chúa lấy lòng sự phu (cc 1417-1418).

Điều quan trọng là ở tấm lòng. Nàng lấy thân mình để báo đền ơn chúa và lấy tấm lòng ra để thờ chồng (sự phu ở đây có nghĩa là thờ chồng).

Tình bạn cũng là một tình cảm lớn được mô tả qua mối tình bạn thật cảm động của bộ ba Lục Vân Tiên – Vương Tử Trực – Hớn Minh:

Trong đời mấy bậc cố tri

Mấy trang đồng đạo mấy nghìn đồng tâm (cc 1217-1218).

Những con người nghĩa khí như Tử Trực, Hớn Minh khi nghe kể về những hoạn nạn của bạn mình đã đầm đìa nước mắt:

Minh nghe Tiên nói động tình

Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng (cc 1171-1172).

Tấm lòng nhân ái tràn trề của đông đảo quần chúng, của ông Quán, vợ chồng ông Ngư, ông Tiều và tiểu đồng đối với Vân Tiên cũng được tác giả khai thác…

Bên cạnh trung hiếu tiết nghĩa, Lục Vân Tiên còn lên án những cái bất nhân phi nghĩa (Ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm- c 480). Bằng một bút pháp trữ tình hiện thực, Nguyễn Đình Chiểu đã vẽ nên những nhân vật phản diện với tất cả lòng căm ghét của ông. Từ bộ ba trong gia đình họ Võ (Võ Công – mụ Quỳnh Trang – Võ Thể Loan), rồi hai người bạn xấu (Trịnh Hâm – Bùi Kiệm) và tên thái sư gian ác, cùng một lô những thầy thuốc, thầy bói, thầy phù thủy không có lương tâm đều được Nguyễn Đình Chiểu mô tả một cách sinh động và sắc nét.

Sau phần phân tích nội dung tôi không quên nêu lên đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm Lục Vân Tiên, như tánh chất truyện kể, tánh chất dân gian cũng như ảnh hưởng rộng lớn của tác phẩm đối với mọi tầng lớp nhân dân từ Nam chí Bắc. Chính vì vậy mà chúng ta đã có điệu “Nói thơ Vân Tiên”, có các vở cải lương “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” và các làn điệu hò, vè, thơ, phú và trò chơi “Vân Tiên cõng mẹ” trong gia tài văn hóa dân tộc.

(Hình minh họa: Thuan Pham/Pexels)

*Nội dung “Đâm gian”: Thơ văn yêu nước

Một buổi sáng chủ nhựt kế tiếp – cũng vào đầu Xuân – từ mười giờ sáng tới một giờ trưa, tôi tiếp tục giảng phần nội dung thứ hai:

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Thật ra nội dung “Đâm gian” chẳng những được đề cập phần nào trong Lục Vân Tiên mà còn bàng bạc trong các tác phẩm khác như Dương Từ – Hà Mậu, Ngư Tiều Vấn Đáp. Tập trung nhứt vẫn là những bài văn tế, những bài hịch, những bài thơ điếu, tự thuật và xúc cảnh. Tôi muốn nói Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.

Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu là khúc ca hùng tráng của phong yêu nước chống Pháp ngay từ khi chúng đặt chân lên đất nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông gần như gắn liền với sự nổi trôi của vận nước trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc thời bấy giờ.

Năm 1859, “Giặc Tây kéo tới Cần Giờ” hạ thành Gia Định mở đầu cuộc đánh chiếm Nam Kỳ. Trong bài “Chạy Tây,” nhà thơ tự hỏi: 

Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

Đáp ứng lời kêu gọi của nhà thơ cũng như ý thức được bổn phận phải đánh giặc cứu nước, nên toàn dân ta đã mạnh dạn gạt bỏ tình riêng, hăng hái tham gia vào cuộc chiến đấu gian khổ:              

Giặc Tây kéo tới Cần Giờ

Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công (Ca dao miền Nam).

Trong khi nhân dân miền Nam hăng say chiến đấu chống quân xâm lược thì triều đình Huế đã ký hòa ước đầu hàng năm 1862: Ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa – Gia Định – Định Tường) lọt vào tay Pháp; ta còn phải bồi thường chiến phí cho giặc trong mười năm. Không có mối nhục nào to tát cho bằng mối nhục của dân ta thời đó: “Bất chấp lời khuyên dụ của triều đình Huế, Trương Định vẫn theo dân gian quyết đánh tới cùng, lấy địa bàn hoạt động ở các vùng Gò Công, Tân Hòa, gây cho kẻ thù nhiều tổn thất nặng nề…”. Thuở ấy, ca dao miền Nam được truyền tụng nhằm biểu dương khí thế dũng cảm của dân ta, đồng thời lên án sự đầu hàng khiếp nhược của triều đình nhà Nguyễn:

Giặc Sài Gòn đánh xuống

Binh ngoài Huế không vô

Anh biểu em đừng đợi đừng chờ

Để anh đi lấy đầu thằng mọi trắng mà về tế cờ nghĩa quân (Ca dao miền Nam).

Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long – An Giang – Hà Tiên) khiến Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử. Nước mất, nhà tan, bản thân bị mù lòa phải đi “tị địa” khi ở Cần Giuộc, lúc ở Ba Tri, nhưng lúc nào Nguyễn Đình Chiểu cũng lầm lũi mở trường dạy học, làm thuốc và theo sát cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

Tấm thân đui tối tật nguyền không thể dùng gươm, ông đã dùng bút để đánh giặc. Ông thường giúp mưu cơ chiến lược dưới cờ Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định. Ông căm giận kẻ thù đã giày xéo lên quê hương, gây bao tang tóc:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước                                                                                                           

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

hoặc

Từ thuở Tây qua cướp đất, xưng tân trào gây nợ oán cừu…

Phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của quay treo; tội chẳng tha con nít đàn bà, bắt vật; đốt vật;

Kể mười mấy năm trời khốn khó, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nghe nào xiết đếm tên;

Đem ba tấc hơi mỏn bỏ liều, hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi, hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh).

Lòng căm thù có lúc còn dâng cao đến mức “muốn tới ăn gan,” “muốn ra cắn cổ,” muốn “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc muôn kiếp nguyện được trả thù kia.

Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu còn chĩa thẳng vào bọn tay sai nối giáo cho giặc:

Xin chớ phân bì kẻ sĩ, hoặc ra làm phủ hoặc ra làm huyện

Ấy là đồ hư, đồ bỏ, đồ thúi, đồ nhơ… (Hịch kêu gọi nghĩa sĩ đánh Tây).

Điển hình cho giới sĩ phu sớm ra hợp tác với “tân trào” ngay sau khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị mất là Tôn Thọ Tường, đã bị Nguyễn Đình Chiểu mai mỉa: “Chỉ có người Nam chúng ta mới thích ăn mắm, chớ thằng Tường đâu có thích ăn” (Giai thoại giữa Đồ Chiểu và Cử Trị).

Ông cũng lên án những kẻ “ăn bơ liếm sữa”, cam tâm làm tôi mọi cho giặc:

Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc thấy lại thêm buồn

Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gậm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Càng căm thù giặc và tay sai bán nước, nhà thơ đã hết lời ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ông đã ca ngợi các lãnh tụ nghĩa quân bằng những lời thơ hết sức thiết tha và vô cùng cảm động.

Với Trương Định:

Vì nước tấm thân đã gởi, còn mất cũng cam

Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại.

và Phan Tòng:

Làm người trung nghĩa đáng bia son

Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn…

Tinh thần hai chữ phau sương tuyết

Khí phách ngàn thu rỡ núi non.

Nhưng hình ảnh đẹp đẽ nhứt, hiên ngang nhứt vẫn là hình ảnh người nghĩa binh thời ấy. Tôi muốn nói đến hình ảnh người nghĩa sĩ Cần Giuộc và đã dừng lại khá lâu để phân tích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nổi tiếng nầy.

Nhân vật chánh là nông dân Cần Giuộc với cuộc sống hẩm hiu, chưa quen trận mạc, chưa tới trường nhung:

Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Thế mà họ đã “mến nghĩa làm quân chiêu mộ.” Họ ý thức về nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Họ chiến đấu để bảo vệ những gì gần gũi, thiết thân nhứt như “tấc đất ngọn rau,” “bát cơm manh áo,” bảo vệ vùa hương bát nước và cao hơn nữa là chủ quyền đất nước.

Trang bị của họ thật thô sơ “một manh áo vải,” “một ngọn tầm vông,” một “rơm con cúi,” một “lưỡi dao phay”, nhưng tinh thần chiến đấu của họ thật dũng cảm với tư thế làm chủ rất cao:

Kẻ đâm ngang, người chém ngược làm cho mã-tà, ma-ní hồn kinh;

Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiết tàu đồng súng nổ.

Họ đã thất bại vì sức yếu, thế cô, trang bị sơ sài, nhưng sự hy sinh oanh liệt của họ đã lưu danh thiên cổ:

Ôi! Một trận khói tan, ngàn năm tiết rỡ.

Trong bài văn tế, tác giả đả bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với những chiến sĩ đã trọn nghĩa với dân. Những đoạn sau đây đầm đìa nước mắt:

Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ.

Cảnh mẹ khóc con, vợ khóc chồng thật lâm ly thống thiết:

Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều;

Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc quả là một áng văn lớn trong lịch sử văn học Việt Nam. Đó là “khúc ca những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang” trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Trước mắt, họ tạm thời thất bại. Nhưng một dân tộc với tinh thần bất khuất như vậy chỉ có thể là một dân tộc chiến thắng. Và lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng họ là những người chiến thắng.

***

Tổng kết về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, tôi rút ra được bài học lớn ở nhà thơ là đem văn chương chuyên chở đạo lý thánh hiền (Văn dĩ tải đạo). Duy có điều khác biệt là nhà Nho xưa quan niệm Đạo là đạo của Trời, còn theo Đồ Chiểu đó là đạo làm người đáng quý, đáng trân trọng. Ngoài ra còn có bài học thương-ghét. Có yêu thương mới biết căm thù, yêu thương rất mực nhưng cũng căm thù rất mực. Đó chính là bài học của một con người ở vào thế bi kịch đã không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, mà trái lại đã giúp ích cho đời đến mức tối đa. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi mãi là tấm gương ngời sáng xứng đáng cho chúng ta noi theo.

Tuy nhiên vì căm thù rất mực, “ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm” nên nhà thơ đã có ngôn ngữ, thái độ và hành động quá đà. Cụ Đồ Chiểu đã gọi thực dân Pháp là loài “bạch quỷ” (mọi trắng), “man di,” “thói mọi,” đạo Thiên chúa là “đạo Tây,” là “tà đạo,” người theo Tây là “quân tả đạo.” Cũng như thánh Gandhi đã từng tẩy chay hàng hóa Anh thuở nọ, Nguyễn Đình Chiểu cũng bài ngoại triệt để: cụ không dùng xà-bông mà chỉ dùng nước tro để giặt đồ, thà lội sình chớ nhứt định không đi trên đường Tây đắp, không cho phép con là Nguyễn Đình Chiêm theo học chữ Quốc ngữ vì cho đó là “lối phát minh man rợ”? Chưa hết, nhà thơ còn khước từ mọi hứa hẹn, giúp đỡ của thực dân Pháp qua đề nghị của viên chủ tỉnh Bến Tre Michel Ponchon, như yêu cầu cụ nhuận chính quyển thơ Lục Vân Tiên cũng như ngỏ ý trao trả lại đất đai mà họ đã chiếm đoạt. Chính cụ đã khẳng khái trả lời: “Đất vua còn không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì!

Để buổi giảng thêm phần phong phú, sinh động cũng như tìm hiểu phần nào về trình độ tiếp thu của sinh viên, tôi đã dành khoảng một tiếng đồng hồ để các em phát biểu những cảm nghĩ của mình về tác phẩm Lục Vân Tiên.

Các em Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Hạnh Nga, Nguyễn Thị Ngọc Diệu và Nguyễn Thanh Quang đã lần lượt tóm tắt cốt truyện và phân tích nội dung, nghệ thuật tác phẩm. Điều ngạc nhiên thú vị là các em đã sử dụng trôi chảy tiếng Việt, trình bày một cách mạch lạc, khúc chiết về những điều mình tiếp thu được, đồng thời nêu lên một số thắc mắc về nội dung và nghệ thuật tác phẩm. Bất giác tôi liên tưởng tới khả năng sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn của sinh viên Đại học Cần Thơ đã từng học với tôi về chuyên đề nầy, đã nhiệt tình tham gia Hội thảo khoa học về Nguyễn Đình Chiểu với những bài tham luận súc tích do chính các em viết. Có em sinh viên miền Bắc đã sáng tác mấy câu vọng cổ “Lục Vân Tiên.” Một số em còn trình diễn trích đoạn vở cải lương “Kiều Nguyệt Nga” thành công tốt đẹp.

Tôi lấy làm vui mừng vì các em mặc dầu lớn lên ở hải ngoại, ngoài việc tiếp thâu văn hóa xứ người, còn tích cực trau giồi và phát huy văn hóa dân tộc. Sau nầy tôi được biết mười bốn sinh viên có mặt hôm ấy đã là những kỹ sư, bác sĩ, những chuyên viên thượng thặng của ngành cao kỹ Bắc Mỹ. Các em là những hạt ngọc, những bông hoa tươi thắm ngoài việc phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội, rồi đây chắc chắn sẽ góp phần vào việc tô điểm một nước Việt Nam huy hoàng hơn, tươi đẹp hơn…

Thời gian vẫn lạnh lùng trôi qua… Thấm thoắt đã hơn ba mươi năm. Mười bốn hạt ngọc của lớp Quê Hương Mến Yêu năm ấy giờ đây chắc đã đạt nhiều thành tựu đáng kể làm vẻ vang dân Việt, đền ơn phần nào cho đất nước đã cưu mang mình. Nếu có dịp gặp lại những viên ngọc ấy, chắc gì tôi nhớ hết ngoài những cái tên còn lưu lại trong danh sách, như những Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Hạnh Nga, Bùi Kiến Nghĩa, Trương Minh Dũng, Trương Minh Trí, Kiều Khánh Giao, Huỳnh Hòa, Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Thị Ngọc Diệu, một ái nữ của văn hữu Lạp Chúc Nguyễn Huy,…

Tôi xin mượn những dòng này để chân thành cám ơn Bác Sĩ Lâm Thu Vân và Giáo Sư Hoàng Chiều Nhân đã tạo cơ hội cho tôi thực hiện ước mơ bé nhỏ của mình. Tôi cũng cám ơn sự có mặt và đóng góp ý kiến quý báu của các cựu đồng nghiệp như Khiếu Đức Long, Nguyễn Viết Ninh (Thái Việt), Quản Hùng, Nguyễn Đôn Phong, Phạm Thị Quế, Nguyễn Trung Hiếu. Và sau cùng xin cám ơn mười bốn em sinh viên đã cho tôi sống lại kỷ niệm của một thời huy hoàng đã mất. Chính các em đã giúp tôi xoa dịu phần nào nỗi ưu tư khắc khoải trong những mùa Xuân nơi đất khách:

Tết về giữa mùa Đông

Chúa Xuân có hay không?

Nàng Xuân chưa trở lại

Non sông bặt tiếng hồng!

Tết về giữa mùa Đông

Ta nhắp chén rượu nồng

Say men đời lữ thứ

Phá thành sầu ly hương!

Trúc Lan – Tết Về Giữa Mùa Đông

Đó cũng là “Nỗi lòng Đồ Chiểu”:

Mùa Xuân mà cảnh chẳng Xuân

Mưa sầu gió tủi, biết chừng nào thanh?

Chính các em đã thắp sáng trong tôi niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ xán lạn của dân tộc như niềm tin của Đồ Chiểu:

Một trận bão rồi bờ cõi sạch…

Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

(Montréal,  Xuân Ất Tỵ, 2025)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: