Ngày Xuân chúc Tết gia đình

(Hình minh họa: Do Thanh/Pexels)

Năm nào cũng vậy, anh chị em, con cháu chúng tôi có đi đâu, làm gì cũng phải tề tựu ở nhà bố mẹ tôi vào sáng Mùng Một để chúc Tết cha mẹ, ông bà. Vì bận rộn với cuộc mưu sinh, có những thứ đã được giản lược nhưng mọi người trong nhà vẫn muốn duy trì thói quen chúc Tết ngày đầu năm như một nếp sinh hoạt văn hoá của gia đình, để con cháu noi theo.

Dù khuya hôm trước có ngủ muộn để đón Giao Thừa đi nữa thì sáng Mùng Một, mọi người vẫn không dậy quá muộn, ăn sáng đầu năm với bánh chưng hoặc bánh tét, thịt kho tàu, dưa kiệu muối (hoặc dưa giá), canh măng hầm hoặc tô canh khổ qua nhồi thịt cho đúng ý nghĩa mong cầu của cả nhà (khổ đau trong năm cũ sẽ qua). Ăn sáng xong, mọi người thay đồ đẹp sẵn sàng. Ai ở xa sẽ thu xếp về để tất cả đều có mặt ở nhà lúc 9g-10g sáng.

Đúng giờ đẹp, cả nhà tề tựu đông đủ ở phòng khách. Bố mẹ tôi ngồi ở giữa. Nhà khá đông nên trẻ con đứng xung quanh theo thứ tự từ nhỏ đến lớn rồi mới đến người lớn bao vòng ngoài. Như đã thành lệ, anh rể thứ ba của chúng tôi sẽ thay mặt cả đại gia đình để chúc Tết bố mẹ và cả nhà. Phần do anh Ba nói năng lưu loát, hóm hỉnh, phần do tác phong của anh rất đĩnh đạc, chỉn chu nên anh luôn được sự tín nhiệm cao của mọi người về khoản đại điện trong những dịp long trọng. Đã nhiều năm, vẫn chưa có ai “soán ngôi” anh trong vị trí “người phát ngôn Tết” của cả nhà.

Sau phần chúc Tết của anh Ba là đến các cháu nhỏ chúc Tết ông bà, được ông bà chúc lại và mọi người lì xì cho bọn trẻ. Anh Ba chúc Tết thì “chuẩn không cần chỉnh” rồi. Còn bọn trẻ có nhiều câu chúc rập khuôn, được chuẩn bị sẵn hoặc tự nghĩ ra nên ngô nghê buồn cười mà nhờ vậy, cả nhà luôn có được những tràng cười sảng khoái trong ngày đầu năm.

Nhắc chuyện chúc Tết ngày xuân, cũng có đôi điều để suy ngẫm. Lối sống công nghiệp hiện đại đầy áp lực, căng thẳng, thêm bệnh dịch hoành hành, thiên tai, hoả hoạn khắp nơi nên ngày nay người ta không còn thích chúc nhau theo kiểu “phú quý, thịnh vượng, tiền vô như nước, tiền ra nhỏ giọt” nữa mà thay vào đó, những lời chúc bình an, khỏe mạnh, hài lòng với cuộc sống của mình được người ta chúc nhau nhiều hơn.

Những người trẻ mới thích được chúc công thành danh toại, làm ăn phát tài, chứ người đã ít nhiều trải qua thăng – trầm, được – mất hẳn thấm thía chân lý: phàm ở đời cái gì cũng có giá phải trả, để được giàu có người ta phải đánh đổi bằng thời gian, sức khoẻ, sự quan tâm, kề cận những người thân thuộc và cả sự thong dong của chính mình. Chưa kể, chúc sang, chúc giàu nghe đậm mùi vật chất, thực dụng. Người ta chỉ bình an khi không còn nặng gánh mưu sinh, cơm áo, và cũng chỉ hạnh phúc khi không phải đối mặt với tai ương, bệnh tật, gia quyến thuận hoà, trong ấm ngoài êm… Chúc nhau hai chữ “bằng an” (bằng lòng, bình an) nghe có phải… sang và ý nghĩa hơn không?

Bên cạnh đó, y học ngày nay đã tiến bộ hơn, mức sống cũng như sức khoẻ của người ta đã và đang được cải thiện nhiều nên lời chúc “sống lâu trăm tuổi” xem ra không còn phù hợp bởi những người sống hơn trăm tuổi hiện nay không phải hiếm.

Còn nhớ có năm tôi cùng đám con cháu lít nhít đến chúc Tết một ông cụ đã hơn 90 tuổi, bản thân ông lại đang mắc nhiều bệnh nền. Một đứa cháu chúc ông “sống lâu trăm tuổi” theo đúng “bài” mà cháu đã chuẩn bị sẵn. Câu chúc ngây thơ của thằng bé khiến mọi người phá lên cười, nhưng cũng có người len lén nhìn nhau ý nhị. Thực ra, người già chỉ mong sống lâu nhưng sống khoẻ mạnh, không vướng bệnh tật chứ đâu ai mong kéo dài tuổi thọ của mình, sống lay lắt chi, ảnh hưởng con cháu khi có bệnh trong người?

Những người độc thân lại e ngại chuyện được chúc “sớm có đôi,” “sớm nên duyên vợ chồng” hoặc sớm có tin vui đường tình duyên. Mấy ai sống trong đời mà chẳng mong được hạnh phúc vẹn tròn, viên mãn trong cuộc sống lứa đôi nhưng đôi khi vì lý do này khác mà họ vẫn chưa đi đến kết thúc có hậu với một ai đó. Những lời chúc về chủ đề này đôi khi gây ngại ngùng, khó xử, thậm chí khó chịu hoặc áp lực tâm lý cho những người được (hay bị) chúc.

: Bữa ăn sum họp ngày mùng một Tết, còn thiếu nhiều thành viên ở xa. (Hình: Thụy Vũ)

Từ dạo sang Mỹ, gia đình tôi mỗi người sống một nơi, người còn ở lại Việt Nam, những người sống ở Mỹ thì cũng rải rác ở vài tiểu bang khác nhau nên thói quen chúc Tết đầu năm tuy vẫn còn nhưng không được xôm tụ, đủ đầy các thành viên trong nhà như những năm trước. Tết của người Việt ở Mỹ chỉ có một ngày ngắn ngủi, rồi ai nấy trở lại với cuộc sống thường nhật, ngày nào cũng như ngày nấy nên có khi thói quen chúc Tết cũng mai một dần.

Cuộc sống gấp gáp, tất bật ở Mỹ khiến mọi thứ đều vội, vội đến rồi vội đi nên người ta có khuynh hướng giản tiện mọi thứ để bắt kịp guồng quay. Thói quen chúc Tết (trực tiếp) của người Việt ở Mỹ nhiều năm sau này đã được thay thế bằng những tin nhắn hay cuộc gọi video từ xa qua Zalo, Whatsapp, Messenger… vì ngày tết thường là ngày làm việc, không tiện để mọi người gặp gỡ, để trao nhau những lời chúc tốt lành, để được thấy mọi người vẫn bình an.

Dù những lời chúc online kèm các biểu tượng icon, emoticon ngộ nghĩnh, sinh động có giản tiện hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn khiến cho việc chúc Tết – một thói quen đã có tự lâu đời vào những ngày tết Việt bớt đi sự ấm áp, trang trọng và ý nghĩa. Ai đó vẫn còn sống chung với gia đình theo kiểu “tam tứ đại đồng đường” thì còn có thể duy trì thói quen chúc Tết nhau trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, ở một xứ sở tự do cá nhân được đề cao hàng đầu như ở Mỹ, việc sống chung giữa các thế hệ chỉ là hãn hữu.

Ba tôi đã về trời từ mùa xuân năm trước. “Sống lâu trăm tuổi” hay “thọ tỷ Nam Sơn” rốt cục cũng chỉ là những lời chúc thể hiện mong muốn, ước ao của người chúc dành cho người được chúc, chứ mấy khi trở thành sự thật, bởi có mấy ai tránh được sinh – lão – bệnh – tử, quy luật khắc nghiệt của đất trời để trường tồn với thời gian.

Mặc dầu vậy, đây vẫn là lời chúc mà tôi luôn muốn dành cho những người thân yêu nhất của mình mỗi dịp xuân về.

Tết nay so với Tết xưa dẫu có nhiều thay đổi nhưng chúc Tết có lẽ vẫn là một nét sinh hoạt văn hoá mà các gia đình Việt luôn muốn gìn giữ theo thời gian. Chỉ cần được duy trì để các thế hệ trẻ sau này biết đến một phong tục tốt đẹp, ý nghĩa của cha ông để lại, còn thì hình thức chúc Tết ngày nay có thể thay đổi linh hoạt để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của mỗi người, mỗi nhà. Nội dung lời chúc, câu chúc cũng cần ý nhị, phù hợp với thời đại, hoàn cảnh và người được chúc hơn để tránh khó xử hoặc dở khóc dở cười cho cả đôi bên.

Chẳng biết bây giờ, gia đình Việt ở các nơi trên thế giới, có còn giữ được thói quen gặp gỡ để chúc Tết nhau vào những ngày Xuân hay không?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: