Nhớ ngọn đèn trong đêm – Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

(Hoangphasp.or)

Tôi bị tù trên 26 năm, vào tù trước Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, và được phóng xá sau hòa thượng. Khi được trả tự do, hòa thượng và tôi lại cùng nhau tiếp tục đóng góp cho công cuộc giữ vững nền móng của Ngôi Nhà Chung Giáo Hội về mệnh đồ tương lai của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Nhớ lại, thấy buồn. Buồn là buồn viễn cảnh xã hội Việt Nam thấm thoát đã non nửa thế kỷ kể từ ngày thay ngôi đổi chủ đến nay, đất nước vẫn mịt mù tăm tối, đồng bào vẫn sống trong cảnh lầm than thống khổ mất tự do, xã hội không dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo… Càng buồn là Chư Tôn Đức Tăng trước đây thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) vẫn còn khoảng cách tự chia nhau ra ba, bốn nhóm.

Giáo hội không có lực mạnh vì chưa được hợp nhất, một phần do bị thế quyền phân hóa, một phần do chính mình, cố chấp, nghi kỵ, thiếu bao dung nên sa vào ý muốn của kẻ bạo quyền. Đặc biệt, một thời gian dài tôi vô cùng buồn và lo âu cho bệnh duyên của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, vì hòa thượng là lương đống, là rường cột, là linh hồn của GHPGVNTN, Giáo hội cần và rất cần Ngài trong tình hình hiện tại.

Nghịch duyên thay! Khi những ngày nhìn thấy sức khỏe của hòa thượng ngày càng suy yếu, tôi chỉ biết âm thầm cầu nguyện Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Lịch Đại Tổ Sư, Chư Tiền Bối Hữu Công, Chư Thánh Tăng Ni và Phật tử Tử đạo cùng Hồn Thiêng Sông Núi anh linh thùy từ gia hộ cho Ngài vượt qua cơn trọng bệnh hiểm nghèo, và mong sớm được phục hồi (tôi có ghé thăm được hòa thượng lúc 2g30 chiều 21 Tháng Chín 2023, trước lúc Ngài mất. Thấy hòa thượng đang thở oxy, nhìn tôi, ngài cố mỉm cười tay vẫy nhẹ chào trông rất yếu ớt.

Hòa thượng gắng gượng nói: “Bệnh ung thư xương đã di căn lên phổi, hay mệt lắm, nên phải hút dịch tràn. Còn nước còn tát, giờ chỉ còn trông chờ một phép mầu thôi!”

Tôi nghe như đau nhói cả tim mình, vì tôi lực bất tòng tâm, lòng tôi như chết lặng… Lúc ấy, có hai bác sĩ đi vào, rất nhiệt tình quan tâm thăm hỏi bệnh nhân, nhịp nhàng treo lọ thuốc đặc trị cho truyền chảy từ từ vào ven tay, và điều chỉnh chiếc máy theo dõi nhịp tim, hơi thở cho hòa thượng. Buổi viếng thăm lúc đó được ba mươi phút tôi từ giã về, và hẹn “hôm nào con sẽ đến thăm hòa thượng nữa.”

Khi về đến chùa lòng tôi cảm thấy bất an khi nghĩ đến Ngài. Tôi vội mời một Phật tử tinh thông y lý dòng dõi con cháu của Ngự Y triều Nguyễn, với dự định đưa vị này vào thăm hòa thượng để có thể giúp được gì cho bệnh tình của Ngài không. Nhưng vì chưa đủ duyên nên không thể thực hiện được ý nguyện này.

Người xuất gia ai ai cũng biết: Bệnh cũng là nghiệp, chúng sinh đa nghiệp, mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, nên sinh cũng khác nhau và tử cũng khác nhau… không ai thoát qua khỏi cửa ải sinh tử. Trên đời nầy mình có thể chia sẻ giúp nhau đủ mọi thứ, nhưng bệnh tật thì không.

Nghiệp lực là một sức mạnh vô hình hết sức lớn lao, và vi tế tiềm ẩn do sự huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp hay từ vô lượng kiếp chỉ có bậc đắc đạo giác ngộ hay thánh giả mới thấu rõ được.

Nhớ những năm tháng trong lao tù, có hai vị Tăng luôn được mọi người ngưỡng mộ kính trọng về tài năng và đức hạnh đó là Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, nguyên chánh thư ký Viện Tăng Thống, nguyên cố vấn Viện Hóa Đạo GHPGVNTN và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhị vị là tấm gương sáng, là hơi ấm lan tỏa tình yêu thương, là nguồn an ủi trong cảnh khổ nhục tù đày.

Đặc biệt, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ – một vị cao tăng tài hoa, đa tài… thơ, văn, nhạc, họa, thư pháp, dịch thuật, viết sách, báo chí… được mời thỉnh giảng dạy đại học khi còn trẻ. Ngài biết nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Đức, Hán, Phạn, Pali, Lào, Thái,… thông kinh bác lãm cả Nguyên Thủy-Đại Thừa, Thiền Tông, dịch Đại Tạng Kinh để lại cho đời…. Hòa thượng là một bậc văn tài hiếm có, túc thế thiện căn, quán đạo tinh tường, lợi căn đại trí… Nhất là những dòng thơ sâu sắc như nhả ngọc phun châu của Ngài thật vô cùng tuyệt bích.

Thời gian bị cầm tù tại trại Z30 A-Xuân Lộc-Đồng Nai, trưởng trại giam thấy Ngài có tài, nên kêu gọi hòa thượng tham gia dịch thuật các loại sách ngoại ngữ tại nhà, khỏi đi lao động vất vả mưa nắng bên ngoài, nhưng Ngài từ chối, và sẵn sàng đi làm ruộng, cuốc đất, khuân đất, đào ao, trồng rau, hái điều,… để  đồng cam cộng khổ với các tù nhân cùng cảnh ngộ.

Hòa Thượng chỉ dùng cơm ngọ buổi trưa mỗi ngày một lần, chiều về uống chút bột sắn dây hay chút bột cam rồi ngồi thiền. Thân thể hòa thượng lúc đó rất gầy ốm, nhưng thần trí quang minh, nhiều hôm lao động về đi ngang suối gặp lúc trời mưa to, nước chảy xiết, anh em tù phải cõng Ngài sang suối, sợ kẻo nước cuốn trôi.

Hôm nào lao động buổi chiều về sớm được một chút, Ngài sang phòng rủ tôi đi thăm anh em ở các phòng khác, mọi người rất vui mừng khi hòa thượng đến chơi, tất cả quây quần bên nhau thân mật cùng ngồi dưới mái hiên chuyện trò đàm đạo vui vẻ, và  nghe ngâm thơ, hát nhạc đấu tranh… những bài thơ, nhạc được các anh em sáng tác từ trong tù, và thỉnh thoảng là thơ văn của chính hòa thượng sáng tác nữa. Phong cách sống của hòa thượng rất bình dị, vui vẻ, hài hòa, thu hút được sự cảm mến kính trọng của nhiều tù nhân chính trị và tôn giáo (ở trong tù có rất nhiều linh mục, mục sư, chức sắc Đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ ân Hiếu nghĩa,…).

Mỗi buổi sáng, khi có tiếng kẻng báo hiệu thì tù nhân chuẩn bị ra sân tập trung đi lao động. Cho dù, có bị cưỡng bức lao động, rất nhọc nhằn vất vả, duyên may có hòa thượng bên cạnh, Ngài thường xuyên mang theo đường, cà phê mời toàn đội uống, nên không khí lúc nào cũng vui vui quên đi mệt nhọc, hoặc vừa làm hòa thượng vừa kể những mẩu chuyện đạo để mọi người thâm tín nhân quả và gieo niềm tin Phật pháp của ánh sáng chân lý. Có nhiều anh em ra tù xuất gia, có người ghé chùa Già Lam viếng thăm hòa thượng, hoặc có gia đình vợ con, nhưng nhờ hiểu Phật Pháp ngay từ trong nhà tù nên khi về xã hội sống rất chuẩn mực đạo đức, đây là công đức và hành trạng của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ  trong những năm tháng lao tù.

òa Thượng Thích Thiện Minh (Hình: tác giả cung cấp)

Tôi vẫn lấy làm đáng tiếc có sự khác xa nhau quá chênh lệch giữa tôi và hòa thượng là “Trí Tuệ” mà trong suốt cuộc đời nầy có thể cả kiếp sau, tôi vẫn theo không kịp sở học và trí tuệ uyên thâm của Ngài.

Bản thân tôi sở học kém lại mang án tù lâu dài nên tri thức cạn hẹp, phước mỏng nghiệp dày, chướng duyên che lấp, muội tánh tối tăm, hành trì thối thất, căn cơ ám độn, do đó muốn góp phần mình cho đại cuộc xiển dương chánh pháp và hưng long Giáo hội thì tự xét thân mình tài sơ trí thiển, nhiều lúc khát khao phải chi được vài phần trăm của hòa thượng thôi, tôi cũng cảm thấy mãn nguyện kiếp nầy rồi.

Có những cuộc tiếp kiến của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, và  phái đoàn quốc tế, như: Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, các tổng lãnh sự hoặc chuyên viên cố vấn bộ ngoại giao các nước  Anh, Pháp, Đức,… Hòa Thượng Tuệ Sỹ nói chuyện thông thạo, đến nỗi nhân viên phiên dịch cũng phải bất ngờ qua ứng xử đối đáp, giải thích, phân tích, các sự kiện liên quan từ thời vàng son của Phật giáo ở quá khứ cho đến giai đoạn bị kìm hãm, sách nhiễu, bách hại, phân hóa nghiệt ngã như hiện nay. Thật là tuyệt vời!

Hòa thượng rất xứng đáng là bậc thạch trụ tòng lâm của Phật giáo nước nhà; bậc trí lực sâu xa, túc phúc nhiều đời, gieo trồng nhiều cội đức nên mới có kiến đa thức quảng được như thế!

Tôi đồng ý câu nói của người xưa – “nhân vô thập toàn,” nhưng với tôi, Hòa Thượng Tuệ Sỹ là người thập toàn, những điều tôi xưng tán là theo những gì chính mắt tôi thấy, chính tai tôi nghe về hành trạng của Ngài. Tôi không nói những gì tôi không biết về Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Và tất nhiên, tôi không thể nào thấy, nghe và biết hết về hành trạng của ngài. Những gì tôi viết trong bài này hoàn toàn là cảm nhận từ cá nhân tôi, không phải là cảm nhận của tất cả mọi người, vì mỗi người có cảm nhận khác nhau về người khác.

Trên đường hành đạo, phụng trì chánh pháp với nguyện lực bi mẫn để khuyến hóa tứ chúng đồng tu, hòa thượng đã đóng góp những công trình to lớn trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, những pho kinh sách đồ sộ của Ngài khi có dịp cầm trên tay xem qua và tôi tự nhận định bản thân mình không thể thấu hiểu hết nghĩa lý sâu xa… mà thoáng nghĩ chỉ có thể để dành cho các bậc khảo cứu, nghiên cứu. Riêng tôi xin tỏ thật có khá nhiều kinh sách của hòa thượng tôi vẫn đang để trưng bày trang nghiêm nơi gác kệ.

Tôi vẫn biết kinh sách của bậc thượng trí, bậc cao sĩ giữa thời mạt pháp luôn hữu ích cho đời, cho thế đạo nhân tâm. Học trò của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nay có nhiều vị ở trong lẫn ngoài nước đã là danh tăng, là hòa thượng, ni trưởng, là sứ giả của Như Lai đang tiếp nối mạch nguồn của ân sư để không phụ người đã dày công huấn dục.

Với trí tuệ nhỏ bé của mình, tôi biết được hòa thượng là người khiêm cung chẳng màng danh lợi, không thích những chức phẩm cao sang, sống thanh cần đạm bạc, chỉ đơn sơ là một học giả, là người thích cầm bút và giảng dạy. Còn việc được ủy nhiệm chức vụ Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN  do Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ ủy thác, là thế chẳng đặng đừng, buộc lòng Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ ra tay đảm đương gánh vác trong lúc nội tình Giáo hội ngàn cân treo sợi tóc.

Cuối cùng tôi chỉ biết nói lên lời thâm tạ và tỏ lòng túc kính bậc duệ triết, tôi tuyệt đối khâm thừa những giáo chỉ, ý chỉ để lại của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ một lòng nghiêm cẩn và y giáo phụng hành.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.

———–

(*) Hòa Thượng Thích Thiện Minh, người được cộng đồng quốc tế can thiệp trả tự do sau 26 năm chịu tù đày không lý do trong chế độ Cộng Sản, dành những ký ức đẹp nhất qua những ngày lao khổ, kham nhẫn cùng thầy Thích Tuệ Sỹ như một lời nhắc về ngọn đèn thắp sáng trong trái tim của những người học Phật.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: