Những lá thư chờ Tết

(Hình gia đình cung cấp)

Một buổi chiều gần Tết, hai chị em cafe với ba má. Cũng như mọi lần luôn là chuyện ngày xưa.

Tháng Bảy 1975, ba đi cải tạo ở Kỳ Sơn (má tôi chỉ nhớ là một vùng núi thuộc tỉnh Quảng Nam chứ không nhớ chính xác vùng nào). Có một dịp má dẫn hai đứa em trai của tôi lên thăm ba. Đứa lớn lúc đó 5 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 3 tuổi. Hồi đó tôi nhiều lần năn nỉ xin theo má thăm ba nhưng má không cho vì chị giúp việc đã về quê, tôi là chị cả phải lo cơm nước cho bầy em sáu đứa, dù lúc đó tôi mới 11 tuổi.

Năm đó trời lạnh cóng và mưa cũng tầm tã hơn mọi năm. Vậy mà không hiểu sao má lại dám dẫn hai thằng nhỏ theo lên miền núi thăm ba. Như mọi khi, má mua dầu gió, đường bát, thịt chà bông, thuốc tây mang lên cho ba. Má nói ba ở trên đó thiếu thốn đủ thứ nên ráng mang lên cho ba cái gì được cứ mang. Và món quà má mang theo mà ba mong đợi nhất luôn luôn là những lá thư của các con.

Vậy là má một tay xách giỏ, một tay nắm hai thằng nhỏ leo lên xe đò. Thời đó tàu xe khó khăn lắm, xe thì cà rịch cà tang, đường lại xấu nên mất nguyên cả ngày vừa xe đò, vừa xe ôm lên đến nơi thì trời tối. Má cũng như những người vợ tù cải tạo khác phải chờ qua đêm để sáng hôm sau lên trại thăm nuôi.

Đêm đó, vì có hai đứa nhỏ đi theo, má vào một nhà dân xin tá túc qua đêm. Theo quy định của chính quyền địa phương lúc đó, dân không được cho những người thăm nuôi cải tạo ở lại. Tuy vậy, có lẽ thấy mủi lòng khi nhìn cảnh má dắt hai đứa con nhỏ xíu lên thăm chồng, thăm cha nên chủ nhà, một nông dân đã cho má và hai đứa nhỏ vào nhà.

Đêm đó, chủ nhà nhường chỗ ngủ cho ba mẹ con người lỡ đường. Ngoài trời lạnh căm căm, ngôi nhà xiêu vẹo tranh tre nứa lá không ngăn được khí lạnh từ bên ngoài khiến má không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng. Còn hai thằng nhóc sau một ngày dằn xóc trên đường nằm cuộn tròn ngủ mê mệt. Mình quên hỏi má tối đó hai đứa nó có đái dầm không.

Trời sáng, chủ nhà trước khi vác cuốc lên rẫy dặn má: Lát mấy đứa nhỏ ngủ dậy, chị cứ khép cửa lại rồi đi. Tui đi làm đây. Nói xong, ông chỉ về hướng xa xa, nơi có tốp tù cải tạo ra đồng sớm và nói: Có khi ảnh làm trong tốp đó. Chị nhìn chừng thử nghe.

Chuyến thăm nuôi đó ba vui lắm vì được sờ nắn, hôn hít hai thằng nhỏ. Má kể hai đứa cứ nhìn ba không chớp mắt vì thấy ba lạ quá, không giống ba như thường ngày chúng hay thấy.

Trở về, má nhủ lòng chuyến sau đi thăm ba sẽ mang chút quà là đường và mắm ruốc lên biếu chủ nhà gọi là cảm ơn lòng tốt của ông. Nhưng rồi Tết năm đó ba được trở về. Má không lên lại trên đó nên cứ canh cánh chưa có dịp thăm lại người chủ nhà mà mình đã thọ ơn trong những ngày khốn khó.

Những lần trước, nghe má kể chuyện này, tôi cứ tiếc sao má không hỏi rõ địa danh cụ thể của vùng đó cũng như tên của người chủ nhà. Tôi hay đi làm ở vùng núi Quảng Nam, nếu biết được chính xác tên làng, tôi sẽ tìm cách đến thăm người nông dân tốt bụng năm xưa để cảm ơn ông. Nhưng rất tiếc, đến bây giờ gia đình tôi vẫn nợ ông một lời cảm ơn.

Có những người chỉ đi thoáng qua cuộc đời của mình nhưng đã để lại trong tim mình một sự hàm ơn sâu sắc. Tôi cứ thầm mong một ngày nào đó, mình sẽ có duyên gặp con, cháu của người chủ nhà, chứ không dám nuôi hy vọng gặp ông bởi nếu còn, giờ hẳn ông cũng đã bước qua cái ngưỡng 80.

Trở lại chuyện những lá thư. Hồi đó tôi và cô em kế viết thư cho ba luôn rành mạch. Còn những lá thư của các em lời lẽ ngô nghê rất buồn cười. Tôi nghĩ khi cầm lá thư lên đọc hẳn ba sẽ mỉm cười mà hình dung ra gương mặt của từng đứa con. Cho đến nay, những lá thư đó tôi vẫn còn giữ gìn cẩn thận như một kỷ vật quý giá của gia đình.

Đứa thứ tư trong nhà lúc đó mới học lớp Một. Tuy là con gái nhưng rất nghịch ngợm, hay trốn ngủ trưa để trèo cây, cũng vì vậy mà em hay bị má cho “ăn” chổi lông gà. Tôi nghĩ khi ba đọc thư của em, có lẽ ba nhớ nó lắm:

“Đà Nẵng, ngày… tháng…  năm 76

Kính thưa ba, hôm nay má lên thăm ba con viết thư thăm ba đây. Con ở nhà nhớ ba lắm, con trông ba về chở con đi học với cu Kỳ, con ở nhà bị má đánh hoài, mỗi lần má đánh là con nhớ ba ghê,… con thèm ăn kem lắm ba ơi, bữa mô ba về dẫn tụi con đi ăn kem nghe ba. Thương ba nhiều lắm”… “Mấy tháng trước con kông (không) viết thư cho ba nên tháng ni con cố viết thiệt dài để ba đọc… cu Kỳ cu Tí được lên thăm ba còn con xin má đi nhưng má không cho con đi, gần Tết rồi mà ba chưa về, buồng (buồn) ghê”…”Con nhớ ba lắm ở nhà con hay đánh lộn bị má đập hoài , con muốn lên thăm ba nhưng má không cho đi…”

Còn cậu em trai đang học mẫu giáo thấy các chị viết thư gửi ba cũng xin má tờ giấy và nắn nót: “kính thưa ba, con biết viết chữ c, co rồi chữ kh, khế, o,…bé, ngủ, bò, nghé …”

Cô em gái kế tôi, con thứ hai trong nhà là một đứa trẻ hiền lành, rụt rè, ít nói, hay đau ốm nên lúc nhỏ ba tôi hay để mắt đến em nhiều nhất. Thư em viết cho ba vẫn bằng cái giọng thỏ thẻ như cách em nói chuyện hằng ngày: “… Con rất buồn khi nghe ba đổi đi rất xa nhà. Con muốn cho ba trở về để má và các con được vui. Mai là má đi Tam Kỳ để thăm ba, con rất muốn đi nhưng xa ba không cho đi. Ba ráng gửi cho con một cái thư nữa để con đọc cho khỏi nhớ. Mấy cái thư kia ba gửi về chị Quỳnh (Anh) lấy cất một cái và cu Kỳ xé nữa nên con không có. Cu Kỳ còn nói rằng ba không về. Mấy bữa nay má xin cho Quỳnh Anh, con, Bé Ba, Bé Tư, cu Kỳ đi học ở trường Đinh Bộ Lĩnh. Một nửa con muốn đi học, một nửa con không muốn đi học. Con không muốn đi học vì nhà nghèo. Con muốn đi học vì đi học có làm toán, chính tả nữa nên con muốn đi. Thôi con không có gì để viết nữa nên con xin dừng bút. Con mong ba ở trên đó mạnh khỏe và làm việc giỏi để họ mau cho về. Thương ba rất nhiều.”

Người cha và gia đình trước khi bị cộng sản bắt đi tù cải tạo. (Hình: Gia đình cung cấp)

Có một lá thư của tôi gửi cho ba kể chuyện xin má nghỉ học để ra bến xe lấy nước như mấy đứa nhỏ khác nhưng má không cho. Vì thấy ba đi cải tạo, chỉ mình má nuôi bầy con nên tôi cứ nghĩ nhà nghèo quá, phải nghỉ học để phụ má nuôi em. Nghĩ lại sao hồi đó mình khôn trước tuổi. Từ một đứa nhỏ vô tư lự, suốt ngày rong chơi với bạn bè, cơm ăn sữa uống có lúc hai chị giúp việc bưng lên tận miệng mà còn phải năn nỉ ỉ ôi mới chịu ngồi vào bàn. Đúng là con người, dẫu là một đứa trẻ khi bị dòng đời quăng quật, xô đẩy buộc phải tự thích nghi.

“… Con nghe má nói ba đi gánh nước với đốn củi con thương ba lắm, chừ mà má cho con lên ở với ba để gánh nước với lại đốn củi phụ ba, con chịu liền. Mưa ở trên đó nhiều không ba, má đi mua tấm poncho ở chợ trời mà không có. Ba ráng giữ sức khỏe nghe ba, đi đốn củi với lại gánh nước là mau đau lắm ba. À, bịnh đau bao tử của ba có thuyên giảm chưa, ba đi rừng coi chừng bị sốt rét đó ba, với lại lạnh thì không có mền đắp nữa…” “Má hồi mô cũng buồn hết. Má nói ba đi gánh nước rồi lỡ bị đau bao tử nặng thêm răng, ba chắc yếu nhứt ở trong đó quá, má nói ba đen má nhận không ra với lại ốm hơn hồi ba đi làm nữa. Nếu ba có đau thì xin nghỉ chớ đừng làm việc nghe ba…”

Với những đứa trẻ vắng ba ngày đó, những dịp Tết Trung thu, Giáng Sinh hay những ngày giáp Tết Nguyên Đán luôn là những ngày nhớ ba nhiều nhất.

“… Gần tết rồi mà không có ba buồn ghê. Như hồi nớ là chủ nhật, ba với má lo đi mua đồ sợ lần sau mắc. Rồi tới tết chơi cờ cá ngựa, chơi bầu cua tôm cá vui ghê, con ăn gian ba mấy trăm luôn. Nếu Tết ni ba về tụi con chơi không ăn gian của ba nữa đâu. Má nói nếu ba về má cho ba ăn đủ thứ hết như: mứt, bánh tét, bánh tổ đủ thứ hết. Có nhiều lúc con với má tưởng tượng ba về hỉ. Tụi con với má ở nhà liền, má không đi dạy, còn tụi con thì không đi học nữa. Nhớ tới Tết mà không có ba con chẳng ưa tới tết tí mô hết. Chừ mà được có tiên cho con ba điều ước như: Tết nhà có đầy đủ đồ ăn uống hết, tụi con có nhiều đồ mới và ba về thì con chọn cái cuối cùng hết. Noel năm nay, không có ba cũng buồn ghê đi. Nhớ năm ngoái cả nhà bị cúm hết, rứa mà ba đi mua bánh về ăn ớn ngấy luôn. Chừ ba về là con không cần chi hết á…”

***

Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng đến bây giờ, cứ mỗi lần giở lại những bức thư của mấy chị em gửi cho ba, tôi thấy lòng mình rưng rưng. Có người hỏi tôi sao không thấy những bức thư của ba gởi về cho các con. Nghe câu hỏi đó tôi ngẩn người ra, ừ đúng rồi, sao trong tay mình chỉ là những lá thư của đàn con gởi ba mà tuyệt nhiên không thấy bức nào của ba gởi cho các con. Nghĩ ngợi và tôi tự giải thích cho mình rằng chúng tôi ngày ấy vẫn còn trẻ con, thư ba gởi về đọc xong rồi cũng không nhớ đến việc phải cất chúng vào đâu đó. Còn ba, ba đã nâng niu và giữ rất kỹ những lá thư của các con từ những ngày ở trại cải tạo cho đến sau này.

Với ba, những tháng ngày trong tù, từng nét bút nguệch ngoạc của các con là những đốm lửa sưởi ấm trong những ngày đông giá lạnh trên núi. Đó là những báu vật giúp ba vượt qua được những ngày khắc khoải nhớ thương vợ con, vượt qua được nỗi bi ai khi thế cuộc xoay vần, từ một sĩ quan quân đội ba trở thành một người tù không biết ngày về, không còn nhà cửa, con cái nhỏ dại.

Nhắc lại những ngày thăm ba, cô em gái vốn nghịch ngợm và gan lì lúc đó mới 6 tuổi nhớ lại: “Lần đầu được má dẫn đi, hồi đó nhỏ quá chỉ trông gặp Ba để lấy lương khô, đâu nghĩ lúc ba đi ra đội nón lá, da sạm đen khác hẳn hình ảnh lúc trước. Rồi Ba dặn dò ở nhà ngoan, nghe lời má, trong đầu chỉ nghĩ tới mấy miếng lương khô thôi à, tới lúc quản giáo kêu hết giờ ba quay lưng đi, hình như quần áo ba lúc đó không lành lặn, đầu đội nón lá, tự nhiên em oà lên khóc.”

Với cô em kế lúc đó đã học lớp ba, chuyến đi thăm ba ở trại cải tạo đã để lại ấn tượng khó phai nên giờ đây nhắc lại cô em cứ rưng rưng: “Hồi đó em được má dẫn lên thăm ba một lần. Trong trí tưởng tượng của một con bé 9 tuổi là mình lúc đó cứ ngỡ là sẽ nhìn thấy ba đẹp trai kiêu hùng trong bộ đồng phục Hải quân màu xanh với chiếc mũ có đính hạt cườm hình mỏ neo mà mình vẫn thường thấy ba mặc đi làm. Em và má đứng chờ một lúc thì thấy một đoàn người mặc đồ màu xám giống như đồ bà ba của người tù, đầu đội nón lá, trên vai là chiếc đòn gánh gánh hai thùng nước hay thùng gì đó thì em không rõ. Một người đàn ông tiến lại gần chỗ hai mẹ con đang đứng chờ và em nhận ra đó là ba, nhưng không phải là ba trong ký ức của mình. Em đứng lặng đi… tuy trong lòng rất thương và nhớ Ba nhưng không biết nói gì. Ba ôm em vào lòng, hỏi cái gì thì chỉ biết trả lời cái đó. Ba chỉ đứng nói chuyện với hai mẹ con được chừng 20 phút thì ba phải đi. Ba lại quay cái đòn gánh có 2 cái thùng lên vai. Hai mẹ con đứng nhìn theo cho tới khi bóng ba khuất dạng… Em muốn khóc mà không dám khóc, thấy thương và tội ba quá! Kỷ niệm ngày đó không bao giờ quên được.”

Những tháng ngày đó đã xa tít tắp, gần nửa thế kỷ rồi kia mà nhưng mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, tôi cứ nhớ như mới hôm qua. Những lá thư gởi ba tôi vẫn còn giữ. Lâu lâu, đem thư ra đọc lại, mường tượng gương mặt từng đứa em đang dẫu môi nắn nót viết từng dòng thư cho ba với bao nhiêu là thương nhớ.

Những lá thư ba gởi về đều không còn nhưng tôi nhớ mãi một câu trong một lá thư nào đó: “Ba ở đây buổi chiều thấy nhớ các con. Buổi sáng ba đi lên rừng, ở đó có những búp chuối rừng đỏ rực, có những trái ổi rừng chín mọng, ba ước giá như có các con ở đây ba sẽ hái cho tụi con, chắc tụi con thích lắm.”

Không hiểu sao trong nhiều lá thư ba gởi về, tôi chỉ nhớ được mỗi câu đó. Có lẽ khi đọc đến dòng chữ này, tôi đã cảm nhận được rằng khi đó, ba đang rất nhớ, rất nhớ chúng tôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: