Nửa thế kỷ, người Việt ở đâu trong ‘dòng chính’ quyền lực cao nhất nước Mỹ?    

Năm dân biểu gốc Việt của Hạ Viện Oregon. Hàng trước, từ trái: Daniel Nguyễn, Hải Phạm, Khanh Phạm, Thủy Trần, và Hòa Hiền Nguyễn. (Hình: Lê Quang Trung)

Cộng đồng người Việt định cư trên nước Mỹ tính đến nay cũng đã 50 năm. Những thập niên đầu của nửa thế kỷ qua, cũng như các sắc dân thiểu số khác, người Việt vượt qua muôn vàn khó khăn để có thể hội nhập vào đất nước “hợp chủng quốc” có nhiều sự cạnh tranh gay gắt như Hoa Kỳ.

Nếu như nhiều người Mỹ gốc Á tham gia vào dòng chính trị quyền lực cao nhất của nước Mỹ, là sự hiện diện của dân biểu tại Quốc Hội Hoa Kỳ, (không đề cập đại biểu dân cử tại tiểu bang, quận hạt, thành phố,) thì với người Mỹ gốc Việt, tính ở thời điểm này, chỉ là con số “không” tròn trĩnh.

‘Chân dung’ nhóm sáu sắc dân gốc Á

Theo dữ liệu từ U.S. Census Bureau (Cục Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ), tính đến năm 2022, có hơn 24 triệu người Mỹ gốc Á sống ở Hoa Kỳ, chiếm 7% dân số và là nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc lớn, phát triển nhanh nhất trong cả nước.

Người Mỹ gốc Á có nguồn gốc từ hơn 20 quốc gia ở Đông và Đông Nam Á, cũng như tiểu lục địa Ấn Độ, nhưng phần lớn, 77%, đến từ sáu quốc gia: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Nam Hàn.

Dân nhập cư chiếm quá bán số lượng người Mỹ gốc Á (54%), ít hơn một chút là người được sinh ra ở Mỹ (46%). Về mặt địa lý, California là nơi sinh sống của hơn 7 triệu người Mỹ gốc  Á, nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác. New York và Texas, mỗi tiểu bang có khoảng hai triệu người gốc Á.

Trong sáu nhóm sắc dân gốc Á đông nhất tại Mỹ, thu nhập của người Mỹ gốc Ấn Độ đứng hàng cao nhất, với thu nhập trung bình của hộ gia đình lên tới khoảng $120,000 mỗi năm; người Mỹ gốc Trung Quốc cũng có thu nhập tương đối cao, trung bình mỗi năm khoảng từ $85,000 đến $100,000 mỗi hộ gia đình; kế đến là người Mỹ gốc Nhật ($80,000 đến $90,000), người Mỹ gốc Philippines ($75,000 đến $85,000); người Mỹ gốc Nam Hàn ($70,000 đến $80,000).

Người Mỹ gốc Việt có thu nhập trung bình thấp nhất so với số nhóm này, khoảng $65,000 mỗi năm cho hộ gia đình. Nhiều người gốc Việt chọn ngành làm nail, nhà hàng, và các ngành dịch vụ khác để sinh sống, nhưng cũng có một số người thành công trong các lĩnh vực chuyên môn như y học và kỹ thuật.

Sự khác biệt về thu nhập trung bình giữa sáu nhóm sắc dân gốc Á tiêu biểu này phản ánh sự đa dạng về lịch sử nhập cư, trình độ học vấn, và lĩnh vực nghề nghiệp.

Bảng so sánh trình độ học vấn của 6 sắc dân gốc Á tiêu biểu tại Mỹ, dựa trên dữ liệu từ AAPI. Bảng này thể hiện tỷ lệ phần trăm của từng nhóm trong các bậc học khác nhau, như không có bằng cấp, bằng cao đẳng, bằng đại học và bằng sau đại học.

Sắc dân gốc Á Không có bằng cấp Bằng cao đẳng Bằng đại học (BA) Bằng sau đại học (MA, PhD)
Người gốc Ấn Độ 8% 22% 50% 20%
Người gốc Trung Quốc 10% 25% 40% 25%
Người gốc Nhật 15% 20% 45% 20%
Người gốc Hàn 12% 30% 38% 20%
Người gốc Việt 25% 30% 25% 10%
Người gốc Philippines 20% 25% 35% 20%

 

(số liệu của tổ chức AAPI – Asian American and Pacific Islanders- Người Mỹ Gốc Á và Đảo Thái Bình Dương)

Người Mỹ gốc Ấn có trình độ học vấn cao nhất, trung bình có 15.5 năm học, tức tốt nghiệp đại học và tiếp tục học cao hơn. Người Mỹ gốc Việt có số năm học trung bình khoảng từ 12 đến 14 năm, có nghĩa phần lớn người gốc Việt tốt nghiệp trung học (12 năm học), và một số đã tiếp tục học lên đại học hoặc các chương trình đào tạo nghề. Bốn nhóm sắc dân còn lại nằm giữa người gốc Ấn và gốc Việt, nghĩa là người Việt có chỉ số học vấn thấp nhất trong nhóm này.

Mặc dù người Mỹ gốc Việt có tỷ lệ tốt nghiệp trung học cao, nhưng sự tham gia vào các bậc học đại học và sau đại học thường thấp hơn so với các nhóm sắc dân gốc Á khác, có thể phản ánh sự khác biệt trong cơ hội giáo dục, tình hình kinh tế, và ưu tiên văn hóa.

Thoạt nhìn kết quả khảo sát này có thể làm chúng ta giật mình, bất bình và sửng sốt. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn vào sự thật, có thể bất ngờ mà không bất bình. Những con số tuy khô khan nhưng đó là dữ liệu và không biết nói dối. Có thể hiểu được, hầu hết người Việt đến Mỹ đều là người tị nạn, trong khi năm cộng đồng còn lại đến Mỹ với tính cách di dân. Và, cũng cần phân biệt giữa trình độ học vấn theo thống kê với óc thông minh và tinh thần hiếu học. Hai điều này không nhất thiết luôn đi đôi với nhau.

Các dân biểu Dân Chủ gốc Ấn. Từ trái: Ro Khanna, Pramilla Jayapal, Shri Thanedar, Ami Bera, và Raja Krishnamoorthi. (Hình: Ami Bera)

Bức tranh về ‘sân chơi quyền lực’  

Về chính trị, các nhóm có những kết quả rất khác nhau trong bức tranh về người Mỹ gốc Á tham gia vào “dòng chính” ở Quốc Hội Hoa Kỳ.

Quốc Hội Hoa Kỳ là cơ quan lập pháp lưỡng viện do dân bầu, nơi đưa ra các dự luật, đạo luật, nghị quyết… quan trọng, không chỉ ảnh hưởng tương lai và vận mệnh của quốc gia, mà còn đến từng sắc dân, từng cộng đồng trong xã hội Mỹ. Đây là “sân chơi quyền lực,” tạo ra những “luật chơi,” nếu cộng đồng Việt không có dân biểu đại diện cho mình, thì “luật chơi” sẽ do người khác quyết định. Một “bữa tiệc về quyền lực và chính sách” mà “menu” do những nhóm sắc dân khác chọn, thì cộng đồng Việt quả là quá thiệt thòi về chính trị.

Hãy điểm qua những bước đi và sự trỗi dậy của năm nhóm sắc dân gốc Á tiêu biểu từ năm 2009 tới nay, năm mà người gốc Việt cũng có một dân biểu đầu tiên tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Những người có tên liệt kê sau đây tại Hạ Viện Hoa Kỳ đều là đương nhiệm. Ngoài ra, có một vài nhân vật tiêu biểu trong nội các mà người gốc Á từng đảm nhiệm.

Người gốc Ấn tính đến năm 2023 có khoảng 4.5 triệu người.

2010: Nikky Haley đắc cử Thống Đốc South Carolina, 2017 là Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.

2016: Kamala Harris đắc cử Thượng Nghị Sĩ (TNS) Hoa Kỳ (Dân Chủ-California) và 2021 nhậm chức Phó Tổng Thống.

2013: Ami Bera (Dân Chủ – California)

2017: Pramila Jayapal ( Dân Chủ – Washington)

2017: Ro Khanna (Dân Chủ – California)

2017 Raja  Krishnamoorthi (Dân Chủ – Illinois)

2023: Shri Thanedar (Dân Chủ – Michigan)

Khi nhậm chức năm 2013, ông Ami Bera là người gốc Ấn duy nhất tại Hạ Viện Hoa Kỳ, nhưng một thập niên sau, số dân biểu gốc Ấn tăng gấp năm lần.

Người gốc Trung Quốc (Hoa Đại Lục và Hoa Đài Loan), tính đến nay có khoảng 5.4 triệu người.

2009: Gary Locke (Lạc Gia Huy) trở thành bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Barack Obama, từng là thống đốc tiểu bang Washington từ 1997- 2005.

2009: Judy Chu (Dân Chủ – California)

2013: Grace Meng (Đài Loan, Dân Chủ- New York)

2015: Ted Lieu (Đài Loan, Dân Chủ – California)

2024: Vince Fong (Cộng Hòa – California)

Khi nhậm chức năm 2009, bà Judy Chu là người gốc Hoa duy nhất tại Hạ Viện Hoa Kỳ, nhưng hơn một thập kỷ sau, số dân biểu gốc Hoa đã tăng gấp bốn lần.

Người Mỹ gốc Nhật có số dân 1.2 triệu người.

2001: Norman Mineta, trở thành bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Hoa Kỳ từ 2001- 2006 dưới thời Tổng Thống George W. Bush.

2013: Mazie Hirono (Dân Chủ- Hawaii), thượng nghị sĩ Thượng Viện Hoa Kỳ, từ năm 2007-2013 bà là dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ.

2005: Doris Matsui (Dân Chủ- California)

2013: Mark Takano (Dân Chủ- California)

2023: Jill Tokuda (Dân Chủ- Hawaii)

Năm 2005, người gốc Nhật chỉ có một dân biểu, gần hai thập niên sau họ có 1 thượng nghị sĩ và ba dân biểu.

Người Mỹ gốc Hàn, số dân 1.5 triệu người.

2019: Andy Kim (Dân Chủ- New Jersey)

2021: Young Kim (Cộng Hòa – California)

2021: Michelle Steel (Cộng Hòa- California)

2021: Marilyn Strickland (Dân Chủ- Washington)

Chỉ sau 5 năm, từ 2019 dân biểu gốc Hàn tăng 4 lần.

Người Mỹ gốc Philippines, tính đến năm 2024, số dân 4.5 triệu người.

1993: Bobby Scott (Dân Chủ- Virginia), ông là dân biểu suốt 31 năm qua.

Người Mỹ gốc Việt, tính đến năm 2023, khoảng 2.3 triệu người.

2001-2003: Viet Dinh (Đinh Đồng Phụng Việt) là thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoa kỳ dưới thời Tổng Thống George W. Bush, ông là người gốc Việt có chức vụ cao nhất trong nội các Hoa Kỳ.

2009-2011: Joseph Cao, tên Việt là Cao Quang Ánh (Cộng Hòa – Louisiana)

2017-2023: Stephanie Murphy, tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung (Dân Chủ- Florida)

Có một thông tin đáng suy ngẫm, người Mỹ gốc Thái Lan hiện nay chỉ có khoảng 350,000 dân nhưng có một thượng nghị sĩ liên bang đương nhiệm từ năm 2017 là Tammy Duckworth (Dân Chủ- Illinois).

Người Mỹ gốc Pakistan (Nam Á), hiện nay chỉ có khoảng 600,000 dân, cũng có một dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ từ năm 2021 là Stephani Bice (Cộng Hòa – Oklahoma).

Tại Quốc Hội Hoa Kỳ, sự hiện diện của người gốc Việt hiện tại là con số không. (Hình: Chính Doanh)

Vì đâu nên nỗi?

Theo số liệu 2022 của AAPI, California có khoảng 700,000 – 750,000 người gốc Việt định cư, chiếm gần 1/3 người gốc Việt trên toàn nước Mỹ. California luôn được gọi là “thủ phủ người Việt tị nạn,” là biểu tượng cho sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, là cộng đồng Việt ở tiểu bang vàng chia rẽ trầm trọng, chống phá lẫn nhau, vì những lợi ích cục bộ của phe nhóm mình.

Hai dân biểu đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ là ông Cao Quang Ánh và bà Stephanie Murphy đều không đến từ California, nơi có đông đảo người Mỹ gốc Việt sinh sống. Họ đắc cử nhờ vào lá phiếu của các sắc dân khác.

Năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, 5 dân biểu gốc Việt tuyên thệ nhậm chức tại Hạ Viện Oregon, sự kiện này cũng đủ làm “rúng động chính trường” Oregon, khi chiếm gần 10% thành viên Hạ Viện.  Điều đáng nói ở đây là cả tiểu bang này chỉ có khoảng 30,000 người Việt sinh sống. Người Việt tuy ít nhưng đã dồn phiếu tập trung cho đồng hương và nhờ phần lớn vào lá phiếu của cử tri người Mỹ da trắng.

Chúng ta có biết bao nhiêu bài học về sự đoàn kết, như “Câu chuyện bó đũa,” như “Hội Nghị Diên Hồng.” Đông mà “một lòng”  thì tạo ra sức mạnh vô biên, đông mà “hai lòng” để tàn phá lẫn nhau thì hậu quả cũng khôn lường.  Chúng ta bị người khác “chia để trị,” gương “tày liếp” trong quá khứ vẫn còn nóng hổi sau lưng. Càng ngày càng phát lộ những tử huyệt trong cộng đồng chúng ta như có những phe nhóm thao túng hậu trường. Đảng phái là nhất thời, quyền lợi của người gốc Việt mới là vĩnh viễn.

Đừng lỗi hẹn với lịch sử

Thời kỳ sau những năm 2000, người Việt ở Mỹ bớt lo toan cuộc sống thường nhật, kinh tế khá lên, mưu sinh không còn là gánh nặng, những gia đình người Việt đầu tư giáo dục cho con cái nhiều hơn. Thế hệ hậu sinh có điều kiện học cao hơn, chuyên sâu hơn và nhiều người  đạt được những thành tựu đáng kể.

Ngoài những ngành nghề như kỹ sư, bác sĩ, luật sư, công nghệ.… nếu em nào có thiên hướng hay đam mê về các ngành xã hội, chính trị, truyền thông báo chí…, gia đình và cộng đồng nên khuyến khích và ủng hộ. Có như vậy cộng đồng chúng ta mới tạo ra một thế hệ trẻ tài năng, đầy nhiệt huyết, dám dấn thân, có kiến thức và bản lãnh tham gia vào chính trường. Cơ hội những ngành này cũng vô cùng to lớn và không giới hạn kia mà!

Chỉ khi nào có đại diện ở dòng chính, cộng đồng Việt mới là những thực khách trong bữa tiệc quyền lực, khi đó cộng đồng mới được bảo vệ, còn không, chúng ta chỉ là thực đơn hấp dẫn trong bàn tiệc, là những người “yếu thế,” thấp cổ bé miệng.

Người Việt vẫn còn chần chờ, trong khi các sắc dân khác đang trỗi dậy, mạnh mẽ đưa người vào chính trường Mỹ. Lịch sử vinh quang không dành cho những người thờ ơ chậm trễ.

Tham gia vào dòng chính là một con đường dài không hề bằng phẳng, đầy cam go. Chỉ cần có một đại diện tại Quốc Hội Hoa Kỳ trong dịp tròn 50 năm tị nạn, cũng sẽ là niềm cảm hứng về chính trị cho những bước tiến sau này. Đừng lỗi hẹn!

Cộng đồng Việt phải tận nhân lực, các vị thân hào nhân sĩ, lãnh đạo cộng đồng, dân cử các cấp phải vì nghĩa lớn mà quên đi những lợi ích tạm thời, phải vì cơ đồ của người gốc Việt mà quên đi những lợi ích vật chất thường tình, như vậy chúng ta mới không hổ thẹn với tiền nhân.

Ở vùng Little Saigon, miền Nam California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất hải ngoại, cũng đã lập nên lịch sử sau 50 năm người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ, khi lần đầu tiên có một dân biểu gốc Việt đắc cử trong cuộc bầu cử vào 5 Tháng Mười Một, 2024. Đó là Luật Sư Derek Trần, đại diện Địa Hạt 45 của California – tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ. Như vậy, ông Derek Trần sẽ là dân biểu gốc Việt duy nhất tại Hạ Viện Hoa Kỳ trong vòng hai năm tới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: