Cụ Nhơn khệ nệ bưng chiếc mâm đồng có tấm bánh chưng thật lớn, lớn một cách đặc biệt chưa từng có từ trước đến nay. Khổ bánh rộng 50cm, vuông vắn, gần đường kính của chiếc mâm đồng. Tấm bánh gói lá dong xanh, nếp, thịt và đậu xanh, cụ kỳ công bỏ thì giờ nghiên cứu, thử thật kỹ cho đến khi hoàn hảo mới thôi.
Bên ngoài xanh lá dong xanh.
Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu.
Gói nghĩa tình, gói yêu thương.
Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.
Nội dung bánh với cả tấm lòng, cụ đặc biệt chăm chút làm thật ngon. Trên tấm bánh, nổi bật giữa màu xanh của lá, cụ còn đính một tấm giấy đỏ mang chữ “Phúc” màu vàng ánh với ý nghĩa có phúc thì có phần. Chầu hai bên chữ phúc còn minh họa rồng, phụng rực rỡ uốn lượn trên mây biểu tượng sự may mắn đến gia chủ.
Cụ vốn là một nhà nho tôn sư trọng đạo, nhân dịp Tết, sẵn nhà gói bánh chưng, cụ đích thân làm tấm bánh đặc biệt này mang biếu thầy Phạm, võ sư, đã nhiều năm hết lòng truyền dạy cho cậu Tự, con trai cụ, những thế võ tuyệt chiêu, hơn người, nhờ đó mà, trong cuộc thi tuyển cận vệ để bảo vệ ông tỉnh trưởng, cậu Tự trúng tuyển. Với công việc này, tuy vất vả, giờ giấc thất thường, nhưng cậu Tự không trực diện tác chiến ngoài trận địa, là cụ Nhơn an tâm rồi.
Thầy Phạm nhận tấm bánh chưng, lòng vô cùng hoan hỉ, không chỉ vì tấm bánh đặc biệt, trang trí khá đẹp đầy ý nghĩa từ trước đến nay chưa từng thấy, mà thầy còn vui do nhận ra tấm lòng của cụ Nhơn kỳ công làm, gói ghém bao tình nghĩa dành cho mình để đền ơn thầy truyền dạy võ công cho con cụ.
Nhìn tấm bánh đẹp, ngắm tới ngắm lui, lòng thầy chợt nghĩ đến một người, cụ lang Lương, người mà thầy bao lâu ơn sâu nghĩa nặng đã cứu con gái rượu mới 10 tuổi của thầy vướng phải cơn bịnh suyễn. Một căn bịnh khó trị, thầy đã tốn không biết bao nhiêu tiền đưa con đến những bệnh viện lớn, bịnh con thầy vẫn dây dưa, không dứt. Nhiều khi nhìn con lên cơn nấc hụt hơi, khó thở, lòng thầy đau như muối xát. Một nhân duyên do bạn bè giới thiệu cụ lang chữa thuốc Nam với những bí quyết lạ lùng, đặc biệt, rất hữu hiệu, thầy đưa con đến gặp cụ lang Lương, cũng cầu may, biết đâu phúc chủ lộc thầy.
Cách chữa trị đơn giản, không tốn kém, nhưng phải kỳ công. Trong bảy ngày, phải kiếm cho ra bảy con dơi vàng. Phải vàng mới được. Dơi đen thì đầy, dơi vàng rất hiếm, thầy đã mất nhiều thời gian, hỏi thăm mọi nơi mới tìm thấy, mỗi ngày ăn một con. Cách nấu cũng cầu kỳ. Làm sạch lông và bộ lòng xong, không được rửa nước, băm tinh cả xương và thịt cho thật nhuyễn, nêm tí muối rồi áp vào lá chuối lăn qua lại trên chảo nóng, không cho dầu, cho đến khi chín rồi ăn. Không ăn kèm với bất cứ thứ gì khác. Chỉ đơn giản vậy thôi, mà từ đấy bịnh suyễn con gái thầy dứt hẳn. Chữa trị cách này cụ lang nói chỉ hữu hiệu với trẻ em dưới 12 tuổi. May cho con gái thầy nằm trong tiêu chuẩn đó.
Đặc biệt nữa, cụ lang không hề nhận thù lao. Cụ chỉ một lòng đem tài mọn ra cứu đời, giúp người. Tấm lòng ấy, thầy luôn trang trọng cất trong tim, đợi có dịp, có món ngon vật lạ là đem biếu cụ như người con chăm sóc cha già. Nay nhìn tấm bánh chưng đặc biệt, thầy nghĩ ngay đến cụ lang. Thế là tức tốc, thầy khệ nệ mang đến nhà biếu cụ.
Cụ lang nhận tấm bánh, cũng ngạc nhiên không kém trước kích thước đặc biệt của tấm bánh.
Nhà cụ chỉ hai bố con. Cậu con trai duy nhất năm 1954 di cư theo cụ vào Nam, cả hai ẩn nhẫn qua ngày trong nếp sống thanh đạm. Dịp Tết, nhiều bịnh nhân mang ơn cụ, biếu xén cụ đủ loại bánh trái hoa quả để tỏ lòng tri ân. Phong tục muôn thuở của Việt Nam. Cụ cũng thực hiện theo truyền thống, nghĩ ngay đến ông quận, bao lâu ưu ái đối xử với hai bố con cụ thật thân tình. Ông quận thấy gia cảnh cụ neo đơn, giúp con trai cụ một công việc trong văn phòng quận, không mấy vất vả lại hợp khả năng, nhất là được gần gia đình để hai bố con bên nhau. Nghĩ đến ân tình đó, cụ bàn với con trai rồi cả hai trang trọng đem tấm bánh đến nhà ông quận.
Ông quận nhận bánh, tròn xoe mắt trước tấm bánh chưng chưa từng thấy từ trước đến giờ. Ông ngạc nhiên quá chừng chừng, chỉ biết cám ơn tấm lòng của hai bố con cụ lang dành cho ông.
Khi hai bố con cụ lang ra về, ông quận ngắm nghía tấm bánh, đẹp, lạ mắt. Ngày Tết, để cho ra Tết, phải có dưa hành, củ kiệu, và không thiếu tấm bánh chưng hay bánh tét, ngoài thưởng thức còn biếu xén cho nhau tỏ lòng thân thương quí mến. Nhà nào không tiện nấu thì đặt, hay ra phố bày bán đầy đường mua về, một truyền thống ngàn đời lưu truyền mãi trong nhân gian. Nhưng tấm bánh mua về đâu đặc biệt như tấm này.
Theo thông lệ vào dịp Tết, ông quận vẫn luôn có quà biếu ông tỉnh, người đã từng cất nhắc ông vào chức vụ quận trưởng hiện nay.
Là tỉnh trưởng, những dịp lễ lạc, ông tỉnh nhận thiếu gì quà trang trọng. Nhưng với tấm bánh đầy ý nghĩa “thấy vậy mà không phải vậy,” ông quận nghĩ ngay đến ông tỉnh, rồi đánh xe tới nhà biếu ông.
Cũng như các vị trước đó, ông tỉnh cũng ngạc nhiên không kém trước món quà đặc biệt. Quà cáp nhà ông thiếu gì. Nhiều năm nay, ông luôn nhận những quà Tết từ mọi nơi gởi biếu, ông đều chia sẻ tặng thuộc cấp.
Nhìn tấm bánh hôm nay, ông chợt nghĩ đến cậu cận vệ tận tâm thân tín và dành món quà đặc biệt này tặng cậu, người bấy lâu luôn sát cánh bên ông mọi lúc, mọi nơi, hết lòng hết dạ bảo vệ ông. Như vừa rồi, khi ông đi kinh lý bị đột kích, chính cậu đã nhanh tay cứu mạng ông, xô ông qua bên tránh lằn đạn vô tình bắn tới và nằm sấp đè lên ông để che chở ông. Nghĩa cử ấy, ông không hề quên, trong lòng luôn dành mọi thương quí cho cậu. Cậu cận vệ đó, không ai khác hơn, chính là cậu Tự, con trai cụ nho, người làm ra tấm bánh này.
Ngày cuối năm, sắp sửa đón Giao Thừa, cậu Tự được ông tỉnh cho phép về sum họp ăn Tết với gia đình. Cậu hớn hở mang tấm bánh hí hửng khoe với cha mẹ. Cụ nho nhìn thấy tấm bánh, nhận ra ngay do mình làm, cụ ngửa cổ cười khanh khách: “Nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định!” nhưng cụ không hề biết tấm bánh mang thông điệp nghĩa tình đó “chu du” như thế nào để cuối cùng… mèo lại hoàn mèo trở về lại nhà cụ.