Sự ra đời và phát triển như vũ bão của internet, smartphone, mạng wifi, mạng di động… hiện nay đã dần lấn át những trang giấy chữ viết tay trao đổi trong công việc hay gửi gắm những lời yêu thương.
Mỗi trang giấy chữ viết tay không chỉ thể hiện nét đặc trưng riêng của mỗi cá nhân, thậm chí bộc lộ tính cách của họ mà còn ẩn chứa tình cảm… giúp người đọc hiểu được hoàn cảnh lịch sử trong từng giai đoạn.
Hơn 30 năm qua, người ta dần dần chuyển cách giao tiếp từ chữ viết tay sang chữ đánh máy trên email, Microsoft word, tin nhắn qua điện thoại (short message service), tin nhắn tức thời (instant messaging) qua các ứng dụng: Telegram, Zalo, Skype, Messenger, Viber, Wechat, WhatsApp, Line, Signal, Snapchat…
Thậm chí các tin nhắn trên các nền tảng này đã bị video call đè bẹp vì người ta chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh là có thể trò chuyện với nhau qua video ở bất cứ nơi nào, nhờ kết nối wifi hay mạng di động như là 3G, 4G, 5G…
Từ những tuồng chữ viết tay của thân nhân…
Sự giao tiếp phổ biến của nhiều người qua video call hiện nay khiến tôi nhớ lại lời ba tôi từng nói vào đêm Giáng Sinh 1989 rằng: “Sau này người ta có thể nhìn thấy nhau trong khi nói chuyện trên điện thoại, vì chỉ cần mỗi điện thoại có gắn một camera để thu và truyền hình ảnh.” Lời nói ấy vô tình làm tôi đinh ninh rằng thứ mà mình đang giữ lúc ấy là rất quý báu. Đó là hai mảnh giấy chữ viết tay của má tôi.
Một mảnh là thư của bà gửi cho ba tôi trong lúc bà đang nằm bịnh viện ở Sài Gòn để trị một căn bịnh ung thư phổ biến của phụ nữ. Trong thư có đoạn: “Thỉnh thoảng anh có xuống thăm em, anh lựa ngày nào ba không đi làm việc nhờ ba xuống giữ nhà, rồi anh hãy đi, đừng bỏ chúng nó ở nhà một mình như trước.” Đọc mà thương má một mình đang nằm bịnh viện mà không lo cho mình, lại lo cho lũ con ở nhà không có người lớn trông coi.
Mảnh khác là ghi chép của má tôi về công thức nấu món vịt tiềm, món mà bà từng hứa với chúng tôi chừng nào hết bịnh thì bà sẽ nấu cho ăn. Nhưng tiếc thay, những đứa con của bà không bao giờ được ăn món vịt tiềm do chính tay bà nấu, vì mẹ tôi ra đi mãi mãi ở tuổi 32, hồi năm 1978.
Tôi đã giữ hai mảnh giấy này suốt cuộc đời như thể lưu lại “hồn cốt” của má, với niềm tin rằng bà vẫn quanh quẩn đâu đây, cạnh tôi.
Cũng từ đó, tôi có thói quen giữ lại những trang giấy gửi đi lời yêu thương bằng chữ viết tay của những người thương mến và những tâm tình mang ý nghĩa sâu sắc mà người đời để lại cho nhau. Ngăn tủ lưu cất kỷ vật của tôi xuất hiện thêm nhiều mảnh giấy như là thiệp mừng sinh nhật từ bạn sống chung nhà, thư của anh chị tôi gửi khi tôi lên Sài Gòn đi học.
Có người hỏi tôi tại sao lại ưa cất giữ những thứ này làm gì cho rối ren nhà cửa? Những tuồng chữ viết tay có thể không có chút giá trị nào đối với nhiều người song đối với tôi, những tuồng chữ viết tay của thân nhân luôn mang lại cảm giác ấm áp, dường như những tình cảm tốt đẹp lúc nào cũng hiện hữu quanh mình.
Chẳng hạn như những dòng thư viết tay từ anh chị của tôi – những người cùng tôi trải qua cảnh lúc đói, lúc no… của thập niên 80 – 90 và cùng có chung nỗi lo sợ về tương lai u ám. Khi tôi đi học và đi làm ở Sài Gòn, cách duy nhất để giữ liên lạc với gia đình trong thời ấy là những lá thư viết tay của anh chị.
Một lá thư hồi năm 1997 của anh chị Năm tôi có đoạn: “Anh chị Năm vẫn khỏe, chị Năm đã nghỉ làm ở cao su Hồng Phúc. Ba đã nhận được thư của em, gia đình anh chị em… đều khỏe.”
… đến những tuồng chữ viết tay của người xa lạ
Tôi không chỉ thương những tuồng chữ viết tay của người nhân, mà còn thương cả những tuồng chữ viết tay của người dưng trên đời trao gửi cho nhau. Nhiều năm qua, tôi thường lùng sục tìm mua những lá thư cũ, bưu thiếp cũ có dòng chữ viết tay ở các tiệm sách cũ tại Sài Gòn và lưu giữ cẩn thận.
Có một lá thư viết tay đề ngày 2 Tháng Bảy 1987 của người em gái (Tran Thi Hoa) gửi từ Wittlich (Đức) cho anh trai (Nguyen Thanh Sac) ở Sài Gòn. Lúc đó, người dân miền Nam đang đổ xô tìm đường vượt biên, hầu tìm kiếm cuộc sống tươi sáng ở một nước nào đó miễn là không phải Việt Nam. Lúc ấy, những ai còn kẹt ở lại Sài Gòn chỉ mong nhận được hàng hóa, tiền từ thân nhân ở ngoại quốc.
Toàn bộ nội dung lá thư sau đây là những lời căn dặn dốc hết tâm can của người em gái:
“Anh thương!
Em vừa nhận 1 giấy “ATTESTATION” của Botschaft Deutschland ở Hà Nội. Bảo em gửi gấp về cho anh để bổ túc hồ sơ. Giấy nầy làm mới riêng cho anh – chắc theo đơn xin mà em đã gởi lâu xin can thiệp cho anh. Vì gấp quá nên em viết cho anh vài hàng anh rõ. Em gởi bản chánh và 1 thơ của Botschaft gởi cho em kèm đây.
(Gởi cho D. út Sen tất cả là 4 card của thành phố U.S.A, thắng cảnh đẹp)
TB: Nhận được tin em hay & Đã gởi nhờ [chữ không rõ] lãnh hộ cho anh 1 thùng thuốc 2 kí. Trong đó có kèm 1 ít thuốc đau thận cho anh ba. Ảnh xin từ lâu mà không có dịp mua gởi – Trao lại ảnh – Và đã gởi cho Bạch 2 thơ. 1 cho D. út Sen + 1 cho Bạch + và anh 1 thơ gởi cho anh riêng có nhận chưa. Còn tiền chuyển từ lâu. Tới nay anh cũng chưa nhận sao? Em chuyển 10.4. Em chờ hết tháng nầy mà anh không nhận thì em sẽ tới hỏi?
Nhớ là phải photo, giữ bản chánh nầy vì nó chỉ cấp 1 lần thôi. Không bao giờ nộp cho ai bản chánh cả. Vì tới khi đến Nguyễn Huệ đăng ký lấy giấy máy bay là nó hỏi tờ chánh của “ATTESTATION’. Nếu không có bản chánh thì nó không cấp giấy máy bay.
Anh phải cẩn thận giấy tờ. Nhất là giấy “ATTESTATION’ bản chánh nầy.
Sau khi lấy Paß rồi thì phải photo gởi ra Botschaft Deutschland ở Hà Nội kèm theo hình… (hỏi thăm những ai cùng lãnh giấy thông hành một lượt…) gấp báo tin cho tòa đại sứ Đức ở Hà Nội hay để nó cấp chuyến bay. Nhớ photo Paß + giấy bảo lãnh mới nầy + hình v.v. gởi cho nó ngay. Sau khi có giấy thông hành (Paß).
Một lần nữa nhớ giữ bản chánh tờ “ATTESTATION” nhé. Tất cả giấy tờ nộp phải photo. Không nộp bản chánh cho ai. Em gởi thêm cho anh 1 bản phụ photo + 1 bản chánh + 1 cái thơ của Botschaft Đức gởi kèm. Đọc hiểu không? Cái thư nầy thì không nộp cho ai nhé! Em gởi cho anh để anh xem chơi và hiểu không?”
Tình thương anh trai của cô gái bỗng biến thành nỗi lo sợ, là anh trai mình sẽ nộp bản chánh tờ “ATTESTATION” (theo thư thì đây là giấy bảo lãnh) cho ai, thì anh trai sẽ không bay sang Đức được, nên cô em gái cứ dặn đi dặn lại anh trai phải giữ bản gốc “ATTESTATION” cho kỹ.
Bản gốc “ATTESTATION” chính là tấm vé định mệnh cứu đời anh trai ra khỏi đất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Thời ấy (và cả đến bây giờ, 50 năm sau), cơ hội được định cư ở nước ngoài vẫn là tấm vé đổi đời cho bao người Việt Nam!
Thế sự đổi thay khiến cho dân miền Nam khốn khổ như vậy vào những năm sau 1975 có lẽ bắt đầu từ việc quân đội Bắc Việt tràn vào đánh phá miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968 (từ ngày 30 Tháng Giêng 1968 đến ngày 23 Tháng Chín 1968). Theo Wikipedia (từ khóa là “Sự kiện Tết Mậu Thân”) định nghĩa: “Việc đình chiến dịp Tết chỉ là sự tự giác của binh sĩ hai bên chứ không hề có quy định ràng buộc nào (tương tự như việc đình chiến đêm Giáng sinh trong Thế Chiến Thứ Nhứt), dù bên nào không muốn thực hiện thì cũng không thể nói là bên đó vi phạm quy ước chiến tranh.” Như vậy nếu xét về sự tự giác thì có lẽ quân đội Đức và Anh trong Thế Chiến Thứ Nhứt có tinh thần tự giác cao hơn quân đội Bắc Việt!
Bất chấp khói lửa chiến tranh trong Tết Mậu Thân năm 1968, một tấm bưu thiếp từ Lauceston (Úc) ngày 2 Tháng Hai 1968 đến thành phố Mỹ Tho (thuộc tỉnh Định Tường lúc bấy giờ) ngày 4 Tháng Hai cùng năm theo dấu bưu điện. Tuy 56 năm đã trôi qua, dòng chữ của người con xa xứ gởi cho gia đình vẫn không phai mờ trên tấm bưu thiếp: “Con kính thăm ba má, các anh chị & các em sức khỏe, an vui, may mắn, như ý. Con vừa đi West Coast ở Tasmania. Phong cảnh đẹp và thích thú lắm. Con vẫn mạnh và trên đường du cảnh đảo Tasi. Love.”
Thử tưởng tượng nếu cuộc chiến Tết Mậu Thân không xảy ra, dân miền nào cứ sống yên ổn ở miền nấy thì ngày xuân về, không khí ắt hẳn sẽ vui tươi tưng bừng, như những thước phim cũ về ngày tết thanh bình ở Sài Gòn: Nữ giới diện áo dài, tay mang xắc tay nho nhỏ dễ thương đi dạo xuân với lũ trẻ con.
Và rồi, tôi bỗng như “nhìn thấy” người phụ nữ Sài Gòn yêu kiều trong tà áo dài với chiếc xắc tay trong dòng thư của một người phụ nữ gửi người chị như sau:
“Saigon, ngày 2. 1. 65
Chị Năm yêu,
Xuân sắp về rồi chị nhỉ, chỉ còn độ hai tuần nữa thôi. Xuân về em cũng không có gì quý báu để gửi chị làm kỷ niệm, em chỉ có một vật rất nhỏ bé đó là cái ví để tặng chị. Mong chị nhận cho. Không biết em lựa cái ví này chị có thích không? Em thấy nó đẹp nên em mua, dù sao chị cũng đừng để nó “cô đơn” tội nghiệp chị Năm nhé.
Em của chị (ký tên)”
***
Xuân lại về trên đất Sài Gòn chen chúc hỗn độn ngày nay. Bỗng dưng tôi thèm nhận được những thiệp chúc xuân giản dị song vẫn thanh cao của người Sài Gòn trao nhau, giống như cánh thiệp xuân mà các dì (soeur) Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm gửi cho nhau hồi xuân Mậu Thìn 1988: “Năm mới, Kính chúc quí Dì một năm tràn đầy Hồng Ân của Chúa. Xuân Mậu Thìn 88.”
Ngày nay, Việt Nam đã hòa tan trong cơn lốc công nghệ trên thế giới, người Việt hiện chỉ còn trao nhau những thiệp chúc Tết vô hồn bằng kỹ thuật số qua điện thoại thông minh – email – mạng xã hội, với những lời chúc giống hệt nhau được gửi bằng cách forward (chuyển tiếp) cho hàng loạt người khác.
Tôi thương những tuồng chữ viết tay, nay lại càng thương hơn.