Từ 50 năm nay, đã có một “cuộc chiến không tuyên bố” diễn ra ở Việt Nam. Đó là cuộc chiến về “chữ Bắc-Nam” giữa những từ ngữ cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa, cuộc chiến làm xáo trộn đời sống tinh thần của dân chúng, đặc biệt là những người sống dưới vĩ tuyến 17.
Cuộc chiến chỉ để kéo người Việt ra khỏi nạn “nói một đàng, viết một nẻo”! Một cuộc chiến không cân sức giữa một bên là dân chúng nửa nước và một bên là nhà cầm quyền có đủ vũ khí và quyền lực!
Từ mấy chục năm nay, ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều chữ mới như vậy, những chữ đều nghèo cả “chữ lẫn nghĩa.” Những chữ nghĩa của tiền nhân tạo ra trong quá trình di cư giờ đã bị xếp xó và thay vào đó là những dòng chữ xáo rỗng, những từ ngữ vay mượn của nước ngoài rất xa lạ với đời sống!
Tiếng Việt phong phú!
Một nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã từng nói như vậy: tiếng Việt phong phú!
Do đặc điểm lịch sử của đất nước, tiếng Việt phát triển theo từng vùng và càng về phương Nam sự phát triển càng phong phú.
Ở đồng bằng Bắc bộ, trừ vài đô thị như Hà Nội, Hải Phòng có giao tiếp với người ngoại quốc, thì sau 1000 năm bị giặc Tàu đô hộ cùng với cách sống loanh quanh trong lũy tre làng, nên tiếng nói không phát triển bao nhiêu. Cạnh đó là chương trình giáo dục kéo dài 1000 năm sau đó đều là Nho học, đều là tiếng Tàu nên phần lớn dân chúng đều nói tiếng Việt lai tiếng Tàu.
Trong khi đó, miền Nam từ Quảng Trị trở vào, tiếng Việt phần lớn do người Việt-Mường ở vùng núi, vùng ít bị lai tiếng Tàu, mang vào, pha trộn với những sắc dân địa phương như Chàm, Tàu Quảng Đông và Triều Châu, Khmer, Stieng… cùng những thương nhân ngoại quốc được Việt hóa nên rất phong phú.
Tiếng Việt – gồm tiếng nói lẫn chữ viết – trước đây gọi là “chữ quốc ngữ, thứ chữ ghi âm tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự Latin,” được sáng tạo miền Trung vào đầu thế kỷ 17 cách nay gần 500 năm. Khi đó, đã có nhiều người tin rằng, chữ quốc ngữ không đủ khả năng diễn tả hết những gì có và diễn ra trong cuộc sống.
Những nghi ngờ ấy có bằng chứng. Bằng chứng là cuốn tự điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes in vào năm 1651 chỉ có hơn 2,000 chữ. Lúc ấy, đất Việt mới giáp biên giới hai tỉnh Phú Yên-Bình Định ngày nay.
Song hơn 100 năm sau, khi nước Việt kéo dài đến mũi Cà Mau, cuốn tự điển của Giám Mục Bá Đa Lộc in năm 1773, đã có gần 30,000 chữ. Mà những chữ ấy từ đâu ra? Xin thưa, cũng của chính người Việt từ các miền Bắc, Trung đem vào miền đất mới. Bởi tiếng nói không tự mọc như cây cỏ mà được chính người Việt tạo ra trong quá trình gây dựng cuộc sống khi tiếp xúc với thiên nhiên, với các dân tộc khác.
Tiếng Việt càng được bổ sung ngày càng nhiều hơn sau 100 năm nữa được ghi nhận thông qua cuốn tự điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, gồm hai cuốn in trong hai năm 1895 và 1896, có gần 60 ngàn chữ.
Điều đó cho thấy, tiền nhân của chúng ta đã dày công bồi bổ cho tiếng Việt ngày càng nhiều, ngày càng phong phú hơn. Rất nhiều chữ trong cuộc sống trước đó không có, được sáng tạo nên bằng cách “Việt hóa” những tiếng nói của dân tộc khác, tỉ như “cha mẹ” tiếng nói đầu đời của chúng ta, được Việt hóa từ âm tiếng người Quảng Đông “a pa, a má.” Hay chữ “xe” được Việt hóa từ chữ xa” qua âm tiếng Quảng Đông là “xế.”
![](https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/02/Tieng-viet.jpg)
Tiếng Việt nghèo vì ‘thói kiêu ngạo’
Thế nhưng sự phong phú ấy bỗng nhiên nghèo đi sau khi đất nước được “nối liền một dãy” từ sau Tháng Tư 1975.
Sau khi chiếm được cả miền Nam, người cộng sản bộc lộ hết thói kiêu ngạo mà giới nghiên cứu gọi là “kiêu ngạo cộng sản.” Họ tự cho là “đỉnh cao trí tuệ,” là “bách chiến bách thắng” vì đã “đánh thắng cả hai đế quốc Pháp và Mỹ.” Họ cũng tự cho mình “làm được tất cả” kể cả “biến sỏi đá thành cơm,” “thay trời làm mưa”… Song xưa nay giữa “nói được” và “làm được” chưa bao giờ đồng hành cùng nhau và khoảng cách giữa hai chữ nầy vô cùng lớn.
Thói kiêu ngạo đã khiến họ lầm tưởng rằng, họ làm được tất cả, và tất cả những gì họ làm đều đúng, kể cả thay đổi tiếng nói của cả dân tộc! Trước đây, thực dân cũng đã làm điều tương tự là buộc dân thuộc địa “phải nói và viết tiếng của họ” chớ không được “nói, viết tiếng bản địa.”
Nay thì người cộng sản buộc dân chúng cả nước nói tiếng của vùng đồng bằng Bắc Việt thông qua bức bình phong “thống nhất đất nước” mà không thông qua bất cứ thỏa thuận nào giữa các miền!
Việc đầu tiên họ làm là xóa bỏ văn hóa ở miền Nam, bằng cách dựng lên một phong trào “đốt sách” – một phong trào cho tới nay đã qua 50 năm, không ai dám đứng ra nhận là người tổ chức hay khởi xướng! Họ cũng từ từ loại bỏ dần những chữ quen thuộc ở phương Nam do các tiền nhân sáng tạo nên. Và chữ đầu tiên bị loại bỏ là chữ “nhứt” thành “nhất” trong tên phi trường Tân Sơn Nhứt để thành “sân bay Tân Sơn Nhất.”
Tôi chắc rằng họ cũng hiểu lịch sử rằng, Tân Sơn Nhứt là tên một làng ở Sài Gòn do tiền nhân đặt ra từ thời mở đất. Vì có nhứt thì có nhì. Kế bên làng Tân Sơn Nhứt có làng Tân Sơn Nhì. Còn nếu là Tân Sơn Nhất thì làng Tân Sơn Nhị ở đâu? Chữ nhứt cũng bị gạt bỏ khỏi đời sống tiếng Việt ở nhiều nơi như làng Tân Thới Nhứt cũng bị biến thành Tân Thới Nhất, hạng nhứt biến thành hạng nhất…
Thực ra, những chuyện họ làm không có gì mới. Từ hơn 2000 năm trước, khi chiếm toàn bộ sáu nước lân cận, Tần Thủy Hoàng cũng ra lịnh đốt sách, thống nhứt chữ viết, giết học trò… để thể hiện “cái uy” của ông ta. Song bạo chúa Tần Thủy Hoàng có lý khi làm điều đó, vì nước Tàu của ông ta vốn do nhiều nước hợp lại, tiếng nói, chữ viết khác nhau, nếu không “thống nhất” thì khó cai trị. Còn người cộng sản thì do kiêu ngạo muốn cho dân chúng miền Nam và những người trí thức, phần lớn đang bị họ giam cầm, biết thế nào là “đỉnh cao trí tuệ”! Do đó, họ ra sức tiêu hủy tất cả văn phẩm, loại bỏ toàn bộ trí thức của miền Nam, thay đổi chương trình giáo dục và thay đổi chữ nghĩa.
Tiếng Việt nghèo vì vay mượn!
Để thay thế những chữ Việt đã có của tiền nhân, họ mượn bình phong “thống nhất đất nước” bắt buộc người Việt phải nói và viết “tiếng của đồng bằng Bắc Việt” và vay mượn rất nhiều chữ Tàu!
Trước đây, đã từng có một “phong trào Việt hóa” ở miền Bắc. Thay vì kêu một nữ chiến binh, nữ bộ đội người ta đã dùng chữ “bộ đội gái”! Thế nhưng thói quen bao đời do sống lâu năm với người Tàu, người ta đã quen xài tiếng Tàu. Thậm chí, người ta phát hiện ra rất nhiều cán bộ cấp thấp và cấp trung trong bộ máy cầm quyền đã được tập huấn, đào tạo ở Trung Quốc!
Từ khoảng năm 1995 tới nay, trên báo chí, sách vở xuất hiện nhiều chữ lạ như ô tô, biển số, triều cường, hộ khẩu… thay cho xe, bảng số, nước lớn, sổ gia đình.
Trong tiếng Việt từ lâu đã có chữ “xe” được tiền nhân Việt hóa từ chữ “xa” của người Tàu qua âm tiếng nói của người Quảng Đông là “xế” để trở thành “xe.” Xe cũng để khẳng định đó là những phương tiện “chạy được trên mặt đất” phân biệt với những phương tiện chạy dưới nước là tàu. Vậy mà ngày nay, người ta đã cho “xe” vào sọt rác của sự kiêu ngạo, của sự vay mượn để chỉ còn “ô tô.”
Người ta khó hiểu vì sao không nói là “chích ngừa” mà kêu là “tiêm chủng,” không kêu “xe lửa” mà kêu “tàu hỏa,” “nước lên” gọi là “triều cường,” còn “gia đình” thì kêu là “hộ,” “đụng” lại kêu là “va chạm”…
Tiếng Việt nghèo vì… sợ!
Dù không nói ra, nhưng ai cũng thấy được rằng có một nỗi sợ âm thầm đang diễn ra trong cách dùng chữ Việt ngày nay. Với sự kiêu ngạo “ta làm là đúng” và phải “thống nhất” nên trong chữ nghĩa họ cũng thể hiện sự tự tôn ấy. Làm thì làm nhưng vẫn sợ! Dân gian có câu hơi tục “Vừa đ… vừa run” có thể dùng câu nầy để ví dụ cho nỗi sợ hiện hành!
Sợ cái gì?
Xin thưa, sợ những chữ Việt đã được chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa xài, sợ lập lại tiếng Việt từ vĩ tuyến 17 trở vào! Hầu như toàn bộ những tiếng mà chánh thể Việt Nam Cộng Hòa dùng đều bị loại bỏ một cách không thương tiếc, dù những chữ, tiếng ấy rất phù hợp với hoàn cảnh. Tất cả các con rạch tự nhiên ở miền Nam đều bị biến thành “kênh.” Ai có chút học thức cũng biết rằng kênh/kinh và rạch là hai đường nước khác nhau hoàn toàn. Rạch là đường nước, sông nhỏ tự nhiên hình thành, còn kênh/kinh là do người đào, nhân tạo.
Vì sợ nên họ nỗ lực “sáng tạo” ra những chữ mới, song lại rất nghèo nàn nghĩa hoặc vô nghĩa để thay thế những chữ quen dùng lâu nay. Trong hệ thống giao thông họ dùng những chữ “ùn ứ,” “ùn tắc” thay cho “kẹt xe,” “vòng xuyến” thay cho “bùng binh,” “vòng xoay,” “nút giao” thay cho “giao lộ,” “bảng số” thay bằng “biển số”… Trong y tế thay vì nói bịnh “tiểu đường” thì lại dùng “đái tháo đường,” “đuối nước” thay cho “chết đuối,”…
Rất nhiều tiếng nói trong đời sống bình cũng thay đổi như “lượng” thành “lạng,” “ký” thành “cân,” “khoai mì” thành “sắn,” “bắp” thành “ngô,” “đậu phộng” thành “lạc,” “khổ qua” thành “mướp đắng,” “nước lèo” thành “nước dùng”… Tỉ như “nhà ổ chuột” diễn tả một căn nhà nhỏ có rất nhiều người ở, thiếu chỗ ngồi, nằm lẫn thoáng khí thì bị đổi thành “nhà lụp xụp.” Rất nhiều chung cư ở Sài Gòn, phòng nhỏ xíu ba bốn chục thước vuông, có sáu đến tám người ở, đồ đạc chật cứng đến mức không thở nỗi, mà nhà ấy đâu có lụp xụp! Những chữ quen thuộc của tuổi học trò như “niên khóa,” “thời khóa biểu,” “tam cá nguyệt,” “lục cá nguyệt,” “đệ nhứt,” “đệ nhị”… đã bị xếp vào dĩ vãng!
Không chỉ vậy, họ còn đánh tráo khái niệm nhiều từ ngữ để mị dân. Chẳng hạn chữ “giải phóng” có nghĩa là “sự tự do” thực tế bị biến thành “mất tự do.” Chữ “bị tước đoạt” bị đánh tráo nghĩa thành “của nhân dân do nhà nước làm chủ” hay “quy hoạch treo” rất khó hiểu…. Thậm chí, đá vô mặt người ta thì lại nói “mặt va vào chân,” giàu nhờ tham nhũng thì nói chớ “nhờ buôn chổi đót.” Hoặc nói rằng “bán vé số, trà đá” lợi nhuận rất cao nhưng người ta chưa từng thấy đại gia nào làm giàu nhờ bán lẻ mấy thứ ấy! Những từ ngữ trong các văn bản chánh thức như hành vi vi phạm, cơ bản, cục bộ, toàn cục… vô cùng khó hiểu vẫn được trích dẫn rộng rãi trên báo chí, sách giáo khoa.
Ông bà xưa có nói: tiếng nói là “sinh ngữ” – nghĩa là những chữ mới hay hơn, nhiều nghĩa hơn được tạo ra ở một thời điểm nào đó phù hợp với thời đại, thay thế những chữ trước đó chưa có, được đa số dân chúng quen dùng. Chế độ mới cũng làm như vậy. Song thay vì những chữ mới “hay hơn, nhiều nghĩa hơn” để thay cho chữ cũ, thì họ lại có những chữ mới nghèo nàn về nghĩa và rất khó hiểu với đa số dân chúng.
Tiếng Việt “nghèo bền vững” – một chữ mới đang phổ biến, bao lâu nữa?
Chưa biết! Điều này cần hỏi các giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ ở trong nước.
E rằng, họ lại đề nghị đổi tiếng Việt thành tiếng Tàu mất!
Ôi! Tiếng Việt, bao giờ cho tới… ngày xưa?