Xuân với nhạc phổ thơ

(Heroimage)

Mùa Xuân đến khởi đầu trong năm mới nên cũng là nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ, nhất là trong thi ca và âm nhạc.

Từ xưa đến nay có nhiều bài thơ và ca khúc liên quan đến thời điểm này được nhiều tác giả đề cập qua Mùa Xuân Trong Thi Ca, Mùa Xuân Trong Âm Nhạc… Nhân đây, tản mạn vài bài thơ được phổ nhạc tiêu biểu từ thời tiền chiến đến hai thập niên ở miền Nam Việt Nam vẫn được mọi người ái mộ từ trong nước và hải ngoại.

Gái Xuân

Bài thơ Gái Mơ của Nguyễn Bính ra đời vào thập niên 1940, bài thơ có 8 câu:

“Em như cô gái hãy còn Xuân

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,

Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.

Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,

Đôi tám xuân đi trên mái tóc.

Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”

Bài thơ này được nhạc sĩ Từ Vũ (Trần Đỗ Lộc) phổ nhạc cùng tên. Trần Đỗ Lộc, sinh năm 1932 tại Thường Tín, Hà Tây (sau năm 1945 là Hà Đông). Khi còn nhỏ mê âm nhạc, nhưng không có được sự hướng dẫn và trường nhạc nào. Năm 1950 ông vào Sài Gòn sinh sống. Một hôm lang thang trên đường Catinat, ông mua quyển L’art de Composition Musicale, quyển sách đầu tay về nhạc lý căn bản về sáng tác.

Theo lời ông: “Mùa Xuân năm Quý Tỵ (1953), lúc ấy tôi 21 tuổi sống xa gia đình, không bạn bè, giữa Sài Gòn phồn hoa, đô hội. Khi buồn chỉ biết lục sách báo ra đọc. Tình cờ mớ sách gối đầu giường có tập thơ Mây Tần của Nguyễn Bính, tôi đọc thấy bài Gái Xuân, một bài thơ ngắn (chỉ hai khổ thơ), nhưng lại có hấp lực dẫn dắt tâm trí tôi quay về với cố hương ở Thường Tín (Hà Đông). Hà Đông là quê lụa nên câu “Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân” như đưa tôi về trong hoài niệm. Tôi đọc bài thơ dăm lần là đã ngấm, cầm bút giấy viết luôn một mạch.”

Khi vừa phổ nhạc xong ca khúc Gái Xuân, ông gởi cho ca sĩ quen biết nhau là Linh Sơn trên đài phát thanh Sài Gòn, nhưng chưa nổi tiếng.

Một hôm ông gặp ca sĩ Tâm Vấn ở đài phát thanh Sài Gòn và chép tay nhạc phẩm đưa cho nữ danh ca. Sau đó ông về làm việc ở Phan Thiết, được bạn bè ở Sài Gòn thông báo ca khúc Gái Xuân với giọng ca Tâm Vấn rất thành công và được công chúng yêu thích.

Trước năm 1975, ở Sài Gòn cũng có nhiều ca khúc được các danh ca như Thái Thanh, Hà Thanh,  Tâm Vấn, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Lệ Thu… Trần Văn Trạch, Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú… hát trên làn sóng phát thanh lần đầu tiên được nổi tiếng.

Sau này nhạc sĩ Từ Vũ sáng tác nhiều ca khúc như: Áo Trắng Chiều Mưa Bay, Ánh Nắng Đồng Quê, Cô Đơn Chiều Đà Lạt, Cõi Người Ta, Đà Lạt Tình Yêu Và Nỗi Nhớ, Hai Sắc Hoa Tigon (thơ T.T.Kh.), Mưa, Mưa Cao Nguyên, Ta Tìm Thấy Nhau, Tiếng Hát Cho Người Tình, Trăng Gặp Gỡ, Vĩnh Biệt Tình Yêu… nhưng không được nổi tiếng như ca khúc đầu tay Gái Xuân.

Với bản tính khiêm tốn, ông từ chối danh xưng nhạc sĩ: “Xin đừng gọi tôi là nhạc sĩ. Cho đến bây giờ tôi cũng tự thấy mình là kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực sáng tác và ca nhạc, nhưng tôi vẫn còn đó một niềm đam mê. Tôi viết Gái Xuân nhưng do bài thơ quá ngắn, tôi mạn phép tác giả thêm vào hai câu của tôi: Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân. Cô gái trông Xuân biết bao lần,” để đủ độ dài thích hợp. Viết xong, cũng không nghĩ bài hát sẽ được phổ biến.”

Bài thơ Gái Xuân của Nguyễn Bính:

“Em như cô gái hãy còn xuân,

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,

Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.

Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,

Đôi tám xuân đi trên mái tóc.

Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”

Trong ca khúc Gái Xuân, nhạc sĩ giữ nguyên lời thơ 4 câu thơ đầu trong phiên khúc (verse)  1 & 3. Trong điệp khúc (chorus) với 4 câu thơ sau.

Anh Cho Em Mùa Xuân

Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của làng nhạc miền Nam, với sự nghiệp sáng tác có hơn một trăm ca khúc, ngoài tài hoa về âm nhạc, ông biết sử dụng nhiều nhạc cụ trong đó hawaiian (hạ uy cầm) và accordion (phong cầm) rất tuyệt, thông thạo Anh, Pháp, được nhiều người gọi là “tự điển sống” với trí nhớ rất tốt.

Ông học nhạc với thầy người Pháp khi mới lên tám, và sáng tác ca khúc đầu tay lúc 18 tuổi, là phổ bài thơ mang tên Người Em Nhỏ của người bạn thân Thiệu Giang.

Năm 1951, ông được mời làm nhạc trưởng của ban nhạc Hotel de Paris ở Hà Nội. Tháng Chín năm 1954, gia đình ông di cư vào Nam.

Ông là công chức phục vụ trong Bộ Công Dân Vụ thời Việt Nam Cộng Hòa, tiền thân của Bộ Thông Tin, Dân Vận Chiêu Hồi… Ông cũng từng làm Trưởng Phòng Văn Nghệ của đài phát thanh Sài Gòn, phụ tá Giám Đốc đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa.

Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của làng nhạc miền Nam Việt Nam, với sự nghiệp sáng tác có hơn một trăm ca khúc, nổi tiếng nhất là Về Đây Anh, Anh Cho Em Mùa Xuân, Mái Tóc Dạ Hương, Tìm Đâu, Ngàn Năm Mây Bay, Hoa Bướm Ngày Xưa, Tiếng Hát Học Trò, Từ Giã Thơ Ngây, Lá Thư Gởi Mẹ…

Với ca khúc Anh Cho em Mùa Xuân, theo lời ông: “Hôm ấy là ngày mùng 5 Tết năm 1962, tôi đến sở làm trong lúc đất trời vẫn còn hương vị Tết. Một người bạn rủ ra ngoài ăn sáng, lúc trở về, thấy trên bàn giấy có một tập thơ mỏng, tôi bèn lật qua xem thử thì gặp bài thơ năm chữ ‘Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân.’ Ðọc qua thấy hay hay và đang lúc lòng còn hưng phấn với không khí xuân tràn trề, tôi nảy ra ý định phổ nhạc bài thơ ấy. Giấy nhạc không có sẵn, tôi phải kẻ khuôn nhạc bằng tay, và chỉ độ một, hai tiếng là xong bài nhạc. Xong, tôi cất vào ngăn kéo bàn làm việc… Sáng hôm sau có anh chàng trẻ tuổi đến tìm tôi, tự giới thiệu tên mình và cho biết, ‘Hôm qua em có đến tìm anh để biếu anh tập thơ bốn mươi bài, nhưng không gặp được anh.’ Tôi nói, ‘Hóa ra anh là tác giả bài thơ xuân ấy! Tôi vừa mới phổ nhạc bài thơ của anh xong.’ Anh ta ngạc nhiên và rất vui khi tôi lấy bài nhạc trong ngăn kéo ra và… hát cho anh ta nghe. Tôi lấy câu đầu của bài thơ đặt tên cho bài nhạc Anh Cho Em Mùa Xuân…”

Nếu không có mối duyên ấy thì chàng trai trẻ trong câu chuyện trên, tác giả Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân được phổ nhạc vẫn nổi tiếng đến nay.

Khi làm công việc “lấy thơ ghép nhạc,” nhạc sĩ Nguyễn Hiền không đổi một chữ nào trong ba đoạn thơ đầu của Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân (từ câu thơ đầu cho đến câu “mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá…”). Ông nhớ lại, “Thật là hứng thú khi tôi lấy ba câu thơ đầu (“Anh cho em mùa xuân / Nụ hoa vàng mới nở / Chiều đông nào nhung nhớ”…) phổ thành một câu nhạc, thấy đi rất ‘ngọt’ nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc.”

Nhạc phẩm Anh Cho Em Mùa Xuân do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành lần đầu, được ca sĩ Lệ Thanh trình bày đầu tiên qua dĩa nhựa và làn sóng đài phát thanh Sài Gòn, và cũng gắn liền tên tuổi cô vào “cái thuở ban đầu” của bài nhạc ấy. Tuy nhiên, nhà thơ Kim Tuấn cho biết là ông “chịu” Hà Thanh hát bài ấy nhất, và muốn được gửi đến ca sĩ ấy một lời cám ơn… muộn màng.

Sau ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân có thêm những bài phổ thơ Kim Tuấn khác của các nhạc sĩ khác như Y Vân, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương…

Bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của nhà thơ Kim Tuấn sáng tác năm 1961:

“Anh cho em mùa xuân

nụ hoa vàng mới nở

chiều đông nào nhung nhớ

đường lao xao lá đầy

chân bước mòn vỉa phố

mắt buồn vin ngọn cây…

… Đất mẹ gầy có lúa

đồng ta xanh mấy mùa

con trâu từ đồng cỏ

giục mõ về rộn khua

ngoài đê diều thẳng cánh

trong xóm vang chuông chùa

chiều in vào bóng núi

câu hát hò vẳng đưa.”

Lời ca khúc như lời Nguyễn Hiền chia sẻ, ở phần phiên khúc với những câu thơ đầu và phần điệp khúc:

“Đất mẹ gầy cỏ lúa, đồng ta xanh mấy mùa

Ngoài đê diều căng gió, thoảng câu hò đôi lứa…

Trong xóm vang chuông chùa, trăng sáng soi liếp dừa

Con sông dài mấy nhánh, cát trắng bờ quê xưa.”

Mùa Xuân Yêu Em

Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác nhiều ca khúc nhát trong nền tân nhạc Việt Nam từ thời tiền chiến và ở hải ngoại. Riêng về các ca khúc về Xuân có: Đêm Xuân (Thanh Hóa – 1948), Hoa Xuân (Sài Gòn – 1953), Xuân Thì (1953), Xuân Nồng (1956), Xuân Hành (1959), Xuân Ca (1961), Nụ Tầm Xuân (1971), Tuổi Xuân (1972), Xuân Hiền (1972), Trên Đồi Xuân (SG 1975)…

Với những ca khúc của ông phổ thơ nhiều nhất, gần một trăm bài, trong đó có những tình khúc nổi tiếng như: Hoa Rụng Ven Sông và Vần Thơ Sầu Rụng của Lưu Trọng Lư, Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính, Ngậm Ngùi của Huy Cận, Mùa Thu Paris, Tiễn Em và Chiều Đông của Cung Trầm Tưởng, Chuyện Tình Buồn của Phạm Văn Bình, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ và Hai Năm Tình Lận Ðận của Nguyễn Tất Nhiên, Con Qùy Lạy Chúa Trên Trời của Nhất Tuấn, Đà Lạt Trăng Mờ và  Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng và Em Lễ Chùa Này của Phạm Thiên Thư, Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, Mầu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương…

Với hai bài thơ của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, phổ thành ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau năm 1958 và Ðừng Bỏ Em Một Mình năm 1969 rất nổi tiếng.

Theo lời nhà thơ, bài thơ Chuyện Tình của ông viết khoảng năm 1959 và in lần đầu tiên trên báo Ngàn Khơi khoảng năm 1961. Ngày đám hỏi của Đỗ Quý Toàn năm 1964 ông mang ra đọc cho bạn bè nghe, trong số này có Nhạc Sĩ Phạm Duy.

Nhạc sĩ Phạm Duy liền ngỏ ý mang bài thơ này của ông về nhà. Khoảng một tuần sau nhạc sĩ gặp lại ông ở đường Lê Lợi và hát cho ông nghe thi khúc Mùa Xuân Yêu Em.

Chuyện Tình

“Ôi anh yêu em vì em biết nói

Em đã biết thưa em còn biết gọi

Buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em

Bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn

Ngồi xuống đây đi nghe chim đang hót…

… Này em yêu dấu em nào có hay

Hồi nãy trên trời có con chim bay

Có con chim nó bay qua trên trời

Trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi”

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Mùa Xuân Yêu Em:

“Anh yêu em, yêu em vì em biết nói

Ðã biết thưa: Thưa Anh! Em còn biết gọi

Sáng trời mưa, khiến cho anh nhớ em

Bây giờ nắng, anh nhớ em nhiều…

Ngồi xuống đây, nghe chim là chim ca hót

Ðồng cỏ như bàn tay, trời như mắt say

Ta ngó nhau, ôi còn biết nói gì

Hai đứa ngồi, ngồi đó như hai hòn bi…

… Này em yêu quý em nào có hay?

Ban nãy trên trời có đôi chim uyên

Có đôi chim trắng bay trên nền trời

Trời xanh xanh quá đôi mình lứa đôi

Trời xanh xanh quá đôi mình lứa đôi…”

Ca khúc này ở cung La trưởng giai điệu vui tươi, nhí nhảnh, nghe rất hồn nhiên, qua tiếng hát Lệ Thu, Thái Hiền và các ca sĩ khác đã hát. Trong album Mùa Xuân Yêu Em (ca khúc này làm tựa đề) ở Mỹ gồm 10 ca khúc như: Bài Ngợi Ca Mùa Xuân, Nếu Xuân Này Em Lấy Chồng, Nỗi Lòng Mùa Xuân, Vui Ca Trong Nắng Xuân, Mùa Xuân Gọi, Mùa Xuân Yêu Em, Nhạc Khúc Tình Xuân, Mùa Xuân Tình Yêu, Nhớ Về Một Mùa Xuân, Những Cánh Én Mùa Xuân… nhưng nhạc phẩm phổ thơ này ít phổ biến rộng rãi và không xuất sắc so với những ca khúc khác phổ thơ của Phạm Duy.

Như đã đề cập ở trên, giữa thi ca và âm nhạc coi như mối lương duyên, ngôn ngữ thi ca cũng gắn liền với lời ca trong nhạc. Riêng với thơ Xuân được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc trong nền tân nhạc Việt Nam từ thời tiền chiến cho đến nay khá nhiều nhưng chỉ đề cập đến ba bài thơ qua ba nhạc phẩm với mẩu chuyện đề cập đến cảm hứng khi sáng tác được kể ra để góp phần làm sống lại giai đoạn sáng tác tạm gọi với mục đích “ôn cố tri tân.”

Trong các tác giả đề cập ở trên, nay chỉ còn nhà thơ Đỗ Quý Toàn hiện sinh sống tại Orange County, đón Xuân Ất Tỵ ở tuổi 85.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: