Uống rượu trước khi ngủ trên máy bay, lợi bất cập hại!

Một hành khách uống rượu trên máy bay. (Hình minh họa: David Trần/Unsplash)

Theo nghiên cứu mới, “làm một ly” trước khi chợp mắt trên máy bay là hết sức nguy hại.

Khoang máy bay được điều áp để duy trì độ cao tương đương 8,000 feet (2,438 mét), nghĩa là áp suất không khí và nồng độ oxy thấp hơn mức mà chúng ta trải qua trên Trái đất. Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai trên tạp chí Thorax, kết hợp điều đó với việc uống rượu và ngủ, nhiều khả năng một người sẽ bị giảm độ bão hòa oxy trong máu.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến Sĩ Eva-Maria Elmenhorst, phó khoa giấc ngủ và các yếu tố con người, đồng thời là trưởng nhóm công tác về Hiệu Suất và Giấc Ngủ tại Viện Y Học Hàng Không Vũ Trụ DLR ở Cologne, Đức, năn nỉ: “Xin đừng uống rượu trên máy bay.”

Để thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tạo ra một môi trường khí quyển tương tự như cabin máy bay đang bay. Trong hai đêm, 48 người trưởng thành khỏe mạnh ngủ bốn giờ trong hai môi trường khác nhau – một lần không uống rượu và một lần sau khi uống hai ly rượu hoặc một lon bia.

Nghiên cứu cho thấy vào những đêm uống rượu, lượng oxy của những người tham gia giảm xuống và nhịp tim của họ tăng lên. Sự kết hợp của việc uống rượu với việc ngủ trong điều kiện hạ áp huyết gây ra căng thẳng đáng kể cho hệ tim và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những bệnh nhân mắc bệnh tim hoặc phổi.”

Tiến Sĩ tim mạch Andrew Freeman, giám đốc phòng ngừa tim mạch và sức khỏe tại National Do Thái Health ở Denver cho biết, nghiên cứu này tuy nhỏ nhưng cung cấp điểm khởi đầu để các nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra mối quan hệ giữa giấc ngủ, chuyến bay và rượu.

Các chuyên gia cho biết, nhiều người có thể uống rượu trên máy bay để giúp họ ngủ vì điều kiện trong cabin thường không thoải mái, nhưng làm như vậy sẽ tác động tiêu cực đến cả sức khỏe lâu dài.

Các tác giả nghiên cứu không chỉ thu thập dữ liệu về tình trạng căng thẳng của tim mà họ còn xem xét kỹ hơn chất lượng giấc ngủ của người tham gia.  Thời gian trong giấc ngủ REM – giai đoạn chuyển động mắt nhanh có thể quan trọng trong việc củng cố trí nhớ và phục hồi não ngắn hơn đối với những người đang trên máy bay có uống rượu.

Phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên, theo Freeman, rượu có thể giúp bạn dễ ngủ nhưng chất lượng không tốt bằng việc ngủ khi tỉnh táo. Nhiều người chứng kiến khi uống nhiều rượu, tình trạng ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ trở nên trầm trọng hơn nhiều.

Tiến Sĩ Shalini Paruthi thuộc Trường Y, Đại Học Saint Louis, cho biết thời lượng giấc ngủ khi bị ảnh hưởng cũng có xu hướng khác nhau. Mọi người có xu hướng ngủ không ngon giấc sau khi uống rượu, nghĩa là họ thức dậy nhiều hơn vào ban đêm và không ngủ lâu. Đôi khi mọi người sẽ chỉ nghĩ về tác dụng tức thời, là xỉn thì dễ ngủ, nhưng họ lại quên mất tất cả những tác dụng khác của rượu.

Freeman cho biết, đặc biệt cẩn thận không trộn thuốc hỗ trợ giấc ngủ với rượu, vì cả hai đều là chất gây trầm cảm và tăng cường tác dụng an thần khi uống chung. Đã xảy ra không ít trường hợp nhậu say rồi còn uống thêm thuốc ngủ, thế là phải đi… cấp cứu.

Vì vậy, hãy cố gắng tuân theo chu kỳ tự nhiên của cơ thể khi bay, Freeman nói – mặc dù điều đó không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Hãy cố gắng chọn một chuyến bay phù hợp với thói quen ngủ của bạn; tránh tạo ra những chu kỳ ngủ và thức bằng quá nhiều chất kích thích như cà phê, nước tăng lực và các chất gây trầm cảm như rượu; hãy uống đủ nước vì môi trường trên máy bay rất khô, dù mát vì có máy lạnh. Thực phẩm được phục vụ tại sân bay và máy bay thường mặn, nhiều dầu mỡ và qua chế biến, vì vậy Freeman khuyên bạn nên tự mang theo đồ ăn, hoặc tìm các lựa chọn thức ăn nhẹ ở phi trường nhẹ và chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật.

Tập thể dục cũng có thể giúp bạn ngủ ngon hơn, vì vậy ông khuyên nên tránh đi thang máy và di chuyển trên vỉa hè để đi bộ vài bước. Nếu bạn phải bay một chuyến bay dài, hãy cố gắng đứng dậy và vận động một chút.

Ông nói: “Điều cuối cùng tôi chỉ ra là có rất nhiều bằng chứng cho thấy ánh sáng xanh phát ra từ màn hình và tất cả những thứ đó cản trở giấc ngủ. Tốt nhất, bạn nên dùng tai nghe chống ồn và đừng có xem gì trên màn hình trước ghế ngồi.”

(theo CNN)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: