Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức tại San Francisco

Hỗ trợ đa ngôn ngữ trong cộng đồng là một trong những mối quan tâm của chính sách giáo dục Hoa Kỳ (Hình: Patrick T. Fallon for The Washington Post via Getty Images)

Hội Đồng Giám Sát Thành Phố San Francisco vừa bỏ phiếu nhất trí chính thức công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của thành phố mà thành phố bắt buộc phải cung cấp dịch vụ dịch thuật. Theo Sfchronicle.

Những ngôn ngữ khác trước đó cũng được công nhận là ngôn ngữ chính thức như tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Philippines,…

Động thái này, cùng với những thay đổi khác đối với Sắc lệnh về tiếp cận ngôn ngữ của San Francisco, nhằm mục đích bảo đảm cư dân có thể được phục vụ bằng ngôn ngữ mà họ cảm thấy thoải mái nhất.

Sắc lệnh về tiếp cận ngôn ngữ của thành phố được ban hành vào năm 2001 trước đây yêu cầu các cơ quan thành phố phải dịch các dịch vụ sang bất kỳ ngôn ngữ nào có ít nhất 10,000 người nói trong thành phố có trình độ tiếng Anh hạn chế.

Bản sửa đổi tuần qua đã hạ thấp ngưỡng xuống 6,000 người, là đủ điều kiện cho tiếng Việt lần đầu tiên trở thành một ngôn ngữ hành chính chính thức tại một thành phố của Hoa Kỳ. Theo ghi nhận từ bảng dữ liệu ngôn ngữ của thành phố, tổng cộng có 6,791 cư dân San Francisco xác định là người dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính. Thành phố hiện sẽ phải cung cấp dịch thuật qua điện thoại, văn bản trang web, thông báo bằng văn bản và các dịch vụ chính thức khác bằng tiếng Việt.

Dự luật này được giới thiệu vào năm ngoái bởi Giám Sát Viên Quận 10 Shamann Walton, người cho biết thành phố cần mở rộng khả năng tiếp cận ngôn ngữ để bảo đảm các cộng đồng nhập cư của thành phố có thể tham gia vào quy trình của chính phủ.

“San Francisco là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng nhập cư đa dạng và là quốc gia dẫn đầu trong việc cung cấp dịch vụ tiếp cận ngôn ngữ với một trong những luật tiếp cận ngôn ngữ địa phương mạnh mẽ và toàn diện nhất,” Walton cho biết tại một cuộc họp báo trước cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Ba tuần trước.

Các nhóm hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là những nhóm làm việc trực tiếp với cộng đồng người nói tiếng Việt, cho rằng những thay đổi này là rất cần thiết để khắc phục tình trạng người dân khó tiếp cận các thông tin và dịch vụ bằng ngôn ngữ của mình.

Silvia Ramos, một quản lý cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận CARECEN SF, nơi hỗ trợ người nhập cư Trung Mỹ, cho biết bà quan sát thấy các nhân viên tuyến đầu của thành phố không cung cấp dịch vụ phiên dịch tiếng Tây Ban Nha theo yêu cầu của sắc lệnh, bao gồm cả tại Bệnh Viện Đa Khoa San Francisco, thuộc sở hữu và điều hành bởi thành phố, và văn phòng Cơ Quan Dịch Vụ Nhân Sinh (Human Services Agency – HSA) tại Phố Harrison, nơi cư dân nộp đơn xin Medi-Cal.

Cả HSA và Bệnh Viện Đa Khoa Zuckerberg San Francisco đều bảo vệ các dịch vụ song ngữ của họ trong các tuyên bố riêng biệt.

HSA cho biết họ làm như vậy thông qua nhân viên song ngữ tại các trung tâm dịch vụ của mình hoặc dịch vụ phiên dịch qua điện thoại nếu nhân viên không có mặt.

San Francisco General cho biết họ sử dụng các bác sĩ lâm sàng song ngữ được chứng nhận và nhân viên song ngữ được chỉ định và cung cấp dịch vụ phiên dịch trực tiếp, qua video và điện thoại 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần.

Bệnh viện đưa ra một tuyên bố “Khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế bằng ngôn ngữ của bệnh nhân có mối liên hệ mật thiết với việc bảo đảm công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Do đó, việc cung cấp dịch vụ này miễn phí cho bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu của bệnh viện.”

Jeannel Poyaoan, quản lý tại Trung Tâm Cộng Đồng Philippines, cho biết cô và đồng nghiệp đã phải phiên dịch cho một phụ nữ Philippines 70 tuổi được đưa đến phòng cấp cứu với chứng đau lưng dữ dội vào Tháng Sáu năm ngoái vì San Francisco General không cung cấp phiên dịch tiếng Philippines.

Các sửa đổi cũng khuyến khích các cơ quan thành phố tăng số lượng nhân viên song ngữ và yêu cầu các cơ quan duy trì danh sách nhân viên song ngữ và ngôn ngữ của họ.

San Francisco có 2,638 nhân viên song ngữ trong năm tài chính 2022-2023, giảm gần 6% so với năm trước. Thách thức vẫn còn đối với những cư dân cần dịch thuật sang các ngôn ngữ không có trong danh sách ngôn ngữ chính thức.

Mouneissa Wangara, một chuyên gia gắn kết cộng đồng tại Mạng Lưới Vận Động Người Châu Phi, một tổ chức phi lợi nhuận của San Francisco phục vụ người nhập cư châu Phi và người gốc Phi-Caribê, cho biết nhiều khách hàng phải vật lộn để tìm kiếm người phiên dịch khi đến Hoa Kỳ.

“Đây là lý do tại sao chúng ta phải bảo đảm tất cả các cơ quan thành phố đều nhận thức được rằng chúng ta cần phiên dịch kịp thời,” Wangara nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: