Nghệ thuật không làm gì cả

Minh họa: Artem Kovalev/Unsplash

Cứ mỗi ngày, tôi lại dành ra một thời gian nhất định để không làm gì cả. Không làm gì cả này không có nghĩa là không làm một việc gì, mà là để tâm trí rơi vào trạng thái tĩnh lặng, không muộn phiền nghĩ ngợi. Không suy tư nặng nề. Đơn giản là ngồi yên buông xả. Hoặc dọn phòng, quét nhà, chăm cây,… trong chánh niệm. Điều này cũng giống việc đang tạo ra không gian thở cho tâm hồn.

Cuộc sống hiện đại càng khiến con người phải suy tư nhiều hơn, âu lo nhiều hơn, muộn phiền nhiều hơn. Con người đánh giá cao vai trò của suy nghĩ nhưng lại không hề biết rằng đỉnh cao của trí tuệ không thể đến từ việc suy nghĩ không ngừng, mà biết “ngừng suy nghĩ”, tức biết rơi vào trạng thái định và chánh niệm.

Việc suy nghĩ là bản năng. Mỗi ngày, chúng ta có đến hàng ngàn suy nghĩ, và phần đa là suy nghĩ vô ích lặp đi lặp lại. Phần lớn mọi suy nghĩ ấy chẳng giúp ích gì cho đời sống tinh thần của ta, thậm chí còn khiến ta trở nên điên rồ và muốn nổ tung. Hẳn là ta đã nhiều lần muốn được yên trong chính tâm trí của mình. Đây cũng là lúc ta biết trở về nhà.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa rằng ta hạ thấp vai trò của tư duy, đặc biệt, tư duy đúng đắn là điều kiện bắt buộc trên con đường nhận thức rằng ý nghĩa cuộc sống nằm ở chỗ, ta phải vượt lên khỏi các suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Lúc này, không gian tâm hồn của ta được dọn dẹp, và càng có thêm những khoảng trống để hít thở, từ đó mới có thể chứa đựng thêm điều mới mẻ.

Minh họa: Chris Ensey/Unsplash

Trong bối cảnh cuộc sống ngày càng có nhiều người mắc phải những vấn đề trầm cảm, lo âu…, thậm chí dẫn đến tự sát, sự thảnh thơi của tâm trí, hay nghệ thuật không làm gì cả, cần phải được xem xét và đánh giá cao hơn nữa. Nền giáo dục của chúng ta đã tạo nên một thế hệ có tư duy nhưng lại chưa thể tạo ra một thế hệ biết tư duy có chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm tỉnh giác có nghĩa là nếp sống thanh tĩnh và an lạc với một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt. Chúng ta đã chứng kiến một thế hệ theo đuổi tư duy đến cuồng điên nhưng lại không biết điểm dừng để thấu triệt những đứt gãy trong tâm hồn đến từ quá trình suy nghĩ điên rồ ấy.

Bạn có thể hình dung, việc suy nghĩ không ngừng và không biết cách để dừng lại này cũng giống như một người công nhân xếp gạch xây nhà. Anh ta cứ thế chất chồng những viên gạch lên nhau cho đến khi biến ngôi nhà thành một khối đặc chẳng thể ở nổi. Suy nghĩ miên man không dứt sẽ giống như ngôi nhà mà giờ đây là khối đặc ấy. Ta sẽ chẳng thể an trú trọn vẹn. Ta chẳng thể hít thở một cách cân bằng nếu sống trong ngôi nhà đặc ấy.

Mỗi ngày, khi làm việc, tôi học cách tư duy có chánh niệm và tỉnh giác. Tức quan sát những nghĩ suy của mình để đưa tư duy ấy về sự đúng đắn. Sau mỗi giờ làm việc, tôi học cách nghỉ ngơi và thư giãn, bằng cách đi dạo trong phòng, ngồi yên hít thở, ngắm nhìn mây trời… Quá trình tư duy sẽ lấy đi năng lượng của ta rất nhiều, vì thế, nghệ thuật không làm gì cả này sẽ giúp ta lắng lại các suy nghĩ, ngơi nghỉ những căng thẳng, và từ đó tạo ra những không gian hít thở cho tâm hồn.

Lão Tử từng nói về vô vi, tức làm mà như không làm gì cả, hay cũng có thể hiểu, làm việc mà cảm giác an nhiên tĩnh tại như rơi vào trạng thái thiền. Đây cũng chính là nghệ thuật không làm gì cả mà ta đang bàn tới. Như công việc viết lách của tôi, mọi thứ diễn ra như dòng chảy tự nhiên. Viết mà như chơi, và chơi ở đây có nghĩa là thật sự tận hưởng, không một chút toan tính nào. Ta thường hay gọi trạng thái này bằng từ dễ hiểu hơn là “phiêu”: Cô ấy phiêu trong cách hành văn của mình, anh ta phiêu trong từng nốt nhạc, người nghệ sĩ ấy phiêu trong từng nét cọ… Và thế, khi ai đó đạt đến trạng thái dòng chảy, ta cảm giác tác phẩm của họ như đang múa nhảy trong ta, làm lay động lòng ta.

Không làm gì nhưng thực sự lại làm được rất nhiều điều ý nghĩa. Những bậc thầy tâm linh như Dalai Lama đã đạt đến trạng thái không làm gì cả. Năng lượng tại tâm của họ rất lớn, vì vậy, có thể chuyển hóa và mang phúc lành đến cho chúng sinh. Ngược lại, với những người đang còn tồn đọng trong tâm nhiều nguồn năng lượng tiêu cực, hành động và việc làm của họ có nguy cơ làm tổn thương đến những người khác.

Mỗi người đều đang đi trên hành trình không làm gì cả, chỉ là giai đoạn của người này khác với người kia. Nhưng, việc nhận thức tầm quan trọng của việc làm mà như không làm này là vô cùng quan trọng để chúng ta sống chánh niệm, tỉnh giác và giàu tình thương hơn mỗi ngày.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: