Vẫn giống cách nay 20 năm, bộ tộc Tajik kiên cường sống tại thung lũng chiến lược Panjshir ở phía Bắc thủ đô Kabul, nơi Taliban chưa giành được quyền kiểm soát, không công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp và đã bắt đầu thách thức quyền lực của “Tiểu vương quốc Hồi giáo” này.
Phóng viên Jim Huylebroek của tờ The New York Times cho biết, sau khi một số quan chức cao cấp của chính phủ Afghanistan bỏ chạy, một số lãnh đạo địa phương đang cố gắng tập hợp lực lượng “kháng chiến” ngay tại thung lũng Panjshir để chống lại Taliban. Thung lũng này từng là điểm xuất phát của các nhân viên CIA và lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong chiến dịch xâm nhập Afganistan và đẩy Taliban khỏi quyền lực năm 2001, chỉ vài tháng sau khi toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York bị al-Qaeda đánh sập.
Thung lũng Panjshir cũng là một trong 34 tỉnh của Afghanistan, dân số khoảng 175,000 người, đa số là người sắc tộc Tajik có liên hệ với nước Tajikistan ở phía Bắc và theo Hồi giáo dòng Sunni.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nghi ngờ triển vọng của kế hoạch phản kháng vì theo họ, lực lượng ẩn náu ở thung lũng Panjshir khó có được con đường tiếp tế chính qua biên giới phía Bắc Afghanistan khi họ chưa tìm thấy sự hỗ trợ quốc tế nào. Ngoài ra, họ sẽ tuyển được bao nhiêu chiến binh và có bao nhiêu vũ khí để đương đầu với các loại vũ khí Taliban có sẵn và của Mỹ để lại?
Một nguồn thạo tin cho biết số lượng chiến binh tập trung ở Panjshir là khoảng từ 2,000 đến 2,500 và không có vũ khí tấn công, ngoài súng cá nhân. Lãnh đạo Liên minh phương Bắc chống lại Taliban trong thập niên 1990, tướng Ahmad Shah Massoud, biệt danh “Cọp Panjshir” sau khi bị al-Qaeda ám sát trong cuộc phỏng vấn dàn dựng hai ngày trước sự kiện 11 Tháng Chín đã trở thành huyền thoại của bộ tộc Tajik sinh sống ở miền Bắc. Nay họ cũng sẽ là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến mới chống lại sự cai trị của Taliban, nếu có một cuộc chiến như thế.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Amrullah Saleh, một trong những người nòng cốt của kế hoạch đối đầu với Taliban nhấn mạnh: “Mục tiêu hiện nay của chúng tôi là đạt được một thỏa thuận hòa bình thực chất với Taliban, thay mặt chính phủ Afghanistan”. Sau khi Tổng thống Ashraf Ghani chạy trốn khỏi thủ đô Kabul trước khi Taliban đưa quân dễ dàng vào thành phố, Saleh tuyên bố ông là “Tổng thống hợp pháp theo Hiến pháp năm 2004 do Mỹ giúp soạn thảo”. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện qua tin nhắn, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi mất lãnh thổ nhưng không mất tính hợp pháp. Và tôi, với tư cách tổng thống tạm quyền, phải tôn trọng Hiến pháp và không coi Tiểu vương quốc Taliban là hợp pháp”.
Tham gia với Saleh tại Panjshir có Ahmad Massoud, con trai của “thánh tử đạo” Ahmad Shah Massoud; tướng Yasin Zia, cựu Tham mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng. “Afghanistan sẽ có hoà bình và ổn định nếu đoàn thương thuyết Taliban ở Doha (Qatar) và Pakistan đồng ý về một thỏa thuận mà thế giới muốn có”, Mohammad Zahir Aghbar, Đại sứ Afghanistan tại Tajikistan hiện vẫn giữ liên lạc với các lãnh đạo ở thung lũng Panjshir, nói. Saleh khẳng định tổ chức kháng chiến vẫn tin tưởng vào “một tiến trình hòa bình thực sự, dù nó không còn tồn tại”. “Nếu Taliban sẵn sàng cho một cuộc thương lượng thực chất, chúng tôi rất hoan nghênh. Nếu họ khăng khăng muốn chinh phục quân sự, thì tốt hơn nên đọc lại lịch sử!”
Thung lũng Panjshir có những đặc điểm nổi bật về địa thế. Hẻm núi sâu và hẹp ở lối vào thung lũng được tự nhiên cấu tạo để chặn đường đối phương và dễ tổ chức phục kích. Với địa hình hiểm trở, thung lũng không chỉ chống lại thành công Taliban trong thập niên 1990 mà còn cả Liên Xô trong thập niên 1980. Những lính Mỹ đầu tiên đến Afghanistan sau thảm kịch Tháng Chín, 2001 cũng chọn Panjshir là nơi dừng chân đầu tiên, lấy cớ bảo vệ Liên minh phương Bắc như một “đồng minh”.
Saleh, từng phụ trách Cục An ninh Quốc gia, cho biết trên đường tháo chạy đến Panjshir bằng xe hơi vào ngày 15 Tháng Tám vừa qua ông đã thoát chết trong hai cuộc tấn công và một cuộc phục kích của các chiến binh Taliban. Ông không tiết lộ quy mô lực lượng ở Panjshir “vì lý do an ninh và bảo mật”, nhưng nhóm của ông đã liên lạc được với các thủ lĩnh Afghanistan từng chiến đấu chống Taliban 20 năm trước. Kế hoạch của Saleh có nhận được sự ủng hộ quốc tế hay không là chuyện khác. Chỉ biết, tính đến thời điểm này, nơi duy nhất thay ảnh ông Ghani bằng ảnh của ông Saleh là Đại sứ quán Afghanistan ở Tajikistan. Trong các phòng họp trải thảm của tòa nhà, gần một con phố đầy bụi và tắc nghẽn xe ở thủ đô Dushanbe, những bức ảnh của Ghani được hạ xuống và ảnh của Saleh được treo lên.
Đọc thêm: