Chuyến đi thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26 Tháng Tám của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã làm tốn nhiều giấy mực của các cơ quan truyền thông; hầu như tất cả các nhà quan sát chính trị Hoa Kỳ và khu vực châu Á đều đã có bài nhận định về sự kiện ngoại giao quan trọng này.
Có những nhận định được nhiều người đồng thuận: Bà Kamala Harris là phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên và cũng là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam; chuyến thăm chưa từng có tiền lệ của phó tổng thống Mỹ khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Washington. Nhưng Hà Nội sẽ có phản ứng như thế nào trước sự đánh giá và gắn kết (engagement) của Hoa Kỳ thì quan điểm của các nhà phân tích vẫn còn rất xa nhau do góc nhìn và sự hiểu biết nội tình chính trị Việt Nam của từng người.
Nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ
Chuyến đi Việt Nam của Phó Tổng thống Harris diễn ra ngay sau chuyến thăm tương tự của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gần một tháng trước với mục đích nhấn mạnh nhu cầu thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng giữa Mỹ và các đối tác Đông Nam Á, khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ tự do hải hành, bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, chống lại những yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên vùng Biển Đông.
Tại Hà Nội, trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, chắc chắn Phó Tổng thống Harris sẽ nhắc lại cam kết đó của Mỹ và có thể sẽ đề cập tới nhu cầu nâng cấp mối quan hệ song phương Việt-Mỹ từ “đối tác toàn diện” (comprehensive partnership) lên “đối tác chiến lược toàn diện” (comprehensive strategic partnership).
Phó Tổng thống Harris tất nhiên cũng bàn về những vấn đề nóng như hợp tác chống dịch COVID-19, biến đổi khí hậu toàn cầu, khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa đang bị gián đoạn vì đại dịch, tình hình nhân quyền v.v… nhưng chắc chắn hợp tác an ninh Việt-Mỹ vẫn là trọng tâm. Bà Harris chắc chắn hứa hẹn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, viện trợ vaccine và trang bị y tế mà Việt Nam đang rất cần do tình hình dịch đang rất nguy cấp; hỗ trợ Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu và tác động của nó tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long v.v… Những lĩnh vực hợp tác mang tính nhân đạo này dễ đạt sự đồng thuận, nhưng những vấn đề an ninh và nhân quyền thì không dễ như vậy.
Việt Nam có vai trò trong chuỗi cung cấp hàng hóa
Về quan hệ kinh tế thương mại, gần đây Hoa Kỳ đã có sự nhượng bộ khá rõ khi không đưa ra biện pháp trừng phạt Việt Nam sau khi cáo buộc Hà Nội “thao túng tiền tệ” để giành lợi thế cho hàng hóa xuất cảng sang Hoa Kỳ – một cáo buộc đã có từ thời Tổng thống Donald Trump – dù cán cân thương mại Việt-Mỹ vẫn tiếp tục nghiêng mạnh về phía Việt Nam, thặng dư của Việt Nam trong buôn bán với Hoa Kỳ vẫn tăng bất chấp đại dịch COVID-19.
Có thể Hoa Kỳ thả con tép bắt con tôm, nhân nhượng một chút về tỷ giá để khuyến khích Việt Nam tích cực hơn trong việc bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, linh kiện cho thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một tác động của cuộc thương chiến đó là nhiều thương hiệu lớn của Mỹ, công ty Apple chẳng hạn, đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam để cung cấp cho thị trường Mỹ, bổ sung vào vai trò của Trung Quốc hiện nay. Trước khi bà Harris lên đường đi Việt Nam, một số nhà buôn lớn của Hoa Kỳ đã đề nghị chính quyền Biden tăng số lượng vaccine cung cấp cho Hà Nội, và yêu cầu Hà Nội tiêm chủng cho hàng triệu lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất hàng hóa xuất cảng sang Mỹ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa không bị gián đoạn.
Trong lĩnh vực sản phẩm vi mạch điện tử (chip) và bán dẫn mà hiện các công ty Hoa Kỳ đang bị thiếu hụt trầm trọng, Việt Nam có một số nhà máy do Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan đầu tư, có thể bù đắp vào sự thiếu hụt này. Nhưng tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, cùng cách thức chống dịch “quái đản” của chính phủ Hà Nội – chẳng hạn như buộc công ty phải bảo đảm “ba tại chỗ”, sắp xếp cho công nhân làm việc và ăn ngủ tập trung ở nhà máy – khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng; một số nhà đầu tư dọa chuyển cơ sở sản xuất đi nước khác nếu Việt Nam không thay đổi cung cách quản trị để chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, nguồn vaccine từ Hoa Kỳ là giải pháp được mong đợi nhất; ngoài việc có thể hứa cung cấp thêm vaccine, bà Harris có thể cũng sẽ giúp Việt Nam được các công ty Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ để tự bào chế vaccine ngừa COVID-19 cho khối dân số cả trăm triệu người. Có tin chưa kiểm chứng được nói rằng bà Harris sẽ hứa hẹn cung cấp cho Việt Nam thêm 31 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 nữa, sau khi gần đây Hoa Kỳ đã cung cấp 5 triệu liều vaccine Moderna, $20 triệu và các trang bị kỹ thuật để bảo quản vaccine và tổ chức tiêm chủng ngừa COVID-19.
Nhưng chưa thể nâng tầm quan hệ song phương
Nhiều nhà bình luận chính trị dự báo trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể sẽ nâng tầm quan hệ song phương từ “đối tác toàn diện” lên mức “đối tác chiến lược” – tức là mật thiết hơn một bậc – nhưng chúng tôi cho rằng điều đó sẽ chưa xảy ra. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược với 18 quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc, nhưng không có Hoa Kỳ, có nghĩa là quan hệ Việt-Mỹ vẫn xếp là “thứ yếu” trong thang bậc đối ngoại của Việt Nam. Trong lần gặp ông Nguyễn Xuân Phúc tháng trước, Bộ trưởng Austin đã nói tới nhu cầu nâng cao mức quan hệ nhưng ông Phúc lảng đi. Vả lại, đối với Hoa Kỳ, việc thay đổi tên gọi của mối quan hệ Việt-Mỹ, từ “toàn diện” sang “chiến lược” dường như không có nhiều ý nghĩa, người Mỹ muốn quan hệ phải có thực chất hơn là những từ ngữ sáo rỗng.
Sở dĩ quan hệ Việt-Mỹ chưa tiến lên mức cao nhất như vậy vì sự đối lập về thể chế chính trị (dân chủ đối lập với độc tài đảng trị) và quá khứ xung đột làm cho Mỹ và Việt Nam không bao giờ có được lòng tin vào nhau để tiến tới đối tác chiến lược dù Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ đã nhiều lần khẳng định Mỹ “không làm việc để thay đổi thể chế cộng sản của Việt Nam.” Cuộc rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan đang diễn ra sau hai mươi năm can dự hao người tốn của càng làm cho các quan chức cộng sản giáo điều và cứng rắn ở Hà Nội có thêm lý do để nghi ngờ chiến lược của người Mỹ. Trong bối cảnh đó, cuộc vận động của Washington muốn Hà Nội tích cực tham dự vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ – nhất là ở khu vực Biển Đông Việt Nam – sẽ càng khó khăn hơn.
Nhưng quan trọng hơn hết là giới lãnh đạo Việt Nam vẫn lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, cả về ý thức hệ, mô hình chuyên chế trong quản trị đất nước, cả về kinh tế thương mại và mọi phương diện khác, ngay cả phương thức phòng dịch COVID-19 cũng sao chép y hệt Trung Quốc. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam ở Hà Nội rất lo sợ làm phật lòng ông anh Bắc Kinh cho nên nhất cử nhất động, cả trong nội trị và ngoại giao, đều phải được Trung Quốc bật đèn xanh thì mới dám thực hiện. Việc Việt Nam đề ra chiến lược quốc phòng “bốn không” (không tham gia các liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia và không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) chẳng hạn, là một cái bẫy được Bắc Kinh áp cho Hà Nội để ngăn cản mọi ý đồ liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Sẽ rất khó cho Hà Nội đưa quan hệ với Mỹ lên ngang bằng quan hệ với Trung Quốc.
Những phát biểu của giới lãnh đạo Hà Nội về Biển Đông, về quan hệ với Mỹ, suy cho cùng, chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi nhằm trấn an dư luận trong nước mà không hề đụng đến hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Ngay trước khi Phó Tổng thống Harris đặt chân tới Hà Nội, Bắc Kinh đã cho ba tàu thăm dò dầu khí “càn quét” thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, từ Phú Yên đến Côn Đảo mà Hà Nội hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Những nhận định như của Giáo sư Carl Thayer: “Việt Nam quan trọng đối với Mỹ vì họ liên tục chống lại sự đe doạ của Trung Quốc ở Biển Đông và xây dựng được một biện pháp răn đe quân sự đáng tin cậy chống lại Trung Quốc,” hoặc của nhà báo, nhà nghiên cứu Murray Hiebert “Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Mỹ trong việc đẩy lùi các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông” mà đài VOA trích dẫn mới đây xem ra không có mấy căn cứ thực tiễn.
Chỉ vài ngày trước khi bà Harris tới Hà Nội, báo Quân Đội Nhân Dân của quân đội Việt Nam đã đăng một bài bình luận nảy lửa, phản bác các cây bút ở hải ngoại so sánh biến cố đang diễn ra ở Kabul với sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, nhưng trọng tâm của báo này là lên án “cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ vào Việt Nam” với những lời lẽ hết sức dao búa mà chúng tôi không tiện trích dẫn ở đây. Với não trạng của Hà Nội như vậy, hãy còn quá sớm để hy vọng vào một sự hợp tác mật thiết với Hoa Kỳ về quốc phòng, an ninh.
Nhân quyền – cần thay đổi cách đối thoại với Hà Nội
Trong vấn đề nhân quyền cũng vậy. Hoa Kỳ không có chủ trương bảo Việt Nam phải làm gì trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền của người dân, mà chỉ muốn Việt Nam làm đúng những quy tắc trong Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị 1986 mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng Hà Nội có truyền thống làm ngược các cam kết quốc tế và việc đàn áp nhân quyền, tước đoạt tự do, bịt miệng những tiếng nói đối lập là sách lược chính của đảng Cộng sản để duy trì quyền lực toàn trị, họ không thể bỏ được. Năm ngoái, công an cộng sản bắt giam nhà báo tự do Phạm Đoan Trang ngay sau khi kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ là một ví dụ cho thấy, đối thoại nhân quyền với Việt Nam chỉ là chuyện vô ích!
Phó Tổng thống Harris đến Hà Nội mang theo kiến nghị của nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ, của các tổ chức tranh đấu nhân quyền và gia đình các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam, đòi chấm dứt đàn áp và trả tự do cho các tù chính trị. Chắc chắn bà Harris sẽ đặt vấn đề nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Hà Nội, nhất là khi Hoa Kỳ đặt tự do, dân chủ, nhân quyền thành yếu tố cốt lõi trong quan hệ với các nước khác.
Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, đừng trông mong tình hình nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện cùng với chuyến viếng thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ; giỏi lắm Việt Nam chỉ đồng ý thả một số tù nhân lương tâm nổi tiếng với điều kiện họ phải ra nước ngoài và chính phủ Hoa Kỳ đáp lại một số yêu sách nào đó của Hà Nội.
Về lâu dài, chúng tôi cho rằng Mỹ cần thay đổi cách đối thoại nhân quyền với Hà Nội: Không cần công khai phản đối có thể làm Việt Nam “mất mặt” mà gia tăng áp lực ở hậu trường, trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên song song với việc áp dụng các biện pháp trừng phạt những quan chức có hành vi đàn áp công dân, theo luật Magnitsky Toàn cầu mà Washington đang thực thi ở các nước khác.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Harris tái khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và Mỹ cần Việt Nam làm công việc của mình trong việc ngăn chặn tiến trình bành trướng thế lực của Trung Quốc. Sự khẳng định này không mới, nó đã có trong bản Hướng dẫn tạm thời Chiến lược An ninh Quốc gia mà chính quyền Biden công bố hồi Tháng Ba vừa qua, trong đó liệt kê Singapore và Việt Nam là hai đối tác an ninh ưu tiên ở Đông Nam Á. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris có thể làm cho quan điểm của Hoa Kỳ được đẩy mạnh hơn, gây một áp lực khẩn cấp lên nhà cầm quyền Hà Nội nhưng chúng tôi cho rằng một lần nữa, kỳ vọng của Washington sẽ không được Hà Nội thật tâm đón nhận, và một cơ hội “thoát Trung” cho Việt Nam sẽ lại bị bỏ lỡ.
Đọc thêm: