Tôi quê Ninh Bình, ba mẹ đều là người Ninh Bình cả. Tôi lớn lên ở Thanh Hóa. Rồi đi học đại học ở Hà Nội, đi làm ở Hà Nội ba năm. Rồi bị thất vọng dập mặt, ôm nỗi đau bỏ vào vali đi vào nam. Ở lại Nha Trang đi dạy gia sư và tìm việc làm gần một năm. Nha Trang thì đẹp nhưng khó tìm việc quá, nên tôi quyết định vào Sài Gòn.
Năm 2000, vào Sài Gòn, tài sản chỉ có một chiếc xe đạp, tôi thuê phòng trọ ở ghép cùng với mấy bạn sinh viên. Rồi tôi thi tuyển và có việc làm ở Sài Gòn. Rồi để dành được tiền! Và rồi chính quan niệm của người Sài Gòn đã khích lệ tôi mua nhà: nhà là để ở, không phải để chứng tỏ. Năm 2004, tôi tìm mãi mới gặp một miếng tàm tạm, thì giá gần gấp ba số tiền tôi đang có.
Bạn bè Sài Gòn biết tin, hỏi “Cần nhiêu?” Rồi ngay chiều hôm đó, có đứa cầm chứng minh thư ra ngân hàng, vét sạch tiền trong tài khoản được tám triệu cho tôi mượn. Có đứa lấy lương xong, rút lại chỗ lẻ, còn số tròn cho tôi mượn. Tuấn Huy họp ngay nhóm cộng tác viên, thu tiền tận tay từng đứa, rồi tới nhà, đưa cho tôi một cục tiền cộng một tờ giấy dài ghi tên từng đứa, đứa năm triệu, đứa ba triệu, đứa 10 triệu… Bị Huy lột sạch tiền, nên có hôm cả nhóm chả còn gì ăn, Huy kiếm đâu ra mấy trăm, chia mỗi đứa mấy chục: “Tiền ăn đây, đừng có đòi bà Hà, bả chưa có đâu!”
Người Sài Gòn kỳ lạ thế đấy.
Tôi bắt đầu xây nhà, các chủ vựa nguyên vật liệu của Sài Gòn cứ tươi cười nói: “Lấy đi, khi nào có tiền thì trả!” Các dịch vụ trong Sài Gòn rất tốt. Tới tận nhà tiếp thị đủ thứ, nào nguyên vật liệu, đồ gia dụng tivi tủ lạnh, máy giặt, tới rèm cửa, tủ giường, bàn ghế… tất cả đều có thể trả sau, trả dần! Thế nên chỉ vài ngày là nhà tôi đầy đủ đồ. Tôi bắt đầu làm việc nhiều hơn, tiêu xài ít hơn, danh sách nợ mỗi tháng gạch được một hai cái tên, thấy mừng rơn trong lòng!
Nhớ có lần tôi đang chạy xe thì xe chết máy. Dắt vào một tiệm trong hẻm ở đường Trương Quốc Dung, Phú Nhuận. Bác thợ kiểm tra xe một hồi rồi nói: “Xe chị hỏng cái (abc gì đó) trong máy, phải rã máy ra và làm lại. Sẽ mất một buổi và chi phí cả mua đồ và công thợ là 1.2 triệu”. Tôi ngậm ngùi vâng dạ rồi để xe lại, bắt xe ôm đi làm.
Chiều về ghé tiệm, đưa 1.2 triệu đồng cho bác thì bác bảo: “Tôi tháo máy ra, hóa ra không phải nó hỏng cái abc, mà nó chỉ hỏng cái xyz thôi. Nên cô chỉ hết 450,000đ”. “Ủa, hồi sáng nay cháu đã chịu giá 1.2 triệu rồi mà, sao bác không lấy luôn?”. Ổng thủng thẳng: “Làm người đâu ai làm vậy!”
“Làm người đâu ai làm vậy!”
Đó, yêu Sài Gòn, không chỉ vì đất Sài Gòn mà vì người Sài Gòn. Hào sảng, chân tình, và bao dung. Nên là đừng ai hỏi vì sao mà nhiều người dân nhập cư cứ cảm thấy Sài Gòn như máu thịt của mình, đừng hòng mà nói xấu Sài Gòn.
Mẹ tôi có lúc sốt ruột bảo: “Thân gái một mình, hay về quê đi con”. Tôi nói: “Không, Sài Gòn là nhà con rồi. Sài Gòn đất lành lắm!”. Tôi, chỉ số IQ bình thường, ba mẹ không có uy lực gì, không biết chạy chọt gì, mà vẫn sống được ở Sài Gòn.
Ngoài những việc tốt dễ đếm, như giúp tiền, thì điều lớn nhất tôi nhận được từ người Sài Gòn và các sếp ở Sài Gòn là dạy việc truyền nghề nhiệt thành và miễn phí, để tôi từ một đứa chuyên toán có thể trở thành nhà báo như hôm nay.
Mùa này Sài Gòn bị ốm, và Sài Gòn ốm thì cả nước liêu xiêu. Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên với năm triệu tấn lúa; bốn triệu tấn rau củ; 400,000 quả trứng; 60,000 tấn gà; 120,000 tấn hải sản; 80,000 tấn thịt heo… để ế. Thanh long Bình Thuận hỏng, sầu riêng Đăk Lăk, rồi các trang trại hoa Lâm Đồng… đổ bỏ. Các thành phố du lịch cũng liêu xiêu…
Sài Gòn cần khỏe, không phải chỉ để cho riêng Sài Gòn, mà còn để tiếp tục gánh 22.2% nền kinh tế cả nước.
Sài Gòn chóng bình an nha!