Sự kiện kinh hoàng 11 Tháng Chín – Các nhà báo kể gì?

Tin tức vụ khủng bố 911 tràn ngập các trang báo Mỹ (ảnh: những tờ báo ghi nhận sự kiện 911 được trưng bày tại Viện bảo tàng Newseum tại Washington DC, Tháng Chín 2016 – Alex Wong/Getty Images)

New York Times đã không mừng sinh nhật lần thứ 150 của mình vào ngày 18-9-2001. Tòa soạn nóng hừng hực với không khí căng thẳng bắt đầu từ ngày 11-9. Không khí tương tự cũng tìm thấy tại Wall Street Journal (tòa soạn nằm đối diện “trung tâm” thảm họa) và hàng loạt tờ báo khác tại New York nói riêng và báo chí truyền thông Mỹ nói chung. Làng báo New York chưa bao giờ vào cuộc với tốc độ cao như lần này và những câu chuyện từ chính các phóng viên đã cho người ta thấy rõ thêm bộ mặt kinh hoàng của sự kiện từ một góc độ khác…

Tòa soạn đối diện Trung tâm thương mại thế giới (WTC), phóng viên và nhân viên tờ Wall Street Journal (WSJ) đã trở thành nhân chứng của vụ khủng bố kinh hoàng khi họ thoát chết trong gang tấc. Lúc gạch vụn rơi và cơn lốc bụi ập xuống, khoảng 9 giờ 15, 900 nhân viên-phóng viên WSJ lao xuống cầu thang Trung tâm tài chính thế giới trong khu phức hợp WTC để chạy thoát thân, không lâu sau khi Tháp Nam WTC bị tấn công. Họ đáp tàu qua sông Hudson đến Nam Brunswick, nơi WSJ có văn phòng thuộc công ty mẹ Dow Jones và nhà máy in.

Kế hoạch tác chiến lập tức được bàn thảo, khi nét kinh hãi còn hiện rõ trên mặt từng người. Hàng tít to sáu cột về vụ WTC hôm sau đã xuất hiện trên trang nhất – điều mà WSJ chỉ làm hai lần trong lịch sử 112 năm của mình (sự kiện Trân châu cảng 1941 và vụ khủng hoảng vùng Vịnh 1991). Kopin Tan – phóng viên phụ trách thị trường chứng khoán (TTCK) – kể thêm, lúc anh đang ăn sáng tại nhà hàng Marriott trong khu WTC thì gạch vụn bắt đầu trùm kín bầu trời. Chạy theo dòng người về phía Nam, anh phóng qua các các thi thể đè lên từng đống. Anh đáp phà qua đảo Staten. Hôm sau, Tan hầu như không tập trung nổi khi buộc phải viết bài về ảnh hưởng của vụ khủng bố lên TTCK. Anh nói: “Tôi không còn tâm trí để bàn về tiền bạc, lợi nhuận, chỉ số… Tất cả dường như vô nghĩa”.

105 phóng viên New York Daily News đã tung ra 110 bài về vụ khủng bố WTC, ngay ngày hôm sau (12-9). “Đây là chiến dịch tổng lực chưa từng có trong lịch sử chúng tôi” – Tổng biên tập Edward Kosner nói. Loạt ảnh được chụp bởi 34 phóng viên mà một người trong số họ đã trở thành nhân chứng và cũng là nạn nhân. Đó là David Handschuh, 42 tuổi, người chụp loạt ảnh khi Tháp Nam đổ sụm (10 giờ 05). Cựu binh làm việc 15 năm cho tờ Daily News này kể lại: “Tôi bị một mảnh gạch đen xỉn nóng rơi trúng. Tôi bị bắn văng lên và rớt xuống một chiếc xe”. Ba lính cứu hỏa đã cứu Handschuh. Vài phút sau, Tháp Bắc đổ và gạch vụn lấp kín chiếc xe mà Handschuh vừa được lôi ra. Handschuh bị gãy chân phải. Lượng phát hành bình thường khoảng 716.000 bản, những ngày sau vụ 11-9, Daily News đã bán được 1,1 triệu bản. Tờ báo này cũng lập quỹ cho gia đình lính cứu hỏa, nhân viên tình nguyện và nhân viên y tế thiệt mạng trong cuộc cứu hộ.

“Tôi biết có chuyện lớn khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào WTC” – phóng viên Sonny Kleinfield của New York Times (NYT) kể. Khi Tháp Bắc bị tấn công, Kleinfield được tòa soạn cử đến hiện trường. Đáp taxi đến khu vực trung tâm Manhattan, “tôi thấy hàng loạt nạn nhân phóng xuống từ WTC. Đó là cảnh kinh khủng nhất mà tôi từng chứng kiến”. Sau Kleinfield, NYT tung tiếp khoảng 100 phóng viên quanh khu vực Manhattan…

Phóng viên Dan Berry kể thêm rằng mình bắt đầu nghe vụ tấn công khi đang ăn sáng tại nhà ở New Jersey. Toàn bộ cầu và đường hầm đến Manhattan đều bị chặn, anh phóng lên chiếc tàu thuộc hãng Circle Line vừa được chính quyền yêu cầu làm phà cứu hộ khẩn cấp và lao đến tòa soạn NYT ở đường 43 phía Tây (West 43rd Street). “Các đồng nghiệp khác cũng đến. Vài người trong số họ đầy tro bụi và hối hả thuật lại để tôi viết”.

Đến trưa, khi các trục lộ chính vẫn bị chặn, giám đốc phát hành của NYT và WSJ phối hợp liên lạc với văn phòng Thống đốc New York George Pataki để xin mở đường cho xe tải phát hành. Kết quả: Sở cảnh sát New York đã dẫn đầu đoàn xe của NYT và WSJ ra khỏi Manhattan lúc 3 giờ ngày 12-9.

Sáng 12-9, dân New York thấy tờ NYT ngoài sạp, với hàng tít to “U.S. ATTACKED” (Nước Mỹ bị tấn công). Đây là lần thứ ba trong lịch sử NYT mà họ dùng hàng tít to như vậy. Hai lần trước là “Man walks on moon” (Nhân loại đi trên Mặt trăng) và “Nixon resigns” (Nixon từ chức)…

Ngay khi nghe tin vụ WTC, tòa soạn New York Post (NYP) ở Midtown gần như không còn một người. Tất cả đổ nhào đến hiện trường để chụp ảnh, lấy tin. Bolivar Arellano là một trong những phóng viên NYP đầu tiên có mặt khi WTC bắt đầu đổ và anh liên tục bấm máy trong khi chân chảy máu ròng ròng bởi trúng mảnh gạch. Cuối cùng, Arellano cũng về được tòa soạn. Ngay sau khi lấy cuộn phim khỏi máy, anh được chở đến bệnh viện. Một phóng viên ảnh khác của NYP – Don Halasy – đã bất ngờ trở thành phóng viên viết khi thực hiện bài đầu tiên, kể lại câu chuyện ở ngôi thứ nhất của một người bị tro bụi phủ kín từ đầu đến chân, trở về từ địa ngục WTC…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: