Trong những ngày này, cùng với sự về nhà của gần một triệu người, người ta thấy hình ảnh những chú chó lắt lẻo trên những chiếc xe máy đầy ắp vật dụng của người bỏ thành phố về lại nhà mình. Những chú chó ngơ ngác, chịu đựng và trong ánh mắt chúng sự buồn bã không thể che giấu. Giống như chủ, chúng thật sự sợ hãi mặc dù người chủ vẫn còn kế cận. Có thể chúng sợ hãi vì đám đông chung quanh, vì hàng ngàn người rú máy xe tranh nhau một mức đến, vì đói khát trên đường về và không chừng cái chết phía trước, nếu không chịu nỗi người chủ có thể bán chúng trên đường đi để tìm lấy sự sống cho chính họ.
Nhìn những chú chó ấy tôi lại nhớ tới chuyện của mình gần 50 năm trước khi cả nhà chạy trốn ‘làn sóng chiến thắng’ tràn ngập Sài Gòn.
Những năm đầu thập niên 80 Sài Gòn thật sự bắt đầu trở mình sau năm năm rách rưới. Rách không phải vì tự thân nghèo đói mà vì bị xẻ thịt, lột da bằng nhiều cách. Sài Gòn trong những năm ấy thực sự lạ lùng và đầy bất ngờ. Người ta tranh nhau mua bán bất kể thứ gì bán được.
Từ trong nhà ra tới đường phố, những chiếc máy bỏ đi nay được lượm lặt tân trang lại và đàng hoàng nằm trên kệ hàng. Chúng được nâng niu, trả giá, nhìn ngắm bởi những con mắt khao khát thèm thuồng. Thực phẩm thiếu, người dân bù đắp bằng những thứ mà trước đây ít người ăn thậm chí không ai ăn. Quán xá là nơi vắt óc nghĩ ra mọi cách để câu dân nhậu. Người ta thấy những chú ốc sên, những con thằn lằn, kỳ đà, rắn mối với đủ cách nấu, và một món trước đó có đầy nhưng ít người chú ý đó là thịt gà nòi.
Những chú gà nòi thua độ được chủ gà bán giá rẻ cho quán nhậu và tại đây hàng chục món gà chọi ra đời. Có người ăn thì có người mua kẻ bán, tôi là một trong những người bất đắc dĩ ấy: Mua gà thua độ bán thịt cho những chủ nhà hàng cần mua.
Mà mua gà cũng là một kỹ thuật, nếu con gà “bầm dập” quá sẽ mất giá vì chỉ nấu được những món hầm nhừ. Muốn có giá hơn con gà phải đủ những yếu tố: Còn trẻ, thua độ nhưng không mất thần sắc và cần nhất là chưa chết! Những con gà loại này lý tưởng cho các món lẩu, chiên sả hay kho nghệ….
Những kỹ thuật ấy tôi học được trong một chuyến vượt biên không thành. Vùng biển Bình Thuận người dân lại thích đá gà hơn mọi vùng khác. Trên sân cát, những chú gà hiên ngang gáy, hùng dũng nhìn đối thủ với đôi mắt khinh thường… cho tới khi vài con trong những chú gà ấy ngã xuống cũng là lúc tôi phải nhanh miệng đưa ra cái giá hợp lý thuyết phục người thua cuộc. Chú gà nào được bán trông cũng giống như chưa hề ra trận bởi ngoài vài vết rách da trầy cổ ra không ai biết được những vết thương chí mạng trên mình dưới lớp lông sặc sỡ.
Mua gà xong tôi lập tức trở về lại Sài Gòn để giao hàng cho những nhà hàng quen. Hôm ấy, chỉ duy nhất một trận đấu và dĩ nhiên tôi chỉ mua được một trong hai. Vì là đêm gần Giáng Sinh nên tôi hối hả trở về cho kịp đón lễ với cả nhà.
Xe chạy tới trạm Dầu Giây bỗng nhiên hành khách bị đuổi hết xuống xe vì trên chiếc xe hôm ấy chở đầy gỗ cấm! Những thanh cẩm lai, gõ đỏ nhét dưới gầm xe bị lôi ra và cuối cùng thì cả chiếc xe bị kéo về đồn công an thụ lý. Hành khách trên xe chỉ còn biết xuống xe đón chuyến khác về Sài Gòn.
Nửa đêm Tháng Chạp, trời lạnh như cắt. Tôi không thể đón chiếc xe nào vì đã trễ và quá nhiều người tranh đón mất. Ngồi co ro dưới mái hiên một cái quán cóc đã đóng cửa tôi chỉ biết trở mình bằng mọi cách hòng giữ ấm cho cơ thể, đến lúc ấy tôi mới chú ý tới con gà nòi mà tôi đã mua.
Hành lý của tôi rất ít nên nhìn con gà khi ấy nổi lên giữa đêm tối như một bức tượng. Nó cứ cựa quậy không yên vì bị bỏ cả người trong chiếc túi lát chỉ bằng 1/3 cơ thể nó. Bực mình nhưng trời lạnh quá tôi không chú ý, mãi tới khi bàn tay vô tình đụng vào lớp da của nó tôi mới giật mình: Nóng, nóng thực sự như vừa mới hơ lửa. Phát hiện này làm tôi nghĩ đến cách dùng sức nóng của nó để chống cơn lạnh đang ập tới càng lúc càng lạnh hơn.
Ban đầu, tôi đặt nó đứng kế bên mình, dần dần sức nóng cám dỗ thực sự khiến tôi kéo nó hẳn vào lòng. Lạ là nó đứng im, không phản ứng. Kéo nó vào sát hơn, nó thậm chí còn muốn rúc đầu vào tôi!
Thì ra, cơ thể tôi cũng ấm và nó cũng tìm ấm nơi tôi.
Hai “thầy trò” im lặng bên nhau cả đêm. Có lúc tôi biết nó ngủ, có lúc nó biết tôi kéo nó sát người hơn vì lạnh. Mỗi một cử động của chúng tôi đều bị “đối phương” cảm nhận. Tôi thích thú với ý nghĩ này và chợt nhận ra con gà mình đang ôm trong lòng cũng có cảm xúc.
Tôi chưa từng nuôi gà để đá nên không hiểu cái cảm giác mà một chủ gà tưng tiu con gà của mình như thế nào, cho đến buổi tối hôm ấy tôi chợt nhận ra, gà cũng như người, nó được Thượng Đế thổi vào ý chí sinh tồn bằng hành vi cộng sinh. Tôi cứ suy nghĩ hoài về ý tưởng này và cho đến hôm nay tôi cũng chưa thuyết phục chính mình lắm, duy có một điều tôi còn nhớ, trong cái đêm hôm ấy tôi không hề xấu hổ vì ôm con gà chọi vào lòng để chống lạnh.
Sáng hôm sau về tới Sài Gòn việc đầu tiên tôi nghĩ đến là không bán con gà này. Tôi mang nó về thả rong phía sau nhà. Nó vẫn gáy, vẫn nhìn tôi lạ lẫm và nhất là vẫn hiên ngang ưỡn ngực quên mất mình chỉ là một bại tướng!
Hai năm sau nó chết.
Giờ đây nhìn những chú chó tản cư với chủ, cũng ngơ ngác, đói khát và buồn bã như chủ của chúng, tôi lại đau đáu về con gà của mình năm nào.