Bản dịch của Phạm Công Thiện
Hầu hết chúng ta đang đi tìm gì? Mỗi người trong chúng ta muốn được gì? Nhất là giữa thời thế tao loạn này, mọi người đều muốn tìm một thứ an bình nào đó, một thứ hạnh phúc nào đó, nơi trú ẩn nào đó, vì thế chúng ta cần phải tìm cho ra chúng ta muốn tìm kiếm gì trên cuộc đời này, điều ấy dĩ nhiên là vô cùng quan trọng, phải thế không? Chúng ta cần phải biết đang đi tìm cái gì, chúng ta đang cố gắng khám phá ra điều gì.
Có lẽ hầu hết tất cả chúng ta đều đang đi tìm kiếm thứ hạnh phúc nào đó, một thứ thanh bình nào đó; trong một thế giới hỗn loạn, xáo trộn, đầy chiến tranh phân ly, phân tán, tất cả chúng ta đều cần có một nơi trú ẩn để mà có thể tìm được một chút thanh bình nào đó. Tôi nghĩ rằng đó là điều tất cả chúng ta, hầu hết tất cả chúng ta đều muốn đạt tới. Vì thế chúng ta chạy tìm đuổi theo một người lãnh tụ này đến một người lãnh tụ khác, từ một tổ chức tôn giáo này đến một tổ chức tôn giáo khác, từ một bậc thầy này đến một bậc thầy khác.
Vậy thì có phải chúng ta đang tìm một thứ hạnh phúc hay là phải chăng chúng ta đang đi tìm một sự thỏa mãn nào đó để mong được hạnh phúc? Hạnh phúc và sự thỏa mãn hoàn toàn khác nhau. Các bạn có thể tìm hạnh phúc không? Có lẽ các bạn chỉ thấy thỏa mãn nhưng nhất định các bạn không bao giờ tìm ra hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ là phụ thôi; nó xuất phát từ một cái gì khác.
Vì thế, trước khi chúng ta để cả tâm trí vào một sự việc cần nhiều trang trọng, chú ý, tư tưởng, chăm sóc, phải chăng chúng ta cũng nên tìm hiểu chúng ta đang muốn tìm kiếm gì; có phải chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc hay chỉ là sự thỏa mãn. Tôi cho rằng hầu hết tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự thỏa mãn. Chúng ta muốn được thỏa mãn, chúng ta muốn tìm được một cảm giác sung mãn tràn trề theo sau cuối con đường tìm kiếm của chúng ta.
Thực ra nếu chúng ta đi tìm thanh bình chúng ta có thể tìm thấy nó một cách quá dễ dàng, người ta có thể tự dâng hiến một cách mù quáng cho một lý tưởng nào đó và trú mình ẩn náu trong đó. Hiển nhiên nếu làm như vậy thì không giải quyết được vấn đề nào hết. Chỉ cô lập hóa mình trong một ý tưởng ràng buộc thì không thể nào giải thoát khỏi sự đụng độ va chạm. Phải chăng chúng ta cần tìm cho được mỗi người trong chúng ta đang muốn tìm kiếm gì ở bên trong tâm hồn cũng như ở thế giới bên ngoài.
Nếu chúng ta minh bạch khúc triết trong vấn đề này thì chúng ta không cần phải đi đâu cả, không cần phải đi tìm bất cứ một vị thầy nào, không cần phải đi vào bất cứ một nhà thờ nào và không cần phải tham dự bất cứ một tổ chức nào. Do đó, nỗi khó khăn nhất của ta hiện nay là làm thế nào minh bạch khúc triết trong tâm trí đối với ý định của mình, phải thế không? Chúng ta có thể nào minh bạch được không?
Phải chăng sự minh bạch ấy chỉ xuất hiện qua sự tìm kiếm, và sự tìm hiểu những gì người khác nói, từ một bậc đại sư cao siêu nhất cho đến một người giảng đạo thông thường nhất ở một giáo đường nào đó quanh đầu phố? Các bạn có cần đi đến một người nào đó để mà khám phá ra sự thực không? Phải chăng đó là điều chúng ta đang làm?
Chúng ta đọc quá nhiều sách, chúng ta tham dự quá nhiều cuộc hội thảo để tranh luận bàn tán, chúng ta gia nhập nhiều tổ chức khác nhau để mà tìm một phương thuốc trị liệu cho nỗi xung đột tâm tư, cho sự khốn cùng trong đời sống của chúng ta. Hoặc nếu chúng ta không làm thế thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã tìm thấy sự thực, chúng ta nói rằng một tổ chức đặc biệt nào đó, một bậc tôn sư đặc biệt nào đó, một quyển sách đặc biệt nào đó đã thỏa mãn chúng ta; chúng ta đã tìm thấy tất cả sự thực mà chúng ta muốn đạt trong những thứ ấy; và chúng ta duy trì ứ đọng đóng nhốt tự mình trói buộc mình trong những điều mình tưởng như là thấy được sự thật.
Trải qua những sự hỗn loạn, có phải chăng chúng ta đi tìm một cái gì thường còn, một cái gì cố định tồn tại, trường tồn, một cái gì mà chúng ta gọi là thực tại, như Thượng đế, chân lý, hay muốn gọi gì thì gọi vì danh từ không quan trọng: hiển nhiên, chữ nghĩa không phải là sự vật. Chúng ta đừng để bị lôi cuốn trói buộc trong những lời, những tiếng, chúng ta hãy để điều đó cho những giảng sư nhà nghề. Có phải các bạn tìm kiếm một cái gì trường tồn trong tâm hồn một cái gì mà chúng ta có thể bám vào, đeo vào, một cái mang đến cho chúng ta sự bảo đảm, một miền hy vọng nào đó, một sự hăng say tin tưởng nào đó, một sự cố định trường tồn nào đó.
Bởi vì chúng ta cảm thấy bất an vô định trong tâm hồn. Chúng ta không tự hiểu chúng ta. Chúng ta biết rất nhiều về những sự kiện, về nội dung của sách vở; nhưng chúng ta không tự biết mình, chúng ta chẳng có một kinh nghiệm trực tiếp nào cả. Điều mà chúng ta gọi là trường tồn là cái gì? Điều ấy là điều gì mà chúng ta đang tìm kiếm, điều mà chúng ta mong rằng sẽ mang đến cho chúng ta sự cố định trường cửu? Có phải chúng ta đang đi tìm hạnh phúc trường cửu, sự thỏa mãn trường tồn, sự cố định trường cửu?
Chúng ta muốn một điều gì đó được trường tồn mãi mãi để vẫn làm thỏa mãn được chúng ta. Nếu chúng ta cởi bỏ những tiếng, những lời để nhìn thẳng vào điều ấy, đó chính là lòng thỏa mãn lâu dài là điều chúng ta muốn thể hiện. Chúng ta muốn cơn khoái lạc được trường tồn, sự thỏa mãn được lâu dài và chúng ta gọi đó là chân lý, Thượng Đế hay là một danh hiệu nào khác.
Đúng thế, chúng ta muốn có được khoái lạc. Có lẽ điều ấy đã được trình bày một cách thô bạo như vậy, nhưng đó là lòng khát khao thực sự, chúng ta muốn có kiến thức nào mang đến cho chúng ta sự khoái cảm, kinh nghiệm nào mang đến cho chúng ta sự khoái lạc, sự thỏa mãn mà không phôi pha tàn phai với thời gian.
Chúng ta đã trải qua tất cả những sự thỏa mãn đa dạng và những sự thỏa mãn ấy, tất cả những sự thỏa mãn ấy đã tàn phai tiêu ma thế thì bây giờ chúng ta mong tìm được sự thỏa mãn trường tồn vĩnh cửu trong thực tại nào đó, chẳng hạn như trong Thượng đế. Dĩ nhiên đó là chính những gì mà tất cả chúng ta thường tìm kiếm: những kẻ khôn ngoan và những người khờ khệch, lý thuyết gia và con người thực tế, tất cả đều đang tìm kiếm đeo đuổi một cái gì đó. Có sự thỏa mãn nào vĩnh cửu hay không? Có sự thể nào mà vẫn trường tồn mãi mãi?
Thế mà nếu các bạn tìm kiếm một sự thỏa mãn trường tồn và gọi đó là Thượng đế hay Chân lý hay bất cứ một danh từ nào khác, (danh từ không quan trọng) chắc các bạn phải hiểu đó là điều các bạn muốn tìm, các bạn có nên hiểu thế không? Khi các bạn nói rằng ‘tôi đang đi tìm một sự hạnh phúc vĩnh cửu’ – Thượng Đế hoặc Chân lý hay là bất cứ một danh từ nào khác, các bạn có nên tìm hiểu cái gì đang tìm kiếm, nghĩa là tìm hiểu chính kẻ tìm kiếm, người tìm kiếm?
Bởi vì có thể trên đời không có cái mà người ta gọi là sự an ninh vĩnh cửu sự hạnh phúc trường tồn. Chân lý có thể là một cái gì khác hẳn, hoàn toàn khác hẳn; và tôi nghĩ rằng chân lý thì hoàn toàn khác hẳn những gì các bạn có thể thấy, có thể ý niệm hội ý, có thể đặt hình tượng phương trình. Vì thế trước khi chúng ta tìm kiếm thực thể trường cửu, thực ra có cần thiết, vô cùng cần thiết, là phải tìm hiểu chính người tìm kiếm? Người tìm kiếm có khác sự việc mà hắn tìm kiếm?
Khi các bạn nói ‘tôi đang tìm kiếm hạnh phúc’ thì người tìm kiếm có khác đối tượng của sự tìm kiếm ấy không? Tư tưởng gia có khác tư tưởng không? Phải chăng cả hai đều là một hiện tượng liên kết duy nhất, chứ không phải là những tiến trình cách biệt? Do đó, phải chăng tìm hiểu người tìm kiếm là một điều chính yếu trước khi chúng ta tìm hiểu điều mà hắn đang kiếm tìm.
Vì thế đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi một cách nghiêm trọng và sâu sắc rằng sự thanh bình, hạnh phúc, thực tại, Thượng đế hoặc một danh từ nào khác, có thể được mang đến cho chúng ta qua trung gian của một người nào khác hay không? Có thể nào sự tìm kiếm liên tục này, sự khát khao hoài vọng này đưa đến cho chúng ta hưởng thụ cảm giác về thực tại tuyệt vời, trạng thái sáng tạo của tâm hồn, mà những cảm trạng ấy thì chỉ có thể hiện đến khi chúng ta thực sự tự hiểu mình? Phải chăng sự tự hiểu biết chính bản thân mình chỉ thể hiện qua sự tìm kiếm, bằng cách đi theo gót một người nào khác, bằng cách gia nhập vào một đoàn thể nào đó, bằng cách đọc sách, vân vân?
Tựu chung, phải chăng đó là vấn đề chính yếu: Khi mà tôi chưa hiểu được mình, tôi không thể có được căn bản để suy tư, và tất cả sự tìm kiếm của tôi chỉ là vô vọng hão huyền. Tôi có thể chạy trốn trong những ảo giác, tôi có thể chạy trốn sự khó khăn dày xéo, cơn quằn quại nội tâm; tôi có thể phụng thờ kẻ khác, tôi có thể tự cứu tôi qua trung gian một người khác. Nhưng khi mà tôi vẫn chưa hiểu được tôi, khi mà tôi không ý thức được tiến trình trọn vẹn của chính nội tâm tôi thì không thể nào tôi có được nền tảng để suy tư, để thương yêu lưu luyến, để hành động xử thế.
Nhưng đây là điều ít người muốn đạt tới: tự hiểu mình. Nhất định đó là nền tảng duy nhất mà chúng ta phải xây dựng. Nhưng trước khi xây dựng sáng tạo, trước khi chuyển hóa, trước khi chúng ta kết án hay phá hủy, chúng ta phải biết rằng chúng ta là gì. Đi tìm kiếm chân lý, thay đổi những đạo sư, thực hành Yoga, điều hòa hơi thở, chấp trì những nghi lễ tôn giáo, theo chân những bậc đại sư và tất cả những thứ đại loại như vậy đều hoàn toàn vô ích, phải thế không?
Những sự việc ấy không có ý nghĩa gì cả, ngay đối với cả những bậc thánh nhân khi họ nói với chúng ta rằng ‘hãy tự hiểu mình’ thì việc ấy cũng vô nghĩa, bởi vì chúng ta là gì thì thế giới là như thế ấy. Nếu chúng ta bần tiện, nhỏ nhoi, ghen tuông, phù phiếm tham lam, nếu đó là những điều chúng ta tạo ra chung quanh ta thì đó cũng là điều tạo ra xã hội mà chúng ta đang sống.
Theo tôi thì trước khi chúng ta lên đường để tìm hiểu Thực tại, để tìm thấy Thượng Đế, trước khi chúng ta hành động, trước khi chúng ta có thể giao tiếp xử thế với nhau (nghĩa là sự giao tế trong xã hội) thì trước hết chúng ta phải cần hiểu chúng ta. Tôi cho rằng một người đứng đắn là một người hoàn toàn bận tâm về việc ấy trước hết, chứ không phải tìm cách đi tới một mục đích nhất định, bởi vì nếu các bạn và tôi không tự hiểu mình thì làm thế nào hành động của chúng ta có thể mang đến sự đổi thay cho xã hội, cho sự giao tế của xã hội hay cho bất cứ sự việc nào mà chúng ta thể hiện?
Khi tôi nói tự tìm hiểu mình thì không có nghĩa là chống đối, ly cách trong tương quan giữa mình với người khác. Điều ấy hiển nhiên không có nghĩa là đặt trọng tâm vào cá thể, vào bản thân để đối nghịch lại quần chúng đám đông, để đối nghịch lại với kẻ khác.
Vậy nếu mà không tự biết mình, nếu mà không hiểu đường lối tư tưởng của mình, không hiểu lý do tại sao mình nghĩ sự việc như vậy, không hiểu bối cảnh qui định của mình, không hiểu lý do tại sao mình đã có những tín ngưỡng đặc biệt nào đó về nghệ thuật và tôn giáo, về tổ quốc quê hương về kẻ láng giềng và về chính bản thân mình thì làm thế nào chúng ta có thể biết suy tư thật sự về bất cứ sự vật nào?
Nếu không biết bối cảnh của mình, không biết bản chất thực sự của tư tưởng mình, và duyên do của tư tưởng ấy thì nhất định sự tìm kiếm của các bạn chỉ là hoàn toàn phù phiếm vô ích, hành động của các bạn phải chăng không có ý nghĩa gì nữa? Dù là các bạn là người Mỹ hay người Ấn Độ hay dù các bạn thuộc tôn giáo nào nữa thì việc ấy cũng vô nghĩa. Trước khi chúng ta có thể tìm hiểu cứu cánh mục đích của đời sống là gì, ý nghĩa của nó là gì như chiến tranh, những sự xung đột quốc gia, những sự va chạm, và tất cả những sự hỗn loạn ấy chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu chúng ta, bắt đầu nơi bản thân mình phải thế không?
Việc ấy có vẻ như đơn giản nhưng nó thật vô cùng khó khăn. Muốn theo dõi mình, muốn thấy sự vận hành của tư tưởng mình, mình phải tỉnh thức một cách phi thường để mà khi mình bắt đầu ý thức mãnh liệt về những mê cung chằng chịt của chính tư tưởng mình và những đáp ứng và những cảm giác, mình bắt đầu đạt tới một ý thức bén nhạy hơn chẳng những ý thức về mình mà còn ý thức về kẻ khác mà mình đang giao tiếp. Tìm hiểu chính bản thân mình là tìm hiểu mình trong hành động, đó chính là tương giao.
Nỗi khó khăn của chúng ta là chúng ta quá nóng nảy, thiếu kiên nhẫn; chúng ta muốn đi tới một cách hấp tấp, chúng ta muốn đạt tới cứu cánh, vì thế chúng ta không để chúng ta có thời gian hay có dịp để học tập, để nghiên cứu. Thay vì thế chúng ta lao mình vào những sinh hoạt khác nhau như việc mưu sinh, việc nuôi nấng con cái, hay là đảm nhiệm những trọng trách của nhiều tổ chức; chúng ta lao thân vào những đường lối khác nhau bận bịu lo lắng và không còn thì giờ để suy tưởng bản thân, để quan sát, để khảo sát. Vì thế, thực ra trách nhiệm về phản ứng chúng ta là tùy vào chúng ta, chứ không phải vào người khác.
Khắp thế giới sự tìm kiếm đạo sư và hệ thống đạo lý của họ, việc đọc những quyển sách mới xuất bản về vấn đề này hoặc vấn đề khác vân vân, đối với tôi là hoàn toàn rỗng, hoàn toàn phù phiếm, vì các bạn có thể lang thang khắp địa cầu để tìm kiếm, nhưng rồi các bạn cũng phải trở về lại với chính mình. Vì hầu hết chúng ta đều hoàn toàn vô ý thức về chính bản thân mình, do đó thực là vô cùng khó khăn khi chúng ta bắt đầu tìm thấy, nhìn thấy rõ rệt biến trình của tư tưởng chúng ta, cảm giác và hành động của chúng ta.
Khi các bạn càng tự hiểu mình thì sự minh bạch khúc triết càng dễ xuất hiện. Sự tự tìm hiểu mình không có cứu cánh, các bạn không phải đi tới một sự tựu thành nào cả, các bạn không phải đi tới một sự kết luận nào cả. Chân lý là một dòng sông bất tận. Khi mình nhìn theo dòng sông, khi mình đi sâu vào sự thực thì mình cảm thấy thanh bình trong tâm hồn. Chỉ khi nào tâm trí được trầm lặng nhờ sự tự giác, chứ không phải nhờ vào một kỷ luật bản ngã ràng buộc, chỉ có lúc ấy, chỉ trong sự trầm tĩnh ấy, trong sự im lặng ấy thì Thực tại mới có thể thực hiện được.
Chỉ có lúc ấy mới có thể có sự ngây ngất xuất thần, chỉ có lúc ấy mới có thể có được hành động sáng tạo trác truyệt. Đối với tôi, nếu không có sự hiểu biết ấy, không có kinh nghiệm ấy mà lại đọc sách, đi dự những buổi nói chuyện, đi làm tuyên truyền thì thật là ấu trĩ: Đó chỉ là một hành động vô nghĩa; trái lại nếu mình có thể hiểu mình thì mình mới có thể khơi dậy niềm hạnh phúc sáng tạo trác tuyệt, khơi dậy sự thể hiện vượt ngoài tâm trí, chỉ lúc ấy có lẽ mới thể hiện được sự chuyển hóa hoàn toàn trong mối giao tiếp giữa chúng ta và thế giới chúng ta đang sống.
Nguồn: hoangphap.org