Tỉ phú Elon Musk của hãng xe hơi điện Tesla và công ty không gian SpaceX không cho rằng những người có tầm nhìn xa như ông, nên nộp thuế giống những người có bộ não “nhỏ bé”. “Nói rõ, tại sao tôi lại giao tiền của tôi cho những quan chức lười biếng? Họ sẽ chỉ lãng phí nó trong các kế hoạch tầm thường không tạo ra lực đẩy phát triển, giống như tôi ngồi chờ mang tiền đi cứu Tesla ở một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển của nó mà chẳng cần sáng tạo thêm gì cả!”.
Phản ứng của người giàu khi bị áp thuế cao
Elon Musk muốn đặt mục tiêu vào những điều cao siêu, “vĩ đại” hơn, như đưa nhân loại lên… sao Hỏa để “Bảo tồn ánh sáng của ý thức”. Thực tế cho thấy, các tỉ phú luôn bị vây quanh bởi những cận thần và nịnh bợ. Họ chỉ chờ cơ hội là tâng bốc chủ lên mây và không bao giờ dám bóng gió khuyên chủ “đừng tự hợm hĩnh và tự đánh lừa mình”. Nhưng không phải chỉ có những nịnh thần mà xu hướng chung của đa số trong xã hội không dám đem những người siêu giàu như Musk ra làm trò cười. Chế giễu họ càng không! Thậm chí người ta dành nhiều thời gian hơn để ngấu nghiến tự truyện, tiểu sử và tất cả những gì viết về họ.
Tôn sùng người giàu, người nổi tiếng một cách “mặc định” và “vô điều kiện” là thói quen của nhiều người. Trên đấu trường chính trị, tiền của các tỉ phú đã mang lại cho họ rất nhiều lợi thế, đủ để ngăn chặn kế hoạch mới đây của Đảng Dân Chủ nhằm đánh thuế vài trăm người giàu nhất nước Mỹ, thay vì đánh thuế 300 triệu người dân, để có tiền chi trả cho các dự án xã hội cấp bách và cần thiết. Không ai biết chính xác các tỉ phú sẽ phản ứng ra sao nếu họ nghĩ rằng mọi người đang báng bổ mình hay đang tìm cách lấy bớt tiền của mình. Nhưng nhiều người thích dùng từ “rage” (thịnh nộ).
Sự phản đối kiên quyết và thành công cho đến thời điểm này của các tỉ phú, trước mọi nỗ lực nhằm đánh thuế họ công bằng với dân thường đã đặt ra một vài câu hỏi. Thứ nhất, có thật đúng như sự biện minh kiên trì của giới siêu giàu là việc đánh thuế họ, sẽ tước đi những đóng góp quan trọng và “độc nhất” của họ cho xã hội, cho cộng đồng? Thứ hai, tại sao những người có nhiều tiền hơn đa số người khác lại có thể an tâm ngồi hưởng thụ từng đồng xu cố giữ chặt, thay vì chia sẻ với số đông túng thiếu?
Ở câu hỏi đầu tiên, phía cánh hữu lưu truyền dai dẳng giả thuyết “nếu đánh thuế cao các tỉ phú, họ sẽ không còn muốn làm những điều tuyệt vời đang làm cho xã hội”. Ví dụ, Nghị sĩ Mitt Romney, cựu ứng viên tổng thống Đảng Cộng Hoà năm 2012, có lần nói: “Việc đánh thuế thu nhập giới siêu giàu sẽ khiến họ thôi nghĩ ra các sáng kiến mới tạo việc làm mà sẽ chuyển sang mua các trang trại chăn nuôi và sưu tầm tranh”. Giả thuyết là thế, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có ai đưa ra được lý do thuyết phục là “đánh thuế các tỉ phú sẽ dẫn đến cơn hồng thủy đổ xô đi vào hội họa và tước đi mất thiên tài làm giàu bẩm sinh của họ”.
Mục đích sống của những người ham làm giàu
Đối với những người chưa biết, khi nói “go Galt” là nhắc đến cuốn sách Atlas Shrugged của tác giả Ayn Rand, trong đó dự đoán “đánh thuế cao và áp dụng các qui định khắc nghiệt đối với thu nhập của giới siêu giàu sẽ buộc những người tạo ra của cải phải rút lui vào nơi ẩn náu an toàn, và hậu quả là sự sụp đổ về kinh tế và xã hội”. Sách của Rand được xuất bản năm 1957, trong thời kỳ “New Deal” phục hồi kinh tế, khi cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đạt được sự đồng thuận về đánh thuế lũy tiến, mạnh tay chống độc quyền và tăng thêm quyền lực cho phong trào công đoàn.
Một phần nào đó, cuốn sách có thể được xem như đánh giá lại “kỷ nguyên” Harry Truman và Dwight Eisenhower sau Thế chiến thứ hai của nước Mỹ, khi thuế doanh nghiệp cao gấp đôi hiện nay và thuế thu nhập cá nhân lên đến 91%! Nhưng lúc đó hoàn toàn không có việc đánh thuế cao các tỉ phú, sẽ đẩy “các thành viên có năng lực sản xuất nhất đất nước” vào thế “đình công”, “ẩn mình” và nền kinh tế sẽ tê liệt. Trên thực tế, những năm sau chiến tranh là thời kỳ thịnh vượng chưa từng có của nước Mỹ, với thu nhập bình quân của mỗi gia đình (điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng gấp đôi trong một thế hệ. Những người siêu giàu lúc đó cũng không hề vận động hậu trường hay tìm cách né những khoản thuế lũy tiến đánh vào họ và doanh nghiệp của họ.
Một bài báo điều tra rất hay đăng trên tạp chí Fortune năm 1955 cho thấy các giám đốc điều hành công ty thực sự đã giàu ít hơn so với trước chiến tranh nhưng họ vẫn tiếp tục làm công việc của mình, tiếp tục tận dụng chất xám và tạo thêm công việc chứ không “bỏ trốn” hay mua tranh hoặc trang trại. Nói rõ hơn là không hề xảy ra tình trạng “go Galt”. Ngoài ra, chắc chắn giới siêu giàu sẽ không đình công chỉ vì bị buộc phải nộp thêm thuế, vì thuế không phải là mối quan tâm duy nhất của họ trong cuộc sống. Hoàn toàn không! Thậm chí, đánh thuế $40 tỉ cũng chẳng có bất kỳ tác động nào đến khả năng tận hưởng những lạc thú trên đời của Elon Musk hoặc Jeff Bezos. Quả thật như thế, nhiều người rất giàu – được giới truyền thông và chính trị gọi là “những con mèo béo” (fat cat) – coi việc kiếm tiền là một “trò chơi”, mà khi đã đạt được mục tiêu và vượt trội so với các đối thủ, thì việc đảo lộn thứ hạng ít nhiều do thuế cũng không ảnh hưởng đến “trò chơi” và niềm vui sống của họ. Hơn nữa, tất cả mọi người đều phải đóng thuế.