Cực hình mùi vị do di chứng Covid-19

Minh hoạ: engin akyurt/Unsplash

COVID-19  kéo dài gây ra mùi và vị khó chịu ở một số bệnh nhân sống sót, khiến họ rơi vào trầm cảm. Nước nóng có mùi như thịt thối! Vào nhà hàng là ác mộng. Thậm chí một số người mất khứu giác vô thời hạn.

Triệu chứng Katrina Haydon

Katrina Haydon không thể ăn uống, tắm rửa hoặc đánh răng như cách cô ấy từng làm cách đây sáu tháng vì mắc chứng rối loạn khứu giác (parosmia) liên quan đến những người có các triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi dương tính với coronavirus và đã khỏi bệnh. Họ có tên chung là “long-haulers”. 

Parosmia là thuật ngữ được sử dụng cho bất kỳ loại biến dạng nào về khứu giác (distortion of sense of smell), không giống anosmia, thuật ngữ chỉ việc mất khứu giác (loss of sense of smell). 

Đối với Haydon, 24 tuổi, parosmia bắt đầu từ anosmia. Cô bị nhiễm COVID-19 vào Tháng Sáu, 2021, nhưng sau khi xét nghiệm âm tính cô vẫn bị cảm lạnh nhẹ và mất khứu giác, vị giác, giống như nhiều bệnh nhân COVID-19 khác. Anosmia kéo dài vài tuần trước khi 70%-80% khứu giác, vị giác của cô bình thường trở lại. Sau đó, vào Tháng Chín, các triệu chứng parosmia bắt đầu xuất hiện. 

“Lúc đó tôi thấy thức ăn mặn có mùi như… nước thải cống rãnh! Nước nóng có mùi thịt thối. Nước tẩy rửa hóa chất và nước hoa có mùi lưu huỳnh cực kỳ nhạy, áp đảo hoặc mùi tóc cháy nhưng đậm đặc và nồng hơn. Đồ ngọt và các sản phẩm làm từ sữa có mùi như nước hoa xịt thẳng vào miệng!”. 

Mùi mà Haydon ngửi thấy trước các loại hơi nóng tỏa ra, như từ vòi sen hoặc từ máy sưởi là kỳ lạ nhất. “Tôi thường tắm nước nóng ít nhất là hai lần một ngày, nhưng nay tắm mỗi ngày một lần đã là khủng khiếp! Điều tương tự cũng xảy ra với kem đánh răng, ngay cả khi không có bạc hà nó cũng phát ra mùi rất khó chịu”. 

Nếu hàng xóm của Heydon nấu ăn, sẽ có mùi hôi thay vì mùi thức ăn bay qua. Phương tiện giao thông công cộng cũng có mùi hôi (hoặc ít nhất là tệ hơn bình thường). Đến CVS và Whole Foods đều ngửi được mùi tệ hại. Các nhà hàng đều bốc mùi khủng khiếp. Tất cả những thay đổi bất thường này khiến Heydon rất ngại đi với bạn bè đến các không gian chung và giao tiếp xã hội chỉ vì… sợ mùi hôi! Haydon cảm thấy vô cùng ức chế và cố tìm mọi cách để tránh gặp lại những mùi quá sức chịu đựng. 

“Tôi nghĩ mọi người đều tin tôi, nhưng nhiều người không nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó khi nghe tôi nói – Haydon bộc bạch – Có vẻ như họ muốn nói: Ồ, chúng có mùi và vị tệ thật đấy, nhưng tôi không nghĩ chúng lại tác động đến cuộc sống hàng ngày của bạn nghiêm trọng như thế! Có lẽ họ cần thêm thời gian để hiểu”. 

Minh hoạ: Battlecreek Coffee Roasters/Unsplash

Tại sao lại có triệu chứng kỳ lạ này?

Tiến sĩ Andrew Lane, Giám đốc Trung tâm Xoang (Sinus Center) tại Đại học Johns Hopkins và là giáo sư tai mũi họng, phẫu thuật đầu và cổ tại Trường Y Johns Hopkins cho biết chứng parosmia không chỉ xuất hiện ở một số người sống sót sau COVID-19 mà còn có thể xảy ra với bất cứ ai từng bị nhiễm virus hoặc bị chấn thương não, u não và bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis). 

Lane (đang nghiên cứu hiện tượng mất mùi hay dị dạng mùi ở những người sống sót sau COVID-19) nói: “Tất cả đều phát sinh từ lớp màng nhầy nằm ở phần trên của mũi, nơi nhận biết mùi. Đây thật sự là mô độc đáo của cơ thể. Trước hết, nó là nơi duy nhất mà tế bào thần kinh đến từ não tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài… Thứ hai, phần nhô vào môi trường bên trong mũi là nơi phát hiện ra phân tử mùi và sau đó gửi một tín hiệu thẳng đến não”. 

Mô độc đáo đó được gọi là biểu mô khứu giác (olfactory epithelium). Các màng nhầy ở đó có nhiệm vụ ghi nhớ “cái gì có mùi gì”. Nhưng với parosmia và anosmia, những tế bào thần kinh có nhiệm vụ gửi tín hiệu đến não sau khi nhận biết mùi và thông báo cho não biết mùi đó là gì đã để… mất tín hiệu trên đường đi. 

Lane giải thích: “Coronavirus có khả năng nhiễm vào mô khứu giác và biểu mô khứu giác. Hệ quả là bạn bị mất rất nhiều tế bào thần kinh cùng lúc hoặc mất tất cả và sẽ bị anosmia. Nhưng chúng ta chưa biết chính xác cách tiến trình này xảy ra”.  

Một nghiên cứu gần đây của Lane cho thấy rằng các tế bào coronavirus bám vào các tế bào khứu giác ở phần trên của mũi, nơi gửi tín hiệu mùi đến não nhiều hơn 700 lần so với các tế bào niêm mạc ở phần còn lại mũi của mũi và các tế bào ở khí quản dẫn đến phổi. 

Thông thường, khứu giác của một người sẽ hồi phục nhanh chóng sau khi hết COVID-19, nhưng đôi khi có thể mất hàng tháng mới lấy lại được mùi; và trong những trường hợp hiếm hoi, mất mùi là…vô thời hạn! 

Khi một người bị chứng anosmia, họ có thể lấy lại được khứu giác bằng cách ngửi các loại thực phẩm mạnh, chẳng hạn như bưởi, vì não có thể còn nhớ được mùi của những thực phẩm đó. Nhưng với parosmia, các tế bào thần kinh sẽ gửi tín hiệu “sai” đến não, đó là trường hợp của Haydon. 

“Tuy nhiên, ngửi sai mùi còn tốt hơn là không ngửi được gì. Thậm chí còn là dấu hiệu báo trước về sự hồi phục và chứng tỏ khứu giác đang chuẩn bị kích hoạt. Dù còn một số việc phải làm, nhưng ít nhất các yếu tố cần thiết đang tìm đường trở lại với nhau và kết nối với não khi nhận được tín hiệu mùi ở mũi. Hãy để bộ não tự sắp xếp. Theo thời gian, bạn sẽ lấy lại khứu giác” – ông an ủi.

Cách điều trị mới ở mức… dân gian!

Haydon đã tìm đến các diễn đàn trực tuyến, TikTok, YouTube và Twitter để tìm câu trả lời vì các bác sĩ không có gì nhiều để khuyên. Cô nhận thấy có nhiều người cũng rơi vào trường hợp của mình; thanh niên, người lớn tuổi, nam giới, phụ nữ, chưa tiêm chủng và đã tiêm chủng. 

Nhiều người nói rằng họ nhiễm COVID-19 nhẹ trước khi đột ngột bị parosmia vài tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm. Có thông tin về những người mẹ không thể nấu ăn hoặc ngồi ăn chung với gia đình nữa do parosmia. 

Tuy nhiên, đối với một vấn nạn gây khủng hoảng tâm lý cho hàng nghìn người, thậm chí hàng triệu người trên toàn cầu, hiện y học vẫn chưa có liệu pháp khả thi nào được chính thức công nhận mà chỉ dừng ở… đồn đãi trong dân gian. Ví dụ, trị liệu alpha-lipoic, một chất chống oxy hóa được tìm thấy tự nhiên trong tế bào người, hoặc giọt uống IV, kẽm. Thậm chí cả liệu pháp thần kinh cột sống cũng được mang ra thử. “Các giải pháp khá đa dạng nhưng được đánh giá cao nhất vẫn là alpha-lipoic” – Haydon nói. 

Lane cho biết ông cũng nghe về liệu pháp axit alpha-lipoic “nhưng không có bằng chứng thuyết phục cho thấy nó hiệu quả”. “Có cả một ngành công nghiệp đổ xô cung cấp giải pháp cho những người bị mất khứu giác, phần lớn là dùng một loại dầu rắn (snake oil) nhưng số liệu ủng hộ lại rất thiếu. Nói chung là cho đến nay chưa có loại thuốc nào phục hồi khứu giác cho bệnh nhân COVID-19 đã khỏi mà vẫn phải nhờ khả năng tự phục hồi của nó. Nên biết, COVID-19 còn quá mới, xuất hiện mới được hai năm, vì vậy các triệu chứng COVID-19 kéo dài do ảnh hưởng của coronavirus vẫn chưa được biết đến nhiều”. 

Hầu hết các bệnh nhân tìm đến Lane là những người không thể nếm thức ăn hoặc có phản ứng khó chịu với mùi thức ăn phải ăn. Đối với họ, dù có đói thì việc ăn vẫn không hấp dẫn, thậm chí là cực hình! 

“Mất khả năng ngửi đúng mùi và mất khứu giác là vấn nạn khó chịu mà chúng ta chưa có cách điều trị. Theo tôi, sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nữa. Câu trả lời cuối cùng vẫn là… chờ nghiên cứu thêm về cách hoạt động của khứu giác sau khi nhiễm và những gì có thể sai với nó. Muốn giải quyết mất mùi và dị dạng mùi thì cần hiểu rõ hơn nữa về cách hệ thống hoạt động rồi mới phát triển được phương pháp điều trị” – Lane nhận định.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: