Bí mật của Playboy

Bốn năm sau cái chết của cha đẻ tạp chí đàn ông Playboy, Hugh Hefner, một số người trong cuộc đã chia sẻ những gì họ nói là “thực tế của cuộc sống bên trong đế chế Playboy” trong loạt phim tài liệu phát sóng ngày 24 Tháng Một 2022 trên kênh A&E Network có tựa Secrets of Playboy

Cuộc “cách mạng” chấn động xã hội Mỹ

Bộ phim gồm các cuộc phỏng vấn với các “đồng nghiệp”, ban điều hành và các “Playmate” (nhân vật trong tạp chí) từ mọi cấp độ của “thương hiệu” một thời lừng lẫy. Cùng nhau, họ chia sẻ toàn bộ câu chuyện về cuộc sống thực sự trong “thế giới Playboy” mà nhiều người chưa biết hết. Trong một đoạn clip từ loạt phim, người mẫu Holly Madison, nổi tiếng là một trong những “Cô gái tóc vàng” của Hefner từ năm 2001-2008, cho biết bà đã suy sụp trước áp lực “phải làm sao cho giống những phụ nữ khác chứ không phải giống mình!”. Bà đã cắt mái tóc dài để thử trông khác đi, nhưng không thành công lắm. “Nhìn thấy mái tóc, Hefner gạt tôi sang bên. Ông ấy hét toáng vào mặt tôi và nói rằng làm thế tôi chỉ trông già đi, xơ cứng và rẻ tiền!” – bà nhớ lại.

Hugh Hefner, 1963 (Getty Images)

Jonathan Baker, bạn của Hefner, xác nhận trong một đoạn clip rằng ông trùm không giỏi lắm về nghệ thuật trang điểm. “Tôi còn nhớ khi Holly cắt tóc, anh ấy không hài lòng chút nào. Nhưng đó là thế giới và tư duy riêng của Hefner” – Baker nói. Bridget Marquardt, một cô gái khác đóng cặp với Madison trên chương trình truyền hình thực tế nhiều kỳ phát trên kênh E! có tựa The Girls Next Door (xoay quanh mối quan hệ tay tư giữa Hefner với hai người và bạn gái Kendra Wilkinson của ông ta), cũng kể nhiều về người chủ cũ. Marquardt nói: “Hefner khá thô bạo khi quát mắng Holly. Thật tuyệt vọng khi phải sống chung với loại hành vi này, với những hỉ nộ ái ố diễn ra hàng ngày và sự căng thẳng đi theo chúng”.

Ấn bản Playboy đầu tiên, với ảnh bìa Marilyn Monroe và chữ ký Hugh Hefner (ảnh: Gabe Ginsberg/Getty Images)

Hefner sinh năm 1926 tại Chicago, có cha (Glenn) là kế toán; mẹ (Grace) là giáo viên theo đạo Tin lành bảo thủ đến từ tiểu bang Nebraska. Là người sáng lập tạp chí đàn ông Playboy (có tên bình dân khác là “centerfold”) vào năm 1953 với $600, chủ trương tôn vinh lối sống độc thân, Hefner đã giúp thúc đẩy cuộc cách mạng tình dục tập niên 1960, thời chiến tranh Việt Nam và xây dựng Playboy thành một đế chế giải trí trị giá hàng triệu đôla.

Một số nhà chỉ trích xem Hefner là “di tích của phân biệt giới tính”, đặc biệt là trong những năm cuối đời, khi ông công khai nói về những cuộc ăn chơi tình dục sử dụng Viagra tại Lâu đài Playboy (Playboy Mansion) nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều người cũng “ghen tị” với lối sống chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của ông. Nhưng nói gì thì nói Playboy, di sản lớn nhất Hefner để lại sau khi qua đời năm 2017 ở tuổi 91 cũng là một dấu ấn khó quên của nước Mỹ. Hefner từng nói: “Tôi chỉ muốn được ghi nhận như người đã thay đổi thế giới theo cách tích cực về xã hội, tình dục, và tôi cũng rất hạnh phúc thấy mình giống như một đứa trẻ biến được giấc mơ thành hiện thực!”.

Không chỉ sex

Năm 1944, sau khi tốt nghiệp trung học, Hefner đi lính và là phóng viên của một tờ báo quân đội. Sau Thế chiến thứ hai, ông viết quảng cáo cho tạp chí Esquire, nơi hoài thai ý tưởng xuất bản một tạp chí khác dành cho nam giới. “Esquire là của những người đàn ông lớn tuổi và những cuộc phiêu lưu tình ái của họ. Tôi muốn  có một tạp chí thực sự tập trung vào quan hệ lãng mạn giữa hai giới nhìn bằng cặp mắt… nam giới”. Sau khi tìm được thêm $10,000 từ các nhà đầu tư, Hefner ra mắt ấn phẩm đầu tay Playboy vào Tháng Mười Hai 1953 nhưng không ghi ngày phát hành, để đề phòng chết yểu nếu không có người mua!

Trên trang bìa là nữ minh tinh đình đám Marilyn Monroe, và bức ảnh khỏa thân của cô ở giữa (cũng là một tờ lịch), gốc gác của biệt ngữ “centerfold”. Hefner viết bài giới thiệu, hình dung thành phần độc giả là “những người thích căn hộ của mình, thích tự pha chế cocktail và làm vài món khai vị, rồi nghe nhạc với máy quay đĩa và mời một người quen nữ đến để yên tĩnh thảo luận về Picasso, Nietzsche, jazz, sex”. Không ngờ Playboy thành công ngay lập tức, bán được hơn 50,000 bản.

Hugh Hefner và các cô người mẫu Playboy tại LHP Cannes 1999 (ảnh: FocKan/WireImage)

Hefner đích thân chọn “Playmate” hàng tháng và thuyết phục các biểu tượng tình dục nổi tiếng như Jayne Mansfield, Ursula Andress chụp ảnh khỏa thân cho tạp chí. Năm 1963 ông bị bắt vì Playboy vi phạm luật khiêu dâm, nhưng bồi thẩm đoàn tuyên trắng án. Sau này ông tâm sự: “Nói thẳng ra là tôi chưa bao giờ nghĩ Playboy là một tạp chí tình dục mà là một tạp chí phong cách sống. Tình dục chỉ là một trong những thành phần quan trọng của nó. Playboy là để tôn vinh tình dục chứ không phải khiêu dâm”.

Dù thế nào, những bức ảnh phụ nữ khỏa thân táo bạo đã gây ra các phản ứng dữ dội. Ví dụ, hai thành viên của Phong trào Giải phóng Phụ nữ đã đối đầu với Hefner trong chương trình truyền hình The Dick Cavett Show. Bà Susan Brownmiller gọi thẳng ông là “kẻ thù”. “Ông nên dừng ngay lại!” – bà nói và nhận được một tràng pháo tay. Playboy không chỉ có tình dục mà còn những bài báo và tiểu thuyết ngắn của một số nhà văn nổi tiếng nhất lúc đó, gồm cả Ian Fleming, John Updike, Vladimir Nabokov. Nó cũng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và có các cuộc phỏng vấn với các nhân vật nổi tiếng như Martin Luther King Jr., John Lennon và Muhammad Ali. Hefner nói với Martin Luther King: “Công bằng xã hội  không chỉ đơn giản là chủng tộc mà còn liên quan định kiến ​​tình dục và định kiến ​​ma túy”.

Khi Playboy phát triển mạnh mẽ vào hai thập niên 1960 và 1970, Hefner mở rộng “thương hiệu” với các chương trình truyền hình Playboy’s Penthouse, Playboy After Dark và năm 1960, ông mở chuỗi Câu lạc bộ Playboy độc quyền ở các thành phố trên khắp nước Mỹ và cả ở nước ngoài. Năm 1971, ông mua lại Playboy Mansion ở Los Angeles và thu hút người nổi tiếng đến dự những bữa tiệc thâu đêm xa xỉ trác táng. Đến năm 1971, số lượng phát hành hàng tháng của Playboy đạt đỉnh bảy triệu số.

“Playmate” Heather Rae Young (phải) và Ashley Doris trong buổi chiếu ra mắt bộ phim tài liệu nhiều tập ‘American Playboy: The Hugh Hefner Story’ do Amazon sản xuất (2017) – ảnh: Charley Gallay/Getty Images

Những ngày cuối cùng

Nhưng Hefner sớm nhận ra thế giới bắt đầu bước sang thời kỳ “hậu cách mạng tình dục, hậu nữ quyền” khi các tạp chí dành cho đàn ông như Penthouse Hustler đã hút hết độc giả. Đến thập niên 1980, Playboy chìm dần vào quá khứ. Năm 1985, bị đột quỵ nhẹ, Hefner từ chức Giám đốc điều hành và chuyển giao Playboy cho con gái Christie, người phụ trách kênh truyền hình cáp non trẻ của công ty nhưng cho đóng cửa các câu lạc bộ Playboy. Năm 1989, sau 30 năm ly hôn người vợ đầu Millie, ông kết hôn với Kimberly Conrad, 26 tuổi, một cựu “Playmate of the Year” và họ có hai con trai trước khi ly thân năm 1998 và ly hôn sau đó.

Đến thập niên 2000, nội dung khiêu dâm lan tràn trên internet đã đâm “nhát dao cuối cùng” kết liễu Playboy khi số độc giả trung thành giảm mạnh. Hefner cứu lại phần nào nhờ chương trình truyền hình thực tế The Girls Next Door. Sinh hoạt hàng tuần tại Lâu đài Playboy cũng thu hẹp dần. Tháng Mười Hai 2012, Hefner kết hôn với Crystal Harris, một Playmate cũ khác, trong một buổi lễ riêng tư nhỏ tại Lâu đài Playboy. Chàng 86 tuổi, nàng 26 tuổi.

Cuối năm 2015, số lượng phát hành Playboy chỉ còn khoảng 800,000. Công ty tuyên bố “đầu hàng internet” bằng cách loại bỏ toàn bộ ảnh khỏa thân phụ nữ ra khỏi tạp chí (sau đó Hefner thú nhận quyết định này là sai lầm). Năm 2016, Playboy Mansion cũng được bán với giá $100 triệu, bằng một nửa so với giá chào bán của Hugh Hefner, dù đây vẫn là ngôi nhà đắt nhất từng được bán ở Los Angeles. Những năm sau đó, thu nhập chính của Playboy đến từ việc cấp phép thương hiệu và biểu tượng con thỏ quen thuộc trên khắp thế giới cho nước hoa, đồ trang sức và các sản phẩm khác. Hefner giữ kỷ lục Guinness Thế giới là tổng biên tập lâu nhất cho cùng một tạp chí, hơn 60 năm.

“Yêu hay ghét Hefner cũng phải công nhận ảnh hưởng của ông trong lịch sử văn hóa Mỹ” – tờ The New York Times nhận định năm 2009. Mặc dù trong suốt sự nghiệp, Hefner bị cáo buộc là hạ thấp nhân phẩm phụ nữ, nhưng ông vẫn không hề hối lỗi về Playboy. “Nếu bạn không khuyến khích tình dục lành mạnh ở nơi công cộng, bạn sẽ có tình dục không lành mạnh ở chốn riêng tư” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: