Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ (Summit For Democracy) đầu tiên đã khai mạc sáng nay Thứ Năm 9 Tháng Mười Hai và kéo dài hai ngày theo hình thức trực tuyến với đầu mối điều hành đặt tại Tòa Bạch Ốc ở Washington D.C. Trước hội nghị, Trung Quốc đã có những hoạt động phê phán nền dân chủ Mỹ và khuyến cáo các nước nhỏ nên đi theo mô hình dân chủ kiểu Trung Quốc.
Tham dự hội nghị có đại diện chính phủ của 111 quốc gia được coi là nước dân chủ đầy đủ hay một phần, các tổ chức dân sự xã hội, hiệp hội doanh nghiệp và tư nhân. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, “hội nghị sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ đang đối mặt, cung cấp một nền tảng để các nhà lãnh đạo công bố – cá nhân và tập thể – những cam kết, cải cách và sáng kiến nhằm bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền ở trong nước và nước ngoài.” Ba chủ đề chính của hội nghị kéo dài hai ngày này là 1/ Bảo vệ nền dân chủ chống lại chủ nghĩa chuyên chế; 2/ Giải quyết và đấu tranh chống tham nhũng; và 3/ Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền.
Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống Joe Biden nói hội nghị không nhằm khẳng định nền dân chủ của một quốc gia nào đó là hoàn hảo, mà nhằm “phục hồi nền dân chủ” và thảo luận những cách thức để củng cố các định chế dân chủ. Ông cũng thừa nhận nền dân chủ Hoa Kỳ đang đối mặt nhiều thách thức nhưng ông cho rằng thế giới đang đi vào một điểm chuyển hóa (inflection point) trong cuộc tranh đua giữa dân chủ và độc tài. “Theo quan điểm của tôi, sự lựa chọn của chúng ta tại thời điểm này sẽ quyết định về căn bản phương hướng mà thế giới sẽ vận hành trong những thập niên sắp tới”, ông nói.
Cho rằng, “nền dân chủ cần có những chiến sĩ bảo vệ”, ông Biden cam kết làm việc với Quốc hội Mỹ để đầu tư vào cuộc phục hồi dân chủ ở nước ngoài. Theo thông tin của Tòa Bạch Ốc, chính quyền Biden sẽ đầu tư khoảng $424 triệu vào việc hỗ trợ các tổ chức truyền thông độc lập ở nước ngoài, đấu tranh chống tham nhũng, thúc đẩy công nghệ và bảo vệ các cuộc bầu cử công bằng. Hoa Kỳ cũng sẽ đấu tranh chống lại “chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số” (digital authoritarianism) bằng cách gia tăng kiểm soát việc xuất cảng các công nghệ mà các nhà nước chuyên chế sử dụng để giám sát người dân.
Ông Biden không né tránh những vấn đề đối nội, hay những khiếm khuyết ngày càng bộc lộ rõ của nền dân chủ Mỹ. “Ở đây, ở Hoa Kỳ chúng ta cũng như mọi người khác, đều biết rằng phục hồi nền dân chủ và củng cố các định chế dân chủ là một nỗ lực thường xuyên… Dân chủ không ngẫu nhiên. Chúng ta phải bảo vệ nó, chiến đấu cho nó, củng cố nó và phục hồi nó”, ông nói.
Theo ông Biden, “nền dân chủ Hoa Kỳ là một cuộc chiến đấu liên tục, đang diễn ra để thực hiện những lý tưởng cao đẹp nhất và hàn gắn những sự chia rẽ của chúng ta; để tuân thủ những tư tưởng lập quốc đã được khẳng định trong Tuyên Ngôn Độc Lập”.
Ông cũng cảnh báo các chính phủ độc tài chuyên chế “đang tìm cách thúc đẩy quyền lực của họ, xuất cảng và mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới và biện minh rằng các chính sách đàn áp của họ là cách thức có hiệu quả hơn thể chế dân chủ trong việc xử lý những thách thức của ngày hôm nay”. Trong khi đó, nỗi bất mãn của người dân khắp thế giới đối với các chính phủ dân chủ đang ngày càng tăng vì họ cảm thấy các chính phủ đã thất bại trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân.
***
Tuy ông Biden không chỉ đích danh các chính phủ độc tài, nhưng từ lúc Mỹ công bố kế hoạch tổ chức hội nghị hồi đầu Tháng Mười Một, các chính phủ Nga và Trung Quốc đã không tiếc lời lên án ý tưởng của Mỹ là “điên rồ”, là “trò hề” và tổ chức những chiến dịch công kích quyết liệt trên truyền thông và mạng xã hội.
Mới tuần trước, Trung Quốc tổ chức rầm rộ Diễn đàn Dân chủ Quốc tế (International Forum on Democracy) tại Bắc Kinh như là một đối cực của hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ của ông Biden, với mục đích lên án các khiếm khuyết của thể chế dân chủ ở Hoa Kỳ và phương Tây, đồng thời quảng bá cái gọi là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” kiểu Trung Quốc như là một mô hình thay thế, có hiệu quả hơn, đáp ứng được nguyện vọng của người dân các nước đang phát triển.
Hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Mười Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành một báo cáo phê phán tình trạng dân chủ ở Mỹ, nói rằng không nên sử dụng một “thước đo” duy nhất để đo lường các hệ thống chính trị đa dạng trên thế giới. Báo cáo nêu bật vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 tại Điện Capitol như là một minh chứng cho sự sụp đổ của thể chế dân chủ Mỹ. “Những tiếng súng và trò hề trên đồi Capitol đã phơi bày hoàn toàn những gì bên dưới bề ngoài hào nhoáng của nền dân chủ kiểu Mỹ”, báo cáo viết; và cho rằng Mỹ là “một nước mà đồng tiền quyết định mọi chuyện,” là nơi “chứng tê liệt chính trị đã thâm căn cố đế” làm cho việc điều hành của chính phủ không thực hiện được”. Trên mạng Twitter, hàng loạt quan chức, nhà báo Trung Quốc liên tục đăng bài lên án nền dân chủ Hoa Kỳ “đầy khiếm khuyết,” “bị đồng tiền dẫn dắt,” “bị chia rẽ và đối lập sâu sắc”…
Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, có những phát biểu tương tự: “Hoa Kỳ tự nhận có quyền quyết định ai đáng được coi là nền dân chủ, ai không đáng. Thật nực cười. Tôi cho rằng đó là một thứ bệnh hoạn, do tình trạng dân chủ và nhân quyền ở Mỹ và phương Tây nói chung”.
Hai đại sứ tại Mỹ của Trung Quốc, ông Tần Cương (Qin Gang) và của Nga, ông Anatoly Antonov đã viết chung một bài ý kiến (op-ed) trên trang bảo thủ The National Interest phê phán hội nghị của ông Biden là đạo đức giả và bá quyền.
Bắc Kinh và Moscow tức tối vì không được mời dự hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ của ông Biden, trong khi các “kẻ thù” của họ như Đài Loan và các nước nhỏ vùng biển Baltic, lại được chào đón.
***
Ngay các tổ chức nghiên cứu và nhiều quan chức của Hoa Kỳ cũng thừa nhận nền dân chủ Mỹ đang bị thách thức nghiêm trọng bởi tình trạng chia rẽ về chính trị, bất bình đẳng sắc tộc, các hạn chế quyền bầu cử và chủ nghĩa cực đoan nội địa cùng nhiều vấn đề khác. Nhiều nhà hoạt động thúc giục Tổng thống Biden quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề trong nước trước khi hướng sự chú ý ra nước ngoài. “Bạn không thể là người chữa cháy toàn cầu trong lúc nhà bạn đang rực lửa,” ông Cliff Albright, Giám đốc điều hành Quỹ Black Voters Matter Fund ở Atlanta, nhận xét.
Được khích lệ bởi tuyên bố sai lầm của cựu Tổng thống Donald Trump rằng “cuộc bầu cử năm 2020 bị gian lận”, các phong trào cực đoan nội địa phản dân chủ nở rộ, các đạo luật hạn chế quyền bầu cử của cử tri đã được ban hành ở 19 tiểu bang trong năm nay là những ví dụ nổi bật về tình trạng thoái hóa của nền dân chủ Mỹ hiện nay.
Ông Michael J. Abramowitz, Chủ tịch Freedom House, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, nghiên cứu về nhân quyền và dân chủ toàn cầu, thừa nhận nước Mỹ đang đi trên một con đường gập ghềnh, nền dân chủ Mỹ bị đánh giá là “khiếm khuyết”, “thụt lùi” (backsliding) nhưng ông cho rằng, thiếu sót ở trong nước không ngăn cản nước Mỹ quảng bá các giá trị cốt lõi về dân chủ và nhân quyền ra toàn cầu, nơi các thể chế độc tài và dân túy đã mở rộng ảnh hưởng trong những năm gần đây. “Không có sự dấn thân và lãnh đạo của nước Mỹ, sự nghiệp dân chủ sẽ không thăng tiến được. Ai sẽ làm chuyện đó?” ông Abramowitz nói với báo The New York Times.
Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ đang diễn ra có thể là hoạt động đầu tiên của chính quyền Biden trong nỗ lực khôi phục nền dân chủ trên thế giới. Chính quyền Biden có thể sử dụng hội nghị để thiết lập các kế hoạch dài hạn để làm việc với các nước khác – các quốc gia cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự, chẳng hạn như sự trỗi dậy của phong trào dân túy cực hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. “Nền dân chủ Hoa Kỳ ở trong nước và nền dân chủ toàn cầu ở nước ngoài đang hết sức cần có một chiến lược, một sự cải thiện, bởi vì cả hai đang bị suy thoái rất nhanh,” bà Rachel Kleinfeld – nhà nghiên cứu cao cấp của Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức nghiên cứu lớn ở Washington nhận định.
Một khía cạnh khó hiểu của hội nghị là danh sách khách mời tham dự – yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực đoàn kết các quốc gia cùng chí hướng (like-minded) cho công cuộc phục hồi nền dân chủ toàn cầu. Vẫn chưa rõ Tòa Bạch Ốc dựa vào các tiêu chuẩn như thế nào để lập danh sách khách mời hoặc để định nghĩa thế nào là một nền dân chủ. Nhiều nước được mời dự hội nghị, hoặc thiếu vắng các định chế dân chủ hữu hiệu, hoặc kém cỏi về thành tích nhân quyền như Philippines, Pakistan, Georgia, Nigeria, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE… trong khi một số nước được coi là đối tác chiến lược của Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến chống độc tài chuyên chế Trung Quốc lại bị gạt ra ngoài danh sách, như Singapore.
Đọc thêm: