Chuyện “có ma” trong Dinh Thủ tướng Nhật (Sōri Daijin Kantei) hay không, khó có thể khẳng định nhưng những đồn đãi về việc Dinh Thủ tướng Nhật có ma đã được “truyền tụng” từ nhiều năm. Báo chí Nhật từng nhiều lần viết rằng, chẳng phải tự nhiên mà nhiều đời thủ tướng Nhật đã bỏ hoang Dinh Thủ tướng…
Fumio Kishida – vị Thủ tướng Nhật thứ 101, nhậm chức từ ngày 4 Tháng Mười 2021 – sẽ là thủ tướng Nhật đầu tiên chính thức “dọn nhà” vào Dinh Thủ tướng sau gần một thập niên nơi này bỏ trống. Là công trình kiến trúc có tuổi đời hàng thế kỷ, nơi được xem là biểu tượng của thẩm mỹ và trang trí nghệ thuật mang đậm giá trị truyền thống Nhật, Dinh Thủ tướng đã bị bỏ trống nhiều năm (dù người ta vẫn tốn khoảng 160 triệu yên/năm, tức $1.4 triệu, cho việc bảo trì).
Chưa biết chính xác ngày nào Fumio Kishida dọn vào nhưng Đài truyền hình quốc gia NHK cho biết Thủ tướng Fumio Kishida có thể chuyển đến sớm nhất vào cuối tuần này. Dinh thự hai tầng rộng 5,183 m2 (55,789 sq ft) vốn được mở cửa từ năm 1929, tượng trưng cho sự bước vào thời hiện đại đầu thế kỷ 20 của nước Nhật sau hàng thế kỷ dài sống thời phong kiến. Năm 2005, một cuộc đại tu dinh thự đã được thực hiện, với lễ trừ tà được một nhà sư Thần Đạo (Shinto) thực hiện để xua đuổi “hồn ma bóng quế”, với những đồn đãi nhiều đến mức trong nhiều năm chẳng ông thủ tướng nào dám sống ở đó.
Hai người tiền nhiệm của Fumio Kishida đã né Dinh Thủ tướng. Thủ tướng Yoshihide Suga sống trong khu phức hợp dành cho các thành viên Quốc hội. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe sống tại tư gia ở quận Shibuya, Tokyo. Thật ra trong nhiệm kỳ đầu 2006-2007, Shinzo Abe đã sống ở Dinh Thủ tướng trong khoảng 10 tháng. Các vị thủ tướng Nhật sau đó cũng sống ở đây nhưng chẳng ông nào “thọ”. Lần lượt hết người này đến người khác, ông nào cũng ngồi ghế thủ tướng “chưa nóng đít” thì bị thay. Ngoài chuyện đồn đại “ma trêu quỷ ghẹo”, nhiều người dị đoan nói rằng chỗ này bị yếm trù gì nên rất xui. Năm 2012, khi trở lại ghế thủ tướng, Shinzo Abe đã không bén mảng đến Dinh Thủ tướng và ông trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất lịch sử nước Nhật!
Dinh Thủ tướng được xây sau khi Tokyo sống sót từ trận động đất kinh hoàng năm 1923. Nó được lấy cảm hứng từ Khách sạn Imperial do kiến trúc sư Mỹ Frank Lloyd Wright thiết kế (ngày khách sạn Imperial khai trương cũng là ngày mà trận động đất xảy ra ở Tokyo; Imperial đã đứng vững sau sự kiện thiên tai san phẳng nhiều khu vực thủ đô và giết chết hàng chục nghìn người).
Ba năm sau khi Dinh Thủ tướng chính thức mở cửa, một sự kiện chấn động xảy ra: Một số sĩ quan hải quân trẻ đã xông vào và ám sát Thủ tướng Tsuyoshi Inukai. Sự kiện này diễn ra ngày 15 Tháng Năm 1932. Bốn năm sau, Dinh Thủ tướng lại chứng kiến một cuộc đảo chính quân sự. Thủ tướng Keisuke Okada phải trốn trong tủ quần áo mới thoát mạng. Năm người bị bắn chết, trong đó có người anh/em vợ của Keisuke Okada. Lỗ đạn để lại phía trên cửa chính sau này được xem như là “di tích” gợi nhớ một cuộc bạo loạn chính trị kinh khủng đưa quốc gia chìm sâu vào chế độ quân phiệt.
Dù thế nào, Dinh Thủ tướng là nơi ở của tổng cộng 42 thủ tướng trong 73 năm, từ Giichi Tanaka đến Junichiro Koizumi. Năm 1971, nó là địa điểm lịch sử chứng kiến buổi lễ trao trả Okinawa cho Nhật. Sau Thế chiến thứ hai và trong nhiều thập niên sau, kiến trúc và nội thất Dinh Thủ tướng gần như không thay đổi.
Nhiều thứ bên trong Dinh Thủ tướng trở nên lỗi thời đến mức nó không thể phục vụ công việc thường nhật ở một nơi được xem là chỗ làm việc của bộ máy thủ tướng. Không chỉ vậy, theo Japan Times (11-12-2021), cựu Thủ tướng Yoshiro Mori nói với Shinzo Abe rằng mình từng thấy ma! Ngoài ra, còn có vài sự kiện không “bình thường”. Một lần, trong buổi tiệc đãi ở hội trường lớn của Dinh Thủ tướng, Tổng thống George H. W. Bush tự nhiên khó ở trong người và bất thần nôn thốc nôn tháo vào đùi Thủ tướng Kiichi Miyazawa…
Giờ đây, sau nhiều năm, Sōri Daijin Kantei lại đón một thủ tướng. Trước khi Thủ tướng Fumio Kishida dọn vào như nói ở trên, chính phủ Nhật đã chi khoảng 8.6 tỷ yên ($75.8 triệu) để biến Dinh thành nơi làm việc hiện đại. Tất nhiên những tác phẩm khắc gỗ công phu và nhiều trang trí truyền thống khác vẫn được giữ nguyên vẹn, trong đó có những con cú đá đứng canh trên mái nhà…