Nước hoa nữ với mùi hương… đàn bà

Cách nay đúng một thế kỷ, có người đàn ông lịch lãm nọ vớ đại một chai nước hoa và đổ cạn nó xuống nền nhà. Rồi ông ta áp lên nó một tấm ảnh của nghệ sĩ lừng lẫy Man Ray (1890-1976) trong trang phục như một quý cô xinh đẹp, sang trọng. Tên của “tác phẩm” ấy là Belle Haleine: Eau de Voilette, nhạy theo kiệt tác opera La Belle Hélène của Jacques Offenbach, như thể muốn gửi một thông điệp về một biểu tượng xóa nhòa biên giới phân cách nam và nữ.

Thời ấy, Gabrielle “Coco” Chanel là nữ nghệ nhân thiết kế áo quần đầu tiên “mượn” những bộ cánh của quý ông dáng vẻ nhàn nhã mà thanh lịch để khoác lên cho quý cô, trong thời kỳ Belle Époque, khi cuộc sống của tầng lớp quý phái, trưởng giả Paris bừng sống trở lại sau những năm khó khăn của Thế chiến thứ nhất. Cô Gabrielle Chanel sống rất thoáng so với “quy củ” xã hội thời ấy. Cô hút thuốc lá, uống vang, thoải mái yêu đương, tự mình lái xe và điều hành một cơ sở may mặc. Tính khí tự tin, độc lập, không nể nang và phụ thuộc vào đấng mày râu và tài cán tiên phong nhìn xa còn thúc giục cô trở thành người phụ nữ đầu tiên tạo ra loại nước hoa cho chính mình.

Ngày nay, có nhà thời trang may mặc nào mà không làm ra luôn cả đủ những loại nước hoa, mỹ phẩm nhưng đó là chuyện không hề có vào đầu thế kỷ 20. Năm 1911, ông Paul Poiret là người đầu tiên tung ra Farfums de Rosine, tức các chai nước hoa dành cho phái đẹp nhưng không thành công. Nhưng nước hoa mà Gabrielle Chanel tạo ra thì ngược lại.

Một quảng cáo Chanel No.5 năm 1921. Hình vẽ của họa sĩ Sem (tức Georges Goursat, 1863-1934) – ảnh: Musee Carnavalet/Roger Viollet/Getty Images)

NƯỚC HOA NỮ VỚI MÙI HƯƠNG PHỤ NỮ

Mùa Xuân năm 1921, tại thành phố nghỉ mát Cannes ven Địa Trung Hải, qua giới thiệu của tình nhân là đại công tước Dimitri Pavlovitch (Nga), cô Chanel quen được Ernest Beaux, một nghệ nhân về nước hoa. Từ buổi ban đầu sơ giao chuyển thành thâm giao, Gabrielle và Ernest không chỉ là bạn thân, bạn hợp tác mà còn có quan hệ gắn bó dựa trên sự nể trọng và tin tưởng nhau tuyệt đối. Ernest Beaux đã kinh qua nhiều năm làm việc cho Rallet, một nhà sản xuất nước hoa tại Moscow từ năm 1843 và có giấy chứng nhận là nhà cung cấp chính thức cho triều đình Sa hoàng! Sau khi cơ sở này bị quốc hữu hóa bởi người bolshevics vào năm 1917, Ernest Beaux trở về quê nhà Pháp, mở laboratoire nhỏ ở La Bocca.

Gabrielle “Coco” Chanel mong muốn có loại nước hoa phức tạp, trừu tượng mà phải thật quyến rũ đúng kiểu, “nước hoa dành cho nữ với mùi hương người nữ!”, một loại nước hoa có thể khiến các nhà sản xuất khác phải tức đỏ mặt vì ganh tỵ. Và thế là người bạn Ernest đã ra tay làm cho cô được vừa lòng. Anh chọn những chất liệu quý giá nhất trong kho tàng riêng của mình, gồm hoa nhài thu hoạch ở Grasse (jasmin), hoa hồng 100 cánh hái vào đầu Tháng Năm, dầu néroli (họ cây cam) và  một loại ngọc lan tây (ylang-ylang) rất đặc biệt. Các chất phối hợp này lại được bổ sung thêm với gỗ đàn hương (santal), hạt tonka, cỏ hương lau (vétiver), vani và nhựa cây.

Khác hẳn những nghệ nhân sáng tạo nước hoa tài danh khác như Jacques Guerlain, Francois Coty và Ernest Daltroff (nước hoa hiệu Caron), Ernest là một trong những người đầu tiên nắm trọn tiềm năng phát tỏa hương từ những đơn bào tổng hợp vốn được phát hiện vào nửa sau thế kỷ 19. Để cho “tác phẩm” của mình bốc tỏa hương hoa thật mãnh liệt, anh bồi thêm các chất aldéhyde với kết quả là “hương kim loại từ các chất tổng hợp này gợi lên trong tâm trí tôi những cảm xúc thăng hoa mà tôi có được khi du hành Bắc cực nhiều năm trước đây, tỏa phát ra từ những hồ nước, con sông vùng xa xăm, không bóng người” – Ernest kể.

CON SỐ 5 VƯỢT LÊN MỌI THỜI ĐẠI

Mà để tác phẩm của mình “hợp” với mũi của “Cô” (Gabrielle Chanel được nhiều người gọi như thế từ xưa, Mademoiselle) nào có dễ, cho nên Ernest chuẩn bị mấy mùi hương hơi khác nhau tuy cùng nguồn gốc với sáng tạo của anh. Mùi thứ nhất bị cho qua, mùi thứ hai cũng vậy, rồi mùi thứ ba, mùi thứ tư cũng không chinh phục được khứu giác của người đẹp khó tính. “Nó đây rồi, nó như chính tôi vậy” – cô nói sau khi hít qua mùi thứ năm. “Nhưng làm sao để những đối thủ không thể sao chép nó?” – Gabrielle hỏi. Ernest có ngay câu trả lời, hãy làm ra chai nước hoa ngất ngây với giá đắt để không ai dám bắt chước.

Thế là anh bồi thêm hương jasmin, tăng cả sự pha trộn aldéhydes lên đến 1% là mức mà không hề có ai dám làm vào thời ấy. “Cái hay của ông thầy nhà chúng tôi là từ xưa đã biết nắm bắt sự cân bằng cần thiết giữa chủ thể (tức người nữ) và xu thế mùi hương thời đại” – ông Olivier Polge, nghệ nhân sáng tạo nước hoa hiện nay của nhà Chanel tóm tắt sự độc đáo trong sáng tạo của Ernest Beaux sau “đòi hỏi” của Cô Gabrielle Chanel!

Tuy sống phóng khoáng nhưng Cô là người rất dị đoan và bị mê hoặc bởi những con số. Cho nên Cô quyết định lấy số 5 đặt tên cho chai nước hoa. Theo cô, số 5 là số may mắn của cô. Đã có chất thơm quý rồi thì phải tìm cái vỏ hoàn mỹ để chứa đựng nó. Đây lại là một cuộc cách mạng mới của Ernest Beaux. Từ bỏ thời trang chai nước hoa kiểu dáng du nhập từ phương Đông vốn rất thịnh hành khi ấy, từ giã cả kiểu dáng gọi nhớ những mối tình, cuộc ái ân, anh cho thiết kế chai rất đơn giản nhưng lộ hẳn yếu tố nam tính mà Cô đã tiên phong chọn khi thiết kế trang phục cho người nữ hiện đại.

Đó là một cái lọ vuông vắn, lấy cảm hứng từ những cái túi đựng dao cạo râu, kem da, nước hoa, lược, gương mà quý ông thanh lịch thời ấy phải có mỗi khi lên đường du hành. Cái hộp bọc phía ngoài cũng có hình dáng rất đơn giản, nam tính với hai màu chủ đạo là đen và trắng. Thế là đã có một mốt mới, đơn giản mà lịch lãm (chic). Cô lại cho khắc thêm hai chữ C lên trên cái nắp. Nó đã trở thành “chữ ký” của nhà Chanel mãi cho đến nay, 100 năm sau.

Sau một thế kỷ, tuy có vài thay đổi nhỏ nhưng dáng vuông vắn của Chanel No. 5 vẫn gần như nguyên vẹn. Và vẫn là “hương thời gian” khiến hàng triệu người vẫn cứ “hương thơm mùi nhớ” dù cho nay nhà Chanel đã có thêm những Coco, Mademoiselle, Chance…

NƯỚC HOA CHANEL NHỮNG CỘT MỐC:

*1921: Chanel No.5 (tạo ra bởi Ernest Beaux)

*1924: Chanel Eau de Toilette (Ernest Beaux)

*1986: L’Eau de Parfum (Jacques Polge)

*2008: L’Eau Première (Jacques Polge)

*2016: No.5 L’Eau (Olivier Polge)

NHỮNG DIỄN VIÊN, NGƯỜI MẪU TỪNG LÀ ĐẠI SỨ QUẢNG CÁO CHANEL No.5

*Marie-Hélène Arnaud

*Suzy Parker

*Ali MacGraw

*Candice Bergen

*Lauren Hutton

*Jean Shrimpton

*Catherine Deneuve

*Carole Bouquet

*Estella Warren

*Nicole Kidman

*Audrey Tautou

*Brad Pitt

*Gisele Bündchen

*Marion Cotillard (từ năm 2020)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: