Mánh giăng lưới tình trên mạng để lừa đảo tưởng chừng cũ rích hóa ra đến nay vẫn còn phổ biến và tiếp tục gạt được khối người. Nikkei Asia (31-12-2021) cho biết những ổ lừa đảo từ Trung Quốc đang tung hoành và tung lưới gạt gẫm khắp châu Á…
Trong bốn tháng, Lydia Chng, 38 tuổi, một y tá Malaysia làm việc tại Singapore, nghĩ rằng mình trò chuyện với một “người thật” tên Li Beizhi, được giới thiệu là một nhà thiết kế nội thất 34 tuổi đến từ Thượng Hải sống ở Vancouver, Canada. Li xuất hiện trên Instagram vào Tháng Sáu, làm quen với Chng và sau đó hai người tâm tình mùi mẫn trên WhatsApp. Li kể cho Chng nghe về thời thơ ấu của mình, về việc được bà ngoại nuôi dưỡng sau khi bố mẹ ly hôn, về tình yêu say đắm của mình với nghệ thuật hội họa. Chng rất vui khi quen với Li. Cô là người bận rộn, luôn muốn có người chia sẻ sau những ca làm việc căng thẳng trong phòng mổ. Hơn nữa, Li tỏ ra rất hiểu Chng. Chàng nói rằng định mệnh đã đưa đẩy hai người gặp nhau.
Tuy nhiên, cuối cùng, Chng té ngửa khi mình là một trong hàng nghìn nạn nhân của một ngành công nghiệp trực tuyến bất hợp pháp với những trò lừa đảo lãng mạn gọi là “mổ lợn” (báo chí tiếng Anh dịch là “pig-butchering”; nói theo đúng tiếng Tàu là 杀猪盘, Sha Zhu Pan, tức “sát trư bàn”). Sử dụng chiến thuật dễ thực hiện là tìm kiếm và thu thập dữ liệu cá nhân từ hình ảnh và thông tin lấy từ các tài khoản mạng xã hội hoặc trên các trang web, những kẻ lừa đảo bắt đầu ve vãn con mồi rồi cuối cùng thuyết phục họ mua tiền điện tử hoặc các sản phẩm đầu tư gian lận khác. Bọn láu cá này lâu nay sử dụng tiếng Hoa, giờ bắt đầu chuyển sang tiếng Anh để có thể mở rộng phạm vi hoạt động. Chúng nhắm vào cộng đồng những người biết hoặc có thể sử dụng tiếng Anh tại châu Á. Gần đây chúng thò sang châu Âu, Úc và thậm chí Mỹ.
Hoạt động của chúng trở nên chuyên nghiệp đến mức qui mô như một ngành công nghiệp với những “công ty” mọc khắp Đông Nam Á! Hầu hết bọn trùm đều là người Hoa và có hang ổ ở Trung Quốc nhưng cũng có các băng nhóm khác rải rác khu vực châu Á. Chúng hoạt động như mô hình mafia nhà nghề, mua đứt sự bảo kê của chính quyền địa phương! Một số “công ty” có đến hàng ngàn nhân viên. Nói vậy để thấy bọn “mổ heo-sát trư bàn” không phải là bọn ấm ớ vớ vẩn. Nhiều “nhân viên” của “công ty” chúng vốn dĩ là những người nghèo, bị lừa đến Campuchia và Myanmar với lời hứa có công ăn việc làm tốt, lương bổng hậu hĩ nhưng cuối cùng bị buộc phải làm việc cho bọn trùm…
Riêng tại Trung Quốc, công an nước này cho biết họ gần đây đã phá được 256,000 vụ “gian lận mạng viễn thông”, giúp tránh được tổn thất số tiền lên đến khoảng $18 tỉ. Ngày càng có nhiều nạn nhân đến mức một số nạn nhân qui tụ lại thành lập Tổ chức chống gian trá toàn cầu (Global Anti-Scam Organization-GASO) vào Tháng Bảy 2021, với Xellos là sáng lập viên. Không dám dùng tên thật, Xellos cho biết cá nhân mình đã bị lừa mất $80,000 bởi một thằng đầu đường xó chợ mà cô gặp trên một website hò hẹn.
Cho biết mình suýt mất đứt căn hộ vì vụ này, Xellos thuật thêm rằng cô có nghe kể một số người Mỹ thậm chí mất đến $280,000; $400,000; nửa triệu và thậm chí $2 triệu! Hiện hoạt động 24/24; luôn có người trực để chat với nạn nhân, GASO có một kho dữ liệu lưu các “tiền án” và các website nào nổi tiếng chơi trò “mổ heo nhậu online”. Hơn 900 nạn nhân đã liên lạc với GASO và nhờ vậy người ta biết rằng đa số nạn nhân là các cô gái trẻ châu Á có bằng cử nhân; và số tiền bị mất trung bình là gần $122,000/người.
Tháng Hai 2021, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc cho biết họ nhận được hơn 400 báo cáo về các vụ gian lận trong năm 2020, với khoản thiệt hại lên đến $37 triệu. Tháng Chín 2021, Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết trong sáu tháng đầu năm 2021, họ nhận được hơn 1,800 đơn khiếu nại về các vụ tương tự, với số tiền bị lừa mất tổng cộng $133 triệu.
Trường hợp của Lydia Chng (bị lừa mất hơn $150,000) là ví dụ điển hình cho thấy cách vận hành của bọn “mổ heo”. Ngay sau khi bắt đầu trò chuyện làm quen, “Li” bắt đầu tán tỉnh con mồi. Ban đầu Chng còn e dè nhưng sau đó thấy “Li” “thật lòng” quá, cô đổ gục. “Li” đưa ra ý tưởng rằng, sao chúng ta không mua nhà ở Singapore để gần gũi nhau hơn nhỉ, chẳng lẽ mỗi lần nhớ nhau lại mua vé máy bay thì tốn kém quá.
Thế rồi “Li” đề cập việc có người chú đang đầu tư vào tiền điện tử với mức lãi hàng tháng ổn định 10%. Tháng nào cũng thế. Ngon ăn quá. Tại sao em không thử đi, “Li” gợi ý. Thế là Chng thử. Ban đầu bỏ vào một ít. Có lãi thật. Lần sau thì “thử” nhiều hơn, rồi nhiều hơn; cho đến khi mất cả chì lẫn chài. Chng không có tiền. Cô phải vay bạn bè. Tháng Chín 2021, cô muốn xỉu khi cha của mình gửi đến tấm ảnh Li mà ông thấy trong một bài viết nói về một nạn nhân của Li ở Trung Quốc…