Người Hà Lan treo lịch trong restroom, tiểu ở các nhà vệ sinh “lộ thiên” ngoài đường, và luôn mở toang cửa sổ vì không thích dấu diếm gì.
Phép thử sự thân tín qua cuốn lịch đặt trong restroom
Harley, một blogger người Anh lấy chồng Hà Lan thổ lộ, người dân xứ sở hoa tulip thường treo lịch trong restroom ở nhà riêng. Đây không phải cuốn lịch thông thường, mà họ gọi nó là verjaardagskalendar, hay lịch sinh nhật. Verjaardagskalendar sẽ nhắc nhở người sử dụng nhà vệ sinh nhớ sinh nhật của người thân, bạn bè ghi trong đó. Cuốn lịch này đặc biệt ở chỗ, người sử dụng không cần thay đổi quyển mới hàng năm, vì lịch chỉ ghi ngày sinh mà thôi, chứ không in ngày, tháng, năm như những quyển lịch thông thường.
Nhưng vì sao lại là restroom, chứ không phải phòng khách, hay phòng làm việc? Theo lý giải của người dân, restroom là nơi mà ai cũng phải sử dụng hàng ngày, và dành nhiều thời gian trong đó để “giải quyết nỗi buồn”. Khi không thể làm gì ngoài việc ngồi trên bồn vệ sinh, họ có thể nhìn vào quyển lịch trước mặt, và nhớ được sinh nhật của mọi người. Đây là cách nhắc nhở về ngày kỷ niệm độc đáo và hữu ích, vì quên sinh nhật những người thân thiết là điều tối kỵ tại xứ sở cối xay gió.
Trên cuốn lịch này, ai đó đã qua đời sẽ được vẽ một cây thánh giá nhỏ bên cạnh mục sinh nhật. Người Hà Lan dành nhiều tình cảm với những cuốn lịch này, bởi chúng thường là những món quà đáng trân trọng từ người thân yêu hoặc do con cháu trong nhà tự tay làm. Nếu phải chuyển đi, họ sẽ gói những cuốn lịch này cẩn thận và đưa đến restroom ở nhà mới.
Đến nhà ai, vào phòng vệ sinh và thấy tên mình trên cuốn lịch thì thật là một niềm sung sướng vô bờ. Nếu không thấy tên mình, bạn vẫn chưa thực sự đủ thân thiết với chủ nhà.
Đến Amsterdam có thể đi vệ sinh ngoài trời
Tới thủ đô Hà Lan, du khách có thể bất ngờ khi thấy những người đàn ông dùng bốt vệ sinh công cộng hầu như không có che chắn.
Những du khách lần đầu đến thủ đô của Hà Lan có thể bất ngờ khi nhìn thấy những khoang vệ sinh lộ thiên, phục vụ cộng cộng. Vào những năm 2000, thiếu nhà vệ sinh công cộng vào các ngày lễ hội là một “vấn đề lớn” cho du khách tới Amsterdam. “Kẹt” quá, nhiều người “chơi” luôn ngoài đường, các ngõ ngách, gây mùi khủng khiếp. Khi ấy, Tổ chức Nhà vệ sinh Hà Lan (DTO) ra đời, nhằm cung cấp nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ cho người dân và du khách. Họ đề nghị lắp đặt các khoang vệ sinh lộ thiên trên đường phố.
Nhiều người có thể nghĩ những bốt vệ sinh này… bất lịch sự, nhưng thật ra chúng rất hữu ích, giải quyết nhanh nhu cầu “lấy nước trong mình ra”; chi phí sản xuất, vận chuyển và lắp đặt cũng không cao, nên người muốn sử dụng chỉ phải trả 25 cent – 1 euro/lần. Tuy nhiên, có một hạn chế là nữ không thể “đi vệ sinh” ở những chỗ này.
Người Hà Lan không thích kéo rèm cửa
Với nhiều du khách đến Hà Lan, một trong những điều thú vị nhất khi lang thang trên các con phố là có thể nhìn vào bên trong nhà của mọi người dân khi trời tối. Nhiều gia đình không có rèm, hoặc không che kín cửa sổ. Đây là nét văn hóa của người dân xứ sở hoa tulip. Khi COVID-19 bùng phát khắp thế giới, các quốc gia liên tiếp đưa ra các hạn chế về đi lại, giãn cách xã hội và yêu cầu người dân ở nhà nhiều hơn, cửa sổ là cách thức duy nhất để liên lạc với thế giới bên ngoài. Do vậy, những chiếc rèm hầu như không bao giờ đóng, và nét văn hóa của người Hà Lan càng trở nên hấp dẫn hơn.
Lời giải thích được nhiều người biết đến nhất bắt nguồn từ việc nhiều người dân theo đạo Tin Lành. Đạo này ngợi ca sự trung thực và tin rằng mọi người không có gì cần che giấu. Và việc mở rèm để mọi người có thể nhìn thấy bên trong ngôi nhà nhằm thể hiện tư tưởng: Nhìn đi, tôi là một người đàng hoàng!
Bên cạnh đó, khi mức sống tăng lên theo thời gian, nhiều gia đình sắm sửa đồ nội thất sang trọng. Một số hướng dẫn viên địa phương thường giải thích với khách rằng việc mở cửa này giống như cách mà thương nhân xưa thường làm. Mọi người kéo rèm, khoe ra một căn phòng với nội thất, đồ trang trí và tác phẩm nghệ thuật tốt nhất. Đó là cách họ chứng minh mình là người đáng tin cậy.
Còn theo hai nhà nhân chủng học Hilje van der Horst và Jantine Messing, điều này hình thành dựa trên văn hóa cởi mở. Họ quan sát thấy người dân trong các khu phố có quan hệ thân thiết với nhau thì việc không kéo rèm diễn ra thường xuyên hơn. Một lý do khác, người dân thích nhìn ra ngoài, ngắm những ánh đèn, sự hối hả nhộn nhịp của đường phố và những người đi bộ. Sự tương tác giữa bên trong và bên ngoài giúp họ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự cởi mở của mình.
(Tổng hợp)
Đọc thêm:
-Mối lo mang tên ‘du khách tội phạm’
-Ngạc nhiên chưa: Kỷ lục cao nhất thế giới đều là người Thổ Nhĩ Kỳ