Mấy hôm nay ông Út không được vui. Trong lòng ông cứ mãi buồn bực về việc cái chuồng gà bị kẻ trộm vào nẫng mất bầy gà giò. Mà thật kỳ lạ, cái chuồng được đặt gần kề căn buồng của ông và cậu em trai bị bệnh nằm liệt giường. Ấy thế nhưng gà vẫn mất! Mất êm ru như không có việc gì xảy ra. Không một tiếng động. Không tiếng kêu la. Ngay cả con Lu thính nhạy thường ngày là thế, cũng không sủa tiếng nào…
Càng nghĩ ông Út càng thấy tức anh ách trong lòng. Có phải cái số ông làm nhà nhằm cung Lục súc hay sao, mà mấy năm nay không có gà ăn trong ba ngày Tết! Đã lâu lắm rồi, từ lúc hai cụ thân sinh mất đi, để lại đứa em sống dở chết dở, ông chưa bao giờ biết đến mùi vị thịt… Lúc thì cáo vào ăn hết gà, chỉ chừa lại nắm lông đỏ máu, nằm rải rác trong chuồng. Một vài sợi lông lưa tưa máu, được con cáo tinh quái tha đến tận sàn giường của ông và đứa em. Lúc thì kẻ trộm lẻn vào nhà khi ông đi ruộng, bắt mất gà… Thằng em thật vô tích sự! Tối ngày nó chỉ trợn mắt, nhăn nhở cười với cái miệng méo xệch chứ nhất định không nói. Mà nếu nó biết nói, biết đâu lũ cáo lại sợ tiếng người không dám bén mảng đến gần. Đã thế nó cũng chẳng biết đi. Có khi nghe bước chân người, nhà ông đã không mất trộm. Mà lại trộm giữa ban ngày cơ chứ!…
Mà thôi cũng không nên trách nó. Có trách hãy trách ông xanh, sao lại hẩm hiu cho ra đời một sinh vật không hoàn hảo. Còn nếu cho nó là động vật có tay chân cũng bằng thừa, khi không thể sử dụng tứ chi trong việc ăn uống hay sinh hoạt cá nhân. Những ông bác sĩ học trường tây, bạn cụ tổng năm nào nói về bệnh tình nó. Ông ấy nói gì… gì về chứng thoái hóa não hay bại xụi gì đó… ông Út chẳng biết. Cuộc đời ông sinh ra đã là tá điền. Ông bà cha mẹ cũng thế! Làm sao đủ chữ nghĩa để hiểu những việc phức tạp của người trên, kẻ trước…
Bình tâm nghĩ ngợi một lúc, ông Út vội vàng đi vào nhà cầm lấy cái mác, đi chẻ tre. Tre trong đất ông chủ Cả vốn nhiều, những người tá điền như ông chỉ xin được ruột đem về xài tạm. Vỏ tre người ta chẻ ra đan mê bồ, quây vòng đựng lúa. Có khi tre được đan giỏ, đan nia, vót câu… Người giàu đất rộng, tha hồ sử dụng tre như một món hàng đa dụng. Nhưng… kẻ nghèo như ông, chỉ biết xin ruột tre đem về chẻ ra đan mê, làm vách. Vách nhà ông toàn bằng mê tre. Chỗ nào cứng cáp thì lót tạm một miếng. Nơi yêu yếu thì hai ba miếng cho kín gió, ấm nhà, chống mưa giông…
Bàn tay khéo léo của ông Út nhẹ nhàng chẻ thân tre ra thành miếng. Ông dùng mũi mác tách đầu thành từng mảnh nhỏ, thật mỏng. Sau đó uốn thân tre cho dập đi và bắt đầu tước thành nhiều mảnh, đan vào tấm mê còn dang dở. Xong đâu đó ông Út đem tấm mê phủ lên một khung tre đã làm sẵn trước đó mấy hôm. Dùng những nẹp nhỏ và dây, ông bắt đầu buộc chúng lại với nhau. Lúc mặt trời xế bóng, ông đã làm xong cánh cửa hình chữ nhật, với cái đố dọc dài hơn cái bên khoảng hai tấc. Như vậy ông đã có một cánh cửa lắp vào nhà, không cần phải ra chợ mua bản lề cho phí tiền. Cái trụ dài cứ cho vào một lóng tre đóng sâu xuống đất. Đầu trên dùng dây lạt dừa cột lại, đã có ngay một cánh cửa cối xay có thể mở ra mở vào…
Hôm rồi, vì nhà không có cửa sau, nên con Lu lẻn vào ăn mất nửa cân thịt của ông. Cái số ông sao thật bẽ bàng và vô duyên với thịt. Ông anh làng bên biết ông bị mất trộm, lại mấy năm thất bát chăn nuôi nên biếu cho nửa cân thịt. Thế mà con chó chết tiệt, cả gan xực mất của ông nửa cân thịt quí. Nhưng nghĩ cũng lạ… Con Lu xưa nay vốn chưa bao giờ dám hỗn hào kiểu đó. Nó có thể săn chuột, bắt kỳ đà, chứ chưa từng đụng chạm vào những thức ăn để trên chạn bao giờ. Không biết con chó ăn phải gan gì dám làm như thế?
Từ khi thằng Bé, em ông lớn lên một chút, căn nhà trơ trọi trong xẻo vắng càng vãn bóng người. Những đứa trẻ hàng xóm không thích đến nhà ông để rồi chứng kiến một người đáng thương, nhưng lắm tật kinh khiếp. Mà bọn chúng sợ thằng Bé cũng đúng! Bởi sắc mặt trắng xanh bao giờ cũng lồng vào nét cười quái dị. Đôi mắt trắng dã mở trừng trừng nhìn mọi đứa trẻ với sự thèm thuồng không lời giải thích. Ánh mắt ấy nhìn vào ai cũng không biết, khi tròng trắng quá nhiều để chứa đựng con ngươi bé tí cứ mãi chạy vòng quanh.
Cái miệng nó trông qua cũng thật kỳ, khi thì méo mó hoặc trễ xuống với cái lưỡi dài ngoằng, đỏ hỏm hòm hom, mỗi khi ngoác miệng cười cùng ai đó. Những đứa nhỏ trong xóm nói với nhau: “Cái lưỡi thằng em ông Út dài quá! Nó dài đến nỗi không biết thật của con người hay không?” Dĩ nhiên những điều này được già trẻ lớn bé thì thào với nhau một cách thầm kín, vì sợ ông Út nghe thấy rồi buồn phiền. Nhưng cái gì ở đời càng xầm xì càng dễ lọt tai. Ông Út vô tình nghe thấy thế cũng mặc. Bởi ông biết người ta sợ thằng Bé là đúng, khi ông thương nó nhiều… mà lắm lúc nhìn lại cũng kinh hoảng nữa là…
“Con người vốn có số!” Ông Út thường hay nói như vậy, khi phải cưu mang đứa em tàn tật, tách biệt với người làng. Nó có cái số khổ, còn ông khổ phải đeo mang giọt máu nhưng không nỡ bỏ đi…
Thịt ăn không có. Thực phẩm chính trong nhà là cá ngoài đồng. Điều này đôi khi làm ông Út yên tâm hơn. Dù sao cá ngoài đồng cũng nhiều vô số. Chỉ vài mươi cần câu cắm vội đã có cái ăn. Nhưng thằng Bé khó ăn lắm! Nó sinh ra trong nhà tá điền lại giống như sống với nhà giàu không bằng. Cơm ăn ba hột. Cá mắm sơ sài không làm cho nó hài lòng. Có hôm bận việc, vừa kho vội nồi cá ông đã bỏ đi sau khi múc ra tô mấy khúc cho thằng em. Khi xong việc trở về mới thấy nồi cá chưa chín tới, mùi còn tanh lợm. Ấy thế mà thằng Bé đã ăn hết sạch tô cá để phần.
Nhìn ánh mắt nó, ông Út kinh ngạc. Xem ra cu cậu thích ăn món bở ra trò. Thông thường ông kho cá rất ngon nhưng không thể làm đứa em vừa miệng. Nó ăn ít lắm mà vẫn lớn nhanh. Chỉ phải cái không chịu đi đứng như người ta thôi. Nó càng lớn, người càng hôi ra với cái mùi gà vịt phảng phất đâu đó. Nhưng nó có mùi gà vịt trong khi nhà lại chẳng con gà, con vịt sống được bao lâu với cái họa cáo bầy và lũ trộm ngày. Hàng xóm cũng than vãn mất gà, mất vịt liên miên mà không hiểu nguyên do.
Điều này ông Út cũng thấy. Bởi lúc trước, gà vịt hàng xóm cũng qua đây, nhưng mỗi năm một vắng. Sau đó thì mất tiệt… Như vậy do lũ cáo quá lộng hành hay là bọn trộm, ngày một tinh ma quỷ quyệt cũng không biết? Tai họa là họa tai chung! Nhưng những lời nói thì thầm lọt tai càng lúc càng khó nghe hơn. Người già, trẻ nhỏ nói rằng: khu vườn nhà ông có ma… Con ma này chuyên ăn thịt sống nên không con gà, con vịt nào sống được trong khu vườn ấy…
Ông Út không bận tâm đến lời nói vu vơ. Ngày ra đồng đến tối mịt mới về. Buổi sáng lại vội vã thổi cơm, rồi chia ra hai phần: Một đem theo bên mình. Một cho đứa em tật nguyền. Như vậy ông chỉ còn buổi tối tương đối thảnh thơi, khi bên chén trà, lúc vài chung rượu nhỏ. Sau đó lăn ra ngủ, chờ trời sáng…
Giấc ngủ nhà nông nặng nề là vậy mà lũ chuột trong nhà lại trở chứng, lộng hành nhiều ra. Lúc rày trong lơ thơ giấc ngủ, ông nghe bọn chúng lục lạo nồi niêu đến khó chịu. Sáng ra, những con cá lóc phơi vừa một nắng, đã biến mất không thấy tăm hơi. Chuột gì như quỷ như ma? Chúng chuyên ăn cá sống, còn khô phơi tới nắng không đụng đến bao giờ…
Lâu ngày mất của cũng xót. Nhiều đêm ông Út cố canh, tìm hiểu xem mặt mũi lũ chuột ra sao. Như hiểu được ý định của ông, bọn chúng trở nên im hơi lặng tiếng như chưa từng có mặt bao giờ. Ấy vậy mà khi quá mỏi mệt, vừa chợp mắt một chút chúng đã đại náo nồi niêu. Có hôm trăng sáng soi vào kẽ hở vách phên bên đầu hè, căn phòng lờ mờ sáng. Lơ mơ giấc ngủ, ông Út như thấy một dải lụa màu đỏ phất phới trong gian nhà trống. Cái dải lụa mờ mờ ảo ảo đó, thoắt ẩn thoắt hiện, rồi chợt biến mất lúc ông mở choàng mắt ra. Nhiều lần như vậy lắm, nhưng ông vẫn cho mình mơ ngủ nên nhìn gà hóa cuốc đó thôi…
Một ngày, nhà bên có giỗ, ông Út được mời sang ăn chén cơm kỵ. Hôm ấy ông uống hơi nhiều nên say túy lúy. Vừa về đến nhà ông liền ngã ra vạc giường ngủ ngay. Cái giường rộng một mét sáu, bao giờ cũng đủ chỗ cho hai anh em. Giữa khuya ông Út chợt tỉnh khi thấy bên má nhồn nhột. Có cái gì đó mềm mại như lụa ướt, cứ vuốt ve lên khuôn mặt ông. Trong cơn say ngà ngật, ông Út cứ tưởng con Lu dở chứng nhảy lên giường liếm mặt mình. Nhưng mở mắt ra nhìn kỹ, ông nhận thấy chính cái dải lụa đỏ thường ám ảnh từng đêm đang múa may, uốn lượn.
Cái dải lụa đỏ bằng ba ngón tay cứ phất phơ, phơ phất… chơi đùa, bỡn cợt với gương mặt người say… Ông Út muốn đưa tay túm lấy nó, nhưng bàn tay không sao theo ý được. Tay người say có bao giờ tuân theo ý chủ, lại trong lúc vừa tỉnh cơn ngái ngủ. Tiếng động làm cái dải lụa chợt biến mất như được ai kéo vào một nơi tối, gần lắm… Hình như nó ở ngay cạnh nơi ông nằm… Nơi thằng Bé đang im lặng nhìn ông… Ông Út nhìn nó như không hiểu. Cái thằng, sao giờ này vẫn không ngủ, cứ mở mắt trừng trừng nhìn ông thế kia! Mà sao mắt nó xanh lè như thế… Không! Không phải màu xanh. Trong đó còn ánh lửa chập chờn của hai viên bi đỏ rực…
Nhìn nó ông Út chợt hoảng kinh hét lớn:
– Mày làm gì đó hở Bé!?…
Trong đêm khuya, tiếng quát ông chắc vang dội lắm. Nó làm thằng Bé giật nảy mình với sự biến đổi đột ngột gương mặt. Ánh mắt nó không còn lấp lánh thứ ánh sáng kỳ dị ban đầu. Cái môi nó lại trễ xuống giống sự cố hữu lâu nay, nhưng sắc mặt ra chiều tiếc rẻ, như vừa vuột mất một thú vui trẻ nhỏ…
“Không ổn rồi! Thằng em này có cái gì khác lắm. Tựa như đến từ nơi u tối, con người không sao biết được”… Ông Út nghĩ vậy nên thao thức mãi đến lúc gà gáy sáng…
… Hôm nay, sau buổi nhổ mạ, ông Út đi thẳng sang nhà người anh ở xóm bên. Hai anh em vốn bà con chú bác nên thân nhau từ bé, không phải giấu nhau chuyện gì…
– Anh Tám à! Sao tui lo quá. Thằng Bé ở nhà ngày một biến đổi chẳng biết ra… gì nữa. Biết sau này tui kham nổi không…
Ông buồn rầu nói với anh mình.
Ông già Tám nhìn người em ra chiều thương cảm, xen nỗi lo âu. Ông đã nghe nhiều việc về đứa cháu hơn người em, lại không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào cho xuôi chèo mát mái.
– Tôi biết chú khổ vì nó… Nhưng biết làm sao hơn! Dù sao, nó cũng là máu mủ ruột thịt của mình…
Nói đến đây ông ngập ngừng, rồi lặng thinh.
Ông Út đem những chuyện khác lạ xảy ra lâu nay nói với người anh. Ông Tám ngồi lắng nghe rồi khuyên người em một câu:
– Chú muốn làm gì cũng phải biết cặn kẽ nguồn cơn. Tôi nghe nhiều việc kinh sợ quanh thằng Bé, nhưng vẫn bán tín bán nghi. Lắm lúc tôi định nói, lại sợ chú buồn… Chỉ có hai anh em, chú cứ mãi ngoài đồng đâu biết được việc nhà… Muốn biết sinh hoạt thằng Bé, phải lén lút rình mới hiểu được.
Sau câu nói đó, ông già đi vội vào nhà lấy ra con gà đã bị buộc chân, đưa cho ông Út.
– Mặt chú xanh xao quá! Đem con gà này về nấu cháo đậu xanh ăn. Tôi có thể giúp chú thế này thôi…
Ông Út về mới được nửa đường thì trời đổ mưa. Mưa lớn lắm! Sấm chớp chằng chịt khắp chân trời. Đoạn đường trở nên trơn trợt trong ánh sáng lóa mắt của tia lửa trời. Đến nhà, ông Út vội vã bỏ con gà vào chuồng, rồi băng ngay ra đồng. “Không khéo mạ trôi hết mất!” Ông nghĩ vậy nên chạy mỗi lúc càng nhanh. Còn cách chân đồng khoảng mươi bước chân ông Út chợt khựng lại. Chẳng phải ông đuối sức, chỉ là không muốn bước tiếp khi nhớ đến câu nói của người anh. “Phải rình xem thôi. Coi thằng Bé làm gì mỗi khi ông ra đồng”…
… Cánh cửa nhà sau lờ mờ hiện ra trong cơn mưa lẫn ánh chớp. Con Lu không chạy ra mừng như mọi khi. Không biết nó chạy theo con chó hàng xóm nào rồi nữa! Cánh cửa ông làm để ngăn cản bầy cáo tới chuồng gà chỉ cách mươi bước chân ông Út đã nghe tiếng la oang oác.“Lại là lũ cáo khốn kiếp”. Ông Út cầm lấy cây, đẩy cửa xông vào. Cánh cửa với cối bản lề xoay đi trong tiếng kêu cót két thì trước mắt ông hiện ra ra cái dải lụa quỷ quái đêm nào. Khác hơn là nó dài lắm và đỏ ửng màu máu trong ánh chớp lòe sáng. Vừa nghe tiếng động, cái dải lụa rụt lại phía nhà trước rất nhanh. Chỉ thoáng cái đã mất tăm, mất tích. Ông Út nhìn vào chuồng gà chỉ thấy một nhúm lông đỏ máu nằm đó. Bước nhanh đến bên giường, ông nhìn gương mặt thằng Bé đang ngủ, nhưng điều lạ là khóe miệng nó dính chút ít máu…
“Không phải cáo ăn mất gà!” Gà chết vì cái dải lụa đỏ ấy thôi. Nhưng cái dải lụa ấy là gì? Sao miệng thằng Bé vấy máu trong giấc ngủ!?…
Sau cái đêm ấy, ông Út bắt đầu để ý nhiều việc kỳ lạ xảy ra trong nhà. Những nông dân đồng nội đi nhổ mạ, cấy lúa, bị đỉa cắn chảy máu là bình thường. Những người khác bị đỉa cắn một ngày đã khô mặt, qua ngày thứ hai kể như hết hẳn. Thế nhưng vết đỉa nơi chân ông Út không khỏi, lại lầy nhầy những nước vàng và bưng mủ. Đôi khi kéo dài cả tuần hay một tháng vẫn không lành. Cuối cùng hết cách đành phải bó thuốc mới xong. “Có khi nào do cái dải lụa ấy mà ra…!” Ông Út vội xua ngay ý nghĩ trong đầu vì cho rằng thật kỳ quái… Nhưng… cuối cùng nó là cái gì mới được cơ chứ? Thế là ông nung nấu kế hoạch làm cho minh bạch mọi việc…
… Tháng giêng đồng khô cỏ cháy. Mùa này đã đong lúa ruộng xong nên mọi người thi nhau ra đồng săn chuột, bắt chim. Ông Út bắt được nhiều chim đem về nướng lên thơm phưng phức. Thế mà thằng Bé không ăn. Dạo này nó gầy đi trông thấy. Nhìn nó ông thấy xót xa, bởi biết câu máu chảy ruột mềm…
Buổi chiều, nhà bên có người giết lợn, đem biếu ông cân thịt. Ông vứt miếng thịt lên cái xịa treo nơi giàn bếp, rồi tất tả đi cắm giạc câu cho kịp buổi tối. Đi được ba bốn liếp vườn, ông chợt nhớ đến cái dải lụa màu đỏ nên quay trở lại…
Cánh cửa với cái bản lề cối xay luôn kêu cót két ông Út đã cho chút bùn non vào. Nhờ điều này lúc đẩy cửa không gây ra tiếng động nào. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, ông Út trông thấy cái dải lụa đang múa lượn trong căn bếp. Trông nó như một vật đang mải vui chơi đắc ý, nên không biết sự xuất hiện của người lạ…
Thận trọng… Khẽ khàng… Từng bước… Từng bước… Ông Út tiến đến gần chiếc dải lụa… Trời đêm tháng giêng sao sáng vằng vặc. Ánh sáng hội tụ các vì sao xuyên qua mái nhà thủng lỗ chỗ, soi vào căn bếp lặng ngắt như tờ… Đôi mắt ông Út mở to hết cỡ để nhìn vào vật kỳ lạ ấy. Thứ mà bao đêm ám ảnh ông trong giấc ngủ. Nguyên nhân gây ra cái chết của gà và vịt. Còn nữa, đã năm năm ông không nếm được thịt cũng bởi vì nó!… Căm tức… Uất hận… Cuồng nộ… Tất cả đều tại chiếc dải lụa quái ác kia…
Bỗng nhiên ông sững người lại… Người ông lạnh ngắt như vừa ngâm rất lâu trong nước. Cái dải lụa trông như lưỡi người, với những tua vị giác nhỏ li ti nhô lên từ thân. Những sợi nhỏ run rẩy, uốn lượn, cào cấu vào miếng thịt để trên giàn bếp. Sau lại mất hút về phía nhà trước, rồi lại xuất hiện ngay sau đó… Động tác được lặp đi lặp lại với tiếng “chem chép” đều đặn của đứa trẻ đang ngon ăn… Đầu ông Út quay cuồng với bao ý nghĩ: “Lưỡi người ư? Không thể nào! Lưỡi người không thể dài như thế? Nếu đứng trong khuôn bếp để ước lượng, vật đó có trên ba mét, chưa kể nơi phát xuất…” Nhưng rõ ràng nó là cái lưỡi chứ không phải dải lụa… Cái lưỡi ấy đang liếm láp khối thịt còn đỏ ối nằm kia. Và mỗi lần như vậy khối thịt lại vơi đi trước mắt ông…
Ông Út chợt nhớ tới lời đồn đại đâm hoảng hốt. Lưỡi ông cứng lại trong khi “dải lụa đỏ” đang tưng bừng múa lượn trước khối thịt. Bàn tay run rẩy của ông Út lần mò trong bóng tối, lần tìm một vật gì đó. Bất cứ thứ gì vào tay lúc này cũng tăng thêm sự can đảm cho con người đang bị sự sợ hãi nuốt chửng. Trong bếp trống không. Không có bất cứ thứ gì trong tầm tay ông có thể với tới. Bàn tay run bần bật bỗng chạm vào nơi âm ấm. Đó là cái mẽ lửa nướng chim buổi xế chiều. Cái ấm tro than không làm ông Út bớt run, ngược lại còn tăng thêm nỗi tuyệt vọng. Bỏ chạy cũng không! Vì trong nhà còn thằng Bé… Thế rồi ông lao vào ghì chặt cái dải lụa gớm ghiếc. Cái lưỡi quỷ dữ đã sống nhờ vào số thịt trong nhà ông…
Cái lưỡi ác quỷ vùng vẫy hung hãn với sức mạnh kinh kiếp. Thân nó trơn tuột, đầy rẫy nhớt nên càng khó nắm được. Ông Út bị xô ngã vào cái mẽ lửa đầy tro nóng. Bất kể như thế nào ông nhất quyết không buông. Một ý nghĩ vụt hiện ra vào lúc nguy kịch, ông hốt vội nắm tro rồi siết mỗi lúc thêm chặt cái dải lụa đang trong cơn điên cuồng. Trong buồng tiếng ú ớ thằng Bé xen lẫn tiếng tru ghê rợn của con Lu. Tiếng tru con chó như đứt đoạn, run rẩy và sợ hãi. Ông Út mặc kệ tất cả. Bởi vì giờ đây ông đang tóm được cái lưỡi bằng đôi tay đầy tro than. Nhưng… nó khỏe lắm… Nó xô nam, xô bắc, rồi kéo tuột ông vào buồng ngủ. Thằng Bé càng ú ớ, khục khặc, tay chân múa lung tung trên giường. Ánh sáng ngàn sao chiếu qua tấm mê mục nát bên hiên nhà, soi lên gương mặt thằng Bé.
Ông Út vừa thấy nó đã kinh khiếp hét lên. Trời ơi! Nó không còn là đứa em. Nó là quỷ dữ với chiếc lưỡi dài ngoằng gớm ghiếc, đang cố quấn chặt lấy anh mình. Cái lưỡi lúc đầu đang cố rụt lại, bây giờ lại vươn ra phía trước, quấn mấy vòng quanh cổ ông Út. Đầu lưỡi chứa đầy nhớt dãi, ram rám, sờ soạng lên khuôn mặt ông. Kinh hoảng vì những điều xảy ra, ông Út vớ lấy cái phảng nơi đầu giường rồi vung lên…
*****
Tiếng mõ và thanh la vang lên inh ỏi trong đêm vắng. Người làng ven con xẻo cạnh nhà ông Út nháo nhào la hét gọi chữa cháy. Ngọn lửa hung tợn trong mùa khô bốc cao bừng bừng, soi sáng cả vùng quê yên tĩnh. Khi người ta chạy tới, căn nhà ông Út đã cháy rụi trong chốc lát. Những người trẻ tuổi dùng tàu dừa dập lửa để tìm người xấu số, nhưng chẳng thấy gì ngoài cái phảng và mấy mảnh vỡ bát sành. Người ta bàn tán xôn xao, không biết người trong nhà đã chạy thoát hay bị thiêu trụi ra tro…
Mãi về sau, cũng không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra cho hai anh em xấu số. Trong số những nghi vấn chỉ một người bao giờ cũng lặng yên. Đó chính là ông Tám già ở làng bên. Ông ta nín lặng chứ không phải chẳng biết gì. Và càng không nên trách phiền về sự kiệm lời của ông già sắp gần đất xa trời… Bởi vì, nếu ngày nào đó ông không nói ra sự thật, thì… làm sao có câu chuyện hãi hùng này…