Ảnh: Ye Jinghan/Unsplash

Tiếng cửa đóng sập lại, tiếng then cài, rồi tiếng khóa tra vào ổ… Tôi sợ điếng người! Thế là… tôi đã thật sự bị tống vào tù! Đèn vừa bật sáng choang trong phòng giam, dường như tất cả bọn họ đều ngồi bật dậy trong mùng, tò mò nhìn chằm chằm vào chúng tôi – mười nữ tù mới toe –  can tội “vượt biên trái phép”. Chúng tôi tả tơi vì ăn ngủ bụi đời trên đường trốn chạy và cả ngày nay bị đuổi bắt trên sông, bị phơi héo trên chiếc ghe neo ở Bắc Cổ Chiên, rồi bị đưa vào Khám lớn Vĩnh Long.

Mão, chị “tù trưởng”, khám xét chúng tôi và phân chia chỗ ngủ. Là tù mới nên khố rách áo ôm, không mùng, không chiếu, “người ngợm” lại lấm láp, dơ dáy. Tôi được cho ngủ chung mùng với hai mẹ con Kim Lanh. Mệt nhoài, tôi chui vào mùng, Lanh đưa cho tôi ly nước, tôi gật đầu, cám ơn và uống hết. Tôi nhìn thấy một thằng bé tí con đang ngủ say bên cạnh mẹ. Tôi khe khẽ nằm xuống và thắc mắc tại sao trong tù lại có con nít?… Mệt mỏi tôi ngủ thiếp đi và đèn cũng vừa tắt…

Cái ly nước sông mà Lanh đưa tôi uống đã làm cho “Tào Tháo” rượt tôi chạy có cờ mệt đừ gần cả tuần. May là tôi không bị lấy hết tiền nên còn chút để gởi ra ngoài mua thuốc đánh lại “Tào Tháo”. Sau một tuần, tôi xơ xác, vốn gầy sẵn, bây giờ còn tong teo hơn. Sáng nào tôi cũng báo một phần cháo trắng cho người bịnh để có được một ly nước đun sôi, và sống chết tôi cũng chỉ dám uống ly nước đó mà thôi. Lanh đã chỉ cho tôi khai như vậy, vì cháo sẽ để dành ăn sáng, buổi trưa và chiều thì chia phần cơm với mẹ con nàng. Tôi quá đuối sức nên không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện “buồn vui đời tù” nữa, nhưng lúc gia đình tôi gởi đồ thăm nuôi, tôi lấy lại “phong độ” và mạnh mẽ hơn để sống còn! Tôi bắt đầu để ý đến những người tù quanh tôi, nhất là thằng bé Khôi, con trai của Kim Lanh.

Trong khám, cứ mỗi thứ Năm là tù được cử ra một người đi chợ, nấu món ăn cho những người tù trong phòng theo ý muốn (nếu có tiền riêng). Tôi mệt lả sau khi bị ly nước sông “rượt” nên tôi thèm ăn súp khoai tây và carot nấu với chút thịt nạc. Tôi đặt món đó và chị Thanh (cũng là tù nhân) đi chợ mua về, tôi tự cắt rửa rau củ và thịt rồi để sẵn sàng, sau đó chị Thanh mang xuống nhà bếp nấu. Bé Khôi nhìn củ khoai và carot hỏi mẹ nó: “Cái này là cái gì dzậy?” Tôi hết sức ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì mẹ nó nói: “Từ nhỏ tới giờ nó chưa thấy, chưa ăn đó!”. Hôm đó, tôi và bé Khôi ăn món súp mà chưa bao giờ tôi thấy ngon như vậy!

Sau hơn một tuần, tôi đã khỏe và thế là phải “lao động mới vinh quang”. Mỗi ngày, mỗi người tù phải đánh những sợi lác dài lắm, tôi không nhớ bao nhiêu mét, nhưng đủ để cuộn lại thành một tấm thảm lớn. Tôi ít lao động nên không lấy gì làm “vinh quang”. Tôi phải nhờ người khác “cứu bồ” mới đánh được đủ tiêu chuẩn của sợi lác. Rồi tôi phải thân thiện, biết điều, “điếu đóm” người giúp tôi – “Lệ Đá” – biệt danh của một người đàn bà cao lớn như đàn ông, mặt đầy mụn, và ăn to nói lớn nhất trong phòng. Vài hôm sau, Lệ thì thầm: “Đừng thân với mẹ con con Lanh, nó là vợ của tên Kha, chuyên cướp của giết người nổi tiếng ở Vĩnh Long đó biết hôn?”. Tôi nghe xong muốn rụng rời tay chân, và sau đó đám bạn vượt biên của tôi cũng thì thầm bên tai tôi những “tội” của đám tù hình sự này. Tôi không ngủ được và bắt đầu thấy đau khổ lẫn sợ hãi.

Lần đầu tiên trong đời, tôi bị xa cái “tháp ngà” mà ba má tôi đã xây, và phải sống chung với những người mà xưa nay vẫn bị gọi là “hạng cùng đinh xã hội”… Nào là bà Hai giết con nít vì muốn lấy đôi khoen tai vàng; Mười Dao ngoại tình rồi chém chồng cho tới chết; Mười Búa cùng chồng đi ăn cướp; Sáu Lủng giết bạn vì mớ thuốc Tây giả, và còn nhiều nữa…! Nhưng người mà tôi quan tâm, thương mến nhất vẫn là thằng bé Khôi, một đứa bé thơ vô tội lại bị tống giam vào tù chung với mẹ.

Lâu dần nên thân hơn, tôi ăn ngủ và chia sẻ mọi thứ với bé Khôi. Mẹ nó cũng vui vẻ và thấy ủi an vì lâu nay hai mẹ con không có ai thăm nuôi. Kim Lanh tuy là cô gái quê miền Tây nhưng rất trắng trẻo và thon thả. Nàng có đôi mắt nũng nịu màu hạt dẻ, nhìn rất đa tình, lãng mạn, kèm với cái mũi tí hin xinh xinh. Thoáng nhìn thì nàng như một thục nữ hiền lành, nhưng khi mở miệng với đôi môi cong vẩu và nhất là khi cười hai khóe môi vểnh lên thì sẽ thấy nét tướng lộ ra nàng là người khôn lanh, ranh mãnh chứ không thể nào hiền thục.

Nhờ tôi gần gũi với mẹ con Lanh nên nàng cũng hay thủ thỉ với tôi chuyện “thâm cung bí sử” của nàng. Lanh sinh ra và lớn lên ở thành chứ không phải ở “miệt vườn”. Bà má có sạp vải ở chợ và cha đi buôn vải hàng chuyến về bán lẻ lẫn bỏ mối. Nàng là con út trong gia đình có hai anh trai và bà chị lớn. Vừa học xong trung học thì nàng “giao duyên” cùng Kha, một tên du thử du thực con nhà đâm thuê, chém mướn ở chợ. Kha cao lớn, đẹp trai và có nét ngang tàng của một tên côn đồ “đội đá, vá trời”. Đó lại là cái mà khiến Lanh đem lòng si mê. Cả nhà can ngăn Lanh không được. Nàng bỏ trốn, sống rày đây mai đó trên chiếc ghe, trôi dạt bên dòng Cửu Long với người tình và… cùng nhau đi ăn cướp.

Một đêm kia, Kha lọt vào nhà cán bộ xã, Thành – người biết Kha từ nhỏ. Vợ Thành kể lại, đêm đó, bà chợt thức giấc và nghe chồng nói với giọng van xin, nài nỉ: “Kha, mày muốn lấy gì thì lấy, mày tha cho tao vì con tao mới sanh”. Bà hoảng hốt biết là tên cướp khét tiếng đã đến thăm. Bà bò nhẹ nhàng, luồn ra ngõ sau và chạy nhanh đi cầu cứu, nhưng rồi nghe tiếng đùng! đùng! Hai phát súng! Bà lặng người vì biết chồng đã bị bắn. Sau vụ giết cán bộ xã, Kha bị săn lùng ráo riết hơn, nhưng không ai thấy được tung tích hắn và những vụ cướp của, giết người vẫn xảy ra ở quanh thị xã. Mọi người dân trong, ngoài xã đều lo sợ.

Kha có một tay đàn em rất trung thành nhưng không ai biết đến. Lực, người nhỏ thó, nhút nhát, chuyên làm những việc quét dọn vặt vãnh ở chợ để kiếm tiền. Đó cũng là một cái “nghề” để che mắt thế gian khi đi nghe ngóng những chuyện “trong nhà, ngoài phố” mà không ai để ý. Lực chuyền cho Kha những tin tức sốt dẻo, những nơi nào có tiền, vừa vô mánh, hay trúng vụ mùa lớn… Kha vừa cướp của giết người xong là Lanh chèo ghe biến mất một cách tài tình trên sông nước. Nhưng khi hai người sinh thằng cu Khôi, có thể vì tiếng khóc của trẻ thơ nên bị lộ. Thêm vào đó, Lực đột nhiên đi chợ mua quần áo cho trẻ sơ sinh, khiến có người thắc mắc và theo dõi. Rồi có người báo công an là thấy ghe của Kha ở ven sông.

Đêm đó, gió hiu hiu trên khúc sông vắng, cả đội trinh sát với đầy đủ súng ống, lặng lẽ theo dõi một chiếc ghe, rồi đột nhiên mái ghe bị hất tung lên. Kha đang đê mê trong cơn mây mưa nên mới rình được hắn… Tuy trên người không một mảnh quần áo nhưng Kha cũng nhanh tay quơ cái mái chèo đánh té hai công an vừa xông lên ghe rồi bơi nhanh qua sông. Sau cuộc rượt đuổi và săn lùng mấy ngày đêm, Kha bị bắt ở Cù Lao Nai và giải giao về Khám lớn Vĩnh Long – nơi vợ cùng đứa con sơ sinh chưa đầy tháng tuổi đang bị nhốt.

Ba năm trôi qua, bé Khôi lớn lên trong lao tù. Ngày kia, khi nó bị bịnh nặng, Lanh được phép bế nó đi bịnh viện. Đó là lần đầu tiên trong đời, thằng bé được bước ra nhìn thấy cuộc sống xã hội ngoài căn phòng giam. Nó thét lên khi người cán bộ (đàn ông) đến sờ trán. Nó dúm dó người lại và ôm chặt lấy mẹ khi thấy đường phố, xe cộ, và người ta qua lại. Khi bác sĩ đặt ống nghe vào người, nó điên cuồng dãy dụa vì không hiểu họ muốn làm gì nó. Nó sợ hãi nhìn mọi người, mọi vật chung quanh như nhìn những “quái vật từ hành tinh” nào khác…

Nghe câu chuyện bé Khôi, tôi chạnh lòng nhớ lại câu chuyện kinh điển mà dường như “nhóc tì” nào cũng biết: “Cậu Bé Rừng Xanh” Mô-Li (Mowgli), lớn lên giữa bầy sói và làm bạn với chú Gấu đen Ba-Lu (Baloo) và Ông Beo Ba-Gia-Ra (Bagheera). Nhưng một ngày kia, Mô-Li lại theo chân một cô gái nhỏ đi vào khu làng và sống vui vẻ, hạnh phúc, không lo âu, phiền muộn. Nó sống thật vui với tuổi thơ của nó, với xã hội cùng loài với nó. Tôi yêu thích huyền thoại này vì một cậu bé ngây thơ, vô tội, sống bơ vơ nơi rừng xanh lại chiếm được lòng thương cảm, yêu mến của những “chúa tể ” của rừng, và được che chở, bảo vệ dưới cặp mắt ganh tỵ của những kẻ thù đeo đuổi muốn sát hại nó.

Còn thằng bé Khôi, nó sinh ra và lớn lên giữa xã hội cùng loài nhưng lại bị hất hủi, xa lánh và nhất là giam hãm trong căn phòng với bốn bức tường. Ngày, đêm, ăn, ngủ theo giờ giấc quy định, chưa từng gặp đứa bạn nào cùng lứa để cùng chơi đùa với những trò chơi tuổi thơ. Thê thảm hơn nữa là suốt ba năm nó ăn cơm tù, không có thăm nuôi. Thật ra, cũng tội cho những người tù hình sự ở đây, thỉnh thoảng mới có người được thăm nuôi, người thân chỉ gởi cho nải chuối hay chút mắm thì làm sao họ có thể chia sẻ cho ai trong khi chính mình cũng đói khổ?

Thời gian trôi qua, tôi ở tù được hơn hai tháng, cũng đủ để thấy và nghe những câu chuyện đời đau khổ lẫn “gớm ghê” của những người tù. Hôm đó, cán bộ gọi tên tôi, và khi vào văn phòng thì được biết tôi có lệnh tha. Gia đình tôi đã cố chạy chọt và tôi được tự do. Tôi mừng run lên, trở về phòng giam thay nhanh bộ đồ “vía”, chỉ mang theo tí tiền, phần còn lại tôi dúi lẹ vào tay thằng bé Khôi và phóng ra cửa. Mẹ con Kim Lanh “thừa hưởng” tất cả những gì tôi để lại, như một kỷ niệm nho nhỏ trong những ngày tù tội.

Theo tin những người bạn tù còn ở lại thì hai tháng sau đó, Kha ra tòa và bị tuyên án tử hình. Ngày xử án, dân thị xã Vĩnh Long lũ lượt đến xem tướng cướp “Bạch Hải Đường” của miền Tây ra pháp trường xử bắn. Vợ con của Kha lúc đó vẫn còn bị nhốt tù. Tôi không biết khi nào họ mới được tự do. Kim Lanh còn trẻ đẹp, hy vọng cũng có người thương yêu mà lấy làm vợ, và nàng sẽ hoàn lương. Tôi chỉ biết cầu mong hai mẹ con sau này được hưởng một cuộc sống an lành như bao người khác.

Tôi băn khoăn nghĩ đến thằng bé Khôi, mãi như một niềm thương cảm sâu xa với một đứa bé sơ sinh mà sớm vướng vào cảnh giam cầm, khổ ải. Nếu không bị bắt vào tù thì nó cũng phải sống cuộc đời “du mục” không bờ, không bến với người cha, người mẹ đầy tội lỗi! Đằng nào nó cũng khổ. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một thằng bé gầy tong teo vì thiếu ăn, da xanh mướt vì thiếu nắng, luôn sợ hãi vì bị hất hủi, luôn cô đơn vì bị xa lánh, và cái khủng khiếp nhất mà tôi thấy đó là mất tự do! Nó đã bị cách ly ra khỏi xã hội tình người và phải sống trong tù hãm từ khi lọt lòng mẹ…

___________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: