Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”
Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”
Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”
Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường.
Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông. Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”
Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”
Bạn thấy đó, đúng như ông bà ta thường nói “giận quá mất khôn”, hành động trong lúc giận dữ thường mang đến những hậu quả khó lường. Vậy làm sao để có thể kiểm soát được cơn nóng giận của mình, Bạn hãy tự suy ngẫm nhé.
Đa số mọi người đều không nhận ra cơn giận dữ của mình khi họ đang nổi cáu. Sự thật thì giận dữ chỉ là một cảm xúc thứ yếu – kết quả là sự sợ hãi, bối rối của một người khi họ bị bắt nạt, đe dọa hay có những bất ổn từ tâm lý thần kinh. Cơn giận sẽ bột phát hoàn toàn một khi bạn không thể giải quyết những vấn đề tâm lý trên.
Khi nhận định một cách rõ ràng các yếu tố tạo nên sự giận dữ của mình, bạn sẽ thấy rằng vấn đề bắt nguồn từ yếu kém trong cách điều tiết cảm xúc của bạn, chứ không phải lỗi của một ai khác. Biết được điều này đồng nghĩa với việc có thể giải quyết ổn thỏa cơn giận dữ hay không là trách nhiệm của bạn. Việc chịu đựng, chứa chấp cơn giận dữ trong thời gian dài sẽ càng lúc càng khiến bạn trở nên nóng nảy và khó gần hơn.
Cố gắng hít thở sâu
Khi bạn đang ở đỉnh của “núi lửa”, cơn giận dữ trong người bạn đang sôi sục và dâng trào, hãy dành ra ít nhất một khoảng thời gian để cố gắng hít thở sâu. Điều này nghe có vẻ dễ dàng đấy, tuy nhiên, trong lúc giận thì hiếm có ai đủ tỉnh táo để nhớ được cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả này.
Hãy cố gắng dành thời gian để bình tâm và trầm lặng nhằm nghĩ một cách thông suốt về những gì đang diễn ra. Bạn có thể tự đếm nhẩm từ 1 đến 10 như một câu thần chú đơn giản làm tan biến những xung đột đang xảy ra trong tâm trí. Những nhịp thở chậm, đều đặn là cách để các cơ bắp đang căng cứng của bạn có dịp nghỉ ngơi, thư giãn. Dù phương pháp điều hòa hô hấp này có thể không xua tan ngay lập tức, nhưng ít nhất, nó cũng giúp bạn tạm thời kiểm soát sự bực bội của mình.
Hóa giải cơn giận dữ
Hãy học cách giải quyết mọi chuyện trong hòa bình, tránh những xung đột không cần thiết khi cơn giận dữ xảy ra. Hãy nghĩ về nguyên nhân tạo nên sự bực tức của bạn một cách cụ thể, rõ ràng để có hướng xử lí thích hợp nhất.
Lấy ví dụ, khi cấp trên cố tình lơ là, phớt lờ những nỗ lực trong công việc của bạn. Thay vì tranh cãi một trận kịch liệt với anh ấy và kết quả là bị đuổi việc, hãy cố gắng nỗ lực làm việc nhiều hơn nữa. Tất yếu, mọi người xung quanh sẽ nhận thấy những đóng góp hiệu quả nhưng thầm lặng và bị “lãng quên” của bạn. Sớm muộn gì rồi “sếp” cũng sẽ nhận thức được và ghi nhận công sức lao động của bạn một cách thích đáng. Bằng cách này, bạn đã tự tạo cho mình nhiều động lực để hoàn thành công việc tốt hơn thay vì cứ mãi đấu tranh tốn sức với “sếp”.
Cơn giận dữ đôi khi bắt nguồn từ những đố kị, ghen tuông thông thường. Khi cô bạn gái không trả lời cuộc gọi lúc nửa đêm của mình, bạn cảm thấy tự ái cá nhân nổi lên và từ đó, những dấu hiệu rạn nứt cho mối quan hệ yêu thương giữa bạn và nàng dần hình thành. Cách tốt nhất để giải quyết cơn giận dỗi nhất thời này là việc tham khảo ý kiến của một người thứ 3 – một ý kiến hoàn toàn khách quan. Khi trình bày câu chuyện với người thứ 3 này, bạn sẽ có dịp suy xét lại cốt lõi của vấn đề và từ đó sẽ tìm ra những khiếm khuyết tuy nhỏ nhặt nhưng lại dễ gây hiểu lầm không đáng có.
Sẽ là rất khó để bạn có thể điều tiết ngay lập tức cơn giận dữ của mình, nhưng, thay đổi dần dần cách suy nghĩ,ứng xử trong từng tình huống cụ thể là hoàn toàn khả thi. Hãy biết kiềm chế tính nóng nảy, thay đổi quan niệm, tư duy để sống lạc quan, yêu đời hơn, cố gắng tránh xa những tình huống dễ gây căng thẳng, stress….
Một ý kiến tốt nếu bạn có thể thông báo cho mọi người biết kế hoạch thay đổi bản thân của mình. Chắc chắn, bạn sẽ nhận được nhiều sự động viên, khích lệ và cả hỗ trợ của những người xung quanh mình để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Một số địa điểm để bạn có thể giải tỏa bực bội là các phòng tập thể thao, câu lạc bộ giải trí, một bài nhạc thư giãn hay những phút “trút bầu tâm sự” cùng những người bạn thân nhất. Các hoạt động vận động cơ thể rất có ích trong việc làm bốc hơi nguồn năng lượng dư thừa do sự bực bội tạo thành.
Học cách làm giảm bớt cơn giận dữ của mình cũng là yếu tố làm nâng cao tuổi thọ của bạn, đơn giản vì nó giúp tránh khỏi chứng cao huyết áp cùng những căng thẳng của hệ thần kinh. Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn thay vì stress và bực tức vì cơn giận của mình.
Bạn có thể xem việc bộc lộ cơn giận dữ là một cách để thể hiện bản lĩnh của mình, nhưng, đó là một sai lầm vì nó sẽ gây tác động xấu đến những người xung quanh và làm rạn nứt mối quan hệ giữa bạn và họ. Do đó, hãy kiểm soát và kiềm chế tốt cơn giận dữ của mình.
(Theo Vegeranda)