Ca sĩ Hà Trần: Nếu linh hồn có nhiều kiếp sống…

Hà Trần với đêm nhạc đầu tiên mở màn cho chuỗi mini show của cô trong năm 2022 ở Việt Nam, tại Vừng Live Music

Trò chuyện với Hà Trần thời điểm này, với người viết, thú vị hơn trước rất nhiều. Vẫn còn đó cá tính mạnh của một ngôi sao nhưng có cả sự quan sát, chiêm nghiệm và thấu hiểu của một người phụ nữ từng trải, về mọi thứ.

Tháng Ba 2022, Hà Trần về nước ngược xuôi phủ kín show các phòng trà lớn nhỏ. Cô hát như cho thỏa sau một năm tạm xa khán giả trong nước vì đại dịch. Gừng càng già càng… thích hát những đêm nhạc riêng.

Trong chương trình Music Box mới phát hành của Trung tâm Thúy Nga, Hà Trần hát nhạc tình xưa Vũ Thành An. Còn những minishow liên tục ở Việt Nam, Hà Trần thể hiện nhiều thể nhạc khác nhau, từ những bài giúp cô có thêm khán giả trên diện rộng đến những ca khúc “kén tai” chỉ có fan ruột của Hà mới chịu nghe. Sự đa dạng của một giọng hát được đánh giá thông minh và cá tính đã cho Hà Trần tung hoành ngang dọc các sân khấu.

Tùy tính chất mỗi đêm nhạc, mỗi chương trình, cô thỏa sức với các dòng nhạc mình đeo đuổi một cách khéo léo để dung hòa thị hiếu khán giả, mà không mất đi hay phải thỏa hiệp quá nhiều với cá tính vốn có của mình. Nhạc mục trình diễn của Hà luôn có sự chủ động sắp đặt khéo léo, có bài cũ chen bài mới, có ca khúc hit lẫn bài được ưa thích trong cộng đồng fan của Hà; có nhắc lại những bài thời mới nổi tiếng đến khéo léo trình bày dự án mới nhất trong album LP sẽ phát hành cuối năm nay Những con sông ngón tay.

Với những tháng năm sinh sống hải ngoại, việc cọ xát thường xuyên giữa sân khấu trong nước và hải ngoại giúp Hà biết cân bằng hơn. Giọng Hà càng về sau càng dày dặn hơn, cảm xúc hơn, tinh tế hơn mà cũng lắng hơn, dù vẫn đầy ngẫu hứng và có những quãng phiêu rất đẹp. Đó là giọng của người không nhiều thì ít đã chiêm nghiệm được cái sự tĩnh cần thiết của bản thân trong đời sống.

Chỉ cần nhớ lại câu chuyện cũ thời mới nổi tiếng của Hà là đủ thấy. Ngày xưa, có lúc hơn nửa năm trời, Hà nằm nhà vì ế show, do không chịu thỏa hiệp với bầu show. Lúc ấy, hễ bầu show mời là Hà lại kiên quyết đem Nhật thực ra trình diễn. Cái thời mà như Hà kể: “Xưa kia còn ở Sài Gòn, Hà lười đi hát lắm, nhất là ở phòng trà, các mini show. Giờ thì Hà thích những đêm nhạc riêng. Nó có cái cảm xúc của gừng già”. Có lẽ vì vậy mà tôi không ngạc nhiên khi nghe Hà nói: “Ở Mỹ khán giả của Hà có độ tuổi từ 20 đến 90 tuổi (người lớn tuổi nhất mà Hà từng gặp). Ở Việt Nam giờ có các cháu 15, lên sân khấu xin chụp hình gọi cô ngọt sớt. Các bạn nhạc công chơi nhạc cho Hà cũng “cô” khá nhiều”…

_______________________

“Người sao chiêm bao vậy”

Với ca sĩ, đôi khi thời gian và xu hướng nghệ thuật dễ làm khán giả và ca sĩ lạc mất nhau khi họ không cùng chung niềm chia sẻ. Nhưng với Hà, cô chứng kiến sự chuyển giao thế hệ của người yêu nhạc. “Bố mẹ dắt con đi xem, rồi những người trẻ mang cả các cháu nhỏ đến nghe Hà hát để ‘quen với nhạc cô Hà Trần’. Có hạnh phúc hãnh diện nào hơn thế? Ngày xưa còn ở Sài Gòn, Hà lười đi hát lắm, nhất là phòng trà, minishow. Giờ thì thích những đêm nhạc riêng…”.

Fan của Hà cũng khá giống tính cô. Họ không ồn ào hay tranh luận trên các diễn đàn. Hà cũng lười chăm sóc trang cá nhân trên mạng xã hội. Cô chọn cách đứng ngoài thời buổi mà cả thế giới, cả showbiz Việt rất chăm chỉ chăm sóc Fanpage. Hà tình thật tâm sự:

“Fanpage của Hà là nơi kết nối những người yêu nhạc Hà Trần. Họ phần lớn hướng nội và cũng không ồn ào. Hiện tại page Ha Tran Singer vẫn là nơi kết nối tốt giữa người yêu nhạc và Hà. Thôi thì “người sao của chiêm bao làm vậy”, tánh mình không quá ồn ào, chọn những gì phù hợp với mình vẫn hơn là theo trào lưu”…

Năm ngoái, giữa căng thẳng vì đại dịch, Hà cho phát hành MV Mộng như một sự chia sẻ, rằng hãy chọn cho mình cách ngồi thiền, nhìn lại, lắng nghe và thanh lọc bản thân… Dường như Hà đang đeo đuổi thêm một lối rẽ khác, với âm nhạc mang tính chữa lành? Đem thắc mắc này hỏi, tôi được Hà giãi bày:

“Một hướng rẽ về phía “linh hồn”, các đào xới giao thoa xúc cảm và trải nghiệm của linh hồn. Nhiều học thuyết tâm linh và các tôn giáo khác nhau đều đề cập việc những linh hồn được gửi đến Trái đất này để tiếp tục tu luyện và trả-nhận nghiệp-quả. Nếu tin mỗi linh hồn có nhiều kiếp sống thì kiếp này của Hà có lẽ nhận và trả qua âm nhạc. Hà đi theo những ngã rẽ mà tâm mách bảo. Không nghĩ nhiều, không kỳ vọng nhiều, giống như một messenger – truyền thông điệp bằng âm nhạc”.

Ở tuổi 40, không ai còn hoài nghi về con đường mình đã đi và chọn. Hà cũng vậy. Cuộc sống của Hà có từ “nếu” không? Tôi hỏi, Hà đáp ngắn gọn: “Nếu được quay lại tuổi thơ. Quay lại những ngày mẹ còn sống”. Tôi không hỏi tiếp, vì biết rằng, đó là nỗi đau luôn nằm trong một góc trời riêng của cô.

Khác với nhiều ngôi sao, Hà chọn cuộc sống cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, đồng nghĩa với sự tỉnh táo luôn thường trực. Nghệ sĩ thường chọn cô đơn để sáng tạo. Hà cũng không ngoại lệ. Nhưng có phải đây là cách tốt nhất để sáng tạo? Làm thế nào để người thân, bạn bè hiểu, tôn trọng và chấp nhận sự cô đơn của mình? Hà tâm sự: “Con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn” – đó là một câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến, chú của cô.

Nghệ sĩ càng cô đơn hơn vì mẫn cảm, và cần một mình để sáng tác. Người thân và bạn bè đều hi sinh cho mình rất nhiều. Sự chấp nhận và tôn trọng chính là sự hi sinh. Họ yêu mình, cho mình không gian để được sống đúng bản chất, với khát vọng cá nhân, mà khát vọng cá nhân thì ích kỷ lắm. Mỗi nghệ sĩ giống như một nữ tu, như Hà nói phía trên đó, đến thế giới này cho những “nhiệm vụ” cá nhân để mà tu tập qua phương tiện nghệ thuật mà họ có khả năng. Khi tác phẩm của anh ta truyền cảm hứng và cảm xúc chữa lành cho người nhận thì anh ta đang đi đúng con đường cần đi có ích cho cộng đồng – TRẦN THU HÀ

Hà Trần có nhiều năng lượng. Có khi Hà sử dụng nguồn năng lượng “chẳng hợp lý đâu, nhưng về mặt bản chất Hà không phải là người phung phí”. Cách “sạc nguồn” của Hà là thiên nhiên và tĩnh lặng. Hà không thể thiếu một trong hai điều này mỗi ngày. Và như thế, người ta có thể cảm nhận phần nào đó sự tĩnh tại sau những giai điệu trên sân khấu, một khoảng lặng cần thiết không chỉ đối với người nghệ sĩ. Tôi thích nghe Hà đọc thơ, đọc những bài học về thiền, về cuộc sống trong các chương trình radio của thiền sư Thích Minh Niệm.

Ảnh: Lê Minh Hạ; Nhân vật cung cấp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: