Câu chuyện của nhà thơ Dạ Thảo Phương – nạn nhân một vụ hiếp dâm được gây ra bởi Lương Ngọc An, người hiện ngồi ghế Phó Tổng biên tập tờ Văn Nghệ – đang gây sóng gió mạng xã hội trong nước. Tính đến thời điểm này, bài viết trên Facebook cá nhân Dạ Thảo Phương, sau 23 tiếng, đã nhận được hơn 40,000 lượt tương tác; hơn 5,000 bình luận và hơn 8,900 lượt chia sẻ. Đây là một phản ứng dữ dội, với phần đông ủng hộ nạn nhân, chưa từng có trên mạng xã hội Việt Nam đối với một sự kiện liên quan cưỡng hiếp. Lương Ngọc An là ai? Tài năng nhân vật này như thế nào mà có thể từ một anh tài xế trở thành một Phó Tổng biên tập như hiện nay?
Có khá ít thông tin về Lương Ngọc An. Theo nhiều nguồn, nhân vật này sinh ngày 10 Tháng Mười Một 1965, quê Hà Nội. Trong bài viết về việc Lương Ngọc An được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập tờ Văn Nghệ vào Tháng Chín 2021, trang vanvn.vn cho biết, Lương Ngọc An “đã có 30 năm công tác tại Báo Văn Nghệ, từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đã hết sức nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao”. Và trong một bài giới thiệu thơ của Lương Ngọc An, tờ Thanh Niên lược ghi vài hàng về nhân thân nhân vật này:
“Sinh năm 1965, hiện sống tại Hà Nội Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm thơ đã xuất bản: Phác họa – 1993, Trở mình – 1995, Thơ bốn người (in chung) – 2000. Được tặng Giải thưởng thơ báo Tiền phong năm 1993, 1994, Hội Nhà văn Hà Nội năm 1995, tạp chí Sông Hương năm 1996, tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 và Giải thưởng bút ký báo Lao động năm 2002, tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2004”.
Và trong bài viết gần đây nhất, đăng trên tờ Đại Đoàn Kết ngày 24 Tháng Một 2022, tác giả Phùng Văn Khai cho biết, Lương Ngọc An từng là lính xe tăng, bắt đầu vào làm việc tại báo Văn nghệ sau khi giải ngũ (1990) với nghề tài xế; sau đó đương sự học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 (1993-1997) rồi sau đó về làm bộ phận hành chính của tờ Văn nghệ trẻ… Nói tóm lại, nếu không có vụ phanh phui chấn động của nhà thơ Dạ Thảo Phương, chẳng ai biết Lương Ngọc An là “thằng quái” nào. Tên tuổi nhân vật này trên diễn đàn thơ văn Việt Nam gần như không ghi lại dấu vết gì. Nói cách khác, Lương Ngọc An không phải là một “nhà thơ” có tiếng vang nhờ tài năng. Thế mà đương sự vẫn có thể được cất nhắc lên Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Tìm trên Google, tất cả những gì từng được viết về Lương Ngọc An chỉ vọn vẹn ba bài đáng chú ý và tất cả đều viết với giọng điệu vuốt ve nịnh bợ bằng lối hành văn “bốc thơm” rất… nặng mùi. Chẳng hạn trong Những cung đường Lương Ngọc An, tác giả Đào Đức Tuấn viết về Lương Ngọc An với giọng văn “cực kỳ đặc trưng” của “nền báo chí cách mạng Việt Nam” (khi khen ai thì bốc họ lên tận mây xanh và khi vùi dập ai thì ghì đầu họ xuống bùn), với những câu chữ tâng bốc nâng niu khăm khẳm:
“An có giọng đọc thơ mê hồn và một vẻ phong trần… Cái vẻ ngoài bụi bặm và hơi phớt đời của An lại mềm mại và da diết đến nao lòng trong thơ. Ngẫm về bạn, đôi lúc tôi tự nhủ: “Trời phú cho ông này nhiều thứ thật. Dáng vẻ khỏe mạnh và một tâm hồn dạt dào như thế, con gái nào không yêu hắn được chứ… Bút pháp là tài sản riêng của nhà văn. Đổi mới đến đâu thì cũng còn phải xem anh có gì để đổi mới và bắt đầu từ đâu mà đổi mới. Nếu anh là người giàu có thì chẳng cần đổi mới, cứ tự nhiên như anh vốn có thì cũng đã là quá độc đáo và sang trọng rồi…”.
Thú thật là tôi, người viết bài này, đã tìm đọc một số “thi phẩm” của Lương Ngọc An để tìm hiểu “văn tài” của một “nhà thơ” trở thành “viên chức lãnh đạo” và thấy rằng cái gọi là thơ của Lương Ngọc An chẳng có gì “quá độc đáo và sang trọng”. Nó là thứ thơ tuổi học trò. Nó là thứ tán hươu tán vượn thành thơ. Nó là thứ thơ “sang trọng” hơn… thơ con cóc.
Bài thứ hai tán dương Lương Ngọc An là Lương Ngọc An – Nhà thơ ‘thả thính’ siêu ‘dính’. Bài này, tác giả Đào Nguyên viết: “Chưa hỏi anh có bao nhiêu bài thơ tình song cứ xem những gì anh “bắn” trên “nhà ảo” của mình, có thể tạm đoán con số ấy khó mà tính được. Viết cực nhiều thơ tình nhưng không viết vội, viết ẩu. Cho nên, mỗi lần Lương Ngọc An thả thính, chị em “tỉnh” người, hào phóng “bắn tim”...
Tuy nhiên, phải đọc bài Lương Ngọc An: Khúc đời thường văn chương cay mắt sóng mới thấy hết mức độ… bi thảm của cái gọi phê bình văn học Việt Nam và mức độ thô thiển của việc viết về “chân dung văn học”. Nó không phải là vẽ nên chân dung theo cách chúng ta từng đọc những bài của Tạ Tỵ hay Võ Phiến về những nhân vật văn học được miêu tả. Nó chỉ là sự vuốt ve nịnh nọt đặc sệt phong cách tự sướng với nhau, của những kẻ ít học ngồi chung bàn nhậu và khen nhau lấy lòng. Gọi đó là những bài phê bình văn học chẳng khác gì bỉ bôi và sỉ nhục làng phê bình và giới phê bình văn chương.
Trong bài viết trên, với cách dùng từ lổn ngổn như thể ráng… “rặn”, tác giả Phùng Văn Khai viết:
“Tôi thấy ít người ghềnh thác như anh. Có thác ghềnh mới sỏi nấu thành cơm được. Chơi với anh trên ba mươi năm, từ khi tôi nhập học Viết văn Nguyễn Du khóa 6 (1998-2002) đã được gặp, nhất là được nghe thơ anh. Tôi đã thấy sẵn ở đó sự quyết liệt, tự trẫm mình, tìm tai ách trong ngang tàng, ngạo nghễ… Những năm gần đây, Lương Ngọc An đằm tính một cách khác thường. Ngày xưa, lúc nào cũng hăm hở ra đi, đi để tan sông nát bến cũng chỉ vì gương mặt thơ, gương mặt anh em bầu bạn. Nay vẫn còn đó một Lương Ngọc An, nhưng đã trầm hậu và thanh thoát, luôn tìm theo nguồn ngọn để trở về. Phải đâu ngọn núi lửa đã tìm cho mình một khúc du ca riêng tĩnh lặng…”
“Một hôm, khi đoàn nhà văn quân đội vượt đèo Hải Vân (khi đó còn chưa có đường hầm xuyên đèo), tới giữa đỉnh đèo trời nắng như đổ lửa, ai nấy trố mắt dõi nhìn một thanh niên cưỡi chiếc xe phân phối lớn siết ga máy nổ đoành đoành như xe tăng khói tuôn mờ mịt vượt dốc tay áo lên đèo. Có lúc, tưởng chừng dốc đứng cua gấp, nhựa đường nóng chảy lóa nhóa trơn trượt sẽ hất văng cả xe và người xuống vực mà ái ngại, thì đoành đoành đoành, chiếc xe đã đỗ xịch ngay giữa đỉnh đèo. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, vốn người Quảng Bình mắt sáng tiếng vang nói như reo lên: Trời đất! Lương Ngọc An!…”
…………….
Trời ơi, Lương Ngọc An, Lương Ngọc An, Lương Ngọc An!… Cả ba tác giả trên, cũng như tất cả những kẻ tai to mặt lớn trong giới lãnh đạo làng văn nghệ Việt Nam, có biết chuyện “trời ơi” của Lương Ngọc An với nạn nhân Dạ Thảo Phương? Có kẻ nào “mắt sáng tiếng vang nói như reo” từng lên tiếng về vụ án hiếp dâm đồi bại của Lương Ngọc An đối với nhà thơ Dạ Thảo Phương? Ai đã bao che cho Lương Ngọc An? Ai đã có một thời gian dài buộc Dạ Thảo Phương phải giữ kín chuyện này lúc sự kiện xảy ra cách đây hơn 20 năm?
Câu chuyện Lương Ngọc An còn cho thấy một thực tế: Trong mọi hệ thống ở Việt Nam, không phải có tài là được cất nhắc và không phải bất tài thì thành thằng vô dụng. Một thằng vô dụng biết luồn cúi và biết phục vụ hệ thống thì nó luôn trở thành thằng hữu dụng. Và một khi có thể nhìn thấy sự hữu dụng của nó thì phải bảo vệ và che chắn nó. Cái “thiết chế” này ngay từ khi mới “lọt lòng” đã mặc định có “chức năng” như vậy.
Đâu phải chỉ xảy ra trong làng văn nghệ. Nó hiển hiện trong mọi hệ thống trong hệ thống cai trị nói chung. Bi kịch Dạ Thảo Phương không phải là bi kịch cá nhân và chỉ liên quan Lương Ngọc An. Trong tất cả hệ thống ở Việt Nam, còn có vô số Lương Ngọc An bẩn thỉu khác, còn có vô số Lương Ngọc An có thể tiến thân và leo cao từ nghề hoạn lợn, y tá đến tài xế…, khiến cả nước này hàng chục năm qua ngày càng “tan sông nát bến”!
_________