Từ đầu tuần, bầu khí ở chỗ tôi làm việc trở nên lặng lẽ và buồn lạ lùng. Đây là hạn chót để những ai chưa tiêm vaccine Covid phải đưa ra quyết định: Chích ngừa ngay, hoặc phải nghỉ việc – hay dùng chữ nặng hơn là: Bị sa thải.
Anh sĩ quan cảnh sát, một người tôi rất mến và rất biết ơn, những ngày qua không thấy anh ta cười chào vui vẻ như mọi lần được nữa. Nét mặt anh ta trở nên đăm chiêu và lo nghĩ. Râu ria lởm chởm không buồn cạo, khác hẳn trước đây lúc nào cũng ngay ngắn nghiêm chỉnh đúng tác phong police.
Anh ta vào ngành từ tuổi đôi mươi, nay đã 20 năm lăn lộn sinh tử trong nghề. Tôi không được nghe đích thân anh giải thích vì sao không muốn tiêm vaccine. Tôi không dám hỏi. Nhìn anh mà thương quá và buồn quá! Chính anh ta là người tinh mắt nhận ra khả năng và sự siêng năng của tôi trong nghề clean up. Và chính anh ta nhiệt thành đỡ đầu, giới thiệu tôi về làm việc cho thành phố này!
Tôi biết cuộc sống gia đình anh ta, với hai đứa con bé bỏng dễ thương mà có lần anh mở phone ra cho tôi xem hình chụp, sẽ xáo trộn ghê lắm nếu anh chọn nghỉ việc. Dọn đi bang khác ư? Phải đi xa lắm, vì năm tiểu bang lân cận bang tôi đều ra chỉ thị buộc tất cả nhân viên chính phủ phải chích ngừa. Mà người Mỹ mỗi lần muốn “move” cả gia đình đi nơi khác, thường họ phải lên kế hoạch trước hàng năm là ít.
Qua Mỹ 15 năm, đây cũng là lần đầu tiên tôi làm việc chung hàng đêm với một chàng “Mỹ trắng” chính hiệu con nai vàng. Anh chàng này cũng tuổi 40. Nghe cái họ anh ta thôi, cũng đủ biết đây là dòng họ thế giá lâu đời từ châu Âu lận. Ông bà cụ kỵ của anh ta thuộc số ít những người da trắng đầu tiên đến “khai phá” và lập nghiệp ở vùng đất Tây Bắc này, vốn là một trong những nơi cầm cự cuối cùng của các bộ tộc da đỏ.
Anh chàng được cái hay nói, ham kể chuyện. Còn tôi thì 15 năm qua Mỹ, phát âm tiếng Anh dở tệ, ngày càng trở nên “tịnh khẩu”, chỉ có hai lỗ tai thì ngày càng phình to ra. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn khiêm tốn học hỏi, luôn luôn suy ngẫm… vì dù mình có hơn người ta mấy chục tuổi đi nữa, mình vẫn thua người ta vốn liếng di truyền của hàng trăm năm, hàng chục thế hệ sống ở vùng đất này.
Anh chàng đồng nghiệp làm cặp với tôi hàng đêm này cũng nhất định không muốn chích ngừa! Anh ta kể gia tộc anh ta mấy trăm năm nay đều thuộc truyền thống… anti-vax! Không chấp nhận bất cứ một thứ vaccine nào chích vào cơ thể mình! Mấy tuần nay thấy anh chàng đăm chiêu suy nghĩ! “I don’t know what I going to do!“. Hôm qua là hạn chót, vẫn chưa thấy anh chàng quyết định tiêm ngừa Covid hay không!
Số lượng người Mỹ từ chối chích ngừa ở riêng bang tôi thôi, không phải là ít! Riêng lực lượng cảnh sát, số chấp nhận thà bị sa thải cũng lên đến hàng ngàn! Sau cú này, nhiều dịch vụ công cũng như tư sẽ bị thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng!
Chuyện nước Mỹ làm tôi nhớ đến truyền thuyết Tháp Babel trong Kinh Thánh. Loài người thời rất xa xưa đó đã văn minh tiến bộ lắm rồi. Họ quyết định sẽ xây một cái tháp cao lên đến tận trời. Nhưng bỗng đâu ngôn ngữ họ trở nên bất đồng! Họ không thể đồng lòng, không thể cộng tác với nhau được nữa. Không còn ai nghe ai. Không còn ai hiểu ai. Không còn ai tin ai! Cái Tháp Babel thế là trở nên hoang tàn và sụp đổ. Loài người trở thành ly tán. Và tất nhiên, ly tán như vậy nên làm sao họ sống sót được trước sức mạnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và kỳ bí, vượt quá xa trí khôn họ, như trời vượt cao hơn đất! Thế là thêm một nền văn minh – văn minh Babel – bị tuyệt chủng!
Tôi ngậm ngùi nghĩ rằng nước Mỹ cũng đang như thế đó. Và nước Mỹ là một điển hình đậm nét cho nền văn minh nhân loại đầu thiên niên kỷ thứ ba. Nhân loại đang trở nên ngôn ngữ bất đồng. Nhân loại đang trở nên ly tán. Thế nên mỗi cái dịch Covid-19 đã làm toàn thế giới thất điên bát đảo.
Làm sao nhân loại tìm lại được một ngôn ngữ chung, để mà hiểu nhau, thương nhau, cảm thông, đoàn kết, và hòa bình? Tôi không biết câu trả lời vĩ mô! Tôi chỉ có câu trả lời cho riêng tôi, cho công việc nhỏ bé của tôi hàng ngày. Đó là mở lòng ra yêu thương, lắng nghe, cảm thông, và đón nhận vô điều kiện. Và tự trong đáy lòng, tôi bỗng có một niềm tin rằng nước Mỹ rồi cũng sẽ có cách của mình để đi qua mọi thứ – mà đi qua trên căn bản của cảm thông và yêu thương.