Người Mỹ đang ‘quay lưng’ với du lịch, dịch vụ, nhà hàng

Nhiều người phải… suy nghĩ lại khi đi làm đẹp. (Minh họa: Getty Images)

Sau thời gian khởi sắc trở lại “hậu COVID-19,” tình trạng lạm phát đang xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế, là người tiêu dùng Mỹ đang bắt đầu suy nghĩ lại về chi tiêu cho các dịch vụ. Nhiều người ngừng đặt vé máy bay, cắt tóc, xây hồ bơi, sửa nhà,… Những dấu hiệu mới này cho thấy động cơ tiêu dùng của tăng trưởng kinh tế, có thể đang mất dần đi.

Giảm chi tiêu vì cái gì cũng tăng

Cái gì cũng tăng giá, đành du lịch tại chỗ thôi! (Minh họa: Getty Images)

Trong vài tuần qua, một số gia đình cắt giảm những khoản chi tiêu lớn do giá cả tăng cao; nhưng điều đáng lo ngại thể hiện qua các dữ liệu mới, cho thấy nhiều người cũng bắt đầu giảm bớt các khoản chi tiêu rất đỗi bình thường mà họ vừa thụ hưởng trở lại sau thời gian dài phải kiềm chế do đại dịch.

Bị cắt giảm là các kế hoạch đi nghỉ dưỡng, du lịch nhưng thậm chí cả các dịch vụ thông thường như làm móng tay, các cuộc hẹn cắt tóc và dọn dẹp nhà cửa cũng bị cắt. Theo các chủ doanh nghiệp trên khắp đất nước, chính giá cả tăng cao, tiền tiết kiệm giảm và lo ngại về nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng đến các quyết định chi tiêu của từng gia đình.

Ahmet Sim, chủ tiệm làm đẹp Salon Simis ở Fairfax, tiểu bang Virginia, cho biết, những “khách tháng” (mỗi tháng đến một lần) giờ thành “khách năm” (một năm mới lấy hẹn). Khách không còn “phóng khoáng” như trước trong việc làm đẹp. Tiền tip trung bình cũng giảm, từ khoảng 20% xuống còn 10%. Nhiều người cố mặc cả để có giá thấp hơn hoặc chỉ làm một phần thay vì trọn gói.

Sim kể với Washington Post: “Tháng trước, tôi bắt đầu nhận thấy khách hàng rất thích mặc cả. Có người thường trả $500 để vừa nhuộm vừa highlight, nay hỏi tôi làm sao để chi phí bớt đi không. Tôi nói họ là chỉ có thể dùng màu rẻ hoặc giảm bớt các công đoạn như hấp dầu.”

Nhưng chính Sim cũng cảm thấy sức ép của lạm phát. “Hộp găng tay dùng một lần tăng từ $7 lên gần $25 chỉ trong vòng hai năm,” Sim than. “Thuốc nhuộm tóc trước đây có giá $25 nay gần $40. Tiệm tôi tăng giá một lần trong đại dịch, nên tôi lo là nếu tăng lần nữa, nhiều khách hàng sẽ bỏ đi.”

Tại công ty Olentangy Maids ở Columbus, tiểu bang Ohio, ngày càng có nhiều khách hàng hoãn hoặc hủy cuộc hẹn dọn dẹp nhà cửa. “Một số khách cố gắng thương lượng mức giá thấp hơn, trong khi những người khác hủy luôn, không làm nữa,” đồng chủ sở hữu Keith Troyer nói. “Dù đây chưa phải là sự sụt giảm lớn, nhưng đủ để gây ra mối quan tâm.”

Trước Tháng Sáu, hiếm khi xảy ra chuyện như thế. Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Hoa Kỳ, được duy trì rất tốt trong suốt Tháng Tư, ngay cả khi lạm phát ở mức cao lịch sử.

Kết quả là doanh số bán lẻ chậm lại trong Tháng Năm – lần đầu tiên trong năm nay, do doanh số bán xe hơi giảm 4%. Theo dữ liệu từ công ty phân tích Adobe Analytics, lượng đặt vé máy bay đã giảm 2.3% trong Tháng Năm so với tháng trước đó. Còn phân tích mới về dữ liệu thẻ tín dụng của ngân hàng Barclays, cả người Mỹ có thu nhập cao lẫn thu nhập thấp đều đang… trở đầu chi tiêu, đặc biệt là dịch vụ, trong hơn một tháng trở lại đây.

Bảng giá một cây xăng ở ngã tư Bolsa-Magnolia, khu Little Saigon, Tháng Sáu, 2022. (ảnh minh họa: ĐT/SGN)

Người tiêu dùng chưa hết căng thẳng

Những dấu hiệu giảm tốc xuất hiện trên nhiều loại sản phẩm và ngành nghề, như du lịch và nhà hàng, thách thức quan điểm mới đây cho rằng “người Mỹ đơn giản là chuyển chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ”. Quan điểm cho rằng: Sau hai năm không đầu tư nhiều cho xe hơi, đồ nội thất và thiết bị gia dụng, người Mỹ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, ăn uống, làm đẹp, và các dịch vụ khác mà họ không được hưởng trong thời đại dịch. Không! Kỳ vọng đó không còn nữa!

Thực tế cho thấy tăng trưởng trong ngành dịch vụ chậm lại kể từ Tháng Hai, 2021. Kevin Gordon, Giám đốc nghiên cứu đầu tư cấp cao tại Charles Schwab, nhận định: “Chi tiêu hàng hóa chắc chắn suy yếu rồi, nhưng nếu bạn nhìn kỹ, dịch vụ cũng thế. Doanh thu nhà hàng bắt đầu giảm, các chi tiêu liên quan đến du lịch cũng giảm. Sức ép lên vai người tiêu dùng quá lớn, cho dù là do lạm phát hay các yếu tố khác, và dù họ ở nhóm thu nhập nào”.

Các lượt tìm kiếm chuyến bay trên trang đặt chỗ Kayak giảm trung bình 13% trong tháng này so với cùng kỳ 2019 trước đại dịch. Trong khi đó, dữ liệu ăn uống tại nhà hàng của trang web đặt chỗ Open Table cho thấy số người dùng bữa tại các nhà hàng giảm 11% trong tuần kết thúc vào ngày 16 Tháng Sáu, so với cùng tuần năm 2019. Gordon nói: “Trong khi các gia đình thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát, các gia đình khá giả cũng bắt đầu cắt giảm, đặc biệt là khi họ chứng kiến các khoản đầu tư, từ danh mục chứng khoán đến nhà cửa, mất giá dần”.

Tự dọn dẹp ở nhà thay vì thuê người – tình hình của nhiều gia đình tại Mỹ trong thời lạm phát. (Minh họa: Unsplash)

Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy trong Quí 1, 2022, tài sản hộ gia đình giảm lần đầu tiên sau hai năm, phần lớn do tổng giá trị cổ phiếu giảm $3,000 tỷ. Các thị trường tiếp tục đà giảm trong tuần này, với ba chỉ số chứng khoán chính giảm sâu hơn trong năm và chỉ số S&P 500 kết thúc tuần tồi tệ nhất kể từ Tháng Ba, 2020.

Cũng theo dữ liệu của Fed, tính đến ngày 1 Tháng Sáu, người Mỹ nợ tiêu dùng $868 tỷ, tăng gần 16% so với năm ngoái. Sự do dự của người tiêu dùng là hệ quả tất yếu sau nhiều tháng lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm. Lạm phát tăng 8.6% làm tăng chi phí cho nhiều mặt hàng thiết yếu. Giá xăng đang ở mức kỷ lục trên $5 một gallon tính trung bình toàn quốc.

Điểm sáng của nền kinh tế vẫn là thị trường việc làm đang mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3.6%. Nhu cầu đối với người lao động gần đạt mức cao kỷ lục trong Tháng Tư, với số lượng việc làm cao gấp đôi so với người tìm việc. Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp hàng tuần gần đây nhích lên một chút, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với lúc dịch bùng phát.

Bất chấp những bảo đảm của Fed, các doanh nghiệp và hộ gia đình ngày càng lo lắng về tình trạng của nền kinh tế cũng như tài chính cá nhân. Thực tế, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh trong Tháng Sáu xuống mức thấp kỷ lục, theo Đại học Michigan.

Chẳng ai tin Fed có thể giải quyết lạm phát. Douglas Duncan, nhà kinh tế trưởng của công ty cho vay thế chấp khổng lồ Fannie Mae, nhận định: “Người tiêu dùng sẽ trở nên căng thẳng hơn trong năm tới. Chúng tôi nhận thấy điều đó qua việc giảm doanh số bán lẻ và việc sử dụng thẻ tín dụng tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng mọi thứ không sụp đổ ngay lập tức mà sẽ từ từ.”

Đọc thêm:

-Mỹ: Lạm phát lên 8.5% cao nhất trong 40 năm

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: