TCPV hạn chế quyền cắt giảm khí thải của chính phủ

Các nhà hoạt động môi trường biểu tình trước Thurgood Marshall US Courthouse ở New York chiều 30 tháng Sáu 2022 phản đối phán quyết của TCPV Hoa Kỳ hạn chế thẩm quyền của cơ quan bảo vệ môi trường EPA ban hành các quy định hạn chế khí thải của các nhà máy điện than. Ảnh Spencer Platt/Getty Images

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (TCPV) hôm nay Thứ Năm đã ra phán quyết giới hạn thẩm quyền của chính phủ liên bang trong việc ban hành các quy định cắt giảm lượng khi thải carbon gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy điện, làm suy yếu kế hoạch của Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và có thể hạn chế thẩm quyền của các cơ quan liên bang khác.

Phán quyết ngày 30 Tháng Sáu của TCPV – đưa ra theo lằn ranh đảng phái với 6 phiếu của các thẩm phán bảo thủ do đảng Cộng Hòa đề cử và 3 phiếu phản đối của các thẩm phán Dân Chủ – đã hạn chế thẩm quyền của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) trong việc điều chỉnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas) từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí đốt hiện có. EPA là cơ quan của chính quyền liên bang giám sát và thực hiện chống ô nhiễm môi trường sống theo Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act – CAA) được Quốc Hội thông qua từ năm 1970. 

Chính quyền của Biden gọi phán quyết này là “một quyết định tàn khốc khác nhằm mục đích đưa đất nước chúng ta thụt lùi.” “Mặc dù quyết định này có nguy cơ làm tổn hại đến khả năng duy trì không khí trong sạch và chống lại biến đổi khí hậu của quốc gia chúng ta, nhưng tôi sẽ sử dụng các cơ quan hợp pháp của mình để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải quyết khủng hoảng khí hậu”, ông Biden nói trong một tuyên bố từ Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, nơi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh khối NATO. Ông Biden cũng cho biết ông đã chỉ đạo các cố vấn pháp lý của chính phủ làm việc với Bộ Tư pháp và các cơ quan bị ảnh hưởng để xem xét lại phán quyết và tìm các cách thức phù hợp với luật liên bang để bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, hạn chế khí thải gây ra biến đổi khí hậu.

Được ban hành hơn 50 năm trước, khi vấn đề biến đổi khí hậu chưa được nhận thức như một nguy cơ trầm trọng của hành tinh, đạo luật CAA chưa có điều khoản quy định về mức khí thải của các nhà máy điện chạy bằng than đá và khí đốt. Than đá là loại nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều khí nhà kính nhất. Các thẩm phán bảo thủ đã căn cứ vào câu chữ của luật để phán quyết rằng cơ quan EPA không đủ thẩm quyền đề ra quy định mức khí thải của các nhà máy điện than. Tổng chưởng lý tiểu bang West Virginia – nơi khai thác nhiều than đá nhất Hoa Kỳ – cùng với các công ty than đá đã phát đơn kiện EPA ra tòa vì cho rằng cơ quan này vượt quá thẩm quyền và ban hành quy định bất lợi cho họ.

Hoa Kỳ là nước phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc. 30% lượng khí thải đó là từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá. Ảnh một nhà máy điện ở Linden tiểu bang New Jersey hôm 22 Tháng Tư 2022. Ảnh Kena Betancur/VIEWpress)

Hoa Kỳ cùng với Trung Quốc là hai nền kinh tế phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới. Tại các hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ đã cam kết sẽ giảm lượng khí thải, tập trung vào việc giảm khí thải từ các nhà máy điện đốt than, thay bằng các nguồn năng lượng sạch hơn. Các nhà máy điện than thải ra khoảng 30% tổng lượng khí thải nhà kính của Mỹ, phần còn lại là từ giao thông vận tải và các ngành kinh tế khác.

Để thực hiện cam kết, chính quyền Barack Obama trước đây đã đưa ra Kế hoạch Năng lượng Sạch (Clean Power Plan – CPP), sử dụng Mục 111 (Section 111) của đạo luật Không khí Sạch CAA để thúc đẩy việc chuyển đổi nguồn năng lượng từ các nhà máy điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo được, sao cho đến năm 2035 ngành năng lượng Hoa Kỳ sẽ không phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nữa. Mười chín tiểu bang Cộng Hòa và các công ty than phát đơn kiện lên TCPV. Trong một phán quyết năm 2016 với tỷ lệ phiếu 5-4, TCPV Hoa Kỳ đã đình chỉ việc thực thi kế hoạch CPP của chính quyền Obama mà không giải thích cơ sở pháp lý của nó.

Đến thời đảng Cộng Hòa lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đưa ra kế hoạch Năng Lượng Sạch Vừa Túi Tiền (Affordable Clean Energy), áp đặt một số hạn chế lên Mục 111 của đạo luật CAA và hạn chế thẩm quyền của cơ quan EPA trong việc quy định mức phát thải của các nhà máy điện hiện hữu. Hai mươi mốt tiểu bang Dân Chủ và một số thành phố lớn phát đơn kiện. Kế hoạch của chính quyền Trump đã bị các thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực Quận Columbia ngăn chặn năm 2021 và chính quyền Biden sau đó không có ý định tiếp tục thực thi nó mà sẽ đề xuất với Quốc Hội một đạo luật khác, phù hợp với tình hình hiện tại và với vai trò của Hoa Kỳ lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Cho đến nay Quốc Hội vẫn chưa soạn thảo một đạo luật mới như yêu cầu của hành pháp.

Phán quyết ngày hôm nay 30 Tháng Sáu của TCPV đã lật ngược phán quyết của Tòa Phúc thẩm Liên bang đối với kế hoạch của chính quyền Trump. Chánh án TCPV John Roberts nói, ngày nay việc hạn chế khí thải carbon ở mức nào đó để buộc hệ thống năng lượng toàn quốc phải thay đổi là điều đúng đắn, nhưng ông cho rằng chỉ khi nào Quốc Hội trao quyền cho hành pháp đưa ra các quy định hạn chế như vậy thì EPA mới có đủ thẩm quyền.

Trong bài phản đối, Thẩm phán TCPV Elena Kagan nói rằng phán quyết đã tước bỏ thẩm quyền của EPA được Quốc Hội giao phó để đáp ứng “thách thức môi trường cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta.” Và bà cho rằng thật đáng sợ khi các quan tòa tự cho mình có quyền thay thế cả Quốc Hội và cơ quan chuyên môn để đưa ra quyết định về chính sách khí hậu.

Tổng chưởng lý tiểu bang West Virginia Patrick Morrisey thì gọi phán quyết này là một “chiến thắng to lớn chống lại sự quá khích của liên bang và sự thái quá của nhà nước hành chính.”

Giới trẻ rất lo lắng cho tương lai của chính họ khi các quy định bảo vệ môi trường bị ngăn chặn. Các biểu ngữ trong cuộc biểu tình chiều 30-6-2022 ở New York phản đối phán quyến của TCPV Hoa Kỳ bộc lộ nỗi lo đó. Ảnh Spencer Platt/Getty Images

Nhưng nhiều chuyên gia rất thất vọng. Giáo sư khí tượng học của Đại học Georgia, Marshall Shepherd, Cựu chủ tịch của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ, cho biết về quyết định này: “Giống như một cú đấm mạnh vào những nỗ lực quan trọng nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu có khả năng gây nguy hiểm cho cuộc sống trong nhiều thập niên đến.” Giáo sư Richard Revesz, một chuyên gia về môi trường tại Trường Luật Đại học New York, gọi quyết định này là “một bước lùi đáng kể đối với việc bảo vệ môi trường và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng”

Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cũng gọi quyết định này là “một bước lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chúng ta.” Phán quyết của TCPV Hoa Kỳ đưa ra đúng vào ngày mà báo cáo của Đại Hội Đồng Liên hiệp Quốc cảnh báo rằng tác động của biến đổi khí hậu sắp trở nên tồi tệ hơn nhiều, có khả năng khiến thế giới trở nên ốm hơn, đói hơn, nghèo hơn và nguy hiểm hơn trong những năm tới.

Trong thực tế, phán quyết của TCPV có thể không làm thay đổi nhiều thực trạng và xu hướng của ngành năng lượng Hoa Kỳ. Trong vài năm gần đây, số lượng các nhà máy điện chạy bằng than đá đã giảm nhiều không chỉ do các quy định chặt chẽ về khí thải mà còn do không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác khi giá thành của điện từ năng lượng mặt trời hay điện gió đã giảm mạnh. Theo số liệu của EPA, lượng khí thải ròng của Mỹ đã giảm 12% trong thời gian từ 2005 đến 2017, trong đó khí thải do ngành năng lượng thải ra giảm 27% sau khi ngành này gia tăng sử dụng các nguồn nhiên liệu tái tạo được, chuyển từ than đá sang khí đốt thiên nhiên và do nhu cầu dùng điện không tăng nhiều. Hiện ở Hoa Kỳ giao thông là nguồn phát ra khí thải lớn nhất, chiếm 29%, điện năng xếp thứ hai với 28% và các ngành công nghiệp khác đóng góp 22%.

Các tiểu bang do đảng Dân Chủ lãnh đạo và các công ty điện lực lớn bao gồm cả tập đoàn Consolidated Edison Inc, Exelon Corp và PG&E Corp cũng như Viện Edison Electric Institute đều đứng về phía chính quyền Biden, áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt về phát thải ở các nhà máy điện do họ sở hữu.  

***

Nhưng phán quyết của TCPV không chỉ hạn chế thẩm quyền của cơ quan EPA mà còn tác động đến tất cả các cơ quan chuyên môn khác của chính phủ liên bang như Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hoặc các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về tài chính-ngân hàng, viễn thông v.v… vì nó đặt ra những câu hỏi pháp lý mới về bất kỳ quyết định lớn nào do các cơ quan liên bang đưa ra. 

Các nhà hoạt động pháp lý bảo thủ từ lâu đã đấu tranh để giảm bớt quyền lực của các cơ quan chính quyền liên bang trong cái được gọi là “cuộc chiến đối với nhà nước hành chính”, theo đó các cơ quan này phải có sự ủy quyền rõ ràng của Quốc Hội thì mới được đưa ra quy định đối với các vấn đề có tầm quan trọng rộng rãi và tác động đến toàn xã hội. Một ví dụ là hồi Tháng Giêng 2022, TCPV đã không chấp nhận quy định của cơ quan An toàn Lao động yêu cầu các chủ công ty phải buộc nhân viên mang khẩu trang tại nơi làm việc, phải chích ngừa COVID-19 hoặc phải xét nghiệm coronavirus âm tính khi đến công xưởng. 

Việc hạn chế quyền lực của chính quyền liên bang (hành pháp), hạn chế sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp là một đường lối chính của đảng Cộng Hòa. Và TCPV, với 6 thẩm phán có quan điểm bảo thủ, đang thực hiện đường lối đó.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: