Định mệnh đã đặt tên cho chị như đúng cuộc đời chị, vỏn vẹn có hai chữ “Hạnh Nhơn” ngắn gọn nhưng súc tích bao la! Chị đức hạnh và nhân từ qua những công việc chị đã làm cho thương binh, quả phụ, cho những người thân còn lại ở quê nhà.
Chị đã ra đi vào Tháng Tư đen (18 Tháng Tư 2017) – những tháng ngày đau khổ nhất của dân tộc Việt Nam và em đã khóc khi hay tin. Em khóc cho chị, cho chúng ta, cho đất nước, dù đã mấy chục năm qua vẫn còn điêu linh khốn khổ.
Hôm nay, em lại thẫn thờ nhớ đến chị, dù biết rằng con đường này ai cũng phải đi qua, nhưng mất mát nào cũng đớn đau cho người còn lại.
Chị đã tận lực những tháng năm cuối đời để vận động, gây quĩ giúp cứu trợ các thương phế binh VNCH và các gia đình cô nhi quả phụ còn kẹt lại trong chế độ CSVN.
Chị nhập ngũ năm 1950 ngành Tài chánh, phát lương cho quân nhân ở Quân đoàn 1. Là Thiếu uý rồi Trung uý sĩ quan tiếp liệu Quân y viện Nguyễn Tri Phương. Sau đó qua trung tâm Huấn luyện và trường Nữ Quân Nhân, rồi lên Đại uý làm việc tại văn phòng đoàn Nữ Quân Nhân của Bộ Tham Mưu.
Năm 1969, chị là Thiếu Tá trưởng phòng Nghiên cứu, chuyển qua Không quân và lên Trung tá năm 1972 – Trung tá phân đoàn trưởng Nữ Quân Nhân quân chủng Không quân. Chị đã cống hiến 25 năm của tuổi thanh xuân cho quân đội để rồi sau cùng phải sống nhiều năm trong tù ngục, là người tù chính trị đau thương của VNCH.
Sau Tháng Tư 1975, Cộng sản bắt chị đi tù và giam giữ nhiều nơi khác nhau: Long Giao, Quang Trung, Z30D, Hàm Tân và Long Thành.
Ra tù, năm 1990, chị định cư ở Hoa Kỳ. Sau khi cuộc sống được ổn định, chị tham gia hội HO cứu trợ thương phế binh và quả phụ VNCH. Ban đầu, chị là Phó chủ tịch hội Tương trợ Cựu tù nhân chính trị, làm giấy tờ bảo lãnh cho các cựu quân nhân quân lực VNCH không có thân nhân bảo lãnh, sau đó làm Hội Trưởng HO, Cứu trợ thương phế binh và quả phụ VNCH.
Trong thời gian làm việc, chị chuyển giao một số hồ sơ của cựu cảnh sát ở Việt Nam đang gặp khó khăn. Mấy năm trước đây những gia đình này đã được hội HO, thương phế binh và cô nhi quả phụ giúp đỡ. Nay chuyển hồ sơ qua cho Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH để tiếp tục hỗ trợ trong khả năng có thể giúp được của Tổng hội.
Bao năm dài chị theo đuổi một việc làm hết sức có ý nghĩa. Thật đáng kính phục thay một nữ sĩ quan Quân lực VNCH kiên cường nhưng giàu lòng nhân ái như chị. Chị đảm đương khoảng gần 10 ngàn hồ sơ thương phế binh và cô nhi quả phụ VNCH còn tại quê nhà; chia sẻ tình thương, an ủi họ bằng xe lăn, bằng số tiền nho nhỏ tượng trưng nhưng đã nói lên tấm lòng yêu thương tha thiết dành cho đồng ngũ ngày nào.
Chị thường tổ chức “Hội ngộ Nữ quân nhân hải ngoại” theo truyền thống cứ mỗi ba năm một lần, mục đích để:
Duy trì tình yêu thương đoàn kết.
Hồi tưởng thời gian trong quân ngũ.
Để biết ai còn ai mất và tưởng nhớ các chị em đã quá vãng.
Yểm trợ “Quĩ tình thương Nữ quân nhân” để lo cho các chị em còn kẹt tại quê nhà đang gặp khó khăn và bịnh hoạn.
Thật là cảm động, mỗi lần mời gọi hội ngộ, các chị em dù ở phương trời nào: Pháp, Canada, Úc châu, Âu châu và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, đều không quản ngại thì giờ và tốn kém, nồng nhiệt hưởng ứng, bay về hội tụ với nhau để sống lại những ngày thân ái cũ. Đây cũng là dịp để tình yêu thương đồng đội, bằng hữu thêm gắn bó; họ kể cho nhau nghe những năm tháng tù đày, những cảnh vượt biên, vượt biển, những năm tháng làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng nơi xứ lạ quê người và điều quan trọng hơn nữa là để thế hệ kế tiếp cảm nhận được ý nghĩa cuộc chiến đã qua, để yêu thương chính thể VNCH, để thông cảm niềm đau của các chiến sĩ VNCH.
Chị còn là người đứng đầu các Đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” gây quĩ giúp thương phế binh và quả phụ VNCH tại quê nhà. Đại nhạc hội này đã trở thành một trong những sự kiện lớn nhất cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Mỗi năm Hội đã giúp hàng chục ngàn chiến binh VNCH bị mất một phần thân thể cùng những quả phụ chồng hy sinh trong cuộc chiến bảo về miền Nam Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của chị, cùng phối hợp với các tổ chức, trung tâm ca nhạc và cơ quan truyền thông đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” đã được luân phiên tổ chức ở Nam và Bắc Cali, mỗi năm thu được cả trăm ngàn, cả triệu đôla và đã gởi về Việt Nam giúp đỡ nhiều người.
Chị thường nói: “Tôi vui sướng theo niềm vui của họ khi nhận được tiền, con cái họ có thêm miếng cơm, có thêm tấm áo, gia đình họ ấm lòng khi đồng bào ở hải ngoại vẫn nghĩ đến và nhớ ơn hy sinh của họ”.
Chị là người sống khoan hoà đức độ, cảm thông, sống với tấm lòng vị tha vì người, vì đời. Biết bao nhiêu người nhất là các anh thương phế binh, các cô nhi quả phụ ở quê nhà đã đau đớn vô cùng khi hay tin chị rũ áo ra đi. Rồi đây ai sẽ là người mở rộng trái tim để lo cho anh chị em như chị đã từng làm!
Riêng em, dù đau buồn nhưng em vẫn còn có được nguồn an ủi là em đã được gặp chị, dù chỉ một lần nhưng đã để lại trong em một kỷ niệm quá êm đềm!
Ngày qua Cali, em quyết tìm thăm chị, người mà em ngưỡng mộ từ lâu, ao ước được gặp và em đã được mãn nguyện như lòng em mong ước. Vừa gặp, chị đã xoá tan những bỡ ngỡ của buổi ban đầu, rồi khi nghe giọng nói của em, biết gặp đồng hương, chị ôm em trong vòng tay thương yêu của chị như chào đón một người em từ phương xa trở về. Sau phút giây ban đầu, chị luôn bảo em ngồi bên chị, em im lặng ngồi xem chị làm việc, giấy tờ hồ sơ đầy bàn, điện thoại anh em thương binh gọi liên tục. Chị bắt em ở lại ăn cơm trưa với chị, mà chị lại ăn chay trường mới đáng phục.
Em càng vui hơn nữa là, đã được đi coi Đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” kỳ 8, cả một rừng cờ vàng ba sọc đỏ đã làm em choáng ngợp, em tưởng chừng như mình được sống lại những ngày xa xưa ở quê nhà.
Em đang gom góp và trân quí những kỷ niệm về chị đây, những giòng chữ chị viết cho em vừa rắn rỏi vừa tràn ngập cả yêu thương, đọc lại mà bồi hồi ứa lệ!
Nữ quân nhân hải ngoại vinh hạnh có một niên trưởng Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đầy lòng nhân ái. Chị đeo đuổi một mục đích cao cả đầy tình người, một việc làm đáng nể trùng hợp với tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn đáng trân quí của người Việt hải ngoại.
Giấc mơ được đến bến bờ Tự do của nữ tù nhân nhờ bàn tay của chị đã gặt hái nhiều thành công tốt đẹp. Gia đình được ấm no, đời sống được hạnh phúc, con cái học hành thành danh và trở nên hữu ích cho xã hội. Họ đã đóng góp phần chia sẻ tình thương đến các chiến binh VNCH còn ở trong nước.
Bao nhiêu người đã làm thơ ca tụng chị và chị xứng đáng đón nhận những lời khen đó.
… Em là ngọn đuốc trong đêm tối.
Là vì sao sáng vô ngần.
Cám ơn em.
Với vòng hoa ưu ái.
Em, người Nữ Quân Nhân.
Còn đẹp trong tôi mãi mãi….
-Thơ Tuệ Nga
Chị là một phụ nữ đáng kính nhất của cộng đồng người Việt tại hải ngoại và của tập thể thương phế binh quân lực VNCH. Chị lại quá khiêm nhường, trong chúc thư để lại chị dặn dò yêu cầu đừng phủ cờ, chỉ đặt hai lá cờ nhỏ VNCH và Hoa Kỳ bên quan tài. Chị cho rằng vinh dự này chỉ dành cho các chiến sĩ hy sinh ngoài trận tuyến mà thôi.
Chị ra đi để lại cho con cháu bao điều thương đau tiếc thương. Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản khắp thế giới mất đi một người hoạt động xã hội tích cực, lúc nào cũng muốn thực hiện điều tốt cho mọi người.
Trước năm 75, trong quân ngũ, chị là một sĩ quan gương mẫu, một sĩ quan tham mưu ưu tú, hoàn thành mọi công tác do cấp trên giao phó. Trong hoàn cảnh tù tội trong các trại tù cộng sản, chị luôn luôn có khí tiết cao quý cuả một Sĩ quan quân lực VNCH. Đối với thương phế binh quân lực VNCH, họ mất đi một ân nhân vô vàn kính yêu. Mến mộ công đức cuả chị, đồng hương tị nạn cộng sản khắp nơi đã đến viếng linh cữu chị với dòng người liên tục.
Thôi nhé, xin chị hãy thực sự an nghỉ, những giọt lệ của thương phế binh, quả phụ, của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại tiễn đưa chị qua hết mọi hệ lụy ưu phiền, mọi đau thương khắc khoải để trở về miền viên miễn. Sẽ không bao giờ còn thấy lại được chị nhưng em tin rằng dù quen biết nhiều hay ít, quen sơ hay thân, chị đã để lại trong lòng những người tiễn đưa một nỗi buồn sâu xa nhất.
Là Phật tử, em thường tự an ủi rằng con người nằm trong chu kỳ sinh diệt của vạn vật, sự mất mát là khởi đầu cho sự tái tạo như mùa Đông ảm đạm rồi sẽ đi qua để mùa Xuân tươi thắm lại trở về. Em tin vào vòng luân hồi nhân quả của sự sống và sự chết giống như những bông hoa tàn rụng rồi lại hé nở. Dưới ánh mặt trời những buổi sớm mai chỉ khác nhau trên tờ lịch, nhưng mọi sớm mai chỉ là sự nhắc lại hôm qua và cả những hôm sau.
Chị xứng đáng ra đi về nơi thanh thản và chị đã trở thành bất tử trong lòng người tị nạn Việt Nam.
“Tin sét đánh ngang tai.
Một tượng đài vừa đổ.
Nay chị lìa bể khổ.
Để về cõi vĩnh hằng.
Chúng em gạt nước mắt.
Đành chúc chị bình an.
-Trần Văn Lý – Thương phế binh VNCH
Đọc thêm: