Phiêu bạt xứ người

Minh họa: Unsplash

Tôi không có cái may mắn như những người thuộc thế hệ đàn anh, những người có cơ may được đi du học trong những năm 60 hay những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước. Nhưng công tâm, những người thuộc thế hệ của mình cũng còn may mắn hơn nhiều so với những người thuộc thế hệ cha, anh, những người phải lên đường cầm súng để bảo vệ mảnh đất Miền Nam, xóm làng, hàng ngày phải đối mặt với chiến tranh, chết chóc.

Không lâu sau ngày Sài Gòn bị chiếm đóng, không chỉ các nhà “tư sản” hay gia đình của các vị sĩ quan Cộng Hòa bị buộc phải rời thành phố, đi lao động, sản xuất, rất nhiều gia đình không thuộc diện này cũng bị bắt buộc, một cách trực tiếp hay gián tiếp, rời Sài Gòn đi tìm đất sống. Họ phải đến sinh sống, lập lại cuộc đời từ bàn tay trắng ở các vùng xa, hẻo lánh, ngay cả ở những nơi “rừng thiêng nước độc” mà trước đây chưa từng có người đến sinh sống. Gia đình tôi cũng bị cuốn theo dòng lũ “kinh tế mới” khủng khiếp này.

Trước ngày gia đình tôi đi “về” vùng kinh tế mới, mấy anh lớn và tôi lo lắng nhiều, nghĩ đến một cuộc sống vất vả, khó khăn trước mặt. Mấy em nhỏ hơn có lẽ chưa hiểu nhiều về sự thay đổi từ trắng thành đen sau ngày 30 Tháng Tư đen tối đó. Nhưng các anh em ở nhà không ai có thể hình dung được là cuộc sống lại khó khăn, cực khổ đến như vậy. Những năm đó, ở thành phố nhỏ hay vùng quê xa xôi, đời sống của những người sống nhờ vào đất đai, trồng trọt thiếu thốn đến cùng cực. Những năm hạn hán thì tình trạng đói kém lại còn nặng nề hơn nữa. Tìm được miếng ăn cho một người đã khó, lo cho cả gia đình gần mười miệng ăn càng khó khăn hơn.

Sau Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian đói kém nhất. Tiền bạc, lúa gạo, hoa màu mà mẹ tôi dành dụm từ mùa trước thường được chi tiêu cho Tháng Chạp và những ngày giáp Tết. Ba tôi, chỉ là một nhân viên trong ngành ngân hàng trước 75, trước đó chưa biết cầm cái cuốc ra sao, cũng phải tập làm quen với cuộc sống mới. Nhưng cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không dễ dàng cho ba, năm đó đã không còn trẻ để bắt đầu học công việc đồng áng như vậy.

Trong mấy tháng trước mùa mưa, dân ở các vùng quê thiếu thốn lắm. Nhiều ngày, có được một bữa cơm độn, với năm mươi phần trăm gạo đã là một điều hạnh phúc. Phần còn lại thì có thể là bắp, khoai lang, mì, đậu, hay bất cứ thứ gì ăn được, có thể giúp làm đầy bao tử. Mùa nắng hạn, không có việc gì làm ở đất rẫy nhà, mấy anh em thường đi làm thuê. Có nhiều ngày theo đám thợ cưa vào rừng. Họ cưa củi, mình vác. Công việc rất nặng nhọc, nhiều ngày thiếu cơm, ba anh em cùng chia nhau mớ khoai mì luộc chấm muối ớt thay bữa cơm trưa. Đến ba, bốn giờ chiều thì đói lã, tay chân không còn nghe theo lời chủ.

Đó cũng là giai đoạn mà những người dân như chúng tôi muốn đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, hay từ tỉnh “lên” Sài Gòn, phải có một tờ giấy đi đường để làm bùa hộ mạng. Có lá bùa này cũng nhiêu khê lắm. Phải viết một lá đơn, dài khoảng nửa trang giấy tập học trò và phải trang trọng như một đơn xin việc, mang lên ông trưởng thôn để xin chữ ký kèm theo… lời phê – đồng ý hay không. Kế đến là đi bộ lên văn phòng xã cách đó khoảng 3 cây số. Lá đơn được thêm cái mộc đỏ trong vòng mười phút hay một, hai giờ tùy theo ngày, tùy theo mấy ông ở xã vui và không bận rộn việc này việc kia cho gia đình họ.

Bệnh quan liêu và tùy tiện có vẻ nặng hơn gấp nhiều lần so với thời trước. Những người phía Bắc theo đường Trường Sơn vào Nam, hay mấy anh nằm vùng, khi có chút quyền trong tay thì họ có thể làm mưa làm gió, nhất là ở những nơi hang cùng ngỏ hẻm như vùng kinh tế mới mà gia đình tôi ở. Xin được tờ giấy đi đường thì thở phào nhẹ nhõm, mừng như vừa qua một kỳ thi khó, mặc dù mình vừa mất toi nửa ngày làm rẫy.

Đó cũng là thời kỳ mà năm, mười ký lô gạo, bắp hay đậu khô có thể bị tịch thu bởi mấy “ông trời con” ở các trạm kiểm soát kinh tế từ tỉnh về Sài Gòn. Bất kể chủ nhân của món hàng là một bà mẹ già hay cô gái trẻ, từ tỉnh lên Sài Gòn thăm con, thăm cha mẹ, mà những thứ đó chỉ là những món quà từ quê, cây nhà lá vườn. Con buôn thì khác. Họ có thể chở hàng trăm kýlô hàng hóa đến Sài Gòn, chỉ vì họ biết cách, “biết điều” với những người đứng trạm.

Nhìn lại giai đoạn 40-45 năm trước thì vấn nạn hối lộ vặt phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây đã đâm chồi nẩy lộc từ rất sớm, từ những năm khó khăn, đói kém đó. Những năm tôi còn là học sinh trung học, trước 1975, người chú ruột có một ít đất rẫy ở vùng Định Quán (QL 20, con quốc lộ độc nhất dẫn lên Đà lạt), khoảng 2-3 mẫu chi đó. Chú ít nói nhưng rất mực thương con cháu.

Thỉnh thoảng tôi được tháp tùng chú đi thăm rẫy vài ngày. Tôi thích lắm, vì được nếm mùi vị của củ sắn tươi, đậu phộng hay bắp tươi vừa ở rẫy hái vào. Và nhìn thấy cảnh rừng núi bạt ngàn, cây lá xanh mướt nhất là sau một cơn mưa, tự nhiên tôi có ý nghĩ sau này lớn lên mình sẽ làm gì đó liên quan đến nông nghiệp, kỹ sư chẳng hạn, hay học ngành nào đó về cây cỏ, thực vật. Con nít như tôi, không với cao, chỉ có thể nghĩ đến vậy.

Tính ra thì mong ước của tôi cũng thành hiện thực được vài… phần trăm. Tôi đã chẳng được làm một nghề liên quan với trồng trọt, với cây cỏ là gì! Nhưng mỗi sáng, cùng với đứa em gái và người anh trai, cầm cuốc đứng trước mảnh đất đầy cỏ dại, tôi thấy tương lai của gia đình mịt mờ như đám sương sớm giăng mù trên đám cỏ trước mặt. Hình ảnh này đã theo tôi cho đến tận bây giờ.

***

Không biết bao nhiêu nước đã chảy qua con suối vắt ngang vùng kinh tế mới nơi gia đình tôi sinh sống nhiều năm sau ngày 30 Tháng Tư năm đó, cuộc sống đẩy đưa và qua không ít khó khăn vất vả, cuối cùng tôi cũng đến được “vùng đất hứa”. Đến xứ lạ, năm đầu tiên, 1984, tôi làm đủ thứ nghề để sinh sống, từ nghề phụ bếp, bồi bàn, cho đến công việc dọn phòng trong khách sạn hay chuyển hành lý của khách từ xe vào phòng. Nhưng cũng nhờ sự vất vả lúc ban đầu, tôi quên đi một phần những chuyện mà lẽ ra mình phải nhớ rất nhiều, quên đi nỗi nhọc nhằn của mẹ, của các em còn ở Việt Nam.

Một năm sau, tôi ghi danh đi học trở lại. Học đại học hẳn hòi. Tôi chọn ngành mà mình… ít dở nhất khi còn học trung học, ngành hóa học. Thật ít có khó khăn nào lớn hơn trong năm đầu đi học lại. Ngôn ngữ, tiếng nói không rành, khác biệt về văn hóa và nhất là rất khác với cách học từ chương ở quê nhà.

Nghĩ lại thấy thật… thần kỳ, tôi qua được năm thứ nhất và hai, sau mấy phen thi lại cho nhiều môn quan trọng, như hóa phân tích, hóa lý. Trong năm thứ ba và tư, tôi nghỉ “nghề” làm bồi bàn vào weekend để xin vào làm thu ngân vào buổi tối cho một parking của thành phố.

Công việc khá nhàn nhã vì mỗi đêm chỉ thu tiền của vài chục chiếc xe ra vào parking, nhưng giờ giấc hơi khắc nghiệt, nhất là cho một sinh viên. Mười giờ tối cho đến sáu giờ sáng hôm sau, vị chi là tám tiếng, nhưng cũng có nghĩa là tôi chỉ vào giường khoảng bốn tiếng sau giờ học và ít hơn hai tiếng vào buổi sáng, trước khi tới lớp. Ấy vậy mà đó là khoảng thời gian “an bình” nhất của thời sinh viên. Tôi có thời gian để đọc sách, báo, hay nghe bình luận đá banh, hay ngay cả… ngủ gật.

Cái “tiểu luận” (final project) của tôi ra đời cũng trong thời gian này. Có một điều khá thú vị trong thời gian tôi làm nghề tay trái này là làm công việc thu tiền ở nơi công cộng như vậy thường gặp người quen. Có không ít người Việt ở cùng thành phố, biết nhau, nhưng nhìn mình như nhìn một công dân hạng nhì. Và thỉnh thoảng cũng gặp sinh viên lớp đàn anh và sinh viên lớp sau.

(minh họa: Unsplash)

Hơn 20 năm sau, tôi đi họp cuối năm ở trường (trung học) của đứa con trai, bà giáo dạy hóa học của con trai tôi là cô sinh viên ngày trước, học sau tôi hai năm. Tôi nhận ra bà giáo ngay khi bước vào lớp của con trai; và bà ta cũng nhận ra ngay… đồng nghiệp vì tôi là đứa sinh viên Á châu duy nhất của khoa Hóa trong những năm đó. Trong lúc uống nước sau buổi họp, bà nói “Trái đất tròn, thật thích thú khi gặp lại anh trong trường hợp này…”. Bà giáo là một trong mấy sinh viên thỉnh thoảng ra vào parking hồi đó.

Ra trường vào năm ấy, báo tin về cho gia đình, mẹ tôi vui lắm và ít nhiều cũng hãnh diện về thằng con trai ở xa. Tôi cũng vô cùng sung sướng, vì đã chán học lắm rồi, từ nay không còn phải vùi đầu vào sách vở, không còn phải thức đêm để học cho kịp ngày thi. Nhưng không biết vì con người có số hay vì kém giỏi giang mà tôi không tìm ra việc làm trong hai tháng hè. Thế là đành phải ghi danh học thêm một năm về một chuyên ngành khác ở một trường đại học khác vào niên khóa sau và tiếp tục làm nghề tay trái để mưu sinh.

Sau khi ra trường lần thứ hai khoảng vài tuần, tôi ghé lại thư viện của trường đại học cũ và tình cờ gặp lại ông thầy dạy hóa lý năm tôi học năm thứ hai. Thầy cho tôi biết là thầy đang tìm tuyển một nhân viên mới cho nhóm nghiên cứu của thầy. Gửi thư xin việc và résume ngay ngày hôm sau, tôi được gọi đến trường phỏng vấn một tuần sau đó. Và khoảng hai tuần sau thì tôi nhận được thư của nhà trường mời đến ký hợp đồng làm việc.

Chỉ là một hợp đồng ngắn hạn – một năm – nhưng tôi mừng như bắt được vàng, vì đó là công việc đầu tiên thích hợp với những điều mình đã học. Sau năm đầu tiên, tôi lại ký thêm một hợp đồng với trường cho hai năm tiếp theo nhưng cho một dự án khác thuộc châu Âu, trong cùng một phòng thí nghiệm.

Trong buổi họp tổng kết dự án kéo dài một ngày, tôi phải trình bày trong vòng một tiếng rưỡi về kết quả mà nhóm nghiên cứu của mình thu được trong hai năm làm việc. Buổi họp được tổ chức chu đáo trong một khu biệt lập của một khách sạn ở Luxembourg, rộng lớn như một convention center ở các thành phố của Mỹ, Canada.

Trong giờ giải lao, một ông thầy cùng trường nhưng thuộc một nhóm khác, nói ông “rất ngạc nhiên và thích thú” về phần trình bày của tôi, hỏi thăm về gia đình và công việc làm sắp tới của tôi. Tôi thú thật với ông là chưa có việc làm mới mặc dù đã bắt đầu tìm từ ba, bốn tháng trước. Ông hỏi ngay, “pourquoi pas un doctorat dans mon groupe?” (“tại sao không bắt đầu một luận án tiến sĩ trong nhóm của tôi?”).

Tôi lại trở lại cuộc đời gần như là sinh viên từ lúc đó. Có điều khác là làm thí nghiệm và đọc sách, bài báo, nhiều hơn thời sinh viên đại học và được lãnh học bổng hàng tháng. Phần học bổng đó cộng với tiền lương của bà xã, đủ để gia đình tôi ba người (và sau đó là bốn) chi tiêu mỗi tháng.

Tôi không thể diễn đạt lại được cảm giác lâng lâng, hạnh phúc sau khi trình xong luận án, chờ kết quả của hội đồng giám khảo. Ngày ra trường lần thứ ba đó, mắt tôi cay xè vì sung sướng, vì nhớ lại quãng thời gian cày cuốc ở vùng kinh tế mới, thời gian khốn cùng ở Sài Gòn trong những năm sau ngày 30 Tháng Tư. Vợ và hai con ở bên cạnh, ông bà nhạc cũng đến tham dự, tôi tiếc là ba đã không còn, thiếu mẹ và các em.

Mỗi lần tuyết bắt đầu rơi đậm ở xứ này là lúc tôi nhớ nhà nhiều hơn, nhớ không tưởng được. Nhớ “Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều/ Cánh tay tà áo sát vòng eo/ Có nghe đôi mắt vòng quanh áo/ Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo” (Thơ Nguyên Sa).

Mùa tuyết ở đây cũng đúng vào mùa gió Tết ở quê nhà. Những năm xưa đó, gió Tết ít mang lại niềm vui. Ba mất đi cũng vào một ngày mùng bốn Tết, lặng lẽ, và dễ dàng như một người xách giỏ đi chợ. Tôi nhớ đồng, nhớ quê. Nhớ cái xứ sở nghèo nàn, mùa hè bụi phủ đến ngập đầu, nhưng chỉ cần vài trận mưa rào đất lại dẻo ra như nếp nhão. Hình ảnh người mẹ, cặp mắt ngấn nước ngồi nhìn đứa con gái lớn lội sình cõng đứa em út đi học mẫu giáo. Ra đến nơi con nhỏ khóc như mưa bấc, không chịu ở lại học, lại phải khom lưng cõng về.

Chỉ là những kỷ niệm vụn vặt, nhưng vẫn còn nằm gọn trong ký ức. Người cha già trước tuổi, ốm nhom và đen vì phải học làm nghề mới trên đám rẫy nhà. Thằng em trai chưa đến mười bốn tuổi, trước giờ chẳng biết đốn cây làm rẫy là gì, cởi trần đi làm, đến chiều về nhà da nóng đỏ như con tôm luộc. Đến mùa thu hoạch, mấy đứa em có ngày bỏ học đi theo lũ trẻ trong xóm đi mót bắp, lúa hay khoai, như một đám cừu non đi tìm chút cỏ già còn sót lại trên mấy cánh đồng, từ sáng đến tối mù mới về đến nhà.

Một giai đoạn của cuộc đời chỉ có vài năm mà có bao nhiêu là chuyện để nhớ. Nhớ cả căn nhà trống trước hở sau, thoang thoảng mùi hương chanh trộn lẫn với hương Ngọc Lan của những đêm trăng sáng. Thiếu thốn đến tột cùng, nhưng với tôi, căn nhà đó mang điều gì thiêng liêng lắm, vì lúc nào cũng chất đầy cái ấm áp của sự sum vầy.

Khi về thăm gia đình lần cuối trước khi mẹ tôi mất, tính ra đã hơn 20 năm, gặp lại mẹ và các anh em thật quá đỗi vui mừng. Người mẹ tần tảo mấy năm trước, vai đã bớt đi một phần gánh nặng vì các em đã lớn. Đứa em út đã có thể thay anh chị gánh vác chuyện nhà. Các em khác cũng đã có được công ăn việc làm ổn định hơn. Nhưng mẹ cũng yếu hơn, vì tuổi tác và căn bệnh tim khó chữa. Tôi chỉ tiếc đã không có nhiều thời gian sống gần nhà trong những năm cuối đời của mẹ. Cũng không giúp được mẹ và các em nhiều hơn trong khoảng thời gian cùng cực ấy.

***

Kể từ khi ra trường, tôi tiếp tục theo công việc nghiên cứu, nhưng ở nhiều nhóm và phòng thí nghiệm khác nhau, trong nhiều đề án và cho những ứng dụng khác nhau. Từ Bỉ qua Pháp (Grenoble), chuyển qua Mỹ (Rochester, New Jersey), và sau đó trở về Bỉ. Công việc bận rộn và có nhiều lúc đau đầu, nhưng cũng nhờ công việc này mà tôi có dịp ghé nhiều nơi, đến thăm nhiều thành phố trong những lần đi dự hội nghị hay hội họp với đối tác.

Con đường tôi đã đi qua rõ ràng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng chính những đoạn đường nhiều chông gai đó đã giúp mình lớn khôn. Cảm ơn cha mẹ đã dạy tôi tính kiên nhẫn, và cũng cảm ơn sự bao dung của những người chung quanh tôi. Tất cả những gì tôi sống hàng ngày, mỗi ngày, có thể xem như là một điểm cộng.

Tự nhiên tôi thèm một cái vuốt đầu, vuốt lưng của mẹ.

Belgium, Tháng Bảy 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: