Ngày 22 Tháng Bảy, Công an thành phố Thủ Đức, TP HCM cho biết cơ quan này đang tạm giữ hình sự sáu người để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đó là Lê Tấn Phát, Nguyễn Ngọc Minh, Hồ Văn Tuấn Anh, Nguyễn Hoàng Lân, Lâm Chiến Thắng, Lương Văn Tuyên. Nhóm này tuổi từ 19 tới 32, quê ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Long An và thành phố Thủ Đức.
Nhóm này lập một hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook rồi tự xưng là “hiệp sĩ đường phố” để bắt cướp giật. Hàng ngày, từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, nhóm này điều khiển xe máy rảo khắp các tuyến đường ở thành phố Thủ Đức và các vùng lân cận để tiếp cận những người vi phạm giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, chạy xe tốc độ cao…
Nhóm đối tượng sau khi chặn xe người vi phạm liền yêu cầu đưa tiền nếu không sẽ đưa đến phường xử lý. Nhiều người vi phạm bị nhóm cưỡng đoạt tài sản vô cớ liền phản ánh đến Công an thành phố Thủ Đức. Sau thời gian theo dõi, lực lượng công an đã bắt quả tang nhóm này đang cưỡng đoạt tài sản của người dân trên địa bàn.
Lực lượng công an được lập ra là để truy bắt tội phạm tạo đời sống yên ổn cho người dân. Mỗi năm, bộ này được Trung ương duyệt chi ngân sách rất cao, năm 2022, bộ này được chi 95,599 tỷ đồng (khoảng $4.1 tỷ), cao gấp 14.5 lần ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên hiện nay ngành công an lại đùn đẩy một phần trách nhiệm săn bắt cướp cho người dân. Những nhóm người thay công an bắt cướp thường tự xưng là “hiệp sỹ đường phố”. Họ không được đào tạo nghiệp vụ, không được trang bị bảo vệ, không có thiết bị chuyên dùng để ứng phó vv… nên xảy ra nhiều trường hợp bị mất mạng khi truy bắt cướp thay cho công an.
Được biết, địa phương dẫn đầu cả nước về mô hình “hiệp sỹ đường phố” là tỉnh Bình Dương. Hiện nay tỉnh này có 91 “câu lạc bộ phòng chống tội phạm”. Ngoài Bình Dương thì Sài Gòn, Hà Nội, Đồng Nai v,v… cũng đang dung túng cho mô hình này. Thực tế thì “hiệp sỹ đường phố” không phải bao giờ cũng là “hiệp sỹ”, thời gian gần đây nhiều “hiệp sỹ đường phố” đã có tình trạng lộng quyền bắt giữ người trái phép.
Nhiều người dân tự hỏi, công an đẩy một phần nhiệm vụ nguy hiểm cho “hiệp sỹ đường phố” để làm gì khi mà Bộ công an được hưởng một ngân sách khổng lồ?