Big tech và nạn phân biệt đẳng cấp

Dân IT gốc Ấn tại Thung lũng Silicon hiện vẫn bị kỳ thị bởi vấn đề phân biệt đẳng cấp (ảnh: Carlos Avila Gonzalez/The San Francisco Chronicle/Getty Images)

Phân biệt đẳng cấp (caste) ở Ấn Độ đã lan đến Silicon Valley ở tiểu bang California khi những gã khổng lồ công nghệ đang phải đau đầu với hệ thống phân cấp Ấn Độ có từ thời cổ đại đã len lỏi vào đội ngũ lao động gốc Ấn đông hàng trăm ngàn người làm việc ở đây.

Apple đi tiên phong

Trong vài năm trở lại đây, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ bỗng tập trung nghiên cứu về hệ thống đẳng cấp cổ xưa của Ấn Độ, với Apple nổi lên như nhà tiên phong trong mục tiêu loại bỏ hệ thống lạc hậu này ra khỏi văn hoá ứng xử của công ty. Khoảng hai năm trước, Apple (hiện là công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới) đã đưa nạn phân biệt đối xử dựa vào đẳng cấp vào danh mục nghiêm cấm gồm chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác và gia tộc.

Việc đưa thêm vào danh mục cấm được xem là bước đi táo bạo, vì đẳng cấp (caste) không có trong luật phân biệt đối xử của liên bang và tiểu bang. Bản danh mục cập nhật những điều cấm được đưa ra sau khi khu vực công nghệ (nơi Ấn Độ là nguồn cung cấp chính lao động nước ngoài có tay nghề) nhận được “hồi chuông cảnh báo” vào Tháng Sáu, 2020:

Cơ quan quản lý việc làm của tiểu bang California thay mặt một kỹ sư có đẳng cấp thấp kiện Cisco Systems trong việc để cho hai người đẳng cấp cao hơn ngăn chặn bước tiến trong sự nghiệp mình. Cisco phủ nhận hành vi sai trái và khẳng định “cuộc điều tra nội bộ không tìm thấy bằng chứng phân biệt đối xử” và “cáo buộc là vô căn cứ vì đẳng cấp không phải là thứ được bảo vệ hợp pháp ở California”. Nhưng trong tháng này, một hội đồng kháng cáo đã bác nỗ lực của công ty nhằm chuyển vụ việc sang “thương lượng riêng tư”, tức là “bật đèn xanh” cho một phiên tòa công khai có thể xảy ra sớm nhất vào năm sau.

Hệ thống đẳng cấp tồn tại dai dẳng trong xã hội Ấn (Wikipedia)

Đây là lần đầu tiên “chủ nghĩa đẳng cấp” bị đưa ra toà khiến Big Tech phải đau đầu với một hệ thống phân cấp có hàng thiên niên kỷ tại Ấn Độ, nơi vị trí xã hội của một người lệ thuộc vào dòng dõi gia đình, từ tầng lớp “tư tế” Bà la môn ưu việt đến người bần cùng bị xa lánh (“không thể chạm tới”) và bị tự động mặc định là lao động chân tay!

Kể từ khi đơn kiện được gửi lên toà, một số tổ chức và nhà hoạt động vì sự bình đẳng đã bắt đầu đòi hỏi đổi mới luật chống phân biệt đối xử của Mỹ, đồng thời kêu gọi các công ty công nghệ hãy thay đổi chính sách, để giúp lấp đầy khoảng trống và ngăn chặn chủ nghĩa đẳng cấp hoành hành. Nhưng nỗ lực của họ chỉ thành công ở mức độ giới hạn, theo đánh giá của Reuters về chính sách chống phân biệt đẳng cấp trên toàn ngành công nghiệp Hoa Kỳ, nơi sử dụng hàng trăm ngàn công nhân từ Ấn Độ.

Kevin Brown, giáo sư luật Đại học South Carolina nghiên cứu các vấn đề về đẳng cấp cho biết: “Tôi không ngạc nhiên khi các công ty không có chính sách nhất quán về đẳng cấp vì luật pháp Mỹ không rõ ràng. Nơi thì nói có lý, nơi thì nói không hợp lý”. Nếu có một ngoại lệ mang tính cách mạng thì đó là chính sách nội bộ chống phân biệt đẳng cấp của Apple đã giúp tạo cơ hội thăng tiến bình đẳng và chống quấy rối liên quan đến đẳng cấp sau ngày Tháng Chín, 2020.

Apple xác nhận họ “đã cập nhật danh mục chính sách cách đây vài năm để cấm phân biệt đối xử hoặc quấy rối dựa trên đẳng cấp. Các lớp đào tạo nhân viên cũng đề cập rõ ràng đến đẳng cấp. Chúng tôi có một đội ngũ đa dạng, toàn cầu và tự hào các chính sách nội bộ và việc thực thi nó của chúng tôi đã phản ánh điều đó”.

Vẫn tồn tại trong đời thực

Sau Apple, IBM cũng đưa vấn đề đẳng cấp vào danh mục chống phân biệt đối xử sau khi đơn kiện của Cisco được đệ trình, dù công ty chưa đưa ra ngày thực thi chính thức hoặc lý do. Hiện chương trình đào tạo có đề cập đến đẳng cấp của IBM chỉ mới dành cho các nhà quản lý đến từ Ấn Độ hay làm việc tại đó.

Trong khi đó, nhiều công ty lớn vẫn chưa đưa đẳng cấp vào trong chính sách ứng xử của họ, như Amazon, Dell, Meta (chủ sở hữu Facebook), Microsoft và Google mà chỉ được công bố nội bộ cho các nhân viên liên quan. Tuy nhiên, tất cả các công ty lớn đều nói không khoan nhượng với định kiến ​​đẳng cấp và sự thiên vị dựa vào định kiến này.

Theo một số nghiên cứu mới, sự phân biệt đối xử về đẳng cấp đã bị cấm ở Ấn Độ cách nay hơn 70 năm nhưng nó vẫn tồn tại trên thực tế. Một nghiên cứu cho thấy người Dalit (दलित, tầng lớp thấp nhất xã hội Ấn) không được giao các công việc nhận lương cao. Tranh luận về đẳng cấp vẫn gây tranh cãi ở Ấn Độ dù có người cho rằng sự phân biệt là rất hiếm. Các chính sách của chính phủ Ấn Độ để có thêm sinh viên đẳng cấp thấp vào các trường đại học hàng đầu đã giúp họ có được nhiều công việc công nghệ cao ở phương Tây trong những năm gần đây.

Google vẫn chưa có chính sách rõ ràng về vấn đề phân biệt đẳng cấp (ảnh: John Smith/VIEWpress/Getty Images)

Reuters phỏng vấn khoảng hai chục nhân viên công nghệ người Dalit ở Mỹ và họ khẳng định đẳng cấp đã đi theo họ ra tận nước ngoài. Các dấu hiệu đẳng cấp, gồm cả tên tuổi, quê quán, cách ăn uống hoặc tôn giáo, đã khiến các sếp gốc Ấn không tuyển dụng họ và không thăng chức cho họ. Các hoạt động xã hội chung cũng bị ngăn cản. Hai người cho biết đã phải bỏ việc vì chủ nghĩa đẳng cấp.

Một số tổ chức công đoàn, gồm cả Alphabet worker Union (AWU) tại công ty mẹ Alphabet của Google, xem việc công ty đưa vấn đề đẳng cấp vào bản quy tắc ứng xử sẽ mở ra cánh cửa cho việc bảo vệ các nhóm yếu thế. Trong một bản kiến ​​nghị, hơn 1,600 công nhân Google đã yêu cầu bổ sung đẳng cấp vào bản quy tắc ứng xử chính thức tại nơi làm việc. Kiến nghị được gửi qua email cho Giám đốc điều hành Sundar Pichai vào tháng trước, và khi không có phản hồi, những người ký tên đã lên tiếng. Google từ chối giải thích các chính sách của mình.

Việc thêm đẳng cấp vào bản quy tắc ứng xử chung không phải là mới. World Wide Web Consortium, một tổ chức tiêu chuẩn công nghiệp có trụ sở tại Massachusetts, đã đưa vấn đề này vào nghị trình vào Tháng Bảy, 2020. Đại học công California và Đảng Dân chủ cũng theo dõi vấn đề này trong hai năm qua. Tháng Năm năm nay, Cơ quan Dân quyền (Civil Rights Department), nơi quản lý việc làm của California, đã thêm đẳng cấp vào chính sách “cơ hội việc làm bình đẳng cho người sử dụng lao động”.

Động thái của Apple, công ty khổng lồ trị giá $2.8 ngàn tỷ sử dụng hơn 165,000 nhân viên toàn thời gian trên toàn cầu, là có ý nghĩa nhất. Chính sách tuyển dụng của Apple nêu rõ: “Công ty không phân biệt đối xử trong tuyển dụng, đào tạo, quảng cáo trên cơ sở danh mục 18 điều cấm phân biệt, gồm chủng tộc, màu da, tổ tiên, nguồn gốc quốc gia, đẳng cấp, tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác, khuyết tật, khuynh hướng tình dục và giới tính”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: