Trong trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sỹ Phạm Đình Chương có ba ca khúc: Tiếng Sông Hồng, Tiếng Sông Hương, Tiếng Sông Cửu Long. Tôi thích Tiếng Sông Hương vì nó gần gũi với dòng sông quê hương: Sông Thu Bồn.
Trận lụt lớn nhất lịch sử Hội An vào năm 1964 (Giáp Thìn) nhưng may mắn vì nước sông không chảy xiết nên ít tàn phá nhà cửa ven sông.
Thời gian trôi qua, nay mỗi lần lũ lụt, nước từ thượng nguồn chảy mạnh, rất nhanh vì xả đập, trở tay không kịp… nhiều nhà cửa, gia súc, hoa màu… cuốn theo dòng lũ! Vì vậy người dân nơi hạ lưu sông Thu Bồn – Vu Gia đến mùa lũ lụt phải sống trong cảnh phập phồng, lo sợ!
Sông Thu Bồn là dòng sông chính của tỉnh Quảng Nam, phần thượng nguồn của sông còn được gọi với tên khác là sông Tranh. Phần thượng lưu, sông chảy theo hướng Nam-Bắc qua các quận Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn. Đến Giao Thủy gặp nhánh sông Vu Gia nên gọi chung là Thu Bồn – Vu Gia chảy vào vùng đồng bằng các quận Duy Xuyên, Điện Bàn và phố cổ Hội An, chảy ra Vịnh Cửa Đại…
Khi chảy qua QL.I, dưới cầu Câu Lâu, gặp các cù lao nên dòng sông tách đôi tả ngạn (phía Bắc, Xã Điện Phương, quận Điện Bàn, nhà thờ tộc Trần của tôi) và hữu ngạn (phía Nam, xã Duy Phước, quận Duy Xuyên, dọc theo nhánh sông nầy, trước kia cũng là cố hương của tộc Trần, vì có 5 phái), nhánh tả ngạn đến Kim Bồng, qua khỏi cầu Cẩm Kim (nối chợ Thanh Hà và Cẩm Kim) gặp cù lao, tách đôi, nhánh tả ngạn chạy dọc theo đường Bạch Bằng nơi phố cổ Hội An, nhánh sông nầy gọi là sông Hoài, có cây cầu An Hội (gần chùa Cầu) bắt qua An Hội và cầu Cẩm Nam (phía dưới chợ Hội An, trên đường Hoàng Diệu) bắt qua Cẩm Nam… khi đến cầu Cửa Đại, hai nhánh sông gộp lại, chảy ra vịnh Cửa Đại.
Trên dòng sông có các đập thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và thủy điện Đăk Mi 4. Nạn chặt cây lấy gỗ và làm thủy điện đã tàn phá cây cối vì vậy mỗi khi mưa lớn không giữ nước được nên nước mưa dễ tràn xuống sông!
Thật tình dòng sông Thu Bồn – Vu Giang từ thượng nguồn chảy ra biển không biết được bao nhiêu nhánh sông khi tách ra rồi hợp lại như hai câu thơ của Luân Hoán: “Sông Thu mấy nhánh tôi không biết. Xin giữ trong lòng chỗ nằm nôi”. (Xa quê hương lâu qua nên dựa vào ghi nhận trên internet để mô tả).
Tuy xa chốn cố hương, nhưng mỗi lần nghe tin lũ lụt, lời ca Tiếng Sông Hương gần sáu thập niên qua vẫn ám ảnh:
“Trời rằng,
trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi,
khiến đau thương thấm tràn…”
Đã từ lâu, tôi viết về những người bạn thơ nơi phố cổ từ những ngày lang thang trên những con đường phố đến tháng ngày lưu vong nơi hải ngoại. Qua năm tháng, hình ảnh Hội An vẫn nhớ mãi như lời nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu: “Tôi ra đi mang theo quê hương” và hình ảnh đó qua các bạn thơ:
Với Thái Tú Hạp:
“… Người đi thương nhớ Hội An
Nghìn xưa sau có muôn vàn đớn đau?
Thèm về với phố u sầu
Với thành quách cũ lên màu thời gian”
(Buồn Hội An của Thái Tú Hạp đăng trên tờ Bách Khoa năm 1962)
Với Lê Văn Trung:
“Dòng sông tiềm thức chừng xao động
Vỗ mãi bờ xa cũng bạc đầu
Ai thả trôi theo mùa nước lũ
Nỗi niềm hoài cổ chảy về đâu?
(Lần Trang Sách Cũ – Lê Văn Trung)
Với Trần Trung Đạo:
“Em về phố Hội chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng
Ta như giọt nước mùa mưa đó
Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông”.
(Em Về Phố Hội – Trần Trung Đạo)
Với Luân Hoán:
“Gió tha thướt vỗ trăm lời thân mật
Mừng ta về thăm lại ấu thơ xưa
Lặng nhìn nhau, phố đã nhận ra chưa?
Ta vĩnh viễn một thằng con bất hiếu
Thân phiêu bạt, giờ đây lòng trải chiếu
Bước bâng khuâng xin thâm tạ ơn đời
Ba mươi năm hồn thả sợi tình lơi
Bao giờ buộc đời ta vào với phố?’ –
(Đêm Mưa Về Hội An – Luân Hoán).
Với Phùng Minh Tiến:
“Tôi về thăm lại trường xưa
Tường rêu đứng lặng mấy mùa chia xa
Giảng đường chết lặng bên hoa
Bước chân ngày cũ ai qua chốn này
(Trường Xưa – Phùng Minh Tiến)
Với Lê Đình Phạm Phú:
“Một chiều Hội An nhớ về mấy ngã
Anh bâng khuâng nhìn suốt giải sông Thu
Chảy trong lòng quê hương nghèo tơi tả
Nên rất buồn trên những bước phiêu du
(Về Ru Tình Quảng – Lê Đình Phạm Phú)
Với Dư Mỹ:
“… Hội An ơi, từng tên quán, tên đường
Từng con hẻm trong lòng ta sống lại
Ta nhớ mãi tiếng cười cô em gái
Buổi trưa hè gội tóc bãi Kim Bồng
Đêm trăng về ngồi vọc nước bờ sông
Xếp thuyền giấy thả xuôi dòng Cửa Đại
… Hội An đó biết bao điều muốn kể
Đã đi vào cổ tích phải không em
Đã đi vào trong mỗi một trái tim
Mà dĩ vãng vẫn còn vương vấn mãi”
(Hội An Nỗi Nhớ Trong Ta – Dư Mỹ)
Với Hoàng Quy:
“… Người xưa đã quá xa xăm
Phố xưa úp mặt khóc thầm cùng ai
Ta về níu vạt áo dài
Che đầu hát khúc thiên thai tạ đời!”.
(Người Xưa Phố Cổ – Hoàng Quy)
Với Đoàn Ngọc Nam:
“Ai về thăm phố Hội An
Cho tôi nhắn gởi lời vàng nhớ thương
Dầu cho phiêu bạt tha phương
Tình tôi vẫn mãi vấn vương ban đầu…
… Ra đi mang nặng khối tình
Hội An phố cổ bóng hình in sâu…”.
(Nhớ Hội An – Đoàn Ngọc Nam)
Và, bài thơ Hội An Mùa Không Em của Nguyễn Lan Hương ở trong nước:
“Nghe đài báo nước về dâng phố Hội
Hàng bằng lăng bỗng xơ xác tiêu điều
Con sông Hoài oằn mình trong nước xiết
Ánh đèn lồng tắt vụt mấy mùa yêu.
Có nỗi nhớ gọi em về phố Hội
Gửi cho anh một chút nắng quê nhà
Cho ấm lại bát mì thơm xứ Quảng
Thắp lại ngọn đèn lồng khi mùa bão đi qua…”
Cùng với những dòng thơ trên, qua Facebook của các cháu ở Hội An và vài hình ảnh trên internet để post vào đây, hình bóng quê nhà xa xôi vào trung tuần Tháng Mười năm 2022.
(Tiệm thuốc Bắc của người chị thứ tư, nay đã 94 tuổi, nằm ở góc đường Trần Quý Cáp & Bạch Đằng bên hông chợ Hội An hứng chịu nước dâng cao trong nhà khoảng 2 m, mỗi khi nghe báo tin bão lụt phải dọn các tủ đựng thuốc lên lầu rất mệt, vất vả; nhà hàng, café của đứa cháu trên đường Nguyễn Thái Học tuy cao hơn mặt đường một mét nhưng cũng bị nước tràn vào, sợ nhất là bếp núc). Người dân sống trên những con đường nơi phố cổ gần sông Hoài lâm vào hoàn cảnh “Trời hành cơn lụt mỗi năm” chỉ biết kêu trời!
Little Saigon, October, 10, 2022