Khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình kế thừa một đất nước đứng giữa ngã ba đường. Nhìn bề ngoài, Trung Quốc (TQ) dường như là một cường quốc đang trỗi dậy “không thể ngăn cản được”. TQ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và vẫn “mê sảng” trong ánh hào quang rực rỡ của Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008.
Nhưng sâu trong những bức tường cao của Trung Nam Hải, nơi Tập khi còn nhỏ thường đến thăm người cha đã quá cố là ông Tập Trọng Huân, một phó thủ tướng có tư tưởng tự do, nhà lãnh đạo mới của TQ chứng kiến một đất nước đang gặp khủng hoảng.
Tham nhũng tràn lan gây khó khăn cho Đảng Cộng sản (ĐCS) và tạo sự bất bình trong dân chúng, làm giảm tính hợp pháp của một chế độ mà cha của Tập đã giúp đưa lên nắm quyền. Khuyến khích làm giàu trong nhiều thập niên cải cách kinh tế đã dẫn đến khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và làm xói mòn hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gây khủng hoảng niềm tin. Và khi Mùa xuân Ả-rập lật đổ các nhà độc tài ở Trung Đông, sự trỗi dậy của mạng xã hội ở TQ đã tạo ra sân chơi hiếm hoi để thể hiện những bất đồng chính kiến, kêu gọi công bằng xã hội và thay đổi thể chế chính trị. Tập Cận Bình phải đối mặt với những thách thức rõ ràng này.
Sinh ra đã là “princeling” (thái tử đảng), thế hệ con cái những anh hùng cách mạng cha đẻ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Tập tự xem mình là vị cứu tinh, được giao phó lèo lái đảng khỏi các mối đe dọa đối với sự tồn vong của nó. Nhưng thay vì đi theo con đường cải cách của cha mình, Tập đã chọn con đường khác: Kiểm soát hoàn toàn! Kết hợp kịch bản độc tài cũ và công nghệ giám sát mới, ông ta đã loại bỏ các đối thủ, siết chặt trật tự kinh tế, làm cho đảng có mặt khắp nơi (chính phủ, quân đội, xã hội và trường học…) và đưa chủ nghĩa sùng bái cá nhân vào cuộc sống hàng ngày.
Ông Tập cổ vũ mạnh mẽ “Giấc mơ TQ” về trẻ hóa đất nước, quảng bá tầm nhìn đầy cám dỗ: Khôi phục lại thời kỳ vinh quang trong quá khứ của TQ và giành lại vị trí xứng đáng trên thế giới. Mười năm trôi qua, TQ của Tập giàu có, mạnh mẽ và tự tin hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời cũng độc tài, hướng nội và hoang tưởng hơn. TQ đã củng cố tầm ảnh hưởng quốc tế với cái giá là suy giảm mối quan hệ với phương Tây và nhiều nước láng giềng.
Tại Đại hội đảng bắt đầu vào Chủ nhật 16 Tháng Mười, Tập đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ. Đây cũng là lễ đăng quang của ông với tư cách là “nhà lãnh đạo quyền lực nhất của TQ” kể từ Chủ tịch Mao Trạch Đông, mở đường cho khả năng cầm quyền suốt đời. Nhưng khi Tập phải vật lộn với suy thoái kinh tế nghiêm trọng và người dân ngày càng thất vọng với chính sách không khoan nhượng trong cuộc chiến Covid-19, căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ và các đồng minh; cảm giác khủng hoảng trước ngày Tập lên nắm quyền vẫn tiếp tục ám ảnh và định hình sự cai trị của ông ta trong những năm tới, thậm chí nhiều thập niên tới.
Vượt qua thách thức, củng cố quyền lực
Ngoi lên nấc thang quyền lực ở các tỉnh ven biển nhộn nhịp trong thời kỳ cải cách và mở cửa, Tập không thiếu kiến thức về nạn tham nhũng ở cấp địa phương. Nhưng sự lạm dụng quyền lực trắng trợn và những rạn nứt sâu sắc ở cấp cao nhất của ban lãnh đạo được phơi bày trong vụ bê bối của Bạc Hy Lai đã làm trầm trọng thêm cảm giác nguy hiểm của Tập đối với sự tồn vong của đảng. Tập bắt đầu phát động cuộc chiến tàn bạo và lâu dài nhất của đảng. Các cuộc thanh trừng quy mô của Tập không chỉ nhắm vào những kẻ tham nhũng mà còn nhắm vào những kẻ thù chính trị. Cuộc đàn áp đã giúp lập lại kỷ cương, xây dựng lòng trung thành và văn hóa sợ hãi, bóp nghẹt sự phản đối và giúp Tập tập trung thâu tóm quyền lực. Ông ta tự cho mình là người mạnh mẽ, dị ứng với quy tắc “tập thể” được cho là chỉ làm trầm trọng thêm chủ nghĩa bè phái dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao).
Kết quả, chỉ trong bốn năm, Tập đã xác lập được vị thế là “trụ cột” của ban lãnh đạo đảng, đủ mạnh để yêu cầu 96 triệu đảng viên “thống nhất tư duy, ý chí và hành động” quanh ông ta. “Tập nghĩ rằng công cụ duy nhất để ông ta cai trị trong nước và gây thanh thế ở nước ngoài là một ĐCS thống nhất, mạnh mẽ và thực quyền. Vì vậy, ông ta xem việc đặt đảng dưới sự cai trị của mình là sứ mệnh – Richard McGregor tại Viện Lowy nhận định – Tập vừa củng cố bản thân, vừa củng cố phe nhóm như một phương tiện hỗ trợ cho mình”. Nhưng thống nhất đảng từ bên trong chỉ là một phần trong kế hoạch của Tập Cận Bình. Dưới thời Tập, đảng đã len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống, thành lập lại các chi bộ cơ sở và lập ra các chi bộ mới tại các công ty tư nhân và nước ngoài.
Đảng siết chặt kiểm soát truyền thông, giáo dục, tôn giáo, văn hóa, bóp nghẹt xã hội dân sự và mở ra các cuộc đàn áp khắc nghiệt ở Tân Cương và Hong Kong. Tập cũng tăng cường quyền kiểm soát của đảng đối với nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân từng sôi động. Cuộc đàn áp sâu rộng của ông ta đã buộc các trùm doanh nghiệp phải quì gối và xóa sổ hàng ngàn tỷ đôla giá trị thị trường khỏi các công ty TQ. Trong lĩnh vực trực tuyến, kiểm duyệt rộng rãi kèm trừng phạt đã đưa các phương tiện truyền thông xã hội vào khuôn phép theo mô hình mà Đảng mong muốn. Thay vì đóng vai trò xúc tác cho cải cách chính trị và xã hội, truyền thông trở thành cái loa tuyên truyền của đảng và là nơi nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc.
Giấc mơ thành ác mộng
Nỗi ám ảnh phải kiểm soát hoàn toàn đất nước của Tập còn được hình thành bởi chấn thương sự sụp đổ của Liên Xô mà ông ta đã nhiều lần xem là “câu chuyện cảnh giác” cho ĐCS TQ. “Tại sao Liên Xô tan rã? Tại sao Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ? Một lý do quan trọng là lý tưởng và niềm tin bị lung lay” – Tập nhấn mạnh với các quan chức cấp cao trong một bài phát biểu vài tháng sau khi nắm quyền lãnh đạo. Để giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin vào đảng, Tập đã thẳng tay đàn áp tôn giáo, củng cố lại hệ tư tưởng chủ nghĩa Marx và quảng bá “triết học” mang tên mình.
“Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ cho kỷ nguyên mới” được ghi trong điều lệ đảng và nằm trong các bài phát biểu và cuộc họp của đảng. Nó cũng tràn ngập các bảng quảng cáo, trang nhất báo chí, màn hình rạp chiếu phim và được dạy trong các lớp học trên cả nước, cho cả trẻ em dưới 7 tuổi. Trung tâm của “Tư tưởng Tập Cận Bình” là khái niệm về giấc mơ “sự trẻ hóa vĩ đại đất nước TQ”, tầm nhìn được Tập công bố chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền. Kể từ đó, nó trở thành dấu ấn trong sự cai trị của ông ta, định hình nhiều chính sách của Tập cả trong lẫn ngoài nước.
_____________
Steve Tsang, Giám đốc Viện TQ tại Đại học SOAS (School of Oriental and African Studies), London:
“Tập xem việc đưa TQ đến miền đất hứa với sự trẻ hóa là sứ mệnh. Ông ta đắm chìm trong thần thoại lịch sử TQ, khi TQ là quốc gia và nền văn minh vĩ đại nhất thế giới. Phần còn lại của thế giới cần tôn trọng, ngưỡng mộ và làm theo sự lãnh đạo của TQ”.
_____________
Nhưng đối với những người khác, “Giấc mơ TQ” của Tập Cận Bình đã biến thành cơn ác mộng. Các nhóm thiểu số Hồi giáo bị bắt giam tùy tiện, bị cưỡng bức đồng hóa và bị kiểm soát chặt chẽ. Ở Hong Kong, những người ủng hộ dân chủ chứng kiến sự tự do và hy vọng của họ bị bóp chết. Khắp đất nước, nhiều luật sư nhân quyền, nhà hoạt động, nhà báo, giáo sư, doanh nhân bị bỏ tù hoặc im lặng trong sợ hãi. Dưới mắt Tập, tất cả họ đều là mối đe dọa cho nhiệm vụ xây dựng một quốc gia thống nhất và vững mạnh nên phải dứt khoát xóa bỏ.
Càng ngày, ánh hào quang của “Giấc mơ TQ” càng lụi tàn đối với những người bình thường. Đó là các chuyên gia trẻ ngã quỵ trước áp lực căng thẳng, những người gửi tiền tiết kiệm cả đời vào các ngân hàng nông thôn nay mất trắng, những người mua nhà không thể trả các khoản thế chấp, các chủ doanh nghiệp phá sản, các công nhân bị sa thải và người dân bị đẩy đến bờ vực do phong toả Covid-19. Họ đang phải trả giá cho các chính sách của Tập. Những người vỡ mộng nhất đang tìm kiếm một lối thoát.
“Triết lý chạy” (run philosophy) đã trở thành từ thông dụng của TQ để nói về vấn nạn di cư để thoát khỏi điều mà một số người coi là tương lai diệt vong dưới sự cai trị của Tập. Tập Cận Bình nhiều lần kiêu hãnh nói: “TQ đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn”. Niềm tin này được củng cố bởi sự phân cực chính trị của Mỹ và màn tuyên truyền “mô hình chính trị ưu việt của TQ đã cho phép chúng ta chống lại Covid tốt hơn các nền dân chủ phương Tây”. Nhưng “triết học chạy” là sự bác bỏ hoàn toàn và cho thấy nhiều người TQ không còn niềm tin vào lời hứa của Tập sẽ làm cho TQ vĩ đại trở lại.
Đối đầu với phương Tây, hợp tác với Nga
Nền tảng nuôi dưỡng “Giấc mơ TQ” của Tập là cảm giác căm phẫn cay đắng đối với phương Tây, bắt nguồn từ lòng tự ái “chủ nghĩa dân tộc” trước khi đảng nắm quyền, khi TQ phải chịu đựng “một thế kỷ nhục nhã” dưới tay các thế lực nước ngoài, bị xâm lược, chiếm đóng và làm cho suy yếu. “Các biện pháp của Mỹ chống lại ảnh hưởng gia tăng của TQ trong những năm gần đây chỉ làm tăng cảm giác bị các cường quốc phương Tây chèn ép – Richard McGregor nói – Tập hiểu điều đó và khai thác nó cho mục đích của riêng mình”.
Đứng trên đỉnh Thiên An Môn, hay Cổng Thiên Bình, lối vào chót vót của Tử Cấm Thành, Tập tuyên bố trước những tràng pháo tay vang dội từ đám đông: “Đất nước TQ sẽ không bao giờ còn bị các thế lực ngoại bang ức hiếp, áp bức hoặc khuất phục. Bất cứ ai dám thử, sẽ thấy đầu họ va vào một bức tường thép vĩ đại được rèn bởi hơn 1.4 tỷ người TQ”. Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã nhiều lần cảnh báo chống lại sự “xâm nhập” của các giá trị phương Tây như dân chủ, tự do báo chí và tư pháp độc lập. Ông ta kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhà thờ, phim ảnh và sách giáo khoa của phương Tây, tất cả đều được xem là “những phương tiện gây ảnh hưởng xấu của nước ngoài”.
Dưới thời Tập, TQ công khai cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu với Hoa Kỳ, tận dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng địa chính trị. Mối quan hệ của TQ với phương Tây đang ở mức căng thẳng nhất kể từ những năm 1989 sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, và căng thẳng tồi tệ hơn khi Bắc Kinh ủng hộ ngầm Moscow trong cuộc xâm lược Ukraine. Tập và người đồng cấp Nga Vladimir Putin chia sẻ sự ngờ vực và thù địch sâu sắc đối với Mỹ, tố cáo Mỹ muốn kìm hãm TQ và Nga.
Hai lãnh đạo cùng chia sẻ tầm nhìn về một trật tự thế giới mới đáp ứng tốt hơn lợi ích quốc gia của họ và không còn bị phương Tây chi phối. Nhưng vẫn còn phải xem có bao nhiêu quốc gia sẵn sàng tham gia vào tầm nhìn đó khi nhận thức về TQ ngày càng tiêu cực hơn trong suốt thập niên nắm quyền của Tập ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, ở một số nền kinh tế phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây. Các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh bị nhiều nước láng giềng trong khu vực bác bỏ.
TQ bồi đắp và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng tranh chấp biển đảo với Nhật Bản và thỉnh thoảng lại xung đột biên giới đẫm máu với Ấn Độ. TQ cũng tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Loan, một nền dân chủ tự trị mà Tập thề sẽ “thống nhất” với đại lục. Về phần mình, Mỹ đã thức tỉnh trước cuộc cạnh tranh với TQ và đang làm việc với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng để tiến hành một loạt biện pháp chống Bắc Kinh, cả về địa chính trị, thương mại và công nghệ.