Tôi là mẹ đơn thân, con gái của tôi 14 tuổi thì tôi kết hôn lần hai. Anh ở Mỹ, tôi quen anh do một người bạn giới thiệu, mới một năm thì anh hỏi cưới. Vì tuổi cũng không còn trẻ mọn gì nên tôi đồng ý ngay, thêm nữa gia đình anh ở Việt Nam cũng đến nhà tôi nói chuyện đàng hoàng nên gia đình tôi rất hài lòng và vun vén cho chúng tôi.
Khi anh về lần thứ nhất, chúng tôi có một lễ ra mắt đơn sơ, anh bảo để tôi có thể danh chánh ngôn thuận với bà con hai bên cùng láng giềng bè bạn. Khi trở lại Mỹ anh tiến hành hồ sơ bảo lãnh, anh nói với tôi để hồ sơ nhanh chóng, tôi nên đi trước, gửi con lại cho bà ngoại.
Thời gian đầu, bên cạnh anh, người chồng chưa quen thân, (dù gì thì thời gian bên nhau của tôi và anh khá ít ỏi,) nên anh cũng rất thẳng thắn nói với tôi, “Em có hai năm suy nghĩ, nếu em thấy cuộc sống mới không hợp, em có thể về lại Việt Nam, chúng ta coi như chưa từng biết nhau, đó là lý do tại sao anh chưa vội bảo lãnh con gái em qua.”
Sau hai năm, cuộc sống chúng tôi khá bình lặng, phần lớn là do tính tôi hiền lành chịu đựng, nên nếu có mâu thuẫn gì thì thường là tôi im lặng, cho đến khi anh nguôi ngoai. Anh và tôi đều đi làm, tối đến chúng tôi về cơm nước, nói đôi ba câu chuyện, và một ngày qua đi. Đời sống không vui không buồn, không bão nổi mà cũng chẳng sóng ngầm.
Mọi chuyện cứ bình lặng, sau hai năm, tôi trả lời với anh, tôi sẽ bên anh suốt đời. Trong thâm tâm tôi cám ơn anh đã chăm lo tôi, đã rất tử tế trong việc cưới hỏi, đã rất công bằng khi cho tôi hai năm thử thách, đã giữ chữ tín khi bảo lãnh con gái tôi qua… Tôi cám ơn anh và hứa sẽ sống tốt đến cuối đời.
Sau mấy năm, con gái tôi đã qua. Vấn đề âu lo trước mắt của tôi là đứa con nay đã thành thiếu nữ, sống theo lối sống hư đốn. Khi đến Mỹ, cháu đi học nail và có bạn trai người Mỹ, anh thanh niên mình xăm đầy người, còn ăn mặc quái dị. Hai đứa đi chơi hàng đêm, về khuya, áo quần đổi mới liên tục, còn tóc tai màu sắc thay đổi liên tục. Tôi mà mở miệng la thì cháu trả lời lại những câu đầy oán hận, cay đắng, đôi khi độc ác rằng “Mẹ bỏ con theo trai!”
Anh không nói gì, nhưng một hôm không còn dằn lòng, anh đã la lớn, “Nếu còn một lần nữa đi chơi khuya, tao sẽ đuổi mày đi luôn!”. Đêm đó, không những con gái tôi đi chơi khuya, mà đến gần sáng nó mới về. Anh đứng sẵn nơi cửa với vali áo quần của nó, rồi đuổi nó ra khỏi nhà vào lúc ba giờ sáng. Hai bên to tiếng với nhau, tôi bất lực không làm gì được, chỉ biết khóc!
Anh nói, nếu con tôi còn ở trong nhà này thì anh sẽ dọn đi. Tôi khóc, năn nỉ hết lời nhưng không lay chuyển được anh. Tuổi tôi chưa già lắm vì tôi vẫn còn đi làm, cuộc đời tôi chỉ mong được gần con gái khi tuổi về già mà anh không đồng ý, tôi rất đau khổ, không biết chọn ai! (Phượng)
GÓP Ý
– Khổ
Ở bên này, nói chung, muốn ở gần con cái đâu phải dễ. Nó có cuộc sống riêng của nó, đâu phải nói muốn ở gần là ở gần được. Phải buông nó ra để nó đi tự lập chứ.
Còn nói về đứa con gái của cô, nó đã hư rồi, tuổi đã lớn, ngoài tầm tay bố mẹ, không thể cản cũng không thể dạy được nữa. Nếu cô thiệt thương con thì cô nên cầu cho nó mau biết chuyện để quay đầu lại sống một cuộc sống đàng hoàng là đủ rồi.
Còn chuyện của chồng cô, ai ở trong cương vị của ổng họ cũng làm như vậy thôi. Sống với bố mẹ là phải theo phép tắc của bố mẹ chứ không phải muốn làm gì thì làm, coi bố mẹ không ra gì như vậy.
-Phiên Phạm
Chị Phượng chỉ mong được gần con gái khi tuổi về già, mà chị Phượng đã già đâu? Mà chắc gì khi già chị vẫn còn giữ ý đó! Mà chắc gì khi vẫn còn giữ ý đó thì con gái muốn ở với chị!…
“Ở với nhau” là sự đồng ý của cả hai phía. Chị Phượng và con gái đã xa nhau nhiều năm, trong thời gian này nếu cháu muốn ở với chị, cháu đã làm đủ mọi cách để được gần mẹ.
Gia đình nào cũng có luật lệ riêng, luật lệ được giữ đúng thì gia đình mới vững. Căn cứ vào những điều đã xảy ra, chồng chị Phượng là người trọng chữ tín và rất nhân hậu. Khi anh hứa sẽ bảo lãnh chị, anh đã thực hiện lời hứa. Đến khi qua Mỹ anh tôn trọng chị, không hề vì cớ đã bảo lãnh mà ép buộc chị phải ở cùng. Anh ấy nhân hậu ở chỗ đã nói với cha mẹ xin hỏi chị để chị được danh chính ngôn thuận qua lại gia đình anh. Khi chị qua Mỹ, anh cưu mang, và không hề quan ngại rằng sau đấy chị ra đi hay ở lại.
Chị Phượng! Chị đang có người chồng tốt, nhân hậu và đứng đắn. Đó mới là người chị gửi thân tốt lúc tuổi xế chiều. Con cái, mình thương yêu nhưng con có đời sống riêng của nó. Nó sẽ có chồng, có con. Chị không thể ở mãi bên cháu được. Hãy để cháu tự “bay,” cháu lớn rồi, cháu sẽ có chồng và chồng cháu nhiều phần không muốn ở chung với anh chị. Khi cháu làm chủ một gia đình, chị sẽ thấy cháu giỏi ra, chị sẽ ngạc nhiên khi thấy cháu có trách nhiệm với chồng con.
Nhiều cô gái khi ở với cha mẹ không biết làm gì hết, nấu nồi cơm cũng không xong, nhưng khi lấy chồng, có con, lại trở thành một người nội trợ đảm đang.
Để cho cháu tự “bay” đi chị. Hãy ở lại với anh. Anh không những là người ơn mà còn là người chồng chung thủy, cư xử hợp tình hợp lý.
-Khanh Lữ
Lúc anh ấy làm dữ đuổi cô con gái ra khỏi nhà, chị có hai lựa chọn. Một là bỏ anh theo con hay hai là ở lại với anh và để cho con ra đi.
Ngay lúc ấy chị chỉ biết nhìn con xách valy đi lúc ba giờ sáng, rồi khóc vì không biết làm gì. Theo tôi thì chị đã biết… làm gì rồi đó. Chị đã biết ở lại, để cho con ra đi. Vậy thì giữa chồng với con, chị đã chọn chồng rồi, bây giờ chị còn hỏi “biết chọn ai” là thế nào?
-Dung SG
Thật thông cảm chia sẻ với chị nỗi tủi hổ, đắng cay, khi con nói chị bỏ con theo trai. Chị cứ để cho cháu lăn lóc ngoài xã hội đi. Cháu đã có bạn trai, và đã sống hoang đàng như vậy, chẳng sớm thì muộn có ngày cháu cũng sáng mắt ra. Với cách chị mô tả cháu như vậy, chị không dạy được đâu, nó phải để cho đời dạy mới mong nên người.
VẤN ĐỀ MỚI
Em theo gia đình qua Mỹ cũng hơn 10 năm. Vì gia đình cũng không khá giả nên em lo học hành, đi làm để xây dựng cuộc sống. Em không có thì giờ để nghĩ đến chuyện hôn nhân.
Mới đây anh của người bạn qua định cư. Tụi em gặp lại nhau rồi yêu nhau. Anh ấy tính tốt, biết lo cho gia đình. Em có khuyên anh ấy nên đi học lại để tương lai khá hơn, nhưng anh ấy viện cớ lớn tuổi, mà có lớn gì cho cam, anh ấy chỉ gần 40. Nhưng thôi em cũng không nói nữa.
Anh ấy đi làm công cho một hãng.Tụi em cuối tuần nào cũng gặp nhau, kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra trong tuần. Em thương anh ấy vì tính chịu khó, lúc nào sở gọi overtime là cũng đi, dù cho ngày ấy đã làm tám tiếng và quá mệt nhọc.
Anh ấy nói với em, kiếm được đồng nào hay đồng đó, “Năng nhặt thì chặt bị.” Có khi anh ấy đã hẹn đưa em đi chơi nhưng chỗ làm gọi làm thêm là anh ấy cũng từ chối em để đi làm. Anh ấy nói với em, anh ấy không muốn tương lai hai đứa u ám, anh muốn khi cưới em về hai đứa sẽ không phải bận tâm về tiền bạc. Có một người chồng như vậy thật là an tâm. Nhưng anh ấy có một tính mà em không ưa, nhiều khi em thấy như không phải là anh mà là ma nhập vào ảnh.
Trong lúc làm lụng cực khổ, dành dụm cho tương lai, thì anh có những lúc xài tiền phung phí đến khó hiểu. Ví dụ trong chỗ làm mà quyên góp cái gì đó, thì bao giờ ảnh cũng đóng tiền bằng hay hơn người đóng nhiều nhất. Ví dụ như tổ chức mừng sinh nhật cho một nhân viên, ai cũng góp $10- $20, ông giám đốc góp $50, thì anh góp $50 giống ông giám đốc vậy. Hay trong sở rủ nhau hùn tiền ăn, thì bao giờ anh cũng hô lên là sẽ chịu ½, phần còn lại mọi người chia nhau trả. Nhiều khi em tức lắm thì anh nói, “Em không hiểu gì cả,” và sau đó không giải thích để em biết lý do anh làm vậy.
Em nghĩ tiền ảnh đi làm over time đã xài hết vào những trò vô lý đó. Em không muốn ảnh như vậy, mà nói ảnh thì cứ một câu trả lời, “Em không hiểu gì cả.” Mà em không hiểu thật, em chỉ muốn anh chấm dứt cái trò điên rồ đó mà không biết làm sao? (Trang Tr.)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.