Ý nghĩa câu ca dao về tình nghĩa thầy trò

Học trò miền Nam trước 1975 (file photo)

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu mà mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng từ thuở còn nằm nôi cho tới lúc đã trưởng thành. Riêng tôi, câu ca dao sau đây đã thấm vào lòng tôi từ thuở ấu thơ, là một trong những lời ru ngọt ngào, trầm ấm và có sức biểu cảm lạ lùng:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!

Thật ra, câu ca dao trên là một cặp lục bát, ngay cả bản “chánh gốc” của nó cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, càng đi sâu càng rắc rối, nói chi đến những “dị bản”. Mời các bạn cùng chúng tôi thử phân tích, tìm hiểu ý nghĩa câu ca dao dẫn trên.

*Trước hết là câu lục: “Muốn sang thì bắc cầu kiều”.

“Kiều” là từ Hán-Việt. Có bốn chữ kiều trong hơn mười chữ có liên quan tới câu ca dao: kiều 乔= cao; kiều 喬 = cao; kiều 峤 = (văn) núi cao và nhọn; kiều 娇 = đẹp, duyên dáng;  kiều 橋 = cây cầu. Có người dựa vào tiếng Việt cổ giải thích: “kiều” có nghĩa là cao, “cầu kiều” có nghĩa là cây cầu cao.

“Sang” theo nghĩa nôm trong Đại Từ Điển Tiếng Việt, có hai nghĩa:

.“Sang”: Đến một chỗ khác gần với nơi xuất phát.

.“Sang”: Có địa vị và danh vọng, được mọi người kính trọng.

Theo Đặng Thiêm, báo Ngôn Ngữ & Đời Sống số 3/2009, trong một hội thảo địa phương về Ngày Nhà Giáo, người thuyết trình giải rằng: “Sang” là sang trọng, đỗ đạt hiển vinh; “Cầu kiều” là cầu đẹp. Có như thế mới xứng với sang. Ông còn cho biết có một “đáp án” của một bài văn kiểm tra cũng yêu cầu giải thích theo hướng ấy (?).

Ngoài ra, Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị đã chép câu ca dao trên như sau:

Muốn sang thì bắc phù kiều / Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy (Âm B, tr.70).

Dị bản của PGS TS Phạm Văn Tình cũng đồng ý bắc “phù kiều”.

Trong quan niệm cầu kiều là cầu đẹp, bởi lẽ kiều ở đây là kiều diễm, cầu nổi (phù kiều) nên có người lấy điển tích thời Tam Quốc để cắt nghĩa câu ca dao trên. Đó là cây cầu đẹp như  cầu vồng trên lưng chừng trời do Tào Tháo xây. Sau đó, Khổng Minh cố tình đổi việc xây hai cây cầu thành rước hai nàng Kiều (Đại Kiều là vợ của Tôn Sách, vua Đông Ngô; Tiểu Kiều là vợ Châu Do, danh tướng, nhà quân sự tài ba của Tôn Sách và Tôn Quyền) để khích Châu Do liên minh với quân Khổng Minh dùng hỏa công đốt quân Tào Tháo tại Xích Bích.

Có người dựa vào ngôn ngữ học để giải thích. Trong tiếng Việt, sự kết hợp giữa một từ Việt và một từ Hán, và ngược lại rất phổ biến. Nó làm cho nghĩa của từ khái quát hơn. Chẳng hạn như: xương cốt, binh lính, mưu mẹo, v.v… Cầu kiều là cầu nói chung vẫn không ra ngoài thông lệ đó.

*Kế đến là câu bát:“Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Câu nầy lại có nhiều dị ngôn, dị bản nên cũng dị nghĩa. Cụ thể là :

.Muốn cho hay chữ thì yêu lấy thầy. Đối tượng để khuyên răn, dạy bảo là người học trò.

.Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Nghĩa rộng hơn, đối tượng để khuyên răn gồm học trò và cha mẹ học trò. Từ “phải” có vẻ nặng nề, ra lịnh.

.Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy. Nghĩa cũng hẹp, chỉ nói lên lòng yêu kính thầy.

.Muốn con hay chữ thì yêu lòng thầy. Nghĩa cũng hẹp, sau nầy dễ bị hiểu lầm là làm vừa lòng, nịnh thầy bằng cách đi Tết thầy thật “cao lễ” mới “dễ thương” với nhiều quà biếu hậu hĩnh, kể cả tiền bạc.

_________

.Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. “Yêu lấy thầy” ở đây có nghĩa rất rộng. Yêu thầy có nghĩa là yêu mến, kính trọng, làm theo lời dạy bảo của thầy. Từ “lấy” ở đây theo cách nói dân gian có nghĩa tự mình, chính mình, bằng sức của mình. Ví như: Học lấy một nghề; Làm lấy một việc; Ăn lấy một miếng… Đừng lẫn lộn với lấy chồng, lấy vợ mà phải lòng ông thầy rồi lấy ông thầy làm chồng! Ngày xưa “cậu trò” lại càng không thể lấy “ông thầy” làm chồng được!

Theo thiển ý, nên nói, nên viết câu ca dao như sau:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!

Từ đó nên hiểu câu ca dao theo cách hiểu thông thường: Muốn (đi) sang (đi qua) thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ (giỏi) thì yêu (quý trọng, kính trọng) lấy thầy.

“Cầu kiều” ở đây chỉ là cầu nói chung. Có thể là từ ghép Hán-Việt, hoặc thuần Việt (như cầu kỳ, chợ búa, chùa chiền), có thể là cây cầu cao và chắc chắn cho đò dọc, đò ngang vẫn qua lại được.

Cặp ca dao lục bát nói trên theo thiển ý, nên giải thích như sau: Muốn qua sông, sang sông thì phải chịu khó bắc cầu. Cây cầu phải chắc, không lắc lẻo gập ghình để đi khỏi trợt té. Muốn cho con hay chữ, học hành giỏi giang thì cha mẹ học trò và bản thân người học trò phải yêu quý, kính trọng thầy và biết ơn thầy.

Thật ra, hai câu ca dao trên chính là hai câu cuối của một bài ca dao/hát ru miền Bắc gồm bốn câu thơ lục bát, mà hai câu đầu là:

Bồng bồng! Mẹ bế con sang,

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.

Toàn bài, chính là lời ru ca dao đa thanh (bồng bồng), đa nghĩa, giàu hình ảnh (bế con, đò dọc, đò ngang, cầu kiều). Đó cũng là lời ca dao yêu thương, ngậm ngùi, giọng giãi bày, uất ức làm rung động lòng người!

Viết đến đây, bên tai tôi còn văng vẳng điệu hát Ầu ơ/ hát Đưa em tình nghĩa mà má tôi đã rót vào tai tôi từ thuở còn nằm nôi theo nhịp võng đưa:

Ầu… ơ! Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.

Khó đi, mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời!

Phải chăng lời của điệu hát Ầu ơ/ca dao miền Nam và lời bài hát ru/ca dao miền Bắc đã có sự “giao lưu” văn hóa với nhau? Ở vùng miền nào cũng có những con sông, có những dòng sông. Có dòng sông hiền hòa, êm ả. Có dòng sông nước chảy xiết. Nhưng dòng sông nào cũng là biểu tượng của sự cách ngăn, trắc trở. Muốn đi học, đi chợ, đi làm đều phải qua sông.

Trong bài hát Ầu ơ, muốn qua sông phải “quá giang” chiếc cầu tre lắc lẻo. Cầu tre là đường đi học. Đứa con sợ khó, sợ khổ, sợ té không thể tự mình đi học, tự mình đi qua chiếc cầu khỉ gập ghình được. Người mẹ sẽ dắt con đi. Mẹ và con cùng đi qua cầu. Con thì đi trường học, mẹ cũng đi học… trường đời. Mà đường đời chắc gì bằng phẳng? Còn trường đời thì thiên hình vạn trạng, còn khó gấp ngàn lần việc học của con. Mẹ nắm chắc tay con, dìu con qua cầu. Mẹ con ta phải học hoài, học mãi…

Trong bài hát ru/ca dao miền Bắc, mẹ bồng con đến bờ sông vắng. Cùng con, mẹ than đời mẹ qua bao trải nghiệm đắng cay. Muốn qua sông lại không có cầu. Cũng không có đò dọc, đò ngang (Phải chăng quan lại nham hiểm ngăn sông, cốt cho dân ngu tối để dễ bề đè đầu cỡi cổ?). Không thể làm xiếc đu dây (*), cũng không thể cỡi bè để băng qua dòng nước chảy xiết. Vì vậy chỉ còn cách bắc cầu. Cầu phải cao, phải chắc để qua sông an toàn, để bước vào con đường học tập vững vàng. Ước mơ suốt đời của mẹ không gì khác hơn là đưa con qua bờ bên kia, vượt thoát dòng sông minh mông đói nghèo dốt nát!

_______

(*) Xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) gồm 24 hộ dân (100 khẩu), hằng ngày người dân phải “làm xiếc” trên sợi dây cáp cách mặt nước sông Pô Kô 20 mét, dài 150 mét mới sang được bờ bên kia để đi chợ, đi học.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: